Dấu xưa còn lại

Thứ Hai, 18/08/2008, 15:00
Hàng năm cứ mỗi độ cuối xuân, nhìn những nụ hoa gạo đỏ cháy như than lửa in đậm trên bầu trời đang ngả dần sang xanh lơ, lòng tôi lại sống về những năm tháng tuổi thơ ở quê tôi - một làng ven đô Hà Nội vào thời chống Pháp.

Thời kỳ đó, cái làng Kim Giang của tôi còn gọi là làng Lủ - làng giáp ranh giữa Hà Nội tạm chiếm và vùng tự do. Nó là đường giao liên đi về của các đơn vị vũ trang nội thành, đặc biệt là công an vũ trang và biệt động. Nằm ở tây nam Hà Nội bên bờ sông Tô Lịch, làng tôi và làng Định Công còn là nơi Đội Công an vũ trang do đồng chí Chu Duy Kính chỉ huy tập kết đội quân xuất phát đi đánh sân bay Bạch Mai đêm 18/1/1950.

Ngày nay đồng chí Chu Duy Kính đã trở thành Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Đã có rất nhiều chiến sĩ công an không còn sống đến ngày hòa bình lập lại, mà họ đã âm thầm ngã xuống bên bờ sông Tô Lịch. Hình ảnh của họ vẫn sống trong lòng nhân dân, hóa thân vào thiên nhiên cây cỏ của đất nước. Câu chuyện tôi kể dưới đây là một ví dụ.

…Sau khi sân bay Bạch Mai bị một đơn vị Công an ta chui theo cống ngầm đi từ làng Định Công vào đánh, phá hủy 25 máy bay chiến đấu của Pháp, mở ra một kiểu đánh, một phương thức chiến tranh mới, đó là đánh đặc công, thì thực dân Pháp cực kỳ lo sợ. Chúng rải quân, xây đồn bốt suốt từ Ngã Tư Sở dọc theo sông Tô Lịch qua làng Mọc Thượng Đình, Mọc Hạ Đình, qua Lủ, qua Quang, qua Huỳnh Cung xuống Văn Điển. Chúng còn cho quân đi phục kích ở những chỗ hiểm yếu, những nơi mà bọn mật thám, Việt gian báo là có “Việt Minh” hay qua lại.

Chỉ huy đám quân phục kích là tên Mácxen - chỉ huy phó cơ quan phòng Nhì. Đó là một thằng Tây lai rất hung hăng và xảo quyệt. Nó thường giả trang người đạp xích lô, thợ thuyền, người tản cư, người đánh cá để dò xét cơ sở của ta. Đã có lần nó bị một chiến sĩ Công an vũ trang Hà Nội có cái tên rất văn nghệ: Anh Sáo Nhị bắn bị thương ngay trong phiên chợ Lủ. Sau lần thoát chết đó, thằng Mácxen rất căm thù Việt Minh. Nó trả thù bằng cách dẫn quân về đốt các làng ven sông Tô. Làng tôi bị đốt 2 lần.

Nhưng cũng từ đó trong lòng người dân làng tôi, anh Sáo Nhị là một thần tượng anh hùng. Vì anh dám bắn thằng mật thám gian ác. Còn riêng đối với một đứa trẻ lên mười như tôi, anh và cả đồng đội anh là một cái gì đó thần bí, oai linh và hấp dẫn lạ thường. Làng tôi ở vào tình thế "đêm ta ngày địch". Vì vậy, tôi chưa bao giờ được nhìn thấy các anh vào ban ngày.

Bởi lúc đó trên đường làng là tiếng giày đinh của bọn lính dõng, lính da đen. Nhưng đêm xuống thì như từ đâu đó, các anh xuất hiện trong bóng đêm mờ ảo. Các anh lặng lẽ đi ra bờ sông Tô Lịch. Ở đấy đã có một con thuyền nhỏ úp sấp phủ rơm ngụy trang đặt trên bờ. Các anh lật ngửa thuyền kéo nó xuống nước và sang bên kia sông. Hướng các anh tới là Hà Nội.

Tôi nhìn những con người ấy với một sự ngưỡng vọng và thầm nghĩ: Chắc là có anh Sáo Nhị ở đấy. Có những lần, sau khi các anh đi được một lúc lâu thì phía Hà Nội có tiếng súng nổ ì ầm rồi tiếng đại bác bắn trả bay chíu chíu qua đầu tôi ra phía đồng rồi nổ ùng oàng ở đó. Có những đêm các anh đi tới gần sáng mới trở về, lặng lẽ và trang nghiêm kéo theo đồng đội đã hy sinh.

Một buổi chiều tôi thấy mẹ tôi có vẻ gì đó rất bồn chồn. Hình như người đang phải bận tâm cho một việc gì đó quan trọng lắm. Hồi ấy bố tôi bị Pháp bắt đi tù, ở nhà chỉ có bốn chị em tôi. Biết mẹ nghĩ ngợi nhưng chẳng rõ là chuyện gì nên tôi và anh trai kéo nhau ra bờ ao chơi.

Trời mùa đông rét căn cắt vậy mà đôi vịt bầu của cô Còm bên hàng xóm cứ bơi lội le te. Tức mình, hai anh em tôi liền lấy mảnh sành ném. Chúng tôi săn đôi vịt quanh bờ ao cho đến khi một mảnh sành của tôi ném trúng đầu con vịt. Nó nghển cổ lên ngắc một tiếng rồi quay tròn, máu loang đỏ mặt nước.

Hai anh em tôi không còn hồn vía nào nữa. Anh tôi chạy ra đồng chăn bò, còn tôi chạy tót về nhà, leo lên giường kéo chăn vờ ngủ.

Nhưng nào tôi có ngủ được, chỉ lo lát nữa cô Còm sang mách thì ăn vài roi mây là cái chắc. Ngoài sân có tiếng bước chân của cô Còm. Tiếp đó là giọng cô vẻ bực bội:

- Bà Hai ơi! Con trai bà chơi nghịch ném chết vịt của tôi rồi đây.

- Thế à? Trời. Thằng quỷ sứ!

Tôi cứ tưởng bà sẽ rút cái roi mây xuống, lật chiếu mà cho tôi mấy vụt vào mông đít. Nhưng tịnh không thấy người làm gì. Tôi mở chiếu he hé nhìn ra thì thấy mẹ tôi đang rì rầm điều gì đó với cô Còm. Cô Còm gật đầu đi về. Còn mẹ tôi đi vào nhà, lật chiếu lên nói với tôi:

- Dậy đi đun nước làm thịt vịt!

Gương mặt mẹ không tỏ vẻ tức giận. Cái vẻ băn khoăn lúc đầu cũng không thấy nữa. Tôi vùng dậy chạy xuống bếp, đổ nước vào nồi, nhóm rơm đun nước. Chốc chốc tôi lại nhìn ra con vịt đã chết đang nằm còng queo trên sân, cạnh gốc mít và thầm nghĩ: Tại sao nhỉ, tội mình to như thế này mà sao mẹ lại không đánh?

Vịt đã làm xong, mẹ tôi cho vào quang treo móc nó ở trong buồng, rồi đi nấu cơm. Người sai tôi mang cái nồi đồng điếu mà người gọi nồi mười hai úp sấp tận góc trong bục ban thờ ra đánh trấu cho sạch. Cái nồi này thường để nấu cho mười người lực điền ăn, ấy là vào những ngày vào vụ. Còn hôm nay nấu cho ai ăn chứ ?--PageBreak--

Tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi. Lúc ấy cô Còm lại thập thò sang. Thế là hai người cùng bắc nồi lên bếp. Khi cơm chín thì trời cũng đã tối mịt. Bao phủ chung quanh làng là màn đêm đặc quánh, chỉ có phía chân trời sáng nhờ nhờ, đấy là nội thành Hà Nội.

Mẹ tôi sắp mâm. Tôi ngồi thu lu chịu rét ở một góc và đếm được 8 cái bát. Tôi cố hình dung những người nào sẽ đến ăn cơm ở đây? Thấy tôi hau háu nhìn cái đầu vịt, mẹ tôi bảo:

- Đi ngủ đi. Hôm nay nhà mình nấu cơm chiến sĩ!

Câu nói ấy như truyền hơi ấm vào người tôi. Tôi không thấy rét và không thấy buồn ngủ nữa. Hồi ấy, Hội Mẹ chiến sĩ làng tôi cắt phiên nhau ra nấu cơm nuôi cán bộ Việt Minh. Dù nghèo nhưng rất chu đáo, ai cũng cảm thấy đến phiên mình là điều vinh hạnh. Tới đây thì tôi đã hiểu tại sao buổi chiều mẹ tôi có vẻ băn khoăn và tại sao không đánh tôi. Tôi liền mạnh dạn hỏi mẹ:

- Anh Sáo Nhị có đến ăn cơm nhà mình không mẹ?

- Có - Rồi người suỵt nhẹ - Bí mật. Không được bép xép. Việt gian nó biết là đi tù cả nhà.

Tôi ngồi thu lu trên giường để chờ thần tượng của mình. Tôi không phải đợi lâu. Trái với những gì tôi hình dung, các anh đều xương xẩu, da trắng bệch vì ở dưới hầm quá lâu. Các anh quấn quanh mình lựu đạn. Chỉ có mấy người có súng, còn thì cầm những thanh kiếm dài.

Các anh lặng lẽ ngồi xuống ăn thật nhanh. Một anh xốc nách tôi đặt xuống ngồi cạnh.

Mẹ tôi bèn kéo tôi ra:

- Em nó ăn rồi!

Nhưng anh vẫn thuyết phục mẹ để tôi ngồi cùng. Anh đưa cho tôi cái đùi vịt. Tôi nhìn một anh có gương mặt hơi dài và hỏi:

- Anh có phải là anh Sáo Nhị không?

- Ừ.

- Anh có phải là người làng em không?

- Không. Anh ở trong thành - Anh nhìn tôi chằm chằm.

- Em chưa đi học phải không?

- Không có trường - Tôi trả lời.

Bữa ăn trôi đi thật nhanh. Có lẽ không quá 10 phút. Rồi các anh đứng lên. Anh Sáo Nhị xoa đầu tôi:

- Anh đi chiến đấu! Rồi mai em sẽ được đến trường.

Bữa cơm vội vã qua đi. Tôi nhìn theo bóng các anh lặng lẽ xếp hàng đi ra ngõ và mất hút vào bóng đêm.

Cái đêm ấy đã trôi đi không bình yên. Cho đến nay, sau 54 năm tôi vẫn còn nhớ rõ đêm ấy người làng tôi đã trải qua những trạng thái đau đớn như thế nào.

Gần sáng tôi nghe thấy một loạt súng nổ phía bờ sông rồi ắng đi rất lâu. Rồi tôi lại nghe thấy tiếng những bước chân người qua lại. Tôi vùng dậy chạy ra cửa.

Cô Còm đang đứng với mẹ tôi cùng với mấy người phụ nữ nữa trong Hội Mẹ chiến sĩ. Tôi nghe tiếng cô Còm nức nở:

- Anh Sáo Nhị hy sinh rồi!

Tôi chạy ùa vào giường gục đầu xuống cái gối tre mà khóc. Nước mắt tôi đầm đìa cái gối tre còn con tim non dại của tôi như đọng máu. Thì ra lần ấy sau khi đi diệt tề trừ gian về đến sông Tô Lịch, đoạn Cầu Dậu, anh đã bị tên Mácxen phục kích. Anh đã bị thương và cố bơi qua sông. Nhưng vì máu ra nhiều và trời mùa đông lạnh giá nên anh đã gục xuống khi vừa lên đến bờ.

Thời gian ngắn sau thì hòa bình lập lại, một ngày, khi đi học về, tôi thấy có một mẹ già dáng người Kinh kỳ đến tìm mẹ tôi. Đó là mẹ anh Sáo Nhị. Hai bà ra bờ sông và trồng một cây gạo ở ngay nơi anh Sáo Nhị đã ngã xuống.

Với thời gian, cây gạo lớn dần lên và bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, nó đã là một cây cổ thụ. Mẹ tôi đã về với tiên tổ. Tôi cũng như cây gạo, từ một chú bé con 10 tuổi đi qua tuổi thanh xuân và bước vào tuổi già.

Mỗi lần về quê, tôi lại ngồi dưới quán nước chỗ cây gạo ấy nhìn những bông hoa gạo như lửa cháy rơi rơi bên cạnh mình.

Người chủ quán nước cũng thay đổi theo thời gian. Từ một cô gái, dần trở thành bà già và bây giờ, lại là cô gái con bà. Tôi uống nước và hỏi vu vơ:

- Cô có biết cây gạo cổ thụ này có từ bao giờ không?

- Dạ. Cháu không biết. Nhưng nghe nói đâu như chỗ này hồi chống Pháp có một ông công an bị giặc bắn chết…

Tôi nhìn những bông hoa gạo đỏ đang bừng rực lửa, nó vẫn cháy, vẫn cháy!

Mai vũ
.
.