Cửa sổ văn nghệ

Để hiểu đúng nội dung ca khúc "Chúc mừng năm mới"

Thứ Bảy, 01/02/2014, 08:00
Dịch sát nghĩa và nhuần nhuyễn ca từ là công việc rất khó, khó hơn dịch thơ nhiều, bởi lẽ đó chính là dịch thơ trong điều kiện bó buộc của giai điệu và dấu thanh tiếng Việt. Dù vậy, nhiều ca khúc nổi tiếng của thế giới đã được dịch và Việt hóa ít nhiều thành công tuy nhiên, cũng có những bản dịch làm hỏng tác phẩm, như trường hợp bài "Chúc mừng năm mới" mà tôi đã có dịp nói đến trong bài "Happy New Year”, bài hát tiên tri của ABBA...

Dịch sát nghĩa và nhuần nhuyễn ca từ là công việc rất khó, khó hơn dịch thơ nhiều, bởi lẽ đó chính là dịch thơ trong điều kiện bó buộc của giai điệu và dấu thanh tiếng Việt. Dù vậy, nhiều ca khúc nổi tiếng của thế giới đã được dịch và Việt hóa ít nhiều thành công: Các ca khúc cách mạng như "Quốc tế ca", "Bài ca tuổi thanh niên sôi nổi"…; các ca khúc trữ tình như "Đôi bờ", "Chiều ngoại thành Moskva", "Ôi mặt trời của tôi"… (ở  miền Bắc), "Aline", "Đồng xanh", "Những mùa nắng đẹp"… (ở miền Nam). Có những bài hát được dịch đi dịch lại nhiều lần, như bài "Cachiusa" có hai phiên bản: "Đào vừa ra hoa…" và "Dòng sông xưa rừng táo trắng hoa nở đôi bờ…". Tuy nhiên, cũng có những bản dịch làm hỏng tác phẩm, như trường hợp bài "Chúc mừng năm mới" mà tôi đã có dịp nói đến trong bài "Happy New Year”, bài hát tiên tri của ABBA.

Ra đời năm 1979, bài hát của ABBA trĩu nặng lo âu về tương lai của nhân loại đang đứng bên bờ vực thảm họa diệt vong với chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang, những cuộc đảo chính đẫm máu, những cuộc diệt chủng, và xa hơn là mối hiểm họa của một thế giới kỹ nghệ hóa đến mất hết tính người mà nhà văn Anh Aldous Leonard Huxley (1894-1963) đã mô tả trong cuốn "Tân thế giới dũng cảm" (Brave New World, 1932). Đây là một đoạn ca từ của bài hát: "Bây giờ em cảm thấy/ Rằng mọi giấc mơ ta từng có ngày nào/ Đều đã chết/ Chẳng còn gì ngoài xác hoa giấy trên sàn/ Một thập niên vừa chấm dứt/ Nào ai biết một thập niên tới đây/ Những điều gì sẽ đến...". Vậy mà trong nhiều năm qua, bài hát này vẫn được trình bày với lời Việt với những lời chúc khuôn sáo, hơn hớn, vừa không ăn nhập với nhạc, vừa hạ thấp tầm tư tưởng của tác giả.

Một ví dụ nữa về thứ "lời Việt" dễ dãi là bài "Say tình", do Đàm Vĩnh Hưng trình bày, cũng đã khá nổi tiếng. Bản gốc là bài "L'Italiano" (Người đàn ông Italia) của Toto Cutugno. Xin hãy đọc lời Việt: "Rót mãi những chén chua cay này/ Lêu bêu như gã du ca buồn/ Lang thang bước với nỗi đau/ Với trái tim ta tật nguyền… Vì yêu em nên ta đã hóa ngây ngô rồi/ Mỗi sáng, mỗi tối, ta điên, ta say với bóng men…".

Không hiểu tác giả sẽ choáng hay phì cười nếu nghe được phiên bản tiếng Việt. Bởi vì ca từ của ông, trong tiếng Italia, là một bài thơ tuyệt hay, vừa sinh động, chân thực, vừa thâm thúy. Tác giả của bài hát, Toto Cutugno, là nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Italia. Trước khi tự trình bày các ca khúc của mình với tư cách là ca sĩ, Toto Cutugno đã nổi tiếng với tư cách là tác giả của hàng loạt ca khúc. Bài hát bắt đầu: "Hãy cho tôi hát/ Tay cầm chiếc ghi-ta/ Hãy cho tôi hát/  Tôi là người Italia…".

Đoạn tiếp theo là bức tranh sinh động, vừa chân thực vừa sâu sắc, của xã hội Italia vào thập niên 80 của thế kỷ trước: "Chào Italia, với món spaghetti chín tới/ và tổng thống là người du kích năm xưa/ tay phải khư khư chiếc radio xe hơi/ và trên cửa sổ một con chim bạch yến"…

Vậy là "Người đàn ông Italia" lịch lãm và kiêu hãnh ấy đã hóa thành một gã "Say tình" bệ rạc, bước "lêu bêu", "lang thang" với "trái tim tật nguyền". Tôi không biết tác giả "lời Việt" có xin phép Toto Cutugno hay không. Nếu không, tác giả có thể kiện. Nhưng xin hãy để vấn đề pháp lý sang một bên. Theo tôi, người chịu thiệt nhất chính là người nghe. Bởi lẽ, anh/chị ta không biết được rằng bài hát của Toto Cutugno hay biết chừng nào. Thêm nữa, "Say tình", cùng với vô số bài hát với ca từ tầm thường, sáo rỗng và dễ dãi tương tự, sẽ làm xói mòn thẩm mỹ của người nghe, nhất là người nghe trẻ tuổi.

Cuối cùng, vì đã biết ca từ gốc, các bạn có thể coi "Say tình" là một bản "nhạc chế". Với tư cách ấy, nó có lý do để tồn tại và có ích. Hãy hát "Say tình" để chế giễu những gã say rượu. Hát và luôn nhớ rằng đó là "nhạc chế" của một bài hát tuyệt hay

Ngô Tự Lập (Xuân 2014)
.
.