Đi chợ Đụn mua tấm vó Vạn Đồn

Thứ Năm, 12/12/2019, 17:25
Vạn Đồn là một làng cổ trong số tám trang ấp thuộc Bát Đụn Trang. “Bát Đụn Trang”, có nghĩa là tám (8) trang ấp đứng trên 8 đụn đất. Sử liệu phản ánh rằng, trước khi triều đại nhà Trần ra đời, vùng đất nằm ven lưu vực sông Hóa gần với cửa biển Đông, giữa vùng trời đất mênh mông bát ngát nổi lên tám đụn đất khổng lồ...

Bác Nhữ là người đàn ông quê mùa thuần phác chuyên đóng cối xay. Gia đình bác là chỗ hàng xóm và cũng là họ hàng dây mơ rễ má với đằng ngoại của mẹ tôi. Mấy anh con trai của bác Nhữ nổi tiếng làng Gang về khoản sát cá.

Gặp bữa Chủ nhật nên tôi được mẹ cho theo chân bác Nhữ đi chợ Đụn mua vó. Từ làng Gang của tôi tới chợ Đụn tầm chừng 10km. Hôm đó, bác Nhữ chọn đi lối tắt bằng cách từ làng Gang lên đê  Hệ, từ đó xuôi theo đê sông Hóa về phía biển Đông mà tới chợ Đụn của Vạn Đồn. Làng Vạn Đồn thuộc xã Thụy Hồng, cùng huyện Thái Thụy (Thái Bình) với tôi.

Trước khi vào chợ Đụn, hai bác cháu dừng bước trên đê sông Hóa nghỉ chân cho ráo mồ hôi. Ngồi ngoảnh mặt ra sông Hóa mênh mông phù sa và lồng lộng những cơn gió nồm nam vô tư hào phóng, bác Nhữ bảo, sau lưng chúng tôi là Vạn Đồn, bên kia sông là Cổ Am quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng.

Bác Nhữ kể, Vạn Đồn là một làng cổ trong số tám trang ấp thuộc Bát Đụn Trang. “Bát Đụn Trang”, có nghĩa là tám (8) trang ấp đứng trên 8 đụn đất. Sử liệu phản ánh rằng, trước khi triều đại nhà Trần ra đời, vùng đất nằm ven lưu vực sông Hóa gần với cửa biển Đông, giữa vùng trời đất mênh mông bát ngát nổi lên tám đụn đất khổng lồ.

Nhà thờ xứ đạo Vạn Đồn.

Nơi sông Hóa hòa vào Biển Đông người ta gọi là cửa Đại Bàng. Xuôi về phía biển, làng Vạn Đồn (Đụn) nằm cách cửa Đại Bàng tầm 5km. Trong cuộc đánh đuổi giặc Nguyên xâm lược lần thứ nhất (1258), triều đại nhà Trần đã xem khu vực cửa Đại Bàng là một trong những phòng tuyến cực kỳ quan trọng. Do đó, nhằm ngăn chặn đường tiến (và rút) quân bằng đường sông Hóa tiến ra biển của địch, nhà Trần đã cho xây dựng tuyến phòng thủ nơi cửa biển bằng việc lập nên cái gọi là “Lưu đồn (bốt) hành cung” ngay trên 8 đụn đất gần cửa Đại Bàng. Một trong số 8 đụn đất đó sau trở thành làng mang tên: Đụn!

Trong quá trình xây dựng đồn binh Vạn Đồn, các tướng nhà Trần là Bùi Công Bình, Nguyễn Phúc Hiến, Dương Mãnh Đại... đã tổ chức khẩn hoang 8 đụn đất hoang hóa gần cửa Đại Bàng thành những địa chỉ màu mỡ. Sau khi tướng quân Bùi Công Bình qua đời, ngài được Vua Trần phong tước vị “Hùng Cảnh Đại Vương Thượng Đẳng Thần”. Hiện nay, phần lăng mộ của vị tướng quân lừng lẫy đó vẫn nằm tại làng Lưu Đồn - cùng địa bàn xã Thụy Hồng với Vạn Đồn.

Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân lính về đồng ruộng), nhà Trần đã cho những binh lính đồn trú ở Vạn Đồn được giải ngũ. Nhưng họ không trở lại nơi chôn nhau cắt rốn mà lấy nơi mình đóng quân làm quê hương bản quán. Vậy là những người lính “xuất ngũ” này đã ra sức khai khẩn 8 đụn đất lập thành 8 làng, trong đó có làng Đụn, tức Vạn Đồn bây giờ.

Có làng thì phải có chợ. Thế nên chợ Đụn hình thành từ thuở ấy. Như vậy, khởi thủy của thôn Vạn Đồn là làng Đụn. Còn cái tên Vạn Đồn ra đời thay cho tên gọi “Đụn” trước đó là nhằm chỉ làng vốn thuộc khu vực phòng thủ quân sự có “vạn đồn binh” của triều đại nhà Trần, kéo dài từ cửa Đại Bàng ngược lên phía Bắc suốt dọc hai bên bờ sông Hóa. Tính từ đó tới nay, làng Vạn Đồn (Đụn)  đã có tuổi đời hơn 700 năm có lẻ.

Khi diễn ra cuộc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1288), Vạn Đồn được bổ sung thêm quân sĩ. Và lần này, Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã lập “Lưu Đồn hành cung” ở sát Vạn Đồn làm sở chỉ huy cuộc kháng chiến. Ngày nay, tại làng Lưu Đồn vẫn còn dấu vết của bốn chòi canh bảo vệ hành cung Vạn Đồn của triều Trần. Dưới đáy bảy cái giếng do Hưng Đạo Vương cho đào để lấy nước sinh hoạt cho binh lính đều đóng bốn cọc gỗ lim, có chặn bằng một tảng đá lớn, thành giếng xây bằng đá.

Cả bảy giếng nước nói trên, hiện nay người làng vẫn đang sử dụng. Sử sách truyền rằng Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đều đã từng tắm ở những giếng nước này, vì thế mới có câu ca truyền tụng muôn đời, rằng: “Giếng này tắm đức thánh quân/ Nước vo hạt gạo trắng ngần dẻo thơm”.

*

Khi tôi hỏi “nghề đan vó của Vạn Đồn có từ bao giờ” thì cụ Bùi Công Hãn, tuổi ngoài 80 móm mém cười trừ cùng cái lắc đầu đoạn thủng thẳng đáp, đến ngay đời cụ nội của ông cũng chẳng thể trả lời chính xác câu hỏi ấy nữa là mình và sau này là con cái, cháu chắt. Nhưng cụ Hãn lại chắc như đinh đóng cột: thời cụ nội của mình còn sống có kể rằng, thuở mới lên sáu, lên bảy thì đã thấy nghề đan vó của Vạn Đồn phát vượng chưa từng thấy rồi.

Cứ như những gì mà sử sách ghi chép thì, thuở làng Đụn (Vạn Đồn) còn thuộc Bát Đụn Trang, vùng đất này mênh mông sóng nước, tôm cá còn nhiều hơn cả sao trên trời. Để có cái sinh nhai, chắc chắn những cư dân (quân sĩ nhà Trần) đầu tiên của làng phải tìm phương cách đánh bắt thủy - hải sản, trong đó có việc dùng vó (?!). Mà theo niên lịch thì tuổi đời của làng Vạn Đồn nay đã hơn 700 năm, vậy nghề đan vó cũng đã có thâm niên như thế chăng?!

Vẫn cứ là ngày ấy, bác Nhữ khẳng định, vó của các làng khác trong vùng không thể “ăn đứt” được vó của Vạn Đồn ở chỗ, độ võng của chúng không đều. Thế nên khi người sử dụng cất (kéo) vó lên khỏi mặt nước nó sẽ gặp phải tình trạng: chỗ căng chỗ chùng khiến cho độ chụm ở phần đít vó không đạt chuẩn. Mà cá mú, đặc biệt là loại cá có trọng lượng lớn, đều tinh quái “như thần”. Khi đã nằm trong vó, chúng (cá to) sẽ  tìm những chỗ vó căng, tựa vào đó làm đà bật mình vút lên, vọt ra ngoài thoát thân.

Nghề đan vó truyền thống đã mang lại cuộc sống đủ đầy cho người dân Vạn Đồn.

Còn với những chiếc vó của làng Vạn Đồn thì dù các loại cá  “thành tinh” kiểu gì cũng đành chịu nộp mạng. Bởi lẽ, vó có độ võng rất đều cũng như độ chụm rất cao, cá lăn chỗ nào cũng bị rơi vào tình trạng bùng nhùng (thợ đan vó gọi là “vó nhiều thịt”) khiến cho chúng không thể có chỗ làm đà mà bật nhảy lên cao. Để có được những chiếc vó đạt tiêu chuẩn kỹ thuật “trứ danh” như thế là cả một bí truyền độc nhất vô nhị của người Vạn Đồn.

Ngày ấy vó của người Vạn Đồn được họ đan bằng sợi gai được chế từ thân cây gai mà ra. Anh Đinh Văn Công, con trai bà Mau - một trong những “cao thủ” đan vó của làng Vạn Đồn - cho hay, để có được sợi dây gai từ thân cây gai, người ta phải tiến hành qua cả chục công đoạn thủ công đến mức “trầy vẩy” chứ chả không.

Đầu tiên là bóc tước sợi gai ra khỏi thân cây. Tiếp theo, mang sợ gai ngâm dưới ao. Chờ khi nào sợ gai đủ “độ chín” thì vớt lên đem phơi khô cong. Nữa là thực hiện công đoạn chuội sợi gai biến chúng từ chỗ thâm xỉn trở nên trắng sạch. Rồi nữa là việc xe sợi gai lại cho thật săn, dẻo, dai, v.v…

Sản phẩm của mình làm ra có “thương hiệu” đặc biệt mà một thuở chưa xa, nghề đan vó ở Vạn Đồn thăng hoa nức tiếng. Ngày ấy, nhà nhà đan vó, người người đan vó. Và chợ Đụn quanh năm tấp nập khách thập phương kéo đến mua xỉ, mua lẻ những tấm vó sợi gai được đan bởi những bàn tay nhà nông thô ráp nhưng vô cùng khéo léo, tinh xảo của người dân Vạn Đồn thuần khiết. Thuở  ấy, dù ngày công đan vó không cao, nhưng nó đã nuôi sống người nông dân Vạn Đồn.

Nay thì vì rất nhiều lý do, nghề đan vó ở Vạn Đồn không còn “trăm hoa đua nở” như ngày nào. Ấy thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người Vạn Đồn “sống chết” với nghề bằng hình thức chuyển đổi từ đan sợi gai sang sợi nilon. Và hằng ngày vẫn có những khách phương xa tìm tới chợ Đụn mua vó.

Âu đó cũng là một phương cách giữ lấy nghề truyền thống của người dân Vạn Đồn, vừa là không phụ công ơn các đấng tổ nghiệp đã mang lại sinh kế cho họ bằng nghề đan vó. Nữa là góp phần làm sinh động hơn văn hóa tinh hoa nghề Việt truyền thống trong thời đại công nghệ số.

Lê Công Hội
.
.