Chuyện làng văn nghệ

Đào hoa nhưng vẫn chung tình...

Thứ Hai, 26/07/2010, 08:37
Clark Gable là một siêu sao điện ảnh của nước Mỹ. Ông từng làm mê hoặc trái tim bao phụ nữ trên thế giới qua vai diễn Đại úy Rhett Butler trong bộ phim được xem là kiệt tác của điện ảnh Mỹ "Cuốn theo chiều gió" (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Mỹ Margaret Michell, sáng tác năm 1936).

Thời gian thực hiện bộ phim này, tham gia diễn chung với Clark Gable có không ít nữ minh tinh với sắc đẹp mê hồn như Joan Crawford, Vivien Leigh (người đóng cặp với ông trong vai Scarlett)... nhưng phải Carole Lombard mới làm ông rung động hơn cả. Tình cảm giữa họ là một thứ rượu, không "bốc" ngay mà đậm dần theo năm tháng. Họ thực sự hiểu nhau, không phải qua những gì hào nhoáng trên màn ảnh mà trong cuộc đời thực với tất cả nỗi gian truân của người nghệ sĩ điện ảnh.

Và rồi một ngày kia, Clark Gable - người tình trong mơ của bao nhiêu thiếu nữ cùng các bà mệnh phụ - đã trang trọng đeo vào tay Carole chiếc nhẫn đính hôn cùng lời thề ước trọn đời bên nhau.

Đây quả là một cặp uyên ương xứng đôi vừa lứa. Họ có đủ cả, từ tình yêu đằm thắm, chân thành đến tất tật tiền tài danh vọng. Không ai có thể nghĩ rằng sẽ có một sự ngáng trở nào đó trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc của họ.

Đây cũng là thời gian Clark Gable gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Với bộ phim "Cuốn theo chiều gió", ông được hưởng tất cả mọi hạnh phúc người đời có thể dành được cho một nghệ sĩ. Đang cơn náo nức phấn chấn, một tai họa bất ngờ đã đổ ập xuống đời ông: Trong chuyến đi phát động phong trào mua 2,5 triệu USD trái phiếu ủng hộ nhà nước từ Indianapolis trở về, Carole - người vợ mới cưới của ông cùng nhiều hành khách đã chịu chung số phận vì một vụ nổ máy bay. Cái chết bi thương của người đàn bà hồng nhan bạc mệnh này đã khiến tất cả những mơ ước về một mái ấm gia đình của Clark Gable đành... cuốn theo chiều gió!

Mất Carole, Clark Gable như mất mọi ánh sáng cuộc đời. Ông chỉ còn như một thứ phản quang yếu ớt của quá khứ, tháng ngày lầm lũi làm việc, lầm lũi sống.

Khi Carole mất (năm 1942) cũng là lúc Clark Gable bước sang tuổi bốn mươi và cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II đã bước sang diện rộng. Và Gable đã có một quyết định làm sửng sốt tất cả những người ái mộ: Tình nguyện gia nhập không lực Mỹ để trở thành một phi công chiến đấu. Từ một tài tử điện ảnh bất thần trở thành một chiến binh, phải chăng Gable luôn nghĩ tới người phụ nữ yêu thương của mình đã tử nạn nơi trời cao. Ông muốn bay lên đó để được gần gũi nàng, và để nếu chết, được chia sẻ những gì mà người mình yêu đã phải trả? Chỉ biết, ở vị trí mới, Gable đã tham chiến với nhiều trận ác liệt từ châu Âu tới Bắc Phi. Người ta xem ông như một phi công chiến đấu xuất sắc. Trước khi giải ngũ, Gable đã lên chức Thiếu tá.

Về lại đời thường, Clark Gable lập gia đình và tiếp tục sự nghiệp điện ảnh. Ông vẫn giữ được sự yêu mến của người hâm mộ, duy khoảng trống vì thiếu vắng  Carole là không sao bù đắp được trong lòng...

Bởi vì, điều ai cũng thấy, không thể có người đàn bà nào, dù là sắc nước hương trời đi nữa, có thể thay thế được vị trí vĩnh hằng của Carole trong tâm hồn Clark Gable.

Việc thi hài Clark Gable được chôn cất bên cạnh Carole Lombard trong nghĩa trang Forest Lawm chẳng phải là một minh chứng và là sự thừa nhận của người đời về mối tình huyền thoại này đó sao?

Quốc Thái
.
.