Xung quanh cuốn tiểu thuyết chưa xuất bản của Garcia Marquez:

Dẫu chưa nên khúc, tình đà thoảng hay...

Thứ Tư, 21/05/2014, 08:00
Bốn ngày sau khi nhà văn vĩ đại người Colombia Gabriel Garcia Marquez qua đời (17/4/2014), tờ nhật báo Tây Ban Nha La Vanguardia đã trích đăng chương 1 của cuốn tiểu thuyết "Ta sẽ gặp nhau vào tháng tám" - được xác định là tác phẩm cuối cùng chưa được xuất bản của tác giả "Trăm năm cô đơn".

Trong chương mở đầu này, Marquez kể về một người phụ nữ mặc dù đã lập gia đình song vẫn có mối quan hệ "ngoài luồng" với một người đàn ông khác. Mọi việc diễn ra tại nhà nghỉ ở một hòn đảo nhiệt đới, nơi Anna Magdalena Bach - tên người phụ nữ - vẫn tới thăm viếng mộ mẹ mình hằng năm.

Được biết, "tiền thân" của cuốn tiểu thuyết là một truyện ngắn đã được Marquez viết ra từ thập niên 90 của thế kỷ trước và đích thân tác giả từng có lần đọc trước công chúng vào năm 1999. Sau phản hồi của độc giả, Marquez đã cho mở rộng khuôn khổ của tác phẩm với việc bổ sung thêm một chuỗi câu chuyện xoay quanh cuộc đời nhân vật chính. Ông muốn nâng cấp tác phẩm lên thành tiểu thuyết. Và truyện ngắn đã viết được ông giữ làm chương mở đầu của cuốn tiểu thuyết đó.

Sở dĩ tác phẩm được xem là chưa hoàn thành bởi Marquez chưa thực sự ưng ý với đoạn kết của nó. Đó cũng là lý do khiến cho tới khi Marquez tạ thế, bản thảo cuốn tiểu thuyết vẫn nằm trong ngăn kéo, không được xuất bản.

Như vậy, tới nay, nhắc tới sự nghiệp văn chương của Marquez, phần lớn bạn đọc vẫn chỉ biết tới cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh "Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi" (xuất bản năm 2004) như là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời ông.

Nhà văn Garcia Marquez.

Sau khi tờ La Vanguardia trích đăng chương 1 của tiểu thuyết "Ta sẽ gặp nhau vào tháng tám", ngay lập tức nó được nhiều nhà sáng tác và phê bình văn học lên tiếng ngợi ca. Dường như tất cả đều thống nhất với nhau rằng, nhân vật Anna Magdalena Bach là một mẫu phụ nữ hấp dẫn, xứng đáng có mặt trong bộ "sưu tập" những người phụ nữ phi thường vẫn "cư ngụ trong các trang văn của Garcia Marquez". Một nhà bình luận của Hãng thông tấn AP thậm chí còn nhận xét: "Sự lãng mạn của tác phẩm càng được tôn lên trong khung cảnh đẹp mê hồn của hòn đảo nhiệt đới, cộng với đó là sự quyến rũ của khí hậu, của âm nhạc và cư dân nơi đây qua cách mô tả khéo léo và đầy cuốn hút của tác giả".

Thật ra, không phải khi Marquez còn sống, độc giả chưa từng bao giờ được nghe nhắc tới cuốn tiểu thuyết này. Còn nhớ, hồi tháng 5 năm 2008, khi Marquez tiết lộ với các biên tập viên của tờ The Guardian, rằng ông đã cầm bút trở lại (trước đấy 3 năm, ông từng tuyên bố dừng bút) và đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết mới, dày 250 trang, các tay thợ "săn tin" trong làng báo đã nhanh chóng xác định cuốn tiểu thuyết được Marquez nhắc tới có tên là "Ta sẽ gặp nhau vào tháng tám". Và khi một nhà báo hỏi đùa Marquez: "Liệu đây có phải là tác phẩm cuối cùng của ông không?", Marquez đã hóm hỉnh đáp lại ngay: "Sao lại cuối cùng? Anh không chờ được tác phẩm cuối cùng của tôi đâu".

Vẫn biết, ý của tác giả "Trăm năm cô đơn" là sức viết của ông còn rất dồi dào, và tuổi thọ của ông sẽ còn kéo dài, đến độ anh chàng phóng viên nọ khó "chờ đợi" được tới ngày tác phẩm cuối cùng của ông ra đời. Tuy nhiên, câu nói của Marquez vô tình lại mang "điềm gở", như thể tác phẩm mà ông đang viết ấy không biết lúc nào ra đời để thỏa mãn sự trông chờ của anh chàng phóng viên nọ. Sự thật thì, như ta biết, trước khi mất chừng hai năm, Marquez rơi vào tình trạng rối loạn trí nhớ và việc sáng tác với ông đến đó dường như cũng đặt dấu chấm hết. 

Mặc dù tới nay, đại diện những người thừa kế của Marquez chưa tiết lộ việc họ có đồng ý cho xuất bản cuốn tiểu thuyết còn chưa hoàn thiện đó hay không, song, theo Claudio Lopez, biên tập viên của nhà xuất bản Random House thì Random House hoàn toàn tôn trọng sự đánh giá của chính tác giả về đoạn kết chưa hoàn hảo trong cuốn tiểu thuyết của mình. Còn một khi gia đình nhà văn chấp thuận cho Random House công bố thì cuốn tiểu thuyết sẽ được phát hành dưới dạng "di cảo còn dang dở"

Lê Mạnh Hùng
.
.