Đấu giá nghệ thuật: Bao giờ cho đến... chuyên nghiệp?

Thứ Năm, 25/06/2020, 13:22
Thông tin nhà đấu giá PI Auction House sẽ tổ chức phiên đấu giá nghệ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 27-6 với tên gọi “Arts du Vietnam - Nghệ thuật Việt Nam” tại khách sạn Sofitel Metropole (Hà Nội) đang khiến nhiều người lưu tâm...


Với 150 tác phẩm hội họa của nhiều tác giả trải dài từ thời mỹ thuật Đông Dương đến nay, phiên đấu giá này đang được kỳ vọng là một "làn gió mới" đối với đời sống mỹ thuật nước nhà. Nhưng có vẻ, đường đến với đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn xa...

Lần đầu có phiên đấu giá nghệ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế

Được xem là một nhà đấu còn non trẻ khi ra đời sau các sàn đấu giá Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House, Vietnam Art Space, Công ty Cá Sấu Việt Nam..., nhưng PI Auction House lại có một bước tiến mạnh mẽ khi đạt được sự hợp tác chính thức với sàn đấu giá Drouot - một sàn đấu giá uy tín tại Pháp vốn là nơi quy tụ trên 200 nhà đấu giá trên toàn thế giới.

Được thành lập bởi Napoleon đệ Nhất vào năm 1851, Drouot bắt đầu là một "La Chambre Nationale des Commissaires-Priseurs Judrecare" (Phòng đấu giá tư pháp quốc gia) của Pháp. Cho đến nay, Drouot được coi là nơi tham chiếu cho thị trường nghệ thuật của châu Âu. Tuy mới ra đời được vỏn vẹn 2 năm, nhưng ngày 7-5-2020, PI Auction House đã chính thức trở thành nhà đấu giá Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quang cảnh một phiên đấu giá của nhà đấu giá Lythi Auction.

Điều này được cụ thể hóa bằng việc phiên “Nghệ thuật Việt Nam” sẽ được đồng thời đấu giá trực tiếp trên sàn của PI Auction House tại Hà Nội và nền tảng Drouot Digital tại Paris - một hoạt động dường như chưa từng có tiền lệ trong các phiên đấu giá được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Có thể coi đây là một hoạt động tích cực, đánh dấu sự tịnh tiến đến chuyên nghiệp của các nhà đấu giá Việt Nam trong việc đưa nghệ thuật Việt Nam đến với quốc tế. Đây thực sự là một bước tiến mới quan trọng cho thị trường mỹ thuật Việt khi không còn phải lệ thuộc hoàn toàn vào các nhà đấu giá quốc tế nữa.

Đơn vị tổ chức phiên đấu giá cho biết, “Arts du Vietnam - Nghệ thuật Việt Nam” quy tụ của hơn 150 tác phẩm nghệ thuật trải dài từ thời kỳ vàng Đông Dương, qua kháng chiến đến những cái tên đương đại nổi bật như: Nam Sơn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đức Toàn, Lê Bá Đảng, Tôn Thất Đào, Trần Chất, Huỳnh Phương Đông, Mai Long, Nguyễn Trịnh Thái, Bùi Trọng Dư...

Trong đó, đáng chú ý là tác phẩm "Cô gái ngồi với áo dài" của họa sĩ Nam Sơn (Lot 35) có giá ước tính khởi điểm được công bố trên trang web https://www.drouotonline.com là từ 15.000 đến 20.000 EUR. Một tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái (Lot 43) cũng có mức giá ước tính khởi điểm từ 8.000 đến 10.000 EUR. Bên cạnh đó cũng có nhiều tác phẩm có giá khởi điểm chỉ từ vài trăm đến vài ngàn EUR.

Chính vì thế, đây có thể coi là một cơ hội để người yêu nghệ thuật cũng như các nhà sưu tầm có cơ hội sở hữu những tác phẩm hội họa có giá trị. Nhưng vì hoạt động này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, cho nên đến giờ này vẫn chưa thể nói điều gì, ngoài việc chờ đợi và hi vọng những tín hiệu lạc quan sẽ đến với thị trường mỹ thuật Việt Nam thông qua các hoạt động đấu giá.

Đường vẫn còn xa

Ở Việt Nam, hoạt động đấu giá nghệ thuật qua các nhà đấu giá mới ra đời khoảng 5 năm trở lại đây. Kể từ phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức lần đầu vào tháng 5-2016 đến nay, đã có hàng chục phiên đấu giá của các đơn vị chuyên tổ chức đấu giá là Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House, Vietnam Art Space, PI Auction House... Việc đấu giá thành công nhiều tác phẩm, trong đó có những bức tranh được chốt giá cao ngất ngưởng đã mở ra niềm hi vọng mới về một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Song, những "sự cố" trong nhiều phiên đấu giá trong thời gian qua đã cho thấy, hi vọng này với mỹ thuật Việt Nam vẫn còn xa vời.

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ bức tranh “Cẩm chướng” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan được Lythi Auction công bố đấu giá thành công ở mức 65 triệu đồng, nhưng sau khi đấu giá thành công, người mua không đến nhận, khiến nhà đấu giá phải trả lại tranh cho tác giả.

Tiếp đến là vụ người đấu giá thành công chịu phạt đặt cọc để "chạy làng" đối với cặp chóe “Tứ Linh” được đấu giá bởi Công ty Lạc Việt có giá khởi điểm là 900 triệu đồng đã được đại gia Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trả mức giá cao kỷ lục 6 tỷ 50 triệu đồng nhưng sau đó lại từ chối không mua tài sản trúng đấu giá, chịu phạt 50 triệu đồng đã khiến việc đấu giá trở nên hài hước hay chỉ như một trò đùa...

 Bên cạnh đó, phải kể đến "đám mây đen u ám" vẫn lơ lửng treo trên bầu trời mỹ thuật Việt, đó chính là vấn nạn tranh giả, tranh nhái hoành hành không thể kiểm soát. Quả vậy, hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật trong hơn 1 năm qua chủ yếu thông qua các phiên đấu giá của các nhà tổ chức đấu giá như Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House...

Tác phẩm "Cô gái ngồi với áo dài" của cố họa sĩ Nam Sơn trong phiên đấu giá “Arts du Vietnam - Nghệ thuật Việt Nam” được đưa ra mức giá khởi điểm từ 15.000 đến 20.000 EUR.

Thế nhưng thực tế, nhiều đơn vị  đấu giá đã xảy ra các "sự cố" trong các hoạt động đấu giá của mình, trong đó xảy ra nhiều nhất Chọn Auction House. Cụ thể, trước phiên đấu giá lần thứ 5 của Chọn Auction House diễn ra vào ngày 30-7-2017 với 12 tác phẩm nghệ thuật của 2 bộ "tứ trụ" của hội họa Việt Nam là Trí - Lân - Vân - Cẩn và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Bức "Phố cũ" của Bùi Xuân Phái được công bố giá khởi điểm cao nhất trong phiên: 8.000 USD. Nhưng trước đó, họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lên tiếng cho rằng đó là... tranh giả.

Bởi lẽ, trước đây nhà đấu giá Sotheby's (Singapore) từng bán đấu giá một bức "Phố cũ" tương tự với giá 11.443 USD và nhà đấu giá Christie's (Hồng Kong) sau đó cũng bán một bức "Phố cũ" vào ngày 25-5-2014 với giá 12.804 USD. Sau những tranh cãi không có hồi kết và cũng không đủ căn cứ thể xác định được bức tranh nào trong 3 bức kể trên là tranh thật - tranh giả, cuối cùng bức "Phố cũ" vẫn được bán cho một một người Việt yêu nghệ thuật trẻ tuổi với giá 12.500 USD - cao hơn 2 bức "cùng tên" từng được đấu giá ở nước ngoài.

Rồi câu chuyện bức tranh "Cô gái thỏ" của họa sĩ Nguyễn Phan Bách được đấu giá thành công tại phiên đấu giá thứ 2 của Chọn Auction House với mức giá 25.000 USD nhưng sau đó lại bị phát hiện đã đạo nhái bức tranh được vẽ bởi họa sĩ Pháp Louis Treserras. Sự việc này làm dấy lên nghi ngờ có sự "làm giá", "thông đồng" giữa người bán và người mua để đẩy giá lên cao, gây nhiễu loạn thị trường mỹ thuật.

Tai tiếng xấu nghiêm trọng đã xảy ra với nhà đấu giá Chọn Auction House khi vào tháng 9-2018, một "bức tranh bài tập" của sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam bị ký tên là tranh của họa sĩ Vũ Giáng Hương được đưa lên sàn đấu giá với mức giá khởi điểm là 3.000 USD và bị "bóc mẽ", khiến hoạt động đấu giá sau đó bị rơi vào trạng thái ảm đạm, nếu không muốn nói là ngưng trệ.

Bởi lẽ, nếu cứ liên tục có những sự cố như thế này xảy ra trong hoạt động đấu giá mỹ thuật Việt khiến cho người ta có cảm giác không biết tin tưởng vào đâu. Tâm lý đề phòng việc "bị lừa" sẽ trở thành tâm lý thường trực, nhất là khi hiện nay thật khó để có thể tin tưởng tin tưởng vào một đơn vị tổ chức đấu giá nào.

Tuy nhiên, phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn đấu giá quốc tế của PI Auction House vẫn chưa diễn ra, vì thế chúng ta cũng chưa khẳng định hay dám chắc điều gì. Nhưng có vẻ, đường đến với đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn xa xôi khi những nghi ngại về chất lượng sản phẩm nghệ thuật qua các sàn đấu giá vẫn như một "đám mây đen" bao phủ bầu trời mỹ thuật Việt Nam.

Hi vọng, với những nỗ lực đáng kể của PI Auction House cũng như một vài sàn đấu giá nghệ thuật nghiêm túc khác, hoạt động đấu giá nghệ thuật tại Việt Nam sẽ đem lại niềm hi vọng, thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ sĩ, cũng như lấy lại niềm tin trong lòng công chúng và uy tín đối với thị trường tranh quốc tế.

Nguyệt Hà
.
.