Đạo diễn Trần Anh Hùng: Áp lực đến từ chính mình

Thứ Hai, 12/09/2016, 08:00
Chiều 5- 9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền - Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt bộ phim điện ảnh có tên tiếng Việt là "Vĩnh cửu" (tên gốc là "Éternité") của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Ngày 7-9, "Éternité" sẽ chính thức được ra mắt tại Pháp với 90 điểm chiếu và ngày  9-9 tới đây, bộ phim sẽ được công chiếu ở Việt Nam. 


Không phải ngẫu nhiên mà khán giả Việt Nam là những người được xem phim "Vĩnh cửu" và gặp gỡ giao lưu với đạo diễn Trần Anh Hùng sớm nhất, trở về Việt Nam lần này của đạo diễn Trần Anh Hùng là do anh nhận được lời mời của Chính phủ Pháp sang Việt Nam trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande từ ngày 5 đến 7-9-2016.

- Thưa đạo diễn Trần Anh Hùng, nhận được lời mời trở thành thành viên chính thức trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande từ ngày 5 đến 7- 9, tâm trạng của anh thế nào. Chắc hẳn anh biết tại sao anh nhận được lời mời này chứ?

+ Đó thực sự là một niềm vinh dự to lớn đối với tôi. Nhận được lời mời trở về Việt Nam trong chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Pháp với tôi là một bất ngờ. Hơn nữa tôi còn cảm thấy xúc động. Chỉ có thể giải thích lý do của vinh dự lớn này là do tôi là người Việt Nam, từng làm một số bộ phim về Việt Nam và hiện giờ đang có một bộ phim về xã hội Pháp, con người Pháp đang chuẩn bị ra mắt được giới truyền thông Pháp quan tâm, chú ý.

- Trưởng thành và theo học đạo diễn ở Pháp, sao đến tận bộ phim thứ 6 của mình anh mới làm về bối cảnh xã hội - con người Pháp?

+ Trong quá trình làm việc, tôi không quá bận tâm, không quá tính toán đến việc đề tài của bộ phim lấy bối cảnh ở nước nào, Pháp, Việt hay Nhật Bản mà điều quan trọng là phim ấy sẽ đem đến cho khán giả điều gì mới mẻ hay không. Với tôi, trách nhiệm của người nghệ sĩ là khi thấy cái mới sẽ phải làm. Tôi thường bị thôi thúc bởi cái mới ấy.

- Vậy ở "Vĩnh cửu", điều mới mẻ mà anh định đem đến cho khán giả là gì?

+ Khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết "L'élegance veuves" của nữ văn sĩ Alice Ferney, tôi đã bị tác động rất mạnh. Tôi bị thôi thúc phải thể hiện tinh thần của cuốn tiểu thuyết này bằng một ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới: phải làm sao để kể một câu chuyện không có cốt truyện nhưng lại cắt giảm tối đa lời thoại, mâu thuẫn, tình tiết mà vẫn đem đến cho người xem một thông điệp đầy cảm xúc.

Sự "vĩnh cửu" mà tôi muốn nói ở đây không còn dừng lại ở tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi trong sự chảy trôi, vận động không ngững nghỉ, liên tục của thời gian mà điều tôi mong muốn hơn cả đó là truyền đến khán giả những cảm xúc.

Tôi quan niệm rằng, với nghệ thuật dù nó được diễn tả bằng hình thức nào thì cái đích cũng là phải đem đến cho người tiếp nhận những cảm xúc chân thực. Cảm xúc ấy có thể chỉ để người ta cảm nhận sâu hơn về tình yêu, niềm hạnh phúc hay về nỗi đau chứ không nhất thiết phải diễn tả bằng lời.

- Là một đạo diễn người Việt làm một bộ phim tâm lý - xã hội về nước Pháp, anh có cảm thấy mình gặp phải khó khăn, phải chịu áp lực gì không?

+ Với tôi, áp lực không đến từ bên ngoài mà thứ áp lực tôi gặp lại đến từ bên trong, từ chính mình. Có thể áp lực đó là do chính tôi tạo ra, về việc phải tìm ra cách kể một câu chuyện mà tôi không muốn kể theo cách thông thường mà nó phải trở nên thật đặc biệt, để mang lại những cảm xúc đặc biệt. Và tôi nghĩ mình đã thành công ở khía cạnh này. Rất nhiều người chia sẻ rằng, bộ phim khiến họ nhiều lần phải khóc.

- Phim của anh từng làm, các nhân vật nữ thường trở thành trung tâm. Tại sao vậy nhỉ?

+ Tự nhiên nó cứ thành như vậy. Có thể bởi những ẩn ức của phụ nữ luôn là câu hỏi đối với tôi. Phim của tôi chỉ có "Come with the rain" là nhân vật nữ không phải là trung tâm thì lại không được chiếu. Đây là một bộ phim trong quá trình làm hậu kỳ tôi đã vướng phải những lùm xùm với nhà sản xuất đến nỗi phải kéo nhau ra giải quyết ở tòa án. Phim đã làm xong không được chiếu ngoài rạp vì tôi thắng kiện và tôi không đồng ý cho chiếu.

- "Vĩnh cửu" là một bộ phim nữa do chính anh chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Nét duyên góa phụ" của nữ văn sĩ Alice Ferney. Tại sao anh vẫn quyết định tự mình viết hay chuyển thể các kịch bản mà không nhờ một người nào khác?

+ Tôi vẫn luôn có mong muốn tìm một người như thế - một biên kịch giúp tôi làm việc này nhưng tiếc là cho đến giờ vẫn chưa tìm được một người cộng sự có thể hợp tác ăn ý. Vì thế tôi vẫn phải tự làm việc này. Việc viết kịch bản cũng tốn của tôi nhiều thời gian nhưng mà cũng nhờ tự làm tôi có thể thả sức tưởng tượng. Với phim "Vĩnh cửu", tự tôi làm ra kịch bản với 3 phương án, nhưng rồi rất nhiều tình tiết phải lược bớt đi vì nếu không thì không thể làm nổi, trong đó có cả lý do là nó vô cùng tốn kém. Đã cắt giảm rất nhiều rồi nhưng chi phí để sản xuất "Vĩnh cửu" vẫn còn 14 triệu đô-la.

- "Vĩnh cửu" một lần nữa khẳng định cách làm phim với ngôn ngữ điện ảnh đầy ắp âm nhạc và chất thơ. Anh quan niệm thế nào về chất thơ trong một tác phẩm điện ảnh?

+ Âm nhạc thì là thứ không thể thiếu trong một tác phẩm điện ảnh. Nó chính là thứ ngôn ngữ đặc biệt, vì thế trong "Vĩnh cửu", thời lượng âm nhạc chiếm tới 80/110 phút của phim chưa kể những đoạn dạo ghi ta. Còn chất thơ cũng vô cùng quan trọng, nó là thứ còn đọng lại, mang đến cảm xúc khi bộ phim kết thúc. Đó là điều mà tôi luôn khao khát được chạm tới.

Một cảnh trong phim “Vĩnh cửu” của đạo diễn Trần Anh Hùng.

- Một bộ phim như "Vĩnh cửu" ở Việt Nam sẽ được xếp vào dòng "phim nghệ thuật" tức là phim kén khán giả, ít người xem. Trong quan niệm của anh thì có thể loại phim nghệ thuật và phim thị trường không hay là chỉ có phim hay hoặc phim dở?

+ Tôi vẫn cho là chỉ có phim hay và phim dở. Nhưng tôi cho rằng, một bộ phim thành công hay không có thể xét ở nhiều khía cạnh: khía cạnh thẩm mĩ, khía cạnh doanh thu... Nó đạt được thành công ở mặt nào ta có thể ghi nhận nó ở mặt đó. Một bộ phim được cho là phim thị trường, giải trí nhưng có doanh thu đặc biệt cao cũng cần được ghi nhận chứ.

- Nghe nói anh là người cầu toàn, kỹ lưỡng, hơn nữa lại toàn chọn việc khó để làm. Tại sao vậy?

+ Tại vì như thế thì mới là tôi. Việc dễ quá tôi sẽ không làm đâu, tôi thích làm việc khó. Kể cả khi đứng trước hai con đường, một đường dễ đi, một đường khó đi thì tôi vẫn chọn đường khó. Tôi thích làm việc gì phải có sự thôi thúc mãnh liệt từ bên trong chứ không thể chỉ làm cho xong việc là thôi. Vì thế, sự kỹ lưỡng, cầu toàn đôi khi là bởi tôi phải thỏa mãn chính tôi trước đã. Đó chính là lý do suốt mấy chục năm qua tôi chỉ có 6 bộ phim thôi, tức là khoảng 5- 6 năm mới làm được một phim. Trong khi đó tôi mong muốn và cũng là lý tưởng nhất với tôi là tầm 2 năm làm được một bộ phim.

- Xin cảm ơn đạo diễn Trần Anh Hùng!

Đạo diễn Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Việt Nam. Anh tốt nghiệp trường Điện ảnh danh tiếng của Pháp mang tên Escole luois Lumière năm 1987 bằng việc thực hiện bộ phim ngắn "Người thiếu phụ Nam Xương" do chính anh chuyển thể từ truyện "Người con gái Nam Xương" trong "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ.

Anh từng thực hiện những bộ phim về đề tài Việt Nam như "Mùi đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng" trong đó "Mùi đu đủ xanh" là bộ phim giành được nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới như giải Máy quay vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, Giải César cho phim đầu tay xuất sắc của Viện Hàn lâm nghệ thuật và kỹ thuật điện ảnh Pháp.

Cho đến nay, "Mùi đu đủ xanh" cũng là phim duy nhất đại diện cho Việt Nam lọt vào danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Năm 2008, Trần Anh Hùng được mời làm đạo diễn bộ phim "Rừng Nauy" - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng khắp thế giới của Murakami Haruki, đến năm 2016 anh mới cho ra mắt "Vĩnh cửu" - bộ phim được dự đoán là sẽ "gây xôn xao" ở Pháp và châu Âu. Phim có sự tham gia của ba ngôi sao người Pháp là Mélanie Laurent, Audrey Tautou và Bérénice Bejo.

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.