Trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi nhan sắc Quốc tế:

Đâu chỉ cần độc đáo và mới lạ?

Thứ Năm, 06/12/2018, 09:00
Bộ trang phục mang tên "Bánh mì" chính thức được lựa chọn là trang phục truyền thống của H'Hen Nie tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 đang diễn ra tại Thái Lan. Sáng tạo, mới lạ, đột phá về ý tưởng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi ở chỗ, bánh mì có xứng đáng là sản phẩm để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt với bạn bè thế giới hay không. Vấn đề đang là tâm điểm trong cộng đồng mạng những ngày gần đây.


Độc đáo, mới lạ nhưng chưa đẹp mắt

Phải nói rằng, trong những đại diện nhan sắc Việt tham dự đấu trường quốc tế trong năm 2018, H'Hen Nie là thí sinh có nhiều thời gian nhất để chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Ngay cả trang phục truyền thống của H'Hen Nie cũng được đưa lên mạng để khán giả bình chọn và cuối cùng, mẫu thiết kế "Bánh mì" của Phạm Phước Điền đã giành chiến thắng.

Thực ra, không phải đến thời điểm "Bánh mì" chính thức được lựa chọn, bộ trang phục này mới gây tranh cãi. Trước đó, khi lần đầu tiên xuất hiện, "Bánh mì" đã gây nên những luồng ý kiến trái chiều. Người ủng hộ thì cho rằng, "Bánh mì" có sự đột phá về ý tưởng cũng như cách thể hiện mới lạ, độc đáo, gây ấn tượng mạnh với khán giả. "Bánh mì" phù hợp với tiêu chí của phần thi trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ. Chắc chắn, "Bánh mì" sẽ làm nên chuyện, giống như trang phục mô hình xe Tuk Tuk của đại diện Thái Lan tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015 hay trang phục mô hình múa rối của dại diện Myanmar tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016.

Bộ trang phục dân tộc gây tranh cãi của H'Hen Nie tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018.

Tuy nhiên, "Bánh mì" cũng nhận không ít ý kiến trái chiều. Theo khán giả, trong ba thiết kế được đưa ra bình chọn, "Bánh mì" không phải là trang phục xuất sắc nhất. "Ngũ hổ" của Nguyễn Đặng Thanh Nhàn và "Phố cổ" của Nguyễn Đình Thuận thể hiện giá trị văn hóa dân tộc rõ nét hơn so với "Bánh mì". "Ngũ hổ" được lấy ý tưởng từ tranh dân gian Hàng Trống và nghệ thuật hát bội, trong khi đó, "Phố cổ" gây ấn tượng với áo dài màu đen kết hợp hình ảnh phố cổ Hội An thu nhỏ với chùa Cầu, phố lồng đèn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Tôi cho rằng, bánh mì là một nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam và lấy cảm hứng từ bánh mì để thiết kế trang phục sân khấu, thông qua đó để quảng bá văn hóa Việt là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đã là nghệ thuật thì phải nói đến yếu tố thẩm mĩ. Ý tưởng dù tốt đến đâu nhưng thể hiện không khéo sẽ trở nên phản cảm.

"Bánh mì" đáp ứng được tiêu chí độc đáo, mới lạ nhưng chưa thực sự đẹp mắt, có phần... kém sang. So với "Bánh mì" lần đầu giới thiệu đến công chúng, trang phục mà H'Hen Nie trình diễn đã có một số chỉnh sửa để tôn dáng người mặc, gợi cảm hơn. Nếu bản gốc là chiếc áo thun màu đỏ, cổ cao thì phiên bản mới thay đổi bằng váy cúp ngực, cổ cách tân của áo dài truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, những chiếc bánh mì được kết làm chân váy với nón lá, hay phần cổ của áo dài, áo váy cúp ngực thiếu sự kết nối để tạo nên tổng thể hài hòa, thống nhất. Yếu tố truyền thống trong bộ trang phục này không rõ nét. "Bánh mì" sẽ kéo lùi nhan sắc của H'Hen Niê vì làn da nâu, tóc tém có vẻ như không phù hợp khi kết hợp với nón lá và ổ bánh mì xếp xung quanh, không giống với hình ảnh của người đẹp Việt thường thấy.

Ngay cả trong giới chuyên môn cũng có nhiều quan điểm khác nhau về "Bánh mì". Có nhà thiết kế "gạo cội" đánh giá cao "Bánh mì" vì đáp ứng được yêu cầu của sân chơi quốc tế. Sự bắt mắt, độc đáo của trang phục sẽ khiến khán giả phải trầm trồ. Bên cạnh đó, không ít nhà thiết kế bày tỏ quan điểm cho rằng, ý tưởng mới lạ như "Bánh mì" là điều tốt nhưng điều đó không nên áp đặt là văn hóa, trang phục dân tộc của Việt Nam, khiến người nước ngoài nhìn nhận sai lệch về trang phục dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, "Bánh mì" còn "dính" lùm xùm khi bị cáo buộc "na ná" mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ món Tôm Yum của thí sinh tham dự Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2018.

Chia sẻ với báo giới, nhà thiết kế Phạm Phước Điền, chủ nhân của bộ trang phục "Bánh mì" nói đại ý rằng, anh đã theo dõi các cuộc thi Hoa hậu từ nhiều năm nên biết rất rõ bản thân đang ở đâu và cần làm gì. Có sự phân biệt rõ ràng giữa "National Costume" (trang phục mang tinh thần quốc gia nhưng có thiết kế độc đáo, mới lạ, phá cách, thậm chí là kỳ quặc) với "Traditional Costume" (trang phục mang tinh thần quốc gia, đại diện cho giá trị chân - thiện - mỹ và thuần phong mỹ tục của một quốc gia như áo dài, kimono, hanbok)…

Một thiết kế lạ lẫm như "Bánh mì" sẽ khiến các bạn bè quốc tế có cái nhìn khác khi Hoa hậu Việt Nam bước ra thay vì áo dài. Bên cạnh đó Phạm Phước Điền cũng khẳng định, "Bánh mì" được anh lên ý tưởng từ lâu, trước cả thời điểm diễn ra cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2018 và không liên quan gì đến mẫu trang phục có ý tưởng từ món Tom Yum của Thái Lan.

Nhiều khán giả cho rằng, bộ trang phục "Phố cổ" (ảnh trái) và "Ngũ hổ" đẹp, phù hợp hơn với H'Hen Nie so với "Bánh mì".

Mỗi bộ trang phục dân tộc là "sứ giả văn hóa Việt"

Thời gian gần đây, trang phục truyền thống trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế rất được quan tâm. Trước mỗi cuộc thi lớn, người đẹp Việt thường giới thiệu trang phục dân tộc với khán giả. Đã có một số cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho những người đẹp được tổ chức, thu hút đông đảo thí sinh tham gia.

Nếu những năm trước, người đep Việt thường lựa chọn trang phục áo dài, áo tứ thân, áo yếm để trình diễn trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế thì giờ đây, trang phục dân tộc có nhiều thay đổi rõ nét với nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo. Những bộ trang phục như "Sen vàng" của Dương Nguyễn Khả Trang tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2016, "Hồn Việt" của Nguyễn Thị Loan tại Hoa hậu Hoàn vũ 2017, "Nàng mây" của Lệ Hằng tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016 hay mới đây nhất là "Nữ thần Mặt trời" của Phương Khánh tại Hoa hậu Trái đất 2018 đánh giá cao. Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này là tất yếu vì áo dài, áo yếm, áo tứ thân được sử dụng quá nhiều và khả năng để cải tiến, cách tân rất khó.

Tôi cho rằng, xu thế cách tân trang phục truyền thống tại các cuộc thi nhan sắc là xu thế tất yếu. Tư duy tiêu dùng thời trang hoàn toàn khác so với tiêu chí thiết kế trang phục cho những cuộc thi nhan sắc. Chính vì vậy, cần ủng hộ tư duy sáng tạo, đổi mới để hội nhập của những nhà thiết kế trẻ. Mỗi cuộc thi nhan sắc có luật chơi và tiêu chí lựa chọn, đánh giá riêng về trang phục truyền thống. Điều này đòi hỏi những nhà thiết kế phải không ngừng sáng tạo, đổi mới, đột phá về tư duy để bắt kịp với sự phát triển chung.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rằng, nhan sắc Việt và những bộ trang phục Việt khi bước ra thế giới chính là hiện thân của văn hóa, con người Việt Nam, cầu nối để đưa văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng quốc tế. Khi đó, mỗi bộ trang phục còn đóng vai trò là "sứ giả văn hóa Việt", truyền tải thông điệp về con người Việt Nam. Chính vì vậy, nhà thiết kế cần hiểu về văn hóa Việt, có sự trải nghiệm để sáng tạo những bộ trang phục đẹp mắt, tinh tế, mang đậm bản sắc văn hóa. Sự sáng tạo phải trong không gian truyền thống và những giá trị văn hóa cốt lõi.

Điều này đòi hỏi nhà thiết kế cần có kiến thức, am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt, tìm được những nét đặc trưng nhất trong văn hóa Việt để lấy đó làm cảm hứng sáng tạo. Ý tưởng đó phải được thể hiện bằng những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ, nghĩa là nội dung bên trong và hình thức bên ngoài phải hài hòa, thống nhất.

Sự thành công của nhan sắc Việt khi "mang chuông đi dánh xứ người" không đơn thuần là việc giành thứ hạng cao hay thấp mà quan trọng hơn là đã lan tỏa được hình ảnh đẹp về con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tương tự như vậy, trang phục dân tộc đẹp, không đơn thuần là sự mới lạ, độc đáo mà còn phải làm tốt vai trò của một sản phẩm để quảng bá văn hóa Việt.

Tường Phạm
.
.