Đi đâu cũng "chết" cái danh Võ Tòng
1. Ngày bé, mỗi lần xem phim "Đất phương Nam", ở xóm tôi, mấy đứa con nít đều sợ đến phát khóc khi nhìn thấy ông Võ Tòng râu ria lồm xồm đi bắt cá sấu, mổ ruột moi gan lấy vàng bạc, châu báu để cưới vợ. Con nít nghịch bậy, các ông bố, bà mẹ lại trợn mắt: "Tao kêu ông Võ Tòng bắt cá sấu tới nhà đó nghe". Vậy là tụi nhỏ im thin thít. Lũ trẻ nít không hiểu trong phim, Võ Tòng chỉ hung dữ với những phường ưng khuyển, còn bà con dân nghèo, anh hiền thấy thương. Vậy nên, người lớn coi "Đất phương Nam", ai cũng mến phận Võ Tòng bi tráng.
Tính Lê Quang tếu táo. Anh đi đâu, nhất là về miền Tây thì chẳng bao giờ bị đói. Dọc đường, gặp anh, sau màn bắt tay bá cỗ, ai cũng dúi vào tay anh trái nọ, thức kia. Đến nỗi sau này đi làm phim, hễ đoàn gặp khó khăn khi xin bối cảnh là lại về cầu cứu anh. Không những xin được bối cảnh miễn phí mà bao lần anh muốn chết giấc vì hễ đi vào nhà dân xin bối cảnh là anh bị "bắt" lại để… nhậu. Chẳng ai nhớ cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho, chỉ một hai gọi anh là Võ Tòng.
Người ta cứ đinh ninh vai Võ Tòng được đo ni đóng giày cho anh. Thật ra trầy trật lắm Lê Quang mới có được vai diễn ấn tượng đó. "Tôi phải chạy từ Long Hải lên TP HCM từ sáng sớm. Đến nơi thì thấy đông người đến thử vai quá, người nào người nấy đều to cao vạm vỡ, râu quai nón rậm rì, đẹp trai lồng lộng. Đứng trong đám thanh niên đó, tôi thấy mình giống như con cóc xấu xí, chắc chắn bị loại ở vòng gửi xe. Vậy là tôi lủi. Đi được nửa đường thì anh trợ lý đạo diễn gọi, biểu tôi quay lại thử vai" - Lê Quang kể.
Vào trường quay, đạo diễn Vinh Sơn lắc đầu cười: "Trời ơi, tụi nó bảnh thì chỉ thích hợp làm mấy vai anh hùng, công tử thôi chứ vai Võ Tòng này cần vóc người ra dáng nông dân miền Tây. Dáng anh cục mịch, thấp đậm như vầy thì hợp quá rồi". Đạo diễn yêu cầu Lê Quang vào vai một người có nhiều ẩn ức, đau khổ dồn nén nhưng không thể nói được.
Máy chạy, Lê Quang nhìn vào màn hình rồi quay hướng nhìn về phía đám diễn viên. Trong tâm trí anh cào lên câu hỏi: "Mọi người có hiểu tôi không? Thân phận tôi, cuộc đời tôi, có ai hiểu khi tôi không thể kể bằng lời?". Chính câu hỏi đang xoáy trong tâm trí khiến ánh mắt anh như van lơn pha lẫn ẩn hằn uất ức không thể bày tỏ. Ánh mắt ấy thuyết phục hoàn toàn đạo diễn Vĩnh Sơn để ông tự tin giao cho anh vai Võ Tòng - một con người trượng nghĩa, khát khao yêu thương trong hình hài một con người dữ tợn, thô ráp, và ngôn ngữ chỉ là tiếng thét những khi bị dìm xuống nỗi đau tột cùng.
Lê Quang (thứ 2 từ trái qua) trong vai Võ Tòng - phim "Đất Phương Nam". |
Xem phim "Đất phương Nam" người ta đều khiếp hãi khi thấy Võ Tòng săn cá sấu, lặn ngụp trong bùn sình, trong rừng đước, chạy tránh mìn giặc. Rễ cây đước nhọn hoắt, miểng chai, gai đâm nát chân; muỗi, đỉa bám kín tay chân, mặt mũi đến phát ghẻ là chuyện thường. Đang diễn, thấy ngứa rần rần ở dưới chân, rút chân ra khỏi bùn lầy thấy vết thương bê bết máu đang toang hoác nhiễm trùng do cả ngày lặn lội dưới sình. Con cá sấu bị gây tê phần mõm, tứ chi nên Lê Quang tha hồ vật lộn với nó. May mà, suốt các phân cảnh chưa lần nào đang diễn mà nó chợt tỉnh.
Cảnh chạy trong rừng đước, bị quân Pháp dội bom mới khiến anh nổi da gà. Để tạo hiệu ứng khói lửa, thuốc nổ TNT được thêm xăng. Có năm nơi gài thuốc nổ, nhưng để nhớ được chính xác là điều khá khó khăn vì rừng đước cây cối chằng chịt, nước ngập ngang gối. Theo kịch bản thì thuốc nổ ở các vị trí được đánh số lần lượt nổ sau lưng Lê Quang khi anh chạy để tránh nguy hiểm. Thế nhưng khi Lê Quang bắt đầu chạy thì nghe một tiếng nổ sát rạt bên tai mình, khói xăng bao trùm lấy người anh. Bộ phận kỹ thuật đã sơ suất khi bấm nhầm trái nổ ở vị trí số 1 sang vị trí số 2. May là lần đó anh chỉ bị cháy sém râu tóc chứ không bị bỏng nặng.
2. Lê Quang thật thà: "Tôi không biết gì về điện ảnh, cũng chẳng biết gì về âm nhạc. Mình thấy sao diễn vậy, hát vậy". Anh bén duyên điện ảnh khi còn là ông chủ của một nhà hàng ở Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn làm phim của đạo diễn Lê Hoàng Hoa quay phim "Ngọc Trảng thần công" tình cờ ghé quán của Lê Quang. Thấy tay chủ quán có tướng tá hay quá, đạo diễn hỏi chơi: "Anh có thích đóng phim không? Đóng cho tụi tôi một cảnh cho vui". Lê Quang chỉ vào mặt mình: "Tôi thì biết cái gì mà đóng. Chỉ khoái coi phim thôi". Hồi nhỏ, cậu bé cực mê vai các anh hùng võ thuật như Lý Tiểu Longhay các tay anh chị xã hội đen Hồng Kông… Lớn lên vẫn mê, vậy là liều đóng thử coi sao.
Nhưng sau khi xem bộ phim, Lê Quang xấu hổ tự thề với lòng mình là chẳng bao giờ dính dáng tới phim ảnh nữa. Số là trong phim, anh chỉ việc mặc bộ đồ cổ trang, cầm bó đuốc đứng canh… công chúa tắm. Chấm hết. Lên phim, cái mặt của mình anh cũng không kịp thấy thì nói gì khán giả. "Giã từ điện ảnh" không bao lâu thì đạo diễn Vinh Sơn mời anh đóng vai thủ lĩnh toán cướp. Có vai ra trò nên Lê Quang nhận lời. Hì hục tập đánh đấm cả tháng trời thì đạo diễn Vinh Sơn hỏi nhỏ anh có vào vai ông già được không? Sau một hồi giãy nảy thì Lê Quang cũng gật đầu với điều kiện: "Em đóng không được vai này thì anh để em đóng tướng cướp đó". Nhưng Lê Quang đã lột tả thành công một ông già vẻ ngoài hung dữ, đến phút nguy hiểm cho cháu mình, ông sẵn sàng bảo vệ và hứng đạn thay cháu.
Đóng phim, Lê Quang chẳng bao giờ cần cascadeur thế vai cho những pha nguy hiểm. Phóng xe mô tô lao xuống hầm cá sấu hay đu dây điện đến nỗi nó quất vào người tóe máu, anh đều nằng nặc để mình làm, vậy mới có thêm tiền trang trải cuộc đời diễn viên bấp bênh và thỏa cái tính liều.
Sau vai phụ cho các phim "Mảnh đất tình đời", "Đảo hải tặc", "Người đẹp Tây Đô" thì đến "Đất phương Nam", tên tuổi Lê Quang mới thực sự được công chúng đón nhận bằng một thiện cảm không diễn viên nào dễ có. Lê Quang bảo rằng cái bóng quá lớn từ Võ Tòng là một vinh dự nhưng đó cũng là áp lực. Sau này, những vai diễn của anh trong "Người Bình Xuyên", "Màu xanh đôi mắt", "Viên ngọc Côn Sơn", "Trùng Quang tâm sử", "Chúa tàu Kim Quy"… đã không thể vượt qua cái bóng quá lớn này.
Và cũng từ dư âm đó, đóng phim, anh luôn chọn lựa những nhân vật tuy xấu xí, hành động có thể ác ôn nhưng sâu thẳm trong tâm hồn là những ẩn ức, khát khao lương thiện bị đè nén. Kịch bản "Nơi trái tim trở lại" (đạo diễn Lê Cung Bắc) nhân vật chính là một người cha rượu chè be bét, hễ rượu vào là đánh vợ, đập con. Hắn ta đánh vợ đến chết và nhen nhóm ý định ăn thịt đứa con riêng của vợ. Đọc tới đó, Lê Quang lắc đầu: "Tôi không đóng vai này đâu. Ác quá". Anh về nhà kể câu chuyện của nhân vật này cho vợ con nghe. Vợ con thản nhiên, chuyện phim ảnh thì câu nệ làm gì. Thế nhưng, với Lê Quang, anh sợ khi mình vào vai này, hình tượng của Võ Tòng dũng mãnh, nặng nghĩa chí tình sẽ bị sụp đổ. Nhưng phim là đời, cuộc đời người chồng say rượu đánh vợ đến chết có không? Đầy rẫy. Vậy sao không đóng vai như thế để ít nhiều thức tỉnh người đời. Kết phim, người chồng bỏ rượu, trở thành một kẻ khùng khùng điên điên chăm sóc nấm mồ vợ cho đến khi lìa đời.
Anh dấn thân vào nghiệp cầm ca đã hơn 10 năm. Gắn bó với bộ phim "Đất phương Nam" nên mỗi lần giao lưu, khán giả lại yêu cầu anh hát nhạc phim. Ai ngờ một gã thô kệch như vậy mà lại có chất giọng ngọt lịm, mùi mẫn. Những bài dân ca anh hát, nặng con sóng nước miền Tây mênh mang, của thân phận người nông dân trên cánh đồng mưa nắng, của tình cha con, vợ chồng người quê… Và đi đâu, trên sân khấu ca nhạc nào, nhắc tới Lê Quang chẳng ai biết, nhưng hễ đính kèm chữ Võ Tòng thì mọi người vỗ tay rần rần. Phận anh đã "chết" cái danh Võ Tòng