Để góp ý hay để... trả đũa?

Chủ Nhật, 10/05/2009, 13:30
Người ta thường phê là trong đời sống văn nghệ hiện nay, khi cần lên tiếng về một vấn đề nào đó, phần đông trong chúng ta vẫn "dĩ hòa vi quý", chỉ góp ý chung chung chứ ít dám thẳng thắn nêu lên chính kiến của mình. Tuy nhiên, theo dõi nhiều cuộc "tranh biện" nổ ra trên một số trang web cá nhân thời gian vừa rồi, tôi lại thấy ngày càng thịnh hành một lối xử sự không được... bình thường cho lắm.

Ấy là, bên cạnh việc núp dưới những cái tên ảo để thóa mạ nhau, cũng có người đã chường mặt xưng danh khi lao vào "cuộc đấu", nhưng tiếc thay, những điều họ đề cập tới lại không mấy dính dáng tới nội dung cần tranh luận. Thay vào đó là những chuyện hoàn toàn mang tính riêng tư, có khi xảy ra từ tận đời nảo đời nào giữa họ với nhau và vì thế, những gì họ đưa ra không còn mang ý nghĩa như một "lời góp ý" nữa... Vì vấn đề khá tế nhị, trong bài viết này, có một số trường hợp xin được viết tắt tên. 

Trước khi nhắc tới những vụ việc xảy ra thời gian gần đây, tôi muốn nhắc lại một chút tới một sự cố xảy ra cách đây đã 20 năm. Hồi ấy, trước thông tin một nhà thơ đang giữ chức vụ Phó tổng biên tập của một tờ tạp chí được tạm điều động sang kiêm nhiệm chức Tổng biên tập của một tờ báo, đã có một tờ tạp chí ở miền trong nêu ý kiến phản ứng việc điều động này. Đại thể họ mỉa mai là, chẳng lẽ ông nhà thơ nọ lại tài năng lớn đến vậy, vừa Phó tổng biên tập tạp chí..., lại kiêm Tổng biên tập báo... Thế có khác gì vừa là Phó chủ tịch xã lại kiêm Chủ tịch huyện.

Chuyện bây giờ nghe lại thấy có gì đó hài hài, song ở thời điểm ấy vấn đề không hề đơn giản, nhất là đối với ông nhà thơ một lúc kiêm hai chức nọ. Vốn là người cả nghĩ, nghe nói ông đã mất ăn mất ngủ mấy ngày trời vì lời bình phẩm trên, nhất là khi ông "nghi" người chấp bút là một bạn cùng lớp trước đây, đã từng bị kỷ luật và vì thế, có tư thù tư oán với ông.

Câu chuyện trên đã được bàn tán ồn ào suốt một thời gian. Sở dĩ nó được quan tâm nhiều vì ở thời ấy, việc để "lọt lưới" những vụ trả đũa nhau trên mặt báo là rất hiếm. Trong khi hiện nay, những việc tương tự - như ở phần đầu bài đã nói - đang gần như trở thành "chuyện thường ngày ở... mạng".

Xin nêu một số ví dụ:

Cách đây ít tháng, khi trên trang web của một nhà thơ trẻ xuất hiện bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Phan Hách xung quanh cuốn tiểu thuyết "Cuồng phong" của ông, thì ở phần comment, đã lập tức hiện lên dòng ý kiến của tác giả NKĐ. Những tưởng ông NKĐ góp ý, trao đổi với đồng nghiệp về cuốn tiểu thuyết, ai ngờ lại được nghe ông nhắc lại một chuyện "zích zắc" xảy ra giữa ông và nhà văn Nguyễn Phan Hách cách đó tới cả một phần tư thế kỷ:

Trong giới văn nghệ, ngày càng phổ biến hiện tượng lợi dụng các trang web để “trả đũa” nhau.

"Tháng 9 năm 1984, từ Kiên Giang, tôi mang bản thảo cuốn truyện vừa "Ngõ tre rì rào" ra Hà Nội gặp nhà văn họ Phan, khi đó là biên tập viên NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn). Nhà văn nhận bản thảo của tôi mà không có ý kiến gì (mãi đến nay cũng không có ý kiến gì) trong khi đó khi biết tôi ở cùng cơ quan Hội Văn nghệ Kiên Giang với Anh Động, ông lại nói với tôi: Về nói với Anh Động có bản thảo nào gửi ra chúng tôi sẽ in vì có tiêu chuẩn ở NXB (khi đó Anh Động là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn tôi sau đó mấy tháng (tháng 2/1985) mới được kết nạp). Nghe nhà văn Nguyễn Phan Hách (lúc ấy tôi cũng đã quen ông, do dự Hội nghị Văn nghệ địa phương tháng 3 năm 1973, tôi được bố trí ngủ chung phòng với ông trong một khách sạn trước ga Hà Nội), tôi buồn nẫu ruột, vì cám cảnh: Bản thảo mình vượt hàng nghìn cây số đưa ra cho ông, ông không đả động gì tới, nhưng cái bản thảo của người khác chưa được viết ra thì lại nhắn gửi ra để ông in cho". Rồi NKĐ kết luận: "Hèn chi mà nước mình cái gì cũng cứ phải "chạy". Chưa hết, NKĐ còn đay đả (chứng tỏ chuyện cũ sau mấy chục năm ông vẫn chưa nguôi ngoai): "Tôi rất mong trong hồi ức (hoặc hồi ký) gì đó của nhà văn Nguyễn Phan Hách có chi tiết này".

Đọc những dòng trên, hẳn bạn đọc sẽ ngạc nhiên, không hiểu nó liên quan gì tới vấn đề đang bàn luận là tiểu thuyết "Cuồng phong" của Nguyễn Phan Hách. Hơn nữa, những điều mà NKĐ đưa ra, cũng là chuyện thường tình trong cuộc sống.

Thông thường, các nhà biên tập vẫn chú trọng tới những tác giả có chút thành tựu nào đó hơn là người mới chân ướt chân ráo vào nghề. Còn nếu nói "nước mình cái gì cũng cứ phải "chạy", thì thiết nghĩ, việc nhà văn Nguyễn Phan Hách không mấy mặn mà với bản thảo của người đã từng cùng dự một Hội nghị văn nghệ địa phương mà lại nhắn gửi một người đang ở rất xa gửi bản thảo cho mình, không hiểu tại sao lại cho như thế là "phải chạy" nhỉ?

Trong bài tranh luận giữa nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa và nhà văn Vũ Ngọc Tiến được tải trên trang web của một nhà thơ trẻ, nhiều bạn đọc cũng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện ở phần comment ý kiến của nhà phê bình văn học ĐL.

Nói ngạc nhiên vì không biết là để "bênh bạn" (như ĐL tự nhận) hay để "phục thù", ĐL cứ thế thông thốc "tố cáo", rằng thì trước đây, ông "từng quen biết và còn đến thăm nhà và bù khú rượu bia" với Nguyễn Hòa. Thế rồi mâu thuẫn xảy ra khi một lần, Nguyễn Hòa gọi điện "mời" ông viết bài "phang" một nhân vật để in trên Phụ san Văn nghệ Quân đội (lúc ấy Nguyễn Hòa đang làm biên tập mảng lý luận phê bình). ĐL viết bài nhưng "không ngờ, "trận chiến" đang dở dang, Nguyễn Hòa stop" và kết luận nhân vật kia đúng, ĐL sai. "Tôi cãi tiếp thì chính NH "bịt mồm tôi lại"- ĐL cho biết.

Theo tôi, ĐL là người có tài, song sự việc ông nêu trên nếu có, thì cũng không có gì là quá khó hiểu. Trong quá trình làm báo, việc một vụ tranh luận nào đó phải "ngắt" khi mà ta muốn tiếp tục "đấu" nữa, cũng là chuyện thường. Bởi không thể cứ kéo dài, cò cưa mãi trong khi những người cầm chịch tờ báo nhận thấy  độc giả đã nắm được bản chất vấn đề. Còn việc ĐL bảo Nguyễn Hòa nhờ ĐL viết bài “đánh” tác giả nọ, theo ông Nguyễn Hòa cho biết, đấy là chuyện hoàn toàn bịa tạc. Ông Hòa cắt nghĩa, mối "thâm thù" của ĐL đối với ông chỉ đơn giản là: "Từ ngày vì không được VNQĐ trao giải thưởng cuộc thi truyện ngắn, anh ta quay sang "oánh" VNQĐ".

Thực hư chuyện này thế nào, tôi không rõ. Chỉ biết, từng có lần tôi được nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: Vì không ưng ý với Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong việc trao giải gì đó, ĐL đã quay ngoắt 180 độ. Là người từng đưa in trên báo những nhận xét về cuốn "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa, đại loại là "riêng tôi, tôi cũng thấy có nhiều điều tâm đắc", "Khoa cũng có giọng điệu riêng, viết tếu táo như chơi mà sinh động, chi tiết, thâm sâu", "rất đáng để người học nghề, hành nghề học tập tham khảo...", song cũng chính ĐL, ngay sau đó đã phê phán cuốn sách thậm tệ, cả về nội dung, nghệ thuật lẫn nhân cách của tác giả, trong đó ông không ngại ngần buông ra những câu như "cái số 1% bé tí ti người phủ nhận (cuốn sách của Trần Đăng Khoa - PK) lại chính là sự phủ nhận của nghề nghiệp, của khoa học". Hiện những bài viết của ĐL về Trần Đăng Khoa vẫn còn "lưu" trong cuốn "Xung quanh cuốn "Chân dung và đối thoại" của Trân Đăng Khoa" (NXB Thanh niên, 1999). Bạn đọc có thể tham khảo.

Cũng trên trang web của một nhà thơ trẻ, người ta thấy xuất hiện một bài báo phản bác lại bài viết của nhà thơ Đỗ Hoàng (về nhà thơ Trần Nhật Thu). Tác giả bài báo cho rằng, Đỗ Hoàng viết như vậy là xúc phạm nhà thơ vừa mất và vợ con anh. Trong khi mọi người chưa rõ thực hư chuyện này ra sao thì ngay ở phần comment in dưới bài viết, họ bắt gặp một nhận xét ngắn: "Nhà thơ Đỗ Hoàng bây giờ nát rượu rồi, chắc trí nhớ cũng tan nát theo. Tạp chí Nhà văn xuống cấp thê thảm nhờ có công biên tập của ổng".

Giọng điệu rõ ra mùi "ân oán" cá nhân. Bởi thế, sau khi phán đoán người viết bài là một nhà thơ "ẩn danh", cũng trên trang web này, Đỗ Hoàng đã có một lời nhắn, đại thể, tác giả "ẩn danh" kia chửi Đỗ Hoàng thì được, chứ không thể chửi tạp chí Nhà văn.

Hẳn nhiều người còn nhớ, vào hồi tháng 9 năm ngoái, tại Trường đại học FPT, người ta đã cho công diễn một tiết mục gây nhiều phản ứng trong dư luận. Đó là việc họ cho hai thanh niên trần như nhộng nhảy múa tưng bừng trên sân khấu, trước sự chứng kiến của nhiều nữ sinh. Trên tạp chí Đất Việt, nhà thơ TH đã có bài viết phân tích và phê phán "chuyện lạ" này. 

Và TH đưa dẫn: "Thật lạ lùng, tuyển tập này dẫn nhà thơ tên tuổi Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội đọc diễn văn khai mạc trại sáng tác STC vào ngày 1/1/1993 bằng những câu: "Anh đam mê em, anh mi ni em, anh xanh xao em, đêm về anh tiết canh em". Cũng theo tuyển tập STC, chính nhà thơ quyết định kết nạp STC làm thành viên của Hội. Điều đó có thật không, tôi không tin".

Cách đặt câu hỏi của tác giả nghe thì... khách quan, nhưng một số người lại cho rằng, cách đặt câu hỏi tưng tửng vậy (mà không chủ động đi tìm lời giải đáp) là ít nhiều làm "phương hại" tới uy tín của nhà thơ Vũ Quần Phương, vì nó có thể khiến người ta nghĩ những câu thơ trên là của ông (thực tế thì đó là thơ của một nhà thơ khác, và TH đã trích dẫn không đúng với nguyên bản).

Được biết, trước đây hơn chục năm, nhà thơ Vũ Quần Phương từng có một nhận xét được nhiều người cho là "động chạm" đến TH, đại thể là có người “phởn chí”, ngoài sáng tác còn chụp ảnh, nhảy đầm, “tự thấy hình ảnh mình như đang choán vào lòng dân tộc”. Biết đâu, ý kiến đưa dẫn của TH là một sự "trả miếng" đối với nhà thơ đàn anh? Tôi thì tôi không tin, nhưng dẫu sao cũng đã có người nghĩ như vậy

Phạm Khải
.
.