Đạo diễn Xuân Sơn: Gặp “nạn” vì phim thị Trường

Thứ Năm, 12/11/2009, 16:30
Đạo diễn Xuân Sơn sinh năm 1940 tại Thanh Chương, Nghệ An. Những người yêu điện ảnh đều biết đến ông với 4 giải vàng dành cho phim nhựa "Truyện cổ tích cho tuổi 17" ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1988. Ông từng giữ chức vụ Phó giám đốc nghệ thuật của Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau thời gian nghỉ hưu, mới đây, ông trở lại phim trường trong vai trò đạo diễn của bộ phim truyền hình dài tập "Những mảnh vỡ phù hoa".

Quãng đường dài đến khu đô thị mới Mỹ Đình II để vào nhà của đạo diễn Xuân Sơn luôn lầm bụi vì xe tải chạy đêm ngày. Dường như ông đã quá hiểu điều đó nên ngay khi tôi bấm cầu thang máy lên tầng 8 vào nhà ông, ông đã pha sẵn một cốc nước mát và bật sẵn quạt để chờ tôi đến. Căn nhà của đạo diễn Xuân Sơn tuy nhỏ nhưng được trang trí rất có "gu". Trong nhà đầy đủ các đồ kỷ niệm từ mọi vùng miền trong nước đến ngoài nước mà đạo diễn Xuân Sơn thu thập được trong các chuyến tham gia Liên hoan phim.

Nổi bật trong căn nhà ông là một tủ rượu với đủ các chủng loại. Ông bảo rằng, đấy là quà của các thế hệ học trò ở Trường Sân khấu - Điện ảnh mang đến biếu thầy. Biếu thầy là cách nói sang, nhưng thực ra là cái cớ để họ ngồi nhâm nhi với thầy đôi chén, rộng dài dăm ba câu chuyện thế sự không có trong giáo án. Cạnh khung cửa sổ mở to để đón không gian đầy nắng, đầy gió của đất trời là một không gian tâm linh mà ông dành riêng cho người vợ đầu đã mất hơn 20 năm. Căn nhà ông yên tĩnh đến lạ kỳ, dù nó chỉ cách vài chục mét là tới phố lớn.

Đạo diễn Xuân Sơn sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng ven bờ sông Lam. Cũng như bao thanh niên ở làng "trai Cát Ngạn", học xong, ông lên đường nhập ngũ. Hết chiến dịch, ông trở ra Bắc thi vào lớp đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Trường Sân khấu   - Điện ảnh lúc bấy giờ. Học xong ông được giữ lại trường làm giảng viên và một thời gian sau đó, ông được cử đi học đạo diễn ở Liên Xô. Học xong ông đã về đầu quân tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Khác với những đạo diễn trẻ, ra trường thường phải đi theo các đạo diễn gạo cội để làm trợ lý, đạo diễn Xuân Sơn được chọn làm đạo diễn chính ngay từ bộ phim đầu tay viết về hậu chiến "Mảnh đất còn lại" của nhà biên kịch Đào Công Vũ. Phim đầu tay nhiều bỡ ngỡ nhưng vì được làm việc trực tiếp nên đạo diễn Xuân Sơn đã sớm nâng cao được tay nghề.

Hồi đó, ông nhận được 900 đồng nhuận bút và đã đi khao hết bạn bè trong vòng... một buổi sáng. Sau niềm vui, ông mới chợt nhận ra mình chưa có quà gì cho vợ con. Ông đành vay nợ cậu kế toán của Đoàn làm phim 80 đồng, mua tặng vợ đôi dép 70 đồng và 10 đồng quà cho con. Sau khi trở ra Bắc, ông đã "gán nợ" bằng một chiếc bàn là Liên Xô mà ông com cóp mang về được từ đợt đi tu nghiệp.

Sau thành công của bộ phim đầu tay, đạo diễn Xuân Sơn tiếp tục được các nhà biên kịch gửi gắm tác phẩm của mình. Người tiếp theo không phải là ai khác mà chính là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một người em, một người bạn thân sau này của ông. Kịch bản đầu tay "Những kẻ ấm đầu" (sau đổi tên thành "Lầm lỗi"), nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã tin tưởng giao cho Xuân Sơn đạo diễn. Bộ phim do diễn viên Vũ Đình Thân và diễn viên Minh Châu thủ vai chính.

Đạo diễn Xuân Sơn nhớ lại, hồi đó, diễn viên Minh Châu mới sinh con được 10 tháng. Những ngày quay phim ở Chùa Hương, Kiều Tuấn, chồng của Minh Châu đã phải bế con đi cùng để con không khóc vì nhớ mẹ. Bộ phim sau đó đã thành công không chỉ ở Việt Nam mà được các nước XHCN mua về chiếu.

Nói đến đạo diễn Xuân Sơn, nhiều người nhớ tới giải Bông sen Vàng mà ông đã dành được cho bộ phim "Truyện cổ tích cho tuổi 17", với 4 giải vàng dành cho kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế. Nhớ lại hồi làm bộ phim này, đạo diễn Xuân Sơn cho biết, ông đã gặp được kịch bản đầu tay đầy chất thơ của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Đấy chính là kịch bản tốt nghiệp lớp biên kịch của cô. Cô viết về những giằng xé của nội tâm con người trước những cuộc chia xa bởi chiến tranh...

Sau khi được giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam, "Truyện cổ tích cho tuổi 17" đã tiếp tục dự Liên hoan phim Tây Berlin và được hoan nghênh. Một tờ báo của Đức đã viết rằng, do sự thúc bách của nhiều khán giả Đức, bộ phim thậm chí chưa kịp làm phụ đề và một người phiên dịch phải dịch những lời đối thoại trong suốt cả buổi chiếu cho khán giả. Họ cũng cho rằng, đạo diễn Xuân Sơn đã thành công khi sáng tạo ra một không khí chiến tranh mà không cần phải để nổ ra một tiếng súng.

Đạo diễn Xuân Sơn kể lại nhiều câu chuyện hậu trường làm phim mà đến giờ, sau hơn 20 năm, ông vẫn chưa quên. Hồi đó, những cảnh quay ở chùa Trấn Quốc diễn ra vào ban đêm. Anh em tập trung diễn từ 18h  và quay đến 5h sáng hôm sau mới nghỉ. Diễn viên, đạo diễn, quay phim… chỉ ăn bánh mì cầm hơi và quay liên tục hàng chục cảnh.

Một lần, đang chuẩn bị đóng cảnh quay cuối cùng thì có một bác, tóc đã bạc, đến xin gặp đạo diễn. Ông bắt tay và nói trong xúc động: "Tôi đi tập thể dục 2 lần một ngày, chiều tối hôm qua tôi đã gặp các anh, sáng mai ra vẫn thấy các anh đang làm việc. Trời ơi, bây giờ thì tôi mới thấy nghề của các anh vất vả như thế nào!". Câu nói của một người qua đường rất bâng quơ nhưng cũng đã an ủi phần nào niềm say mê điện ảnh của ông và của êkíp làm phim!

Tuy nhiên, cũng có người "bất bình". Đấy là người yêu của cô diễn viên chính, cứ đến 22h là người yêu cô đến địa điểm quay… ra hiệu để người yêu phải về. Nhiều lần bực quá, mấy anh em làm kỹ thuật đã cho cậu người yêu kia một bài học vì tội quấy nhiễu, nhưng "đuổi" được cậu ta về mà cô diễn viên chính vẫn không thể… yên tâm diễn, đành bấm bụng diễn cảnh khác!

Ngược lại, cũng có những cảnh diễn viên diễn tốt hơn cả mong đợi. Đạo diễn Xuân Sơn kể: "Trong phim có cảnh cô gái (do diễn viên Lê Vi thủ vai) đến nhà bà mẹ (do NSƯT Thanh Tú thủ vai) ăn cơm. Bà mẹ nói với cô gái, là người yêu của con trai mình, khi nhìn lên bàn thờ có ảnh chồng: "Không gì buồn bằng ăn cơm một mình, cháu ạ!". Cô gái nói: "Người ta quen vui chứ ai quen buồn hả cô?". Sau đó, bà mẹ buông đũa xuống nhìn xa xăm. Yêu cầu của tôi chỉ đến thế.

Nhưng khi buông đũa xuống, Thanh Tú đã khóc. Ngay lập tức, tôi ra hiệu cho quay phim phải đón cảm xúc rất có hồn đó. Cúp cảnh, Thanh Tú đã níu lấy tôi mà nói: "Xuân Sơn ơi, cảnh này là tôi diễn chính tôi, chứ không phải cho nhân vật!". Để cho diễn viên nói được câu đó, đối với người đạo diễn, thế là quá đủ. Vì tôi quan niệm quá trình đi tới giọt nước mắt mới quan trọng, còn khi đã khóc được đã là một sự giải phóng. Đấy là sự tinh tế trong nghệ thuật. Là chất thơ trong điện ảnh mà tôi hướng tới".

Sau phim "Truyện cổ tích cho tuổi 17", đạo diễn Xuân Sơn đã đạo diễn hàng chục bộ phim video như: "Ngày chủ nhật vắng Chúa", "Một thời đã sống", "Anh ấy không cô đơn", "Ẩn diện thiền cô", "Liệu pháp tình yêu", "Hoa đào ngày tết", "Vị giáo sư lẩn thẩn", "Những người trở về"… Và mới đây nhất, ông được mời làm đạo diễn cho bộ phim truyền hình dài 33 tập đã công chiếu "Những mảnh vỡ phù hoa" (kịch bản của Nguyễn Anh Dũng).

Nói về việc "sinh nghề, tử nghiệp", đạo diễn Xuân Sơn tâm sự rằng, ở tuổi "đầu hai thứ tóc", ông nhận lời làm một bộ phim thị trường và đời sống thị trường cũng đã ập đến căn nhà của ông quá nhanh khiến ông "choáng váng".

Số là trong bộ phim, có cảnh một nhân vật cho một nhận vât khác số điện thoại và đọc luôn… chính số của đạo diễn. Tưởng người xem coi như đó chỉ là một số điện thoại vu vơ và chẳng ai để ý đến, nào ngờ, khi bộ phim thành công ngoài mong đợi, đã có hàng trăm người gọi điện thoại đến số của đạo diễn Xuân Sơn.

Hai tháng chiếu xong bộ phim (và đã có tới 3 kênh khác nhau chiếu đi chiếu lại), là thời điểm ông… sợ nhất. Có lúc không dám bật máy điện thoại lên vì điện thoại reo liên tục. Nhưng, tắt máy, rồi mở máy, có cả hàng chục cuộc điện thoại gọi nhỡ báo đến và hàng trăm tin nhắn.

Có những tin nhắn đọc lên rất vui, hầu hết những tin nhắn ấy của các… cháu sinh viên muốn làm quen (vì tưởng đạo diễn còn rất trẻ), có tin nhắn xin gặp ở quán cà phê, hoặc mời ông ăn cơm sinh viên. Nhưng cũng có những tin nhắn tán tỉnh, làm quen, yêu đương và mời hẳn ông đi gặp ở… nhà nghỉ! Lại còn có những "đối tượng" thiếu nhân cách đến mức gọi liền khoảng 30 cuộc điện thoại không được ông trả lời bèn nhắn tin… chửi rủa một cách rất thiếu văn hóa!

Dịch vụ điện thoại thấy ông bị quấy nhiễu nhiều quá, cũng bèn nhắn một cái tin đại ý, nếu ông cảm thấy bị làm phiền sẽ khóa giúp dịch vụ cài cuộc gọi nhỡ để máy… không bị treo mỗi lần quá tải… Kể đến đây, đạo diễn Xuân Sơn lắc đầu: "Tuy đây không phải là lý do chính, nhưng tôi sẽ không nhận làm phim thị trường nữa!".

Đạo diễn Xuân Sơn đưa tôi một tập bản thảo thơ mà ông sáng tác. Đấy là một khoảng trời riêng để ông trải lòng và chiêm nghiệm về những chặng đường đã đi trong cuộc sống. Có nhiều bài thơ của ông đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những năm ông đang là lính. Có nhiều bài thơ đã bắt đầu nhòe nét mực nhưng ông vẫn giữ gìn cẩn thận. Đặc biệt trong số đó, có bản viết tay của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bình bài thơ khóc vợ "Mượn đất người cho em" mà ông rất trân trọng. Cũng có nhiều bài thơ ông mới viết gần đây. Đấy là những bài ông tặng người vợ thứ hai, một người bạn tri âm mà ông tìm được sau mười năm ở vậy thờ phụng bóng hình người vợ quá cố

Song Kim
.
.