Tác phẩm dự thi truyện ngắn & ký viết về "Người chiến sĩ Công an Hà Nội vì Thủ đô bình yên, vì nhân dân phục vụ"

Để có những đêm bình yên

Thứ Sáu, 30/10/2009, 09:30
Tiếng xe máy gầm rú từ nhóm đua xe chạy lại phía tổ công tác mỗi lúc một gần. Con đường lấp loáng dưới ánh đèn đường. Đường phân luồng, gờ đất phân hai làn đường thì cao, toàn là những khối bê tông đổ hình chữ nhật xếp nối vào nhau. Muốn vượt qua cũng khó lòng mà vượt được. Còn một bên đường, là khu ruộng, lúa đang vào thì con gái, không thể chạy xe trên đó được. Nếu lúc này, chỉ cần có hệ thống cản đường thì việc bắt giữ dễ như trở bàn tay.

Mặc dù cũng con nhà lính nhưng nằn nèo mãi tôi mới được Đại úy Nguyễn Văn Chiểu, Đại đội phó phụ trách tuần tra của Đại đội 3 thuộc Trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội cho "bám càng"đi. Anh sợ nhà báo "già" không đi quen, xảy ra chuyện gì thì không hay. Nhìn tổ công tác, thấy anh em ai cũng to khỏe, nhìn lại mình, quả đáng tội cũng nhỏ bé nên anh Chiểu lo là phải.

Hôm đó, trời mưa phùn. Tổ công tác của Nguyễn Văn Chúc phụ trách khu vực thị trấn Gia Lâm và tuyến đê từ cầu Thanh Trì lên khu vực cầu Chương Dương. Đúng chín giờ tối là anh em lên đường. Tổ có 4 người chạy 2 xe máy. Tôi lĩn kĩn chạy xe sau. 

Tổ công tác vừa ra đến đầu đường Nguyễn Văn Cừ thì bắt gặp ngay một tốp thanh niên tóc cắt cua, nhuộm xanh đỏ tím vàng, tải 3 tải 4 người ngồi sau, đầu không mũ chạy vèo vèo. Nhìn cảnh tốp thanh niên chạy xe tốc độ cao, bám vỉa, bó biên, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, nâng đuôi mà khiếp. Mấy thanh niên ngồi sau, đưa chân đạp cho chân chống sườn chạm xuống mặt đường kéo thành những vệt lửa dài như hoa cà hoa cải. Mấy cô gái ngồi sau xe cười ngặt nghẽo, có người hình như vui quá còn nhảy cỡn lên trên yên. Cả đoạn đường có tốp xe đó đi qua ầm ĩ như họp chợ, huyên náo như hoạt náo viên của các trận thi đấu thể thao. Những người tham gia giao thông vội đánh xe nép sát vào bên đường, có người sợ quá, vội dừng xe. Mọi người lắc đầu ái ngại và lo lắng.

Nguyễn Văn Chúc ra tín hiệu cho tổ công tác. Chỉ cần có lệnh, Thượng sĩ Hoàng Văn Lượng và Hạ sĩ Lý Thường Quân kéo ga bám theo. Sau khi cả tổ ra tín hiệu dừng xe đến năm lần bảy lượt mà nhóm thanh niên vẫn như không biết, càng vít ga chạy với tốc độ cao hơn. Mặc dù cái thời trai trẻ, tôi cũng thường được anh em trong cơ quan gọi vui là "hảo hán lục lộ" vì cứ chiều thứ bẩy là tôi lên xe chạy gần 200km từ đơn vị về thăm vợ con ở quê, thế mà khi bám theo tổ công tác tôi cũng thấy "vã mồ hôi trán". Dường như biết ra tín hiệu dừng xe với nhóm thanh niên này là vô hiệu nên Hoàng Văn Lượng và Lý Thường Quân đành lòng phải vượt lên chặn đầu. Bám sát phía sau là Đại úy Nguyễn Văn Chúc và Thượng sĩ Trần Tùng.

Khi những "anh hùng xa lộ" bị ép dừng xe, kiểm tra giấy tờ tùy thân, ai nấy gãi đầu gãi tai, không một ai có giấy tờ tùy thân. Thấy tổ công tác kiểm tra, một vài thanh niên tách ra xa bật điện thoại di động. Tiếng trình bày, tiếng nhờ vả, tiếng xin xỏ, lời than vãn. Chúc nhã nhặn từ chối vì đang làm nhiệm vụ, không nghe, mặc cho đối tượng vi phạm cứ nằn nèo anh nói chuyện với người đang chờ phía đầu dây bên kia. Trong khi mấy anh em đang phải xử lý số đối tượng vi phạm quy định thì có một tốp khác chạy xe sát vào bên, rú ga buông lại những câu mà có lẽ ít khi người tử tế dám cho ra khỏi miệng. Nhìn các biển số xe, toàn biển số đẹp. 

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động CA thành phố Hà Nội diễn tập một buổi săn bắt cướp.

Trên đường đưa nhóm thanh niên về trụ sở đăng ký tạm trú, tiếp nhận thông báo lưu trú, tạm vắng của Công an phường Nguyễn Văn Cừ, mấy cô mấy cậu vẫn không ngừng điện thoại gọi người thân. Tôi có nghe ai đó đã nói: Sự hư hỏng của con, của cháu chúng ta có một phần không nhỏ là do chính chúng ta dạy dỗ và quản lý. Mặc dù thế nhưng nếu có lỗi là y như rằng, lại tại xã hội, tại môi trường, tại giáo dục.

Hình như đọc được cái tâm sự không vui của tôi, Nguyễn Văn Chúc chia sẻ: Mỗi đêm, những trường hợp như tổ vừa xử lý không phải ít. Mỗi khi tạm giữ phương tiện sai phạm là y như rằng, điện thoại đổ chuông liên tục. Nào mong các chú thông cảm, nào cháu nó trẻ người non dạ, ăn chưa no mà lo chưa tới. Thậm chí có người còn nhắc khéo đã biết nơi ở của vợ con, ra ý hăm dọa, dằn mặt. Nhiệm vụ được giao, việc phải làm, không hoàn thành không được. Cứ làm đúng còn có pháp luật. Nhiều hôm, sáng đi làm về, chưa kịp nghỉ mệt thì vợ đã có ý nhắc nhở: Anh làm gì thì làm nhưng đừng để thiên hạ suốt ngày điện đến đe dọa vợ con. Nghe Nguyễn Văn Chúc kể, tôi không biết chia sẻ với anh như thế nào.   

Sau khi bàn giao các đối tượng vi phạm lại cho Công an phường Nguyễn Văn Cừ xử lý, tổ công tác lại lên đường. Thôi thì, có tới một ngàn lẻ một kiểu vi phạm. Đi xe ban đêm không bật đèn, rẽ phải rẽ trái không có đèn chuyển hướng, đèo ba đèo bốn, lai thồ cồng kềnh, dàn hàng ngang ba, bốn xe, tụ bạ giữa đường rồi gây sự. Nhiều và rất nhiều các tình huống. Chỉ một đoạn đường mà các anh đã phải xử lý nhắc nhở đến vài ba chục trường hợp.

Tôi nhẩm nhanh, nếu một đêm các anh phải xử lý 30 trường hợp thì một tháng sẽ là hàng nghìn vụ và một năm sẽ tới hàng chục nghìn vụ. Đấy mới là ở một tổ công tác. Nếu tính cả Trung đoàn thì con số đó sẽ nhiều biết bao nhiêu. Và đây cũng mới chỉ là một nhiệm vụ duy trì việc chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Mà nhiệm vụ của các anh đâu chỉ có thế. Các anh là lực lượng vũ trang bảo vệ các hoạt động từ đối nội, đối ngoại của Đảng, nhà nước, các cuộc mít tinh, hội nghị quan trọng, các hoạt động văn hóa, kinh tế, khoa học, thể thao tầm cỡ quốc tế... diễn ra trên địa bàn thủ đô. Các anh cũng là lực lượng vũ trang tuần tra kiểm soát phòng ngừa và trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của thủ đô trong mọi tình huống. 

Khi tổ công tác quay lại đường Nguyễn Văn Cừ thì máy bộ đàm thông báo liên tục về một tốp thanh niên đang đua xe ở khu vực đô thị mới Việt Hưng. Mặc dù ở xa khu đô thị Việt Hưng, tôi còn nghe rõ cả tiếng xe gầm rú. Rồi tiếng còi, tiếng hét, tiếng thông báo của các đối tượng bị chặn bắt cho nhau chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát.

Nhận thông báo của tổ phụ trách khu vực đô thị mới Việt Hưng cần sự hỗ trợ, tổ công tác cắt đường qua làng Lệ Mật để ra khu vực đường lớn. Sau khi tổ công tác đã có mặt ở đường lớn từ khu đô thị Việt Hưng ra đường 5, Nguyễn Văn Chúc ra hiệu cho cả tổ dừng lại.

Tiếng xe máy gầm rú từ nhóm đua xe chạy lại phía tổ công tác mỗi lúc một gần. Con đường lấp loáng dưới ánh đèn đường. Đường phân luồng, gờ đất phân hai làn đường thì cao, toàn là những khối bê tông đổ hình chữ nhật xếp nối vào nhau. Muốn vượt qua cũng khó lòng mà vượt được. Còn một bên đường, là khu ruộng, lúa đang vào thì con gái, không thể chạy xe trên đó được. Nếu lúc này, chỉ cần có hệ thống cản đường thì việc bắt giữ dễ như trở bàn tay.

Lúc đó tôi nghĩ, để ngăn cản cuộc trốn chạy, có lẽ cả tổ công tác sẽ dàn hàng ngang ra trên đường để làm vật cản nhóm đua xe đang cố chạy thoát tội. Nhưng không. Cả tổ không dàn hàng ngang ra đường mà cũng không nổ máy để đợi cho các đối tượng chạy đến gần thì xuất hiện. Các anh đứng rải ra gần như sát vào nhau. Khi ánh đèn xe chiếu tới chỗ các anh đứng, tôi có cảm giác những chiếc xe đang cố chạy cho thoát lỗi vi phạm kia chững lại một lát, tiếng xe nổ máy đang rú rít tự nhiên nhỏ xuống, tay ga như chùng lại. Rồi một thoáng, các ánh đèn chuyển hướng vào con đường nhỏ về phía làng. Tiếng xe lúc này gần như khuất hẳn vào trong những bóng cây, những dãy nhà, nhỏ dần, nhỏ dần rồi hết.

Thấy tôi ngạc nhiên vì không thấy các anh chặn bắt mà chỉ đứng đó rồi thôi, mấy anh em trong tổ giải thích, nếu tổ công tác đứng dàn hàng ra lòng đường, làm vật cản đường thì có thể những người đang đua xe kia sẽ liều lĩnh lao thẳng xe vào gây thương vong cho anh em và gây tai nạn cho chính họ. Nếu không làm thế, xe đang chạy tốc độ lớn, có thể vì quá lo sợ bị bắt giữ, xử phạt mà họ liều lên, lao xe qua dải phân cách bằng bê tông thì cũng rất dễ gây ra tai nạn cho người điều khiển và những người ngồi sau.

Các anh chỉ đứng cụm lại để đèn xe của nhóm người đang đua xe kia phát hiện ra có các anh phía trước qua áo phản quang để giảm tốc độ lại rồi tự giải tán. Các anh lấy giáo dục, răn đe là chính để từ đó họ nhận ra sai sót mà sửa chữa và cũng là để đảm bảo an toàn cho họ. Một việc làm, tưởng vô lý mà ăm ắp nỗi niềm của bậc làm cha làm mẹ, là sự lo toan tính toán đến sinh mạng con người. Một tấm lòng bao dung và nhân văn biết bao.

Sau khi cùng tổ công tác của Nguyễn Văn Chúc hết ca, tôi tiếp tục đi theo tổ công tác của Nguyễn Đăng Quyền, Nguyễn Tự Thủy, Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Thành Luân. Một đêm đi cùng các anh, một đêm được chứng kiến việc các anh làm, một đêm được thấy tấm lòng và suy nghĩ của các anh. Trong những giấc ngủ ngon lành của bao người trong những căn nhà mát mẻ kia, trong tiếng máy điều hòa chạy êm ái và nhẹ nhàng kia, có ai không, trong giấc mơ chập chờn hình ảnh và việc làm của các anh. Dẫu có hay không ai đó nhắc đến việc làm của các anh, các anh vẫn thế, vẫn lặng lẽ hằng đêm đi tuần để canh giữ cho sự ổn định và bình yên của cuộc sống

Phạm Thanh Khương
.
.