Đào tạo hậu bối cho cải lương gặp khó

Thứ Năm, 18/06/2020, 07:45
"Tre già măng mọc", nhưng với cải lương, khi thế hệ lão làng dần vắng bóng thì khoảng trống họ để lại vô cùng lớn mà chưa tìm được người kế nhiệm. Mặc dù có nhiều cuộc thi và các hình thức đào tạo, song việc tìm kiếm nhân tài ở loại hình kịch hát truyền thống này vẫn lâm vào thế bí.


Trải qua chặng đường 100 năm, cải lương trong nhịp sống hôm nay đang dần lạc lõng, không theo kịp đời sống đương đại. Dù có nhiều nỗ lực làm mới nhưng những nỗ lực ấy vẫn như ngọn đèn nhỏ nhoi trong đêm tối. Các hội thảo, tọa đàm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cải lương diễn ra liên tục. Người ta cảm thấy xót xa khi loại hình kịch hát được ưa chuộng bậc nhất những năm giữa thế kỷ XX lại trở nên đìu hiu, lay lắt đến thế.

Nhiều nguyên nhân khiến cải lương xuống dốc nhưng nguyên nhân trọng yếu nhất được giới chuyên môn chỉ ra chính là nguồn nhân lực. Trong khi các nghệ sĩ, soạn giả gạo cội dần rơi rụng thì nguồn nhân lực trẻ lại không đáp ứng được nhu cầu. Những kịch bản cũ được xào đi nấu lại. Những diễn viên trẻ ít ỏi, thiếu nổi trội, thậm chí hát nhép, diễn qua loa, cẩu thả.

Các đoàn cải lương hiện nay đều thiếu trầm trọng diễn viên, soạn giả lẫn nhạc công nên nhiều đoàn dần giải thể. Tình trạng này đến mức báo động. Thạc sĩ, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trước đây hầu hết các tỉnh phía Nam đều có đoàn cải lương chuyên nghiệp, thậm chí riêng tỉnh Hậu Giang có tới bốn đoàn thì ngày nay cả Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có tám đoàn, thậm chí có tỉnh không còn đoàn nào.

Sóc Trăng hiện là một trong năm tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn đoàn cải lương chuyên nghiệp vì Đoàn Cải lương Chuông Vàng đã "khai tử" cách đây 3 năm.

Một khóa học truyền lửa đam mê cải lương cho các bạn trẻ. 

Theo giới chuyên môn, để giải cứu cải lương phải bắt nguồn từ việc đào tạo đội ngũ kế cận. Có bột mới mong gột nên hồ. Chỉ có đội ngũ này mới có thể mang lại cho cải lương sức sống mới, phát huy truyền thống cha ông trong thời đại hội nhập. Lâu nay, cải lương chinh phục công chúng vì nó dung hòa giữa nét truyền thống và hiện đại, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả. Soạn giả Lâm Hữu Tặng cho rằng, để thu hút khán giả hiện nay, đặc biệt là khán giả trẻ, cải lương cần phải có những vở diễn đậm hơi thở đương đại, phản ánh cuộc sống, tâm tư nhân dân.

Ngoài việc rút ngắn độ dài của cải lương thì các khâu hình thức, âm thanh, ánh sáng phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, việc đưa cải lương tiếp cận nguồn khán giả tiềm năng trên môi trường số cũng rất quan trọng. Để làm được điều này, lớp nhân lực tiếp nối bắt buộc phải có sự đổi mới. Họ phải hội đủ tài năng như lớp cha anh và bổ sung cả kỹ năng hiện đại, bản lĩnh thể nghiệm sáng tạo.

Tuy nhiên, điều nan giải lại nằm ở chỗ các tài năng như thế quá khan hiếm. Những kỹ năng của một nghệ sĩ trong thời đại số họ có thừa, nhưng sự đam mê và giọng ca lại không đủ để đưa họ trở thành tên tuổi lớn. Đạo diễn Thanh Hiệp chỉ rõ: "Không có chất giọng thì khó mà đào tạo thành diễn viên cải lương. Biết bao năm qua, nhìn lại thành tựu của Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, rất hiếm diễn viên có giọng ca hay, tạo được sức lan tỏa sâu rộng.

Điều này là một thực tế, vì ngay cả các cuộc thi tuyển chọn giọng ca và diễn viên cải lương tổ chức hàng năm hoặc cách hai năm một lần như: Giải "Bông lúa vàng", Giải "Chuông vàng vọng cổ", Giải "Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu"… vẫn đang "hụt hơi" vì thiếu lực lượng thí sinh tham dự, và cực kỳ khó tìm kiếm được giọng ca hay. Do vậy, ngay đầu vào của Khoa đã vấp phải khó khăn khiến việc tuyển sinh không mấy hồ hởi khi chưa phát hiện được nhiều hạt giống mới".

Hiện nay, hình thức truyền nghề bằng kinh nghiệm tại gia đình hay các lò luyện của thầy đờn phổ biến hơn cả. Ở hình thức "cha truyền con nối", những con cháu có năng khiếu sẽ được cha ông rèn luyện từ nhỏ. Còn ở lò luyện, những ai có năng khiếu, bất kể già trẻ, thành phần xã hội, đều được học cải lương chứ không giới hạn như ở trường đại học. Đây được coi là hình thức đào tạo tiết kiệm chi phí, thời gian và phát hiện nhiều giọng ca trời phú.

Tại các cuộc thi cải lương, đa phần các thí sinh đoạt giải cao đều xuất phát từ hình thức truyền nghề này. Tuy nhiên, TS Phạm Trí Thành, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cho rằng: "Phần đông diễn viên cải lương vẫn được truyền nghề theo truyền thống gia đình, dòng họ, hay tự kèm cặp, chứ không có trình độ bài bản, chuyên nghiệp, do đó họ rất thiếu tri thức mặt bằng. Đó là những tồn đọng, trở ngại rất lớn cho công tác đào tạo văn nghệ sĩ vốn rất khó khăn để có được những thành quả chất lượng như mong muốn trong tình hình thực tại của đất nước. Cần có những chương trình đào tạo đạo diễn, tác giả, nghiên cứu lý luận riêng cho chuyên ngành cải lương, đặc biệt là đào tạo giáo viên giảng dạy bộ môn đào tạo diễn viên cải lương. Diễn viên cần được học tập chính quy để liên tục bổ sung bằng cấp, tri thức tiến kịp với xã hội, xoá đi sự tụt hậu về tri thức đã tồn đọng nhiều năm qua".

Đạo diễn Thanh Hiệp tâm sự, anh biết nhiều thí sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi cải lương, vọng cổ không muốn tốn thời gian học hành bài bản mà nôn nóng ra làm nghề ngay. Theo họ, có giải thưởng thì cơ hội làm đào kép chánh rất dễ dàng, các show hát đình, hát hội chợ... cũng dễ tìm đến.

Cảnh trong vở cải lương "Lấp sông Gianh".

"Trên thực tế, họ đã đánh mất chính cơ hội được đào luyện một cách chính quy, mà từ môi trường giáo dục nghiêm túc sẽ cho họ nền tảng vững vàng trên con đường nghệ thuật. Bằng chứng rất nhiều bạn diễn viên xuất thân từ Giải "Bông lúa vàng", Giải "Chuông vàng vọng cổ" sau khi đoạt giải, có bạn đoạt giải cao, có bạn đoạt giải phụ, nhưng khi được tham gia diễn các vở cải lương trọn vẹn thì họ hụt hơi trong diễn xuất. Tâm lý nhân vật và cách giao lưu với bạn diễn, thậm chí tính cách vai diễn bị trôi tụt một cách đáng thương" - đạo diễn Thanh Hiệp dẫn chứng.

Ngoài hai hình thức đào tạo trên còn có hình thức đào tạo bán chính quy theo phương thức xã hội hoá do các nhà hát, đơn vị văn hóa tổ chức như: Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn cải lương tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An... Đáng tiếc, sự đầu tư cho công tác đào tạo này cũng chưa đúng mực, đa số còn dựa vào những cá nhân hay những dự án có tính chất thời vụ chứ không lâu dài, khoa học, chính quy và có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất.

Mong muốn một lớp nghệ sĩ tương lai tài năng, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, các hình thức đào tạo phải được cải tiến ở khâu đầu vào lẫn đầu ra. Thạc sĩ Lê Nguyên Đạt nhận định: "Ở mảng đào tạo theo phương thức truyền nghề, hơn bao giờ hết khi thế hệ nghệ nhân theo thời gian đang ngày một xa rời con cháu, thì việc tổng kết học tập kinh nghiệm thanh nhạc, diễn xuất của các nghệ nhân cần được đẩy mạnh khai thác bằng nhiều hình thức (thu âm, ghi hình, sưu tầm, khảo cứu…), làm sao có được hệ thống tài liệu căn bản về kinh nghiệm luyện giọng, luyện hơi, kỹ thuật ca hát, xướng âm, kỹ thuật diễn… Đó dùng làm cơ sở giảng dạy cho diễn viên, nhạc công một cách có hệ thống, từ dễ đến khó".

Riêng ở các trường đào tạo chính quy, cần thiết phải có quy định rõ ràng về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra đối với chuyên ngành diễn viên và nhạc công, chú trọng đào tạo tài năng cải lương theo đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật. Với các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường cần có chế độ ưu đãi trong học tập, miễn giảm học phí, có định hướng công việc về lâu dài.

Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi công nghệ số, ngoài đổi mới phương pháp dạy và học, bổ sung kiến thức chuyên môn, nhà trường cần chú trọng việc trang bị ngoại ngữ cho sinh viên nghệ thuật. Đạo diễn Thanh Hiệp đề xuất thêm: "Để hóa giải yếu kém về giọng ca của sinh viên được tuyển vào các trường, chúng ta cần mở rộng thêm việc tuyển chọn nguồn nhân lực từ những cuộc thi, với hình thức trao học bổng toàn phần cho các thí sinh vào chung kết xếp hạng, hoặc học bổng bán phần cho thí sinh vào bán kết. Vì sao phải ưu tiên cho lực lượng này?

Bởi, trước hết họ đều có giọng ca bẩm sinh, trời đã phú cho họ có chất giọng và các cơ sở đào tạo chính quy chính là nơi trau dồi, rèn giũa để viên đá thô sơ sẽ sáng lấp lánh như ngọc quý sau thời gian học tập. Lâu nay, các trường vẫn tuyển theo hình thức sàng lọc, rồi sau mỗi mùa thi có quá ít thí sinh có giọng ca hay, trụ được với nghề".

Phan Thi Uyên
.
.