Đạo diễn Trần Anh Hùng: Mỗi bộ phim là một ám ảnh

Thứ Năm, 06/01/2011, 12:03
Sáng tạo một bộ phim, cho dù là dựa trên một cuốn sách ăn khách nhất, Trần Anh Hùng luôn biết "quên" sự nổi tiếng của nó đi, để bắt đầu, như một sự sáng tạo hoàn toàn mới. Anh hiểu rất rõ, khác với một cuốn sách có phương tiện là những con chữ, đạo diễn phải kể chuyện bằng hình ảnh. Và hình ảnh phải tạo được hiệu quả đặc biệt.

Trở lại Hà Nội lần này, đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng và vợ, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê có dịp gặp lại bạn bè, trong đó có những nghệ sĩ đã tham gia các vai diễn trong phim của anh như Như Quỳnh, Lê Khanh…Sau những ám ảnh của các phim mà Trần Anh Hùng đã tạo ra như "Mùi đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng", những ngày này, khán giả Hà Nội có cơ hội để được trò truyện với anh trong buổi ra mắt bộ phim mới "Rừng Nauy"- một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami.

"Rừng Nauy" là câu chuyện kể về những sinh viên Nhật Bản trong thập niên 60 của thế kỷ trước, cụ thể là câu chuyện tình yêu của chàng trai Toru Watanabe với hai cô gái là Naoko và Midori. Một câu chuyện đẹp đã từng làm mê hoặc trái tim hàng triệu độc giả. Được phát hành năm 1987, lập kỷ lục với 4 triệu bản, được dịch ra 40 thứ tiếng và trong suốt 20 năm qua, "Rừng Nauy" luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ không chỉ ở Nhật Bản mà trên khắp thế giới tìm đọc nhiều nhất. Đó cũng là cuốn sách đã đưa nhà văn Haruki Murakami lên đỉnh cao của sự nghiệp.

Bị ám ảnh bởi câu chuyện tình đẹp đẽ từ cuốn sách, Trần Anh Hùng đã nghĩ đến việc sẽ làm một bộ phim mang đậm vẻ đẹp châu Á: "Tôi đã đọc nhiều về những câu chuyện tình yêu khác nhau. Nhưng chuyện tình yêu trong cuốn tiểu thuyết này là một chuyện tình yêu đặc biệt. Cuốn sách giống như đã bóc tách ra những mảng tối, u buồn lẩn khuất trong tâm hồn bạn. Đó là cuốn tiểu thuyết nói về tình yêu và những mất mát, lầm lạc trong tình yêu". Nhưng phải mất nhiều năm, Trần Anh Hùng mới có thể biến những suy nghĩ của mình thành hiện thực. Anh kể lại, khi đến gặp nhà văn Haruki Murakami để trình bày ý định của mình, nhà văn tỏ ý hoài nghi. Ông là người điềm tĩnh, nghiêm trang và rất kỹ lưỡng. Ông đưa ra hai điều kiện, một là ông ấy muốn đọc kịch bản, hai là ông ấy muốn biết kinh phí sản xuất phim là bao nhiêu. Vào cuối năm 2008, Murakami đồng ý cho Trần Anh Hùng đưa "Rừng Nauy" lên phim. Khi được hỏi, vì lẽ gì mà Murakami đồng ý cho một đạo diễn người Việt làm phim về tác phẩm của ông, Trần Anh Hùng bày tỏ: "Có lẽ ông ấy đã xem những phim tôi làm và ông ấy thấy thích phim của tôi. Ông ấy tin rằng tôi sẽ mang đến một góc nhìn mới mẻ, một góc nhìn rất Nhật".

Bấm máy đầu tháng 2/2009, đến tháng 10/2010 "Rừng Nauy" đã bắt đầu hành trình ra mắt khán giả tại 36 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ sách lên phim, "Rừng Nauy" thực sự đã gây một hiệu ứng lớn đối với khán giả trẻ. Trần Anh Hùng rất hài lòng về bộ phim, cho dù không ít ý kiến cho rằng, anh đã hiểu "Rừng Nauy" với một tinh thần hoàn toàn khác. Điều quan trọng nhất và cũng là sức hấp dẫn nhất của "Rừng Nauy" là yếu tố tính dục. Murakami đề cập tình dục như một phương cách để những người trẻ tuổi tìm kiếm chính mình. Khi hiện thực hóa bằng ngôn ngữ điện ảnh, xem ra "Rừng Nauy" có làm khán giả ngỡ ngàng vì liều lượng cảnh "nóng" hơi nhiều. Tuy nhiên, thật khó để so sánh một tác phẩm văn học với một tác phẩm điện ảnh.

Một cảnh trong phim "Rừng Nauy" của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Trần Anh Hùng lý giải: "Tôi nghĩ cái quan trọng khi mình chuyển thể một cuốn sách thành phim cũng giống như khi mình vẽ tranh chân dung. Đầu tiên nó phải giống người mình vẽ đã. Và giống ở khía cạnh nào thì người được chọn lựa chính là tôi. Khi làm phim từ một cuốn sách, tôi không phải chỉ chuyển tải một câu chuyện, một nội dung, mà là chuyển một cảm giác, chuyển những cái mà cuốn sách đã gợi ra cho tôi, hay những thứ được chôn sâu trong lòng tôi, nhờ cuốn sách mà nó hiển hiện ra".

Hơi trừu tượng, nhưng đó chính là phong cách làm phim của Trần Anh Hùng. Nhờ phong cách rất riêng đó mà những phim của anh đều để lại một dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Trần Anh Hùng khước từ lối kể chuyện kiểu truyền thống, ngôn ngữ điện ảnh của anh là "đánh mạnh vào cảm giác của người xem khiến họ thưởng thức phim không phải bằng cái đầu duy lý nữa, mà bằng chính ngôn ngữ cơ thể của họ". Trần Anh Hùng chọn cách kể chuyện không hướng nhiều đến nội dung mà hướng nhiều đến cảm giác, "những cảm giác riêng tư có hơi thở rộng rãi, khó nắm bắt" nhưng chính cái đó khiến người ta se lòng và nó đi vào lòng người một cách chậm rãi. Những người đã đọc tác phẩm "Rừng Nauy" chắc hẳn còn nhớ, nhân vật chính Toru đã hồi tưởng lại câu chuyện tuổi trẻ của mình trên chuyến bay, khi nghe bài hát "Rừng Nauy" của ban nhạc The Beatles nổi tiếng. còn Trần Anh Hùng thì kiên quyết bỏ đi cái phần hồi tưởng của nhân vật chính ấy trên phim.

"Tôi đã tránh điều đó. Vì hồi tưởng là một việc làm quen thuộc thường được sử dụng trên phim". "Rừng Nauy" cũng giống như các phim khác của Trần Anh Hùng: "Mùi đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng"… đã mang đến cho khán giả một không gian điện ảnh tràn ngập những cảm giác khó gọi thành lời, nhưng là rất riêng biệt mà ta chưa từng được gặp ở bất cứ nơi đâu. Anh tâm sự: "Khi bắt tay vào làm một bộ phim, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải tạo ra một đường dây hình ảnh có sức mạnh về tinh thần".

Sáng tạo một bộ phim, cho dù là dựa trên một cuốn sách ăn khách nhất, Trần Anh Hùng luôn biết "quên" sự nổi tiếng của nó đi, để bắt đầu, như một sự sáng tạo hoàn toàn mới. Anh hiểu rất rõ, khác với một cuốn sách có phương tiện là những con chữ, đạo diễn phải kể chuyện bằng hình ảnh. Và hình ảnh phải tạo được hiệu quả đặc biệt. Anh quan niệm: "Những đạo diễn giỏi về mặt hình ảnh thường luôn chú trọng đến "trọng lượng" của hình ảnh và ý nghĩa ẩn sau nó. Thậm chí hình ảnh đó phải tạo ra được sức mạnh "tàn nhẫn" của sự kiện. Tôi nghĩ những nghệ sĩ phải "ngạo mạn" kinh khủng mới tìm ra được sức mạnh "tàn nhẫn" của hình ảnh". Trong các phim của mình, Trần Anh Hùng chú trọng đến việc đặc tả biểu cảm trên gương mặt của diễn viên. Khi chọn diễn viên cho nhân vật của mình, Trần Anh Hùng luôn chú trọng "chất nhân văn" trên gương mặt họ, thay vì nghĩ đến họ nghiệp dư hay chuyên nghiệp, tài năng hay không tài năng. Đối với anh, không gì có thể diễn tả và biểu đạt nội tâm chính xác như khuôn mặt của người diễn viên. Khi làm phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" - một bộ phim rất Việt Nam, rất Hà Nội, ngoài gương mặt người vợ yêu quý Trần Nữ Yên Khê, người luôn luôn có mặt trong phim của mình, Trần Anh Hùng chọn hai gương mặt diễn viên Như Quỳnh và Lê Khanh. Thừa nhận, anh đã thành công khi cùng các diễn viên của mình tạo dựng một không gian của bộ phim về đời sống Hà Nội, trong đó đáng kể là những thước phim đặc tả khuôn mặt của ba nhân vật chị em gái.

Trần Anh Hùng theo gia đình đến Pháp năm anh 12 tuổi. Gia đình anh không ai làm nghệ thuật nên anh có cảm giác "đơn độc". Đấy còn là cảm giác của một đạo diễn dám lựa chọn một con đường riêng biệt trong nghệ thuật và kiên trì theo đuổi. 17 năm làm nghề, ngoài hai phim ngắn đầu tay, anh chỉ làm 5 phim điện ảnh. Tuy nhiên, các phim của Trần Anh Hùng đều gây tiếng vang. Anh là người khó tính. Khi các dự án làm phim không đáp ứng đủ các tiêu chí anh đề ra thì nhất định không làm, cho dù phải kiếm sống bằng nghề khác. Theo đuổi dòng phim nghệ thuật luôn là một quyết định đi kèm với nhiều hy sinh của bất kỳ đạo diễn ở bất kỳ một nền điện ảnh nào.

Sau "Rừng Nauy", đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng đang ấp ủ dự định trở về Việt Nam sinh sống và đưa tác phẩm anh yêu thích "Thương nhớ mười hai" của nhà văn Vũ Bằng lên phim. L

Đạo diễn Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Đà Nẵng. Anh bắt đầu sự nghiệp với hai phim ngắn "Thiếu phụ Nam Xương" và "Hòn Vọng Phu". Phim truyện "Mùi đu đủ xanh" của anh giành giải thưởng Sutherland của Viện phim Anh (1994), Giải Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes (1993), giải César cho phim đầu tay hay nhất của Pháp (1993) và đề cử phim nước ngoài hay nhất tại Oscar (1994). Năm 1995, với phim "Xích lô", Trần Anh Hùng giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Flanders (Bỉ). Cũng phim này, Trần Anh Hùng giành giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice. Các phim khác của Trần Anh Hùng cũng gây được chú ý là "Mùa hè chiều thẳng đứng", "I come with the rain" và mới đây nhất là "Rừng Nauy". Trần Anh Hùng đã từng ngồi ghế Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes (1996)

Vũ Quỳnh Trang
.
.