Để phim Việt giành lại sân nhà

Thứ Năm, 25/07/2019, 08:46
Trong một thời gian tương đối dài, hầu như phim Việt ra rạp đều bị các phim nước ngoài đè bẹp. Có nhiều bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng khi ra rạp chỉ bán được vài vé. Không chỉ phim chiếu rạp, mà ngay cả phim truyền hình cũng bị phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc lấn lướt, không ngóc đầu lên được. Vì sao phim nội lại liên tục bị phim ngoại lấn "sân nhà"?


Câu hỏi đã được các cơ quan quản lý văn hóa cũng như các nhà làm phim đưa ra câu trả lời: Kinh phí đầu tư cho phim ít, trình độ kỹ thuật lạc hậu và thiếu diễn viên ngôi sao. Đúng là xét ba yếu tố này thì phim nội đều thua, kém xa phim ngoại. Vậy phim Việt Nam cứ chịu lép vế trên sân nhà mãi sao?

Tính 5 năm trở lại đây, nhiều bộ phim nội đã được khán giả háo hức đón nhận và sẵn sàng xếp hàng dài chờ ở phòng vé. Một điều bất ngờ nữa là có phim đạt doanh thu khủng vượt cả phim ngoại. Gần đây nhất là phim "Hai Phượng", sau hơn 1 tháng công chiếu đã chính thức công bố doanh thu ra rạp là gần 200 tỷ đồng. Phim "Siêu sao, siêu ngố", doanh thu 108 tỷ đồng; "Tháng năm rực rỡ" doanh thu 85 tỷ đồng, "Em chưa 18" doanh thu 171 tỷ đồng; "Lật mặt " doanh thu 85,5 tỷ đồng; "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" doanh thu 78 tỷ đồng…

"Tháng năm rực rỡ" là bộ phim thành công về doanh thu.

Bộ phim truyền hình "Về nhà đi con" đang được phát sóng trên VTV1 đặc biệt thu hút khán giả vào mỗi buổi tối đã đem lại doanh thu quảng cáo lớn không tưởng cho Đài Truyền hình Việt Nam. Tính trung bình mỗi tập phim "Về nhà đi con" có từ 7 đến 8 phút quảng cáo, giá quảng cáo cho thời lượng 10 giây là 37,5 triệu đồng, cho thời lượng 15 giây là 45 triệu đồng, thời lượng 30 giây là 75 triệu đồng, thì tổng thu của nhà đài mỗi tối sẽ vào khoảng 1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, có một số phim đã được công chiếu thương mại tại các rạp lớn của Mỹ, Australia như phim "Hai Phượng", "Lật mặt". Đây là những bước đi chạm gần hơn tới giấc mơ đưa phim Việt Nam ra thế giới.

Những bộ phim này thắng lớn là vì sao khi mà không nhờ vào ba yếu tố ở trên? Qua phân tích thì thấy rằng, để có được thành công, các hãng phim, các nhà làm phim Việt Nam đã và đang mạnh dạn đổi mới quan niệm sáng tác, bỏ dần đi những yếu tố hàn lâm nghệ thuật, tiếp đến là đã biết cách tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu để khai thác đúng tâm lý người xem và tăng cường tiếp thị, quảng bá phim ra thị trường.

Từ những thành công của phim Việt trong thời gian qua, có thể thấy rằng, các nhà làm phim đã hiểu và nắm khá rõ nhu cầu thưởng thức điện ảnh của người Việt, từ đó việc sáng tạo nghệ thuật dần thuận theo tâm lý xã hội của đông đảo quần chúng.

Phim đặc biệt thu hút khán giả không chỉ đơn thuần nhờ vào tính giải trí, nhu cầu tiêu khiển mà thông qua phim, người xem thấy được những vấn đề xã hội rất gần với cuộc sống hàng ngày, thấy một phần cuộc sống, thấy được bóng dáng của mình, của những người xung quanh mình ở trong đó. Từ đó họ được gợi mở, được chia sẻ những vui, buồn, bộc lộ tình cảm, sự hiểu biết của mình cùng các nhân vật. Vì vậy, tính xã hội, tính thời sự của điện ảnh là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút người xem.

Tâm lý thẩm mỹ của người Việt Nam rất khác với phương Tây trong cảm thụ văn học, nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Khác hẳn với người phương Tây là chấp nhận, cổ vũ cho những cái riêng biệt, cá tính, khác người, thì người Việt Nam thích những tác phẩm hướng về cái thiện, những cái mang tính đại diện và đặc biệt yêu thích những hình tượng có đầy đủ phẩm chất chân - thiện - mỹ.

Để lên án, đấu tranh, để loại trừ cái xấu, cái ác dù phải trả bằng máu và nước mắt, thì trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng phải xây dựng cho được hình tượng tiêu biểu về chân - thiện - mỹ, không để cho các hình tượng đáng ghét, đáng căm giận chiếm vị chí chủ yếu trong tác phẩm. Luôn ca ngợi nhân vật chính diện, chống phản diện, hướng tới những điều tốt đẹp.

Nắm bắt được tâm lý này hẳn là một lợi thế, bởi các nghệ sĩ điện ảnh của ta có điều kiện bám sát đời sống chính trị, xã hội của đất nước, tiếp xúc trực tiếp với những lo toan cuộc sống hàng ngày, những vấn đề nổi cộm của xã hội Việt Nam, thấu hiểu tâm lý, phong tục tập quán, những nỗi niềm, tình cảm và khát vọng của người dân, qua trải nghiệm, đúc kết, khái quát để xây dựng những nhân vật, hình tượng điện ảnh gần gũi, thân thuộc mang đậm bản sắc Việt mà phim nước ngoài không thể có được. Đây có thể được coi là nguyên nhân để phim nội đang dần dần lấy lại vị thế của mình trong lòng khán giả.

Chính vì thế mà những bộ phim thu hút được lượng người xem đông đảo hầu hết là các phim viết về những thân phận, những con người Việt Nam quen thuộc, về hiện thực xã hội, cũng như lột tả bản chất những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đổi mới, đi lên của đất nước. Phim cũng giúp người xem chia sẻ những bức xúc, giải tỏa những buồn bực mà cuộc sống hiện tại chưa thể giải quyết ngay được, hướng người xem đến cái thiện, lan tỏa những điều tốt đẹp vào trong cuộc sống.

Đối với phim nước ngoài, diễn viên nổi tiếng, các ngôi sao màn bạc tham gia vào phim là yếu tố sống còn của bộ phim. Đây là nhân tố thu hút được sự quan tâm của báo chí, truyền thông và dễ mời gọi được khán giả. Đối với điện ảnh Việt Nam thì không hẳn như thế. Việt Nam chưa có "minh tinh màn bạc" tầm cỡ quốc tế, cho nên, các hãng phim, các nhà làm phim chú tâm vào đầu tư kịch bản chất lượng, nhằm trúng nhu cầu của đông đảo người xem, cùng với một ê kíp làm phim ăn ý, tâm huyết thì phim vẫn được công chúng đón nhận.

Poster bộ phim “Lật mặt”.

Minh chứng là kịch bản với nhiều đề tài mới lạ, đa dạng về thể loại, ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố trong một bộ phim: hài hước, hành động, tình yêu, phong tục tập quán… và diễn xuất chân thực, khéo léo, tự nhiên đã thỏa mãn được sự hiếu kỳ, gây được hứng thú, hấp dẫn cho khán giả. Nhiều phim còn thu hút được người xem bằng phong cảnh đẹp ở nhiều vùng miền trên cả nước, mở ra tầm mắt mới cho những người xem chưa có dịp đặt chân tới.

Với điều kiện của điện ảnh Việt Nam như hiện nay, có thể nói một kịch bản tốt, đề tài hay với một ê kíp làm phim ăn ý quan trọng hơn có ngôi sao đảm nhiệm vai chính. Biết rằng, phim hay, đương nhiên diễn viên phải diễn xuất tốt, trong phim Việt Nam có nhiều diễn viên diễn tốt, nhưng họ không nhất thiết cứ phải là ngôi sao.

Phim Việt Nam đã dần khắc phục được việc sao chụp lại cuộc sống một cách tuần tự "có đầu, có cuối", hình tượng nhân vật không chỉ đơn giản ở việc miêu tả qua các sự kiện bên ngoài mà đã có sự khơi sâu vào thế giới nội tâm. Đạo diễn và diễn viên chú tâm để lột tả được diện mạo, sự đa chiều về tính cách của các nhân vật, từ suy nghĩ, tâm tư, tình cảm cho đến ứng xử, hành động, đã chinh phục được khán giả và được công chúng mến mộ.

Với những nước kinh tế phát triển, có công nghệ hiện đại, thì phim Việt Nam vẫn sẽ phải liên tục đối diện với nhiều thách thức hơn nữa. Chúng ta đang có những bộ phim đã kéo được người xem tới rạp, rồi khán giả màn ảnh nhỏ chờ đợi từng phút tới giờ phát sóng để được xem những bộ phim mình yêu thích, điều đó đang chứng tỏ các hãng phim và các nhà làm phim Việt Nam không phải là không biết cách khai thác thị trường phim nội.

Tuy nhiên, những bộ phim chất lượng, thu hút người xem vẫn chưa nhiều, phải chăng, còn nhiều nghệ sĩ điện ảnh của chúng ta đang bị trói buộc bởi quan niệm làm phim cũ, thể chế cũ, hay chúng ta thiếu các nghệ sĩ tài hoa, thiếu tiền làm phim?

Những đóng góp mới, những thành công mới của những người làm điện ảnh phải được nuôi dưỡng chứ đừng để như hoa thơm chỉ thoảng qua trong chốc lát. Cần phát huy những thành quả ban đầu, có một định hướng đúng, có sự quan tâm và đầu tư phù hợp để thúc đẩy việc hòa nhập nền điện ảnh Việt Nam vào cộng đồng quốc tế, thì lo gì việc điện ảnh Việt Nam không có chỗ đứng trong lòng khán giả. Đừng để phim Việt Nam tiếp tục mất vị thế ngay trên sân nhà.

Cù Tuệ Minh
.
.