Dạy con từ thuở còn "thơ"

Thứ Năm, 02/04/2009, 15:00
Không biết anh bạn nhà báo của tôi đã thực hiện lời gia giáo ấy của các cụ ta xưa như thế nào. Chỉ nghe đâu rằng anh đang dạy cho thằng bé tập làm "thơ". "Nó viết khá lắm"- Một lần, trước cổng một tòa soạn báo, anh vừa nói vừa vỗ vai tôi.

Bẵng đi ít lâu, chợt thấy thơ của cháu bé con anh bạn tôi in trên tờ báo nọ. Bởi đúng vào dịp Tết Trung thu nên trông bài thơ in trên báo có vẻ càng trang trọng, vừa ghi tuổi, tên rõ ràng lại còn ghi cả số nhà, đường phố (chỉ thiếu nước là không ghi tên bố đứa bé ra nữa mà thôi). Quả tình tôi rất ngạc nhiên. Thật ra, nếu là thơ của một người bốn, năm mươi thì chẳng nói làm gì, thậm chí đó còn là một bài thơ không hay (nếu không muốn nói là khó được đăng). Nhưng đằng này lại là thơ của một đứa bé mới... bốn tuổi. Các bạn hãy thử tưởng tượng xem, chẳng lấy ví dụ đâu xa- trong con em mình chẳng hạn - đang ở cái tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, vậy mà đã viết được:

Vầng trăng vành vạnh trên cao
Trung thu phá cỗ vui nào vui hơn
Em mong mình tựa trăng tròn
Bay đi khắp nẻo đầu thôn cuối làng...

thì đáng kinh ngạc quá chứ còn gì? Bởi vậy mà tôi tự cảm thấy mình có trách nhiệm phải đến khen ngợi, động viên cháu, và nhắc nhở bố cháu phải chăm sóc cháu thật chu đáo, sao cho cái mầm măng năng khiếu ấy đừng bị thui chột đi.

Vừa bước chân vào cửa nhà anh, tôi đã trông thấy thằng bé tồng ngồng đứng ngay góc cửa. Hình như trước đây, trong một giai thoại, người ta đã kể rằng trong một cơn "thần hứng", thi hào Nga Puskin cũng từng chạy vội từ buồng tắm vào phòng viết với bộ dạng như thế. Kể cũng chẳng sao. Chỉ trách là sao trời đang vần vũ bão giông mà anh để cho cháu bé mặc như vậy.

- Ôi dào, bao nhiêu quần áo đấy mà nó có chịu mặc đâu- Anh bạn tôi trả lời qua quít và đón tôi vào nhà, đoạn nhắc con - Kìa, sao không chào bác đi...

Thằng bé ngấp nghé nhìn tôi bằng con mắt lạ lẫm rồi lắc đầu ngúng nguẩy: "ứ thèm!".

Và đứng ở góc nhà, nó lẩm bẩm một mình: "Ông mày ứ thèm đâu..."

Tôi đồ chừng thằng bé đang đòi gì mà bố nó không cho.

- Nào lại đây, lại đây bác bảo - Tôi gọi - Xem là cháu trai của bác làm được bao nhiêu bài thơ rồi nào.

Thằng bé không "thèm" trả lời. Riêng bố nó thì có vẻ hào hứng. Anh đứng dậy với trên nóc tủ một quyển thơ dày cộp, rồi cứ thế thuyết trình: "Thì ra mọi thứ đều có "gien" cả, ông ạ. Đây ông xem, thật hay không kém gì cái thuở Trần Đăng Khoa ngày xưa. Nhiều lúc tôi cứ ngẩn người không tin rằng nó là con của mình nữa cơ... Hôm rồi, báo có in bài "Trăng rằm" của cháu, có kẻ không tin, cho rằng đấy là thơ của tôi. Ai lại ngu thế bao giờ. Bố tôi cũng không viết được như vậy. Bài đó thực sự tài năng".

Tôi vừa giơ tay đỡ lấy quyển sổ thơ, chưa kịp giở ra, thì chợt nghe thấy tiếng thằng bé nói bậy câu gì khiến bà nội nó ngồi ở phòng trong phải nói vọng ra: "Cái thằng này không dạy không được. Càng ngày càng hỗn!".

Thằng bé tức cứng cổ. Nó trân trân nhìn vào phòng trong một lúc rồi lắp bắp:

- Ơ ơ, ông lại đánh chết "ôn con" bà bây giờ.

Không biết vô tình hay cố ý, anh bạn tôi quay ra bình tán ngay về cái hay của mấy chữ "ôn con bà":

- Cậu thấy không, khi cần nó rất biết dùng những từ thể hiện được sự phẫn uất của mình.

Đến đây thì tôi bắt đầu cảm thấy ngao ngán. Bà cụ nãy giờ vẫn ngồi ở phòng trong, đi ra phần trần với tôi:

- Bác không ở đây không biết, nó láo lắm cơ. Khốn nỗi bố cũng không ra đằng bố! Dạy mình còn chẳng nên thân nữa là còn định dạy ai.

Anh bạn tôi tỉnh bơ, vẫn cứ hồn nhiên:

- Thằng này bé mà đã có tư chất nghệ sĩ ra phết. Lớn lên giống bố, chắc hẳn là "máu gái" lắm đây.

Nghe bố nói vậy thằng bé cười ré lên, phát ra một tiếng bậy bạ mà ở đây tôi không muốn nhắc lại, rồi vân vê "con chim" chạy ra đái tè ngay một bãi trước cửa. Trước tình cảnh như vậy, tôi nấn ná ngồi thêm một lát rồi tìm cách cáo lui. Thật tình, tôi không thể tin được rằng thằng bé này có liên quan một chút gì tới cái việc mà người ta vẫn gọi là "làm thơ" kia...

Thì ra, trên đời này không ít kẻ hám danh. Không "nổi" được cách này họ gắng "nổi" bằng cách khác, ví như chuyện anh bạn tôi kể trên. Theo như tôi được biết, sau này, vẫn bằng cách lấy thơ mình đứng tên con, anh còn thuyết phục được một số báo in thêm một số bài thơ nữa của anh. Và anh lấy đó như là một chiến công. Riêng tôi, nhớ lại lần gặp gỡ ở nhà anh, tôi cảm thấy lo thay cho anh. Bởi như các cụ ta vẫn nói: "Dạy con từ thuở còn thơ". "Thơ" ở đâu không biết, chứ có con thì phải... dạy

Nguyễn Quốc Thái
.
.