Đấu giá tác phẩm nghệ thuật: Cần giải pháp để “chống… chạy làng”

Thứ Năm, 25/05/2017, 13:27
Vừa qua, dư luận xôn xao về câu chuyện họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan lên tiếng việc nhà đấu giá Lythi Auction không chịu trả tiền bức tranh “Cẩm chướng” dù đã đấu giá thành công từ ngày 17-12-2016 với giá khoảng 65 triệu đồng. 


Sau nhiều lần thương thảo, cuối cùng đại diện nhà đấu giá Lythi Auction đã tiến hành giao trả lại bức tranh đã đấu giá thành công cho họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, đã cho thấy việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam đôi khi vẫn như một... trò đùa. Việc biến hoạt động này trở thành những sự kiện văn hóa chuyên nghiệp vẫn còn là một giấc mơ xa vời.

Khi những lùm xùm xung quanh vụ đấu giá bức tranh “Cẩm chướng” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan còn chưa kịp lắng xuống, cuối tháng 5 này, Lythi Auction sẽ lại tổ chức phiên đấu giá thứ 2. Với chủ đề Hội họa Việt Nam thế kỷ XX và đương đại, phiên đấu giá mang tên “Vị nghệ thuật” lần 2 do Lythi Auction tổ chức sẽtrưng bày tranh từ ngày 20 và hoạt động đấu giá lúc14h ngày 27-5 tại Hotel des Arts Saigon với tác phẩm của các gương mặt họa sĩ nổi bật của làng Hội họa Việt Nam thế kỷ XX.

Điều đặc biệt là, nhiều tác phẩm trong phiên đấu giá này có giá ước tính “cao ngất” như: Tác phẩm “Phiên chợ đời” (Lê Kinh Tài, vẽ năm 2009, sơn dầu trên toan) có giá cao nhất (khoảng từ 82.000-120.000USD); tác phẩm “Bản giao hưởng trắng” của họa sĩ Hoàng Tích Chù (vẽ tháng 4-1975) có giá 62.000-80.000USD; tác phẩm “Họa sĩ và người mẫu” của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (sơn dầu trên toan, vẽ năm 2003) có giá từ 12.000-16.000USD, bản ký họa trên giấy can “Phong cảnh đồng quê” (74cm x 40cm, 1968) của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có giá 14.000-20.000USD...

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật đang là hoạt động thu hút sự chú ý của công chúng.

Có vẻ như, sau những điều tiếng xung quanh hoạt động đấu giá bức tranh “Cẩm chướng” vừa qua Lythi Auction đang có nhưng nỗ lực nhất định của mình trong việc lấy lại hình ảnh trong mắt công chúng, họa sĩ cũng như giới sưu tầm. Tuy nhiên, đó thực sự là một câu chuyện đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra đối với những cá nhân hay tổ chức đã dấn thân vào hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật.

Việc đơn vị đấu giá là Lythi Auction đã không thể hoàn thiện được giao dịch đấu giá bức tranh “Cẩm chướng” đã  khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch cũng như sự tin cậy của đơn vị đấu giá. Hơn nữa, đây cũng không phải là lần đầu tiên một giao dịch đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam bị hủy bỏ. Còn nhớ, các đây đúng 1 năm, ở phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tổ chức ngày 28-5-2016, cặp chóe “Tứ Linh” đã được trả mức giá cao kỷ lục: 6 tỷ 50 triệu đồng (giá khởi điểm là 900 triệu đồng).

Trải qua 29 lần “nâng lên”, cuối cùng người thắng đấu giá là ông Đỗ Anh Dũng với người đại diện đấu giá là ông Vũ Mạnh Hùng. Tuy nhiên, đến ngày 6-6-2016, Công ty Lạc Việt đã nhận được phản hồi chính thức từ ông Vũ Mạnh Hùng (đại diện cho ông Đỗ Anh Dũng) về việc từ chối mua tài sản ông đã đấu trúng tại phiên đấu giá nêu trên.

Vụ việc này được dư luận và giới nghệ thuật hết sức quan tâm, bởi lẽ đây là phiên đấu giá nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với quy mô lớn và giá trị tài sản được trả giá lên rất cao với giá khởi điểm. Cuối cùng, sự việc cũng được giải quyết ổn thỏa khi cặp chóe “Tứ Linh” được người trả giá cao tiếp theo đồng ý mua, đó là khách hàng Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hải Phát - với giá 6 tỷ đồng.

Về phần “giải quyết hậu quả” của giao dịch bất thành, Công ty Lạc Việt đã căn cứ theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Quy chế bán đấu giá số 56/2016/QC-ĐGLV ban hành ngày 16-5-016, khách hàng Vũ Mạnh Hùng (đại diện trả giá thay Ông Đỗ Anh Dũng) sẽ không được hoàn trả số tiền 50 triệu đồng đã đặt cọc.

Vụ việc trên thực sự là một sự “mở hàng” không may mắn đối với hoạt động đấu giá nghệ thuật trong nước. Tuy nhiên, ba tác phẩm tranh vẽ của các hoạ sĩ Hoàng Phượng Vỹ, Quách Đông Phương, Đào Hải Phong đều bán được với giá lần lượt là 65 triệu đồng, 95 triệu đồng và 150 triệu đồng trong phiên đấu giá này đã thực sự là một tín hiệu vui đối với nhiều họa sĩ.

Cũng trong tháng 10-2016, một hoạt động đấu giá của Gem Center (TP. Hồ Chí Minh) mang tên “Thiện Nhân và những người bạn”. Phiên đấu giá này do Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam (Live To Love Việt Nam) tổ chức, nhằm tìm kiếm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em. Kết quả thu được rất đáng mừng: 100% số tác phẩm tham gia đấu giá đã được bán hết, thu về 223.600 USD từ 13 tác phẩm nghệ thuật cho quỹ “Thiện Nhân và những người bạn”.

Các tác phẩm “được giá” tiêu biểu có thể kể ra ở đây như: Tác phẩm “Phố cổ Hà Nội” của danh họa Bùi Xuân Phái (sơn dầu, vẽ vào khoản năm 1968-1972) với giá khởi đếm là 77.000USD và được bán với giá 102.000USD; Tác phẩm “Tôi - diều gió” của họa sĩ  Lê Kinh Tài với giá khởi điểm 60.000USD và được bán ra giới giá 80.000USD; kịch tính nhất là tác phẩm “Gửi đêm” của thi sĩ Bùi Giáng với giá khởi điểm là 2.500USD nhưng đã được bán với giá cao gấp hơn 10 lần giá khởi điểm (27.000USD)...

Hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu đời nhưng ở Việt Nam, đây là một lĩnh vực còn rất mới mẻ, bỡ ngỡ với nhiều người. Với một số hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật diễn ra khá sôi động trong vòng hơn 1 năm qua, một số người am hiểu về hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật nhận định rằng, nếu việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật nếu hoạt động tốt, sẽ mở ra kênh mua bán những tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, minh bạch, tạo cơ hội cho lĩnh vực nghệ thuật phát triển, hội nhập với thế giới.

Đôi chóe "Tứ linh" của nghệ nhân Phạm Anh Đạo được chốt giá 6 tỉ 50 triệu đồng nhưng sau đó lại bị người thắng đấu giá từ chối mua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số các nhà đấu giá đang hoạt động cũng chưa nhiều, loanh quanh chỉ có Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn… và nhóm đấu giá tranh trên mạng như Vietnam Art Space (VAS)…Từ phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5-2016 đến nay, Lạc Việt đã tổ chức được thêm 2 phiên đấu giá, các sản phẩm đều được đấu giá thành công.

Đa phần khách mua là người Việt Nam, khách quốc tế hay một số quỹ có tham gia nhưng mới mang tính quan sát nghe ngóng chứ chưa có nhiều động thái trả giá. Vì thế, sự non nớt, thiếu kinh nghiệm là điều khó tránh khỏi, đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngay lập tức cũng là điều khó khăn.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận những sai sót sơ đẳng như việc người tham gia đấu giá không đặt cọc mà vẫn được tham gia đấu giá, “chạy làng” khi đã trúng đấu giá mà không có biện pháp xử phạt thỏa đáng...

Ngày 1-7-2017 tới đây, “Luật đấu giá tài sản” sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lai dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại, quản lý nhà nước về đầu giá tài sản... được kỳ vọng là sẽ tạo ra hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động đấu giá tài sản nói chung, trong đó bao gồm cả hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Nhờ đó, các sai phạm của các bên tham gia hoạt động đấu giá có thể bị “áp” để xử lý một cách triệt để hơn.

Trong xã hội hiện đại, thông qua các phiên đấu giá, không chỉ giúp cho người mua hiểu hơn về giá trị của những tác phẩm nghệ thuật, mà còn giúp người bán bán được tác phẩm với mức giá phù hợp hơn, góp phần nâng tầm giá trị của các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để tiến lên chuyên nghiệp, các công ty hoạt động đấu giá trong lĩnh vực nghệ thuật cũng cần có một đội ngũ chuyên gia, thẩm định chuyên nghiệp có trình độ cao để thẩm định chất lượng của tác phẩm, tránh việc thật giả lẫn lộn và thu hút được Mạnh Thường Quân quan tâm nhiều hơn đến hoạt động này.

Điều 39, khoản 1 “Luật đấu giá tài sản” quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước:

“Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản được mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng”.

Nguyệt Hà
.
.