Để việc "giải cứu nông sản" không còn là "điệp khúc"

Thứ Năm, 13/08/2020, 09:32
Để giải bài toán "được mùa, mất giá" và "giải cứu nông sản", Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức rất nhiều hội thảo nhằm tìm giải pháp thích hợp cho đầu ra của nông sản.


Dịch COVID-19 bùng phát nhanh hơn và có diễn biến phức tạp hơn. Tại một số địa phương, mặt hàng nông sản đã có biểu hiện rớt giá thê thảm. 

Tại tỉnh Tiền Giang, Long An bưởi da xanh giảm còn khoảng 25.000 đồng/kg, dưa hấu lại đổ về TP Hồ Chí Minh chờ "giải cứu". Thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai xuất tại vườn chỉ có giá từ 2.000 đồng - 5.000 đồng/kg, ruột trắng chỉ ở mức 1.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp phía Trung Quốc tạm thời dừng mua nhãn và long nhãn. Do vậy, giá nhãn Hưng Yên năm nay rẻ hơn 30% so với năm 2019, từ 12.000 đồng - 15.000 đồng/kg… 

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh cũng cho biết, các loại gia cầm như gà, vịt, chim bồ câu, chim cút… giá cũng giảm từ 20% - 30%, thậm chí bán không được. Với tình hình dịch bệnh và giá cả như hiện nay, nhà nông không những không có lãi, mà còn gặp khốn khó do thua lỗ.

Thực trạng nông sản bị ùn ứ trong mùa dịch COVID-19 không có đầu ra tiêu thụ làm điêu đứng người nông dân.

Khi thị trường ngoài nước không còn đường tiến, lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân mới tính đến kêu gọi thị trường trong nước ủng hộ sản phẩm của mình. Có thể khẳng định trong một vài ngày tới sẽ lại có một đợt vận động giải cứu nông sản cho nông dân. Điều này cho thấy, không phải thị trường nước ngoài mà chính người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước, các hệ thống siêu thị... mới chính là "hiệp sĩ giải cứu" nông sản.

Những câu chuyện nêu trên chỉ là một phần trong những bất cập của hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Việt Nam, vốn diễn ra suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, qua giai đoạn phải giải cứu, qua đợt dịch, thị trường được khơi thông thì chắc chắn giá lại lên ầm ầm và người tiêu dùng lại phải mua nông sản với giá đắt đỏ. Vụ việc cứ lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác, nên doanh nghiệp lẫn người dân cũng không còn nhiệt tình như những buổi ban đầu khi tham gia giải cứu.

Để giải bài toán "được mùa, mất giá" và "giải cứu nông sản", Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức rất nhiều hội thảo nhằm tìm giải pháp thích hợp cho đầu ra của nông sản: Giải pháp nào để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng nhiều hơn; giải pháp khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản…vv… 

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường tuyên truyền Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; mô hình liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" từ lâu được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. 

Nhưng xem ra các giải pháp vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tác động mạnh đến sức tiêu thụ hàng hóa trong nước. Một nghịch lý là không ít mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam chật vật tìm đường ra nước ngoài thì nông sản nước ngoài lại ung dung chiếm lĩnh thị trường trong nước và có chỗ đứng khá tốt.

Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu chiếm một tỷ lệ đáng kể và mỗi năm lại có khoảng 1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước lẽ ra phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia. Chúng ta không thể không tính tới điều này trong một chiến lược bài bản, dài hơi, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này.

Một thị trường trong nước đầy tiềm năng như vậy, nhưng rất tiếc thị trường nước ngoài lại luôn là ưu tiên số một của các doanh nghiệp và nhà nông vì được giá nhưng không ổn định, lại hết sức bấp bênh.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, cần tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, tạo ra lối đi bền vững cho nông sản Việt. Thắt chặt mối liên kết trong mô hình "4 nhà" bằng việc hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Chỉ khi nút thắt đó được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, lúc đó ngành Nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân mới hết bấp bênh.

Không để nổi cho thương lái quyết định giá cả của thị trường, đồng thời có những chính sách điều tiết hạ giá nông sản để thỏa mãn thị trường nội địa, đảm bảo hàng nông sản sạch, ngon, bổ thì người dân Việt Nam sẽ tin tưởng mua, dùng sản phẩm; thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa thì việc nâng cao chất lượng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu.

Cùng với đó, để phát huy sức mạnh của hàng Việt Nam trên thị trường nội địa cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm nông sản, giúp không chỉ người tiêu dùng trong nước mà cả nước ngoài biết đến những sản phẩm chất lượng của Việt Nam, để mỗi người dân chuyển từ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tới tự hào khi dùng hàng Việt Nam.

Cù Tất Dũng
.
.