Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Tôi thích làm phim khác biệt

Thứ Tư, 24/11/2010, 10:03
Vũ Ngọc Đãng là một đạo diễn trẻ sớm thành danh và có vị trí riêng của mình trong làng điện ảnh. Tên tuổi của Đãng dường như luôn là một sự đảm bảo cho các nhà sản xuất về mặt doanh thu. Làm những phim "khác biệt", hướng đến khán giả là mục tiêu không giấu giếm của Đãng.

Rất "khôn ngoan" trong lựa chọn đề tài, những phim của Đãng ngay từ cái tên đã gây được hiệu ứng với khán giả. Dự án phim mới nhất của anh khiến khán giả phải nín thở chờ đợi là bộ phim có cái tên rất dài và rất đặc biệt: "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt". Đây là một bộ phim về đề tài mại dâm nam, một đề tài rất nhạy cảm hiện nay. Vũ Ngọc Đãng chia sẻ về công việc của mình

- Anh từng nói đại ý rằng, phim ảnh, ở một nghĩa nào đó, chính là một giấc mơ của con người. Như vậy thì có thể hiểu, có những điều trong phim có thể không cần logic với thực tế cuộc đời chăng? Và có phải vì quan niệm đó của đạo diễn mà không ít người cho rằng phim của Đãng thường mơ mộng và ít gắn với thực tế cuộc đời.

+ Tôi sẽ hỏi ngược lại: Vậy bạn có dám chắc những người đạo diễn chọn thể hiện theo phong cách hiện thực là đưa 100% những lát cắt hiện thực đời sống lên màn ảnh hay không? Tôi chủ quan cho rằng, chuyện gì chúng ta biết thì chúng ta nghĩ rằng điều đó là có thật. Nhưng chuyện gì chúng ta không biết hoặc chưa biết thì không có nghĩa nó không có thật và phi logic. Theo quan niệm của tôi, đạo diễn là người kể lại một câu chuyện của đời sống theo cách riêng của anh ta và bằng tài năng của mình, anh ta phải làm thế nào đó để khán giả tin được vào các tình huống, các nhân vật trong đó. Khi làm phim tôi thường đặt câu hỏi khán giả của tôi là ai? Tại sao họ lại muốn xem bộ phim này? Và sau cùng là tôi muốn nói điều gì qua bộ phim này?

- Anh có một phát biểu làm tôi rất ấn tượng, rằng anh muốn những phim của mình khác biệt. Với anh, một phim hay không quan trọng bằng một phim khác biệt. Và phải thừa nhận rằng, những phim "khác biệt" của anh đều chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng. Vậy chữ “khác biệt” và chữ “hay” của anh có gì khác nhau, bởi nếu phim khác biệt mà không hay làm sao lại có nhiều khán giả quan tâm nhỉ?

+ Nếu khác biệt và hay tất nhiên sẽ trọn vẹn hơn là khác biệt mà không hay. Nhưng một bộ phim khác biệt bao giờ cũng khiến khán giả tò mò hơn. Vì ngay hai chữ khác biệt nó đã tạo nên sự hấp dẫn rồi.

Một cảnh trong phim "Bỗng dưng muốn khóc" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

- Tôi cho rằng công việc làm phim đối với anh khá nhẹ nhàng. Khác với một số đạo diễn, anh không thần thánh hóa, cũng không nghiêm trọng hóa công việc của mình. Có lẽ những bạn trẻ đang theo học ngành điện ảnh khi nhìn anh sẽ cảm thấy an tâm, rằng làm phim rất dễ. Anh nói gì về điều này?

+ Câu hỏi của bạn cũng chính là câu trả lời rồi. Trong cuộc sống nói chung, tôi cho rằng chúng ta phải học cách làm đơn giản hóa mọi vấn đề đi, đừng nghiêm trọng hóa bất cứ chuyện gì. Chỉ cần xác định điều bạn làm có phải điều bạn mong muốn và yêu thích hay không thì đừng chần chừ gì nữa, bạn phải thực hiện nó. Một khi bạn bước vào cuộc chơi với tâm thế thoải mái và tự tin thì xác suất giành chiến thắng sẽ nhiều hơn. Thậm chí nếu thất bại, bạn cũng dễ lấy lại tinh thần để tiếp tục cuộc chơi chứ không bị suy sụp và hoang mang.

- Làm giám khảo cuộc thi chương trình truyền hình thực tế "Điện ảnh trong tầm tay", chấm thi những phim làm từ điện thoại di động của các bạn trẻ, anh có nhìn thấy nhiều không những gương mặt tiềm năng của điện ảnh trong tương lai?

+ Phải nói rằng còn quá sớm để trả lời câu hỏi này vì đúng là các bạn tham gia cuộc thi "Điện ảnh trong tầm tay" có tố chất và tiềm năng nhưng chưa có tác phẩm thực sự để đánh giá. Tuy nhiên con đường còn dài ở phía trước, nếu các bạn đủ đam mê và quyết liệt để làm nghề một cách chuyên nghiệp thì các bạn sẽ rất nổi bật.

- Là một người làm nghề và đã khẳng định được vị trí của mình, để chia sẻ với các bạn trẻ đang khởi nghiệp, điều đầu tiên anh muốn nói với họ là gì?

+ Tôi chỉ có một điều muốn gửi gắm đến các bạn, rằng điện ảnh luôn luôn cần những điều mới mẻ và độc đáo. Chính vì vậy các bạn đừng để mình bị già, bị cũ trong tư duy. Các bạn phải mang đến cho tác phẩm của mình một tinh thần tươi mới và trẻ trung nhất có thể.

- Chúng ta đang chứng kiến "bội thực" những cuộc thi âm nhạc dành cho giới trẻ. Nhưng những cơ hội dành cho các bạn trẻ yêu điện ảnh thì vẫn còn hiếm hoi. Theo anh, cuộc thi này có thể giúp gì cho các đạo diễn trẻ về mặt kỹ năng nghề nghiệp?

+ Đó là kỹ thuật làm phim. Đặc thù của điện ảnh là tính tập thể. Thành công của một bộ phim ngoài tài năng của đạo diễn, diễn viên, còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỹ thuật. Thế giới đã đi rất xa trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào làm phim. Một đạo diễn trẻ mới vào nghề không thể bỏ qua việc học hỏi kỹ thuật làm phim, nếu họ thực sự muốn đi xa. Với "Điện ảnh trong tầm tay", việc bạn được học thành thạo kỹ thuật làm phim sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi thực hiện một bộ phim của riêng mình trong tương lai.

- Từ kinh nghiệm của anh, để điện ảnh nói chung hay cụ thể là việc làm một bộ phim luôn luôn ở "trong tầm tay" thì đâu là điều kiện cần và đủ đối với một đạo diễn?

+ Tôi đã từng chia sẻ trên báo rằng tôi khuyên các bạn trẻ không nên học nghệ thuật làm phim, bởi cái đó không học được. Vì nó là tố chất, là thiên bẩm của mỗi người. Bạn phải có nó một cách tự nhiên, từ trong máu, chứ không ai dạy bạn có được. Bởi vậy, cái bạn cần là học về kỹ thuật làm phim. Điện ảnh không học không làm được. Người mê điện ảnh cần phải xem, phải nghiên cứu nhiều những phim người ta làm, rồi từ công việc của người đi trước, mình sẽ học hỏi kinh nghiệm của họ.

- "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt"- đó là tên bộ phim anh sắp làm về đề tài mại dâm nam. Tôi nghĩ chưa cần nghĩ đến đề tài gây tò mò cho khán giả, chỉ cái tên phim của anh thôi có lẽ cũng đủ để khán giả mua vé đến rạp trong vài ngày công chiếu đầu tiên, vì nó lạ. Có vẻ như anh rất dụng công trong việc đặt tên cho phim. Những phim anh làm đều có những tên lạ, thậm chí hơi… kỳ quặc. Phải chăng đây là một cách gây ấn tượng khán giả mà anh cố tình tạo ra?

+ Đúng vậy, tên phim là một sự chú trọng đặc biệt của tôi. Nó là một cách thu hút đặc biệt để khán giả nhớ đến mình, trước khi biết bộ phim của mình hay hoặc không hay. Thông thường khi viết xong kịch bản, tôi đưa cho nhà sản xuất lựa chọn vài ba tên phim khác nhau. Ở phim tôi sắp làm, thật không ngờ nhà sản xuất lại tâm đắc với một cái tên phim dài ngoằng như vậy.

- Anh thường viết kịch bản cho những phim mình làm. Việc tự viết kịch bản để làm phim theo anh có những thuận lợi và hạn chế gì?

+ Theo tôi, hạn chế thì rất ít mà thuận lợi thì nhiều vô số. Điều đầu tiên dễ thấy nhất là tôi chủ động về đề tài. Thứ hai là tôi luôn nắm vững đường dây câu chuyện, tâm lý nhân vật. Bởi vậy khi làm phim, tôi có thể kiểm soát được tối đa mọi thứ liên quan đến bộ phim.

- Về mặt thương mại, các phim anh làm đều đảm bảo doanh thu tốt cho nhà sản xuất. Nhưng nói về mặt nghệ thuật, thì theo anh, những phim của anh từ trước đến nay mang lại cho khán giả điều gì là đáng kể nhất?

+Với câu hỏi này tôi cho rằng khán giả chính là những người sẽ trả lời chính xác hơn tôi.

- Xin cảm ơn đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.  

Năm 1999, Vũ Ngọc Đãng tốt nghiệp thủ khoa Khóa Đạo diễn của Trường Sân Khấu - Điện ảnh TP HCM với bộ phim "Vợ chồng chuột". Đó là bộ phim đầu tay với kinh phí thực hiện chỉ có 4,5 triệu đồng. Khởi đầu thành công, Vũ Ngọc Đãng được Hãng Thiên Ngân đặt hàng phim "Những cô gái chân dài".  Cùng với "Gái nhảy", đây là một trong những bộ phim thương mại đầu tiên sau giai đoạn khủng hoảng thập niên 90 của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ thành công về mặt thương mại, "Những cô gái chân dài" đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 (2005). Đây cũng là lần đầu tiên phim của một hãng tư nhân tham gia Liên hoan phim Việt Nam và đã nhận được giải.

Sau thành công đột phá của "Những cô gái chân dài", Vũ Ngọc Đãng tiếp tục những trải nghiệm mới với ý tưởng làm một chuỗi phim truyền hình đề tài tình yêu lãng mạn. Các phim truyền hình dài tập "Tuyết nhiệt đới" và "Bỗng dưng muốn khóc" của anh đã chiếm được trọn vẹn tình cảm của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Điểm khác biệt là Vũ Ngọc Đãng luôn tự viết kịch bản cho các phim do mình đạo diễn. Anh cũng là đạo diễn rất thích thú với việc đưa hình ảnh các con vật ngộ nghĩnh vào phim.

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.