Để có những mùa lễ hội sạch

Thứ Hai, 07/04/2008, 15:30
Riêng các lễ hội của năm 2008 mới đi được một phần chặng đường đã để lại nhiều nỗi suy tư cho người đi lễ. Có lẽ tình trạng "xã hội hóa" xâm lấn trong việc tổ chức lễ hội đã đem lại sự biến dị khó hiểu, ở địa phương này hoặc địa phương khác.

Ước tính, nếu trung bình mỗi tỉnh có khoảng 120 các loại hình lễ hội làng xã, vùng miền thì cả nước ta sẽ diễn ra tới 8.000 lễ hội trong một năm. Ấy là chưa nói có nơi, chẳng hạn như Hà Nội hoặc Hưng Yên, đều có mật độ đậm  đặc khoảng 500 hình thức lễ hội diễn ra cả mùa. Nhưng chỉ với con số 8.000 thôi, mới thấy "bỏng tay" khi tính toán ngân sách chi phí tổng thể cho lễ hội trên toàn quốc. Và lo thay nếu tổ chức không hướng tới chiều sâu của cõi tâm linh văn hóa mà chỉ chạy theo hình thức tốn kém, thì sự lãng phí thật khó lường.

Mặc dù trong dân gian có câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi…", nhưng thực ra mùa lễ hội hầu hết tập trung vào mùa xuân, kéo dài tới ba tháng. Có thể hình dung khắp nơi các đình làng, nhà bản đều tưng bừng cờ, kiệu, trống phách lọng vàng tạo nên một không khí rạo rực cho những ngày xuân mới, đánh dấu một bước chuyển mình về lao động sản xuất với những hy vọng tràn trề về sự bội thu của những mùa vụ trong năm.

Tuy nhiên, để giữ gìn được những nét văn hóa trong lễ hội dân gian luôn luôn đòi hỏi sự tôn trọng và tự giác của mỗi người tham gia, bởi khi mọi trình thức nghi lễ và những hoạt động trong hội bị lạm dụng thì ý nghĩa của lễ hội bị nhạt nhòa méo mó.

Riêng các lễ hội của năm 2008 mới đi được một phần chặng đường đã để lại nhiều nỗi suy tư cho người đi lễ. Có lẽ tình trạng "xã hội hóa" xâm lấn trong việc tổ chức lễ hội đã đem lại sự biến dị khó hiểu, ở địa phương này hoặc địa phương khác.

Tỉ như, nếu ai đi hội Lim (13 tháng Giêng) mới thấy rõ năm nay hội thể hiện sự nghèo nàn về nội dung hoạt động "quan họ" mà lại để tình trạng cờ bạc tràn lan hơn. Trong khi các tụ điểm hát  trên đồi quá ít và chất lượng kém thì ở ngay cạnh con đường vào cổng có thêm một tốp hát Văn. Các cô gái mặc bộ cánh quan họ nhưng hai tay thắp nến và múa theo giá đồng trong lời hát văn rộn rã. Việc hát như vậy không hề ăn nhập với lễ hội Lim truyền thống của mười sáu làng quan họ. Điều này hẳn ban tổ chức không thể không biết.

Hoặc cùng diễn ra với hội Lim chung trên đồi, còn nhiều làng khác cũng tổ chức riêng chương trình hát quan họ của mình. Đó là việc bình thường, nhưng bên cạnh đó ở ngay đầu làng gần đồi có sàn diễn riêng của một gia đình tổ chức hát với những cách khích lệ bằng tiền, không phải năm, mười ngàn như ở ngoài, mà lên tới 100.000 đồng được cài vào bông hoa mang lên sân khấu tặng. Vậy mà người vào ra khá tấp nập. Tình trạng này làm mất đi ý nghĩa của một lễ hội đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Sự nghèo nàn về nội dung phần "hội" của đất Lim lại ngược hẳn với phần "lễ" quá khủng khiếp ở Lễ hội Đền Trần năm nay. Bởi ở nơi này đã xảy ra sự hỗn độn hiếm thấy và kết quả đã có 16 người ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu và hàng trăm người khác bị móc túi, cướp đồ ở chính sân đền. Với lượng khách tới 60.000 người dồn đến, dòng người cuồn cuộn kéo vào làm cổng số 1 bị vỡ. Nhiều vị khách với tấm thẻ đỏ, thẻ xanh cũng không vào dự lễ được. Tình trạng chen lấn xô đẩy đến nỗi có vị quan tỉnh cũng bị… lạc.

Mà không hiểu tại sao ban tổ chức lại mời lắm thế, có tới 2.600 người cầm giấy đến dự lễ. Còn dân thường cứ thế rồng rắn đùn đẩy, chen lấn mong có cơ vào được đền để lấy "ấn" cầu may. Và đã xuất hiện tới trăm điểm bán "ấn đen" mà không phải do đền bán ra. Họ mua lậu ở đâu đó với giá 30.000 đồng và tung ra bán với giá lên tới 100.000 đồng.

Nhiều người chen lấn tranh giành mua cho bằng được. Trong khi đó nghe nói ban tổ chức đã chuẩn bị tới 1 triệu ấn bán cho dân. Nhưng thật trớ trêu thay, sau nửa tiếng "phát hành" tại 2 địa điểm bán ấn chính thức, ban tổ chức đã tuyên bố hết ấn!?

Dẫn ra những hình ảnh trên để nói lên sự lúng túng của chính ban tổ chức tại từng địa phương. Dường như họ khó lòng quản lý hết các tình trạng tiêu cực khác diễn ra thường xuyên ở các lễ hội. Đặc biệt là vệ sinh môi trường. Kèm theo rác xả bừa bãi là tình trạng thiếu nước sạch và việc bảo đảm an toàn thực phẩm do các quán hàng bán trong hoặc ngoài khu vực lễ hội. Riêng về rác thì thôi rồi. Dọc đường vào Chùa Hương có nhiều đống rác chất cao ở bên đường.

Tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cũng vậy, rác vứt tràn lan từ ngoài đường vào tận đến sân đền. ấy là chưa kể ngay những nơi đã bố trí thùng rác như ở Phủ Tây Hồ, Chùa Trấn Quốc, nhiều người vẫn vứt rác bừa bãi ở phía ngoài.

Biết sao được, nếu ở đây đó ban tổ chức không bố trí đủ người theo dõi kiểm tra, nhắc nhở ý thức còn yếu kém của những người đi lễ. Bên cạnh chuyện ô nhiễm môi trường phải nói đến các tệ nạn như cờ bạc, bói toán. Nhiều thanh thiếu niên bị lôi kéo rủ rê ăn thua đủ với các trò bịp bợm như xóc đĩa, cò quay, úp xu…

Dường như hầu hết các tụ điểm đánh bạc nhỏ lẻ nhưng lại dày đặc này diễn ra ở nhiều lễ hội như Đền Ủng, Đống Đa, Chùa Đậu, Hội Lim, Đền Bà Chúa Kho… Và đặc biệt, ngay chỉ với trò úp xu (kể cả xu bằng bìa cáctông), tiền đặt cửa ít nhất cũng phải 50.000 đồng.

Chưa hết, cùng với những cảnh người đi lễ bị móc túi cướp giật là việc bói toán ngày càng phát triển hơn lễ hội các năm trước. Nhiều loại thầy bói với nhiều lứa tuổi khác nhau cùng nhiều thủ đoạn bịp bợm.

Ngay tại đền Voi Phục (Hà Nội) chẳng hạn, chỉ một đoạn từ trạm mua vé vào tới cửa đền đã có 5 thầy xem bói với hình ảnh chiếc đĩa và hai đồng tiền xu, hoặc một vài cuốn sách xem tử vi để bên cạnh. Ở Hội Lim còn có những thầy mắt sáng   đi xem tay dạo cho các cô gái mới lớn. Họ dừng trên hè và cầm bàn tay các cô mà phán hươu vượn với cái giọng thật "dẻo mỏ".

Có người đi lễ hội ở TPHCM ra cũng kêu rên vì bị một thầy bói mù bóp "lòi kèn" tới 730.000 đồng một quẻ cho một nhóm học sinh tại khu vực Lăng Ông (Bà Chiểu - TPHCM)… Cùng với cảnh lộn xộn của hàng ngũ thầy bà mù dở còn có các thầy sáng mắt viết sớ.

Không hiểu ở đâu ra sao mà lắm đồ nho thế. Già có, trẻ có, hiền lành có, dữ dằn có, toàn những gương mặt xa lạ đến với lễ hội. Đến nỗi ở Chùa Hương còn có cảnh người đi lễ bị tra tấn bởi tiếng loa ở trong chùa cuối phát ra rằng, ai cần viết sớ thì vào phía trong, còn ở ngoài  toàn những người viết sớ rởm. Lạ, đến lá sớ cũng làm mọi người nghi hoặc…

Vậy đó, văn hóa tôn nghiêm của lẽ hội đã bị ô nhiễm là căn bệnh như những ung nhọt bấy lâu nay. Trộn lẫn cái gọi là xã hội hóa lễ hội là sự lãng phí ghê gớm của tục đốt vàng mã cùng những hoạt động mê tín dị đoan gây hoang mang cho những người nhẹ dạ cả tin. Phần tâm linh bị tha hóa bởi các sư rởm, chùa giả, đền điêu, làm đầy túi tiền của những kẻ lừa đảo.

Để thực hiện tốt Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) ban hành năm 2001, cần sự phối hợp có hiệu quả của các ban tổ chức địa phương. Nếu tiến hành xã hội hóa quá vội vàng, không có ràng buộc chặt chẽ và sự kiểm tra mạnh tay thì các tệ nạn sẽ bùng phát và làm rạn nứt  những nét đẹp của văn hóa hướng về cội nguồn.

Trả lời về thực trạng kiểm soát các tệ nạn trong lễ hội, bà Ngô Thị Sỹ (Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch cũng nói: "Cơ chế thị trường cũng đã thấy rõ trong nhiều lễ hội lớn khiến nhiều địa phương đã có sự mất cân đối giữa yếu tố "lễ" và "hội," gây ra tình trạng lộn xộn thiếu văn hóa".

Phải khẳng định mọi sự diễn ra trước hết thuộc về về khả năng điều hành và quản lý của ban tổ chức lễ hội địa phương. Nhiều nơi chưa được chính quyền đầu tư tới nơi tới chốn về kinh phí và điều kiện thực hiện, kể cả việc kiểm tra những nội dung hoạt động và hình thức thể hiện, và điều chỉnh cho phù hợp với Quy chế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Mong sao, yếu tố văn hóa lễ hội được tôn vinh. Phần "lễ" đem lại yếu tố giáo dục truyền thống cao và phần "hội" đem lại niềm vui lành mạnh. Sau lễ hội, ai nấy đều có những niềm tin yêu vào cuộc sống, ngày càng yêu cánh đồng, lũy tre của làng mình, và đem về những vụ mùa bội thu trong những tháng ngày lao động không biết mệt mỏi. Cầu phúc, cầu lộc cũng bắt nguồn từ đời sống tâm linh, vậy thôi

Vương Tâm
.
.