Đâu chỉ có "Romeo và Juliet"

Thứ Tư, 24/11/2010, 09:30

Wiliam Shakespeare (1564-1616) là một con người khổng lồ mà tầm vóc được đo trước nhất bằng các vở kịch, trong đó, chỉ cần một "Romeo và Juliet" thôi, người ta đã có thể xếp ông vào hàng ngũ những "ông hoàng của tình yêu": Người đã đóng góp vào kho tàng văn học thế gian một trong những tác phẩm viết về tình yêu hay nhất.

Nhưng sự nghiệp của Wiliam Shakespeare đâu chỉ có những vở kịch, mặc dù chúng rất đa dạng về thể tài, phong phú về bút pháp, đồ sộ về khối lượng. Ông còn được hậu thế biết đến với tư cách một nhà thơ (một trong ba nhà thơ được Mác yêu thích hơn cả), tác giả của hai bản trường ca: "Venus và Adonis" (xuất bản năm 1593), "Lucrece" (xuất bản năm 1594) và một tập thơ trữ tình gồm 154 bài sonnets xuất bản năm 1609. Bài thơ trích dưới đây được rút từ tập thơ nói trên.

SOnNETS 21

Tôi không giống những nhà thơ nọ
Người dùng bao sáo ngữ mỹ miều
Người dâng cả bầu trời, mây gió
Gặp cái gì cũng ví với người yêu 

Và làm thơ, khi nói về tình cảm
Họ phải cần cả vũ trụ bao la
Cả sông núi, cỏ hoa, biển xanh,
trời thắm
Bao điều hay cái lạ gần xa... 

Trong tình cảm, trong thơ, tôi tôn thờ
sự thật
Tôi nói người tôi yêu đẹp chẳng ai
bằng
Nhưng vẫn người trần sống trên
mặt đất
Không phải mặt trời, không phải
sao trăng 

Mặc người khác ngợi ca, tìm đủ cách
Tôi không bán người yêu, tôi không cần câu khách

(Thái Bá Tân dịch)

Chúng ta đều biết: để mở được ngôi nhà có tên gọi Tình Yêu, người ta không thể thiếu được thao tác "gõ cửa". Gõ mạnh - đấy là tỏ tình, còn gõ nhẹ, đấy là những lời tán yêu vu vơ. Hiệu quả đến đâu còn tùy vào độ bén nhạy của người bên trong "ngôi nhà" kia, nhưng có một điều chắc chắn là: Dường như rất ít người dám đi ngược, đi tắt "lộ trình" này. Vả chăng: Khi người ta yêu - là họ đang ở trạng thái thăng hoa, nhìn gì cũng thấy đẹp, thấy lộng lẫy yêu kiều. Với họ, lấy cả vũ trụ để ví với người tình dường như vẫn còn chưa đủ.

Đó là một hiện tượng thường tình, phổ biến, chẳng có gì phải phê phán.

Tuy nhiên, ở đời, yêu những cái mơ hồ vu vơ, mênh mông trời đất chưa chắc đã khó bằng yêu được những cái cụ thể, những con người thực bằng xương bằng thịt quanh mình. Khi Shakespeare nói ông "không giống những nhà thơ nọ" là ông muốn đối lập mình với những người lúc nào cũng dùng những lời hoa mỹ, sáo rỗng để làm trang sức cho tình yêu. Là một tình nhân, xin đường tưởng Shakespeare không cực đoan đâu. Khi yêu, ông yêu tha thiết và cũng nhận thấy: "Người yêu tôi đẹp chẳng ai bằng". Chỉ khác là nhà thơ không muốn thần thánh hóa tình yêu, không muốn để tình yêu nổi trôi vu vơ trên mây trên gió, mà đặt nó đứng bằng hai chân giữa mặt đất. Với ông, có thế tình yêu mới có sắc tố thật và mới có cơ sở tồn tại một cách bền vững.

Hãy nghe Shakespeare bày tỏ quan điểm của mình ở câu thơ kết: "Mặc người khác ngợi ca, tìm đủ cách/Tôi không bán người yêu, tôi không cần câu khách".

Sự thận trọng, kín đáo này thể hiện sự trân trọng đối với tình yêu, là cách để giữ gìn sự trong sáng của tình yêu...

Mạnh Hiền
.
.