Để nhạc cổ điển ngày càng thu hút khán giả

Thứ Năm, 26/11/2020, 12:30
Mặc dù không sôi động như dòng nhạc thị trường nhưng nhạc cổ điển vẫn có một vị trí trang trọng và vững chắc trong đời sống âm nhạc. Từng được cho là dòng nhạc "kén người nghe", nhưng thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chương trình hòa nhạc cũng như những người làm nghề thay đổi phương thức tiếp cận giúp nhạc cổ điển đến gần với công chúng hơn.


Năm 2020 là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc vĩ đại L.V Beethoven nên ngay từ cuối năm 2019, đã có nhiều hoạt động kỷ ngày sinh của ông ở Việt Nam cũng như trên thế giới. 

Tuy nhiên, với những quốc gia chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 thì thời gian đây, các hoạt động âm nhạc này đều phải ngưng lại. Nhờ khống chế tốt dịch bệnh, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra bình thường. 

Theo đó, ngày 26 - 11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội  diễn ra buổi hòa nhạc kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc Beethoven. Buổi hòa nhạc nằm trong chuỗi chương trình công diễn chùm tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại này do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNEO) tổ chức biểu diễn trong tháng 11 và 12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và phòng hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Chương trình lần này mang chủ đề "Chùm tác phẩm Beethoven số 10" được dàn dựng công phu, chỉ huy bởi nhạc trưởng Honna Tetsuji, biểu diễn là các nghệ sĩ thuộc dàn hợp xướng lớn và của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Theo đó, nghệ sĩ Violon Bùi Công Duy cùng các nghệ sĩ sẽ trình diễn Bản giao hưởng số 9 cung Rê thứ, Opus 125. Đây là tác phẩm giao hưởng trọn vẹn cuối cùng do L.V Beethoven biên soạn.

NSƯT Bùi Công Duy sẽ biểu diễn trong chương trình Kỷ niệm 250 năm ngày sinh nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven.

Tiếp đó, ngày 28 - 11, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ biểu diễn "Bản giao hưởng số 3" và bản Concerto cuối cùng cho piano và dàn nhạc của L.V Beethoven tại Nhà hát Thành phố. Chương trình được biểu diễn dưới sự dàn dựng và chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh. 

Cũng trong năm nay, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức đêm diễn các tác phẩm của ông tại nhà hát Thành phố vào ngày 21 - 8. 

Tuy nhiên, vì dịch bệnh COVID - 19, chương trình đã phải hoãn và đến với khán giả vào tối 31- 10 với 2 tác phẩm được lựa chọn biểu diễn là "Concerto cho violin và dàn nhạc", "Giao hưởng đồng quê" (Giao hưởng số 6). Nghệ sĩ violin độc tấu là NSƯT Bùi Công Duy. Dàn dựng và chỉ huy chương trình là nhạc trưởng Lê Hà My. Đặc biệt, đêm nhạc dành giá vé ưu đã cho sinh viên, học sinh chỉ với 80.000 đồng.

Ngoài ra, hòa nhạc đặc biệt "Evolution - Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc" diễn ra vào ngày 15 - 11 tại Hà Nội cũng đã khiến cho đời sống âm nhạc cổ điển thêm phong phú. Đây là một sáng kiến của Viện Goethe Hà Nội nhằm tạo cơ hội để những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo có thể trình bày ý tưởng của họ trước công chúng. 

Trong chương trình, các nghệ sĩ của Maestoso - tổ chức hòa nhạc cổ điển độc lập tại Hà Nội cùng các giảng viên tại Trung tâm Đào tạo và Phát triển âm nhạc Inspirito sẽ trình diễn 4 chương trình riêng biệt từ 4 thời kỳ âm nhạc gồm: Tiền cổ điển, Cổ điển, Lãng mạn và Hiện thực. 

Được biết trước đó, Maestoso đã nhiều lần tổ chức những buổi hòa nhạc ấn tượng tại Nhà hát Lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và những chuỗi hòa nhạc tại các nhà thờ. Trong đó, không thể không kể tới những người sáng lập và các tên tuổi nghệ sĩ khách mời nổi tiếng như Lưu Đức Anh, Nguyễn Phú Sơn, Lưu Hồng Quang, Nguyễn Thiện Minh, Phan Đỗ Phúc...

Mặc dù không có được mật độ tổ chức thường xuyên như các loại hình âm nhạc khác nhưng những đêm nhạc cổ điển vẫn chật kín khán giả. Các nhà tổ chức những chương trình này cũng thường xuyên mở rộng đối tượng khán giả bằng cách để giá vé ưu đãi cho sinh viên, tặng vé cho phụ huynh có con đang theo học tại các trung tâm âm nhạc... 

Bản thân các nghệ sĩ cũng có nhiều sáng tạo trong việc đưa nhạc cổ điển vào đời sống như biểu diễn tại các địa điểm văn hóa công cộng: phố cổ, trung tâm thương mại, bệnh viện... Hoặc đưa dàn nhạc giao hưởng vào các loại hình nghệ thuật các như truyền thống, rap... khiến cho nhạc cổ điển dễ nghe và đại chúng hơn.

Dàn nhạc giao hưởng Trẻ Sài Gòn (SPYO) biểu diễn.

Hàng năm, những cuộc thi có tính chất chuyên môn cao cũng được tổ chức như cuộc thi "Âm nhạc Mùa thu" thu hút được sự tham gia của nhiều thí sinh trong lĩnh vực này. Trong năm 2019, cuộc thi đã thu hút sự tham gia tranh tài của 170 thí sinh thuộc 04 bộ môn Hòa tấu, Độc tấu Piano, Độc tấu Violin và hát Thính phòng - nhạc kịch. 

Để có được những nhìn nhận khách quan hơn, trong thành phần ban giám khảo, ngoài các Giáo sư, Tiến sĩ, các NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc thính phòng cổ điển, Ban tổ chức còn mời thêm các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu tại các nước Hungaria, Cộng hòa Pháp và Liên bang Nga. 

Tại cuộc thi này, số lượng các thí sinh tham gia đông đảo chiếm tỷ lệ cao và trải đều ở 3 miền, số lượng các đơn vị cũng được tăng cường không chỉ nằm ở nhạc viện mà còn thu hút được ở các trường nghệ thuật khác. Trong cuộc thi bộc lộ nhiều tài năng ở lứa tuổi rất trẻ, nhưng các em đã làm chủ được kỹ năng và nghệ thuật piano ở trình độ cao. Kết quả của cuộc thi đã cho thấy âm nhạc cổ điển Việt Nam vẫn phát triển và tiếp cận được với nền âm nhạc trên thế giới.

Trước đó, Cuộc thi âm nhạc quốc tế violin và hòa tấu thính phòng Việt Nam do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên, Học viện tổ chức cuộc thi dành cho chuyên ngành này. Với sự tham gia của 64 thí sinh đến từ 19 quốc gia đại diện cho châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Úc. Trong đó, ở bảng violin, Việt Nam được chọn 5/29 thí sinh, bản hòa tấu thính phòng, số lượng nhóm thí sinh Việt Nam là 7/11. 

Điều đáng mừng là ở cuộc thi này, số lượng thí sinh đăng ký vòng sơ tuyển khá đông và chất lượng chuyên môn cao khiến Ban tổ chức phải quyết định tăng số lượng dự thi lên. 

Có nhiều thí sinh dự thi đến từ các nhạc viện danh tiếng trên thế giới như Nhạc viện Tchaikovsky, trường âm nhạc Julliard, Nhạc viện Hoàng gia London, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh... 

Trong đó có nhiều thí sinh đã đạt được những thành tích cao tại các cuộc thi danh tiếng như Cuộc thi Queen Elizabeth 2019 tại Brussels (Vương quốc Bỉ), Cuộc thi quốc tế mang tên Tchaikovsky (liên bang Nga), cuộc thi quốc tế Violon tại Sendai (Nhật Bản)... 

Trong khuôn khổ cuộc thi còn có màn biểu diễn khai mạc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ - ban giám giảo quốc tế và một đêm gala đầy sắc màu âm nhạc quốc tế. 

Đây thực sự là cơ hội để các sinh viên, giảng viên, của Việt Nam có cơ hội cọ xát, giao lưu và học hỏi từ các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Với tổng giải thưởng lớn hơn 1 tỷ đồng, quy mô mà cách tổ chức chuyên nghiệp, cuộc thi là sự kiện văn hóa tiêu biểu, khởi đầu cho sợ hội nhập của nền văn hóa nghệ thuật nói chung và nền âm nhạc Việt Nam nói riêng.

Không chỉ có các dàn nhạc giao hưởng của Nhà nước, gần đây, nhiều dàn nhạc giao hưởng tư nhân đã được ra mắt với mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần với khán giả hơn. Tiêu biểu như Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời ngay từ khi ra mắt đã mang đến những buổi biểu diễn chất lượng như ''For the love of Braham'', ''Beauty Awakens'', ''Music for the Season''... với sự tham gia của các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Và điều đáng nói là tất cả những buổi biểu diễn trong mùa diễn trước 2018 - 2019 đều miễn phí. 

Hay Dàn nhạc giao hưởng trẻ Sài Gòn (SPYO) tập hợp những người yêu âm nhạc độ tuổi 18 - 25 hướng đến mục tiêu đưa âm nhạc đến gần với công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ. Ngoài ra còn có dàn nhạc giao hưởng nhí Junio Maius Orchestra khởi lập từ trại hè Maius được nhạc trưởng Lưu Quang Minh ra mắt với mục đích truyền cảm hứng cho các bạn nhỏ từ 9 đến 16 tuổi đang học các nhạc cụ chuyên ngành cổ điển... 

Vẫn biết, với một đất nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam thì việc đưa âm nhạc cổ điển đến với số đông công chúng không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, với tâm huyết, sự năng động, sáng tạo của những người làm nghề chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai không xa, nhạc cổ điển sẽ có lượng khán giả xứng tầm.

Khánh Thảo
.
.