Đạo diễn Tất Bình và niềm vui đón 8 cánh diều vàng về Hãng Phim truyện 1

Thứ Tư, 19/04/2006, 13:00

Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005 kết thúc với bước đột phá ngoạn mục của Hãng phim truyện I - giành 9 giải cho thể loại phim truyện nhựa trong tổng số 22 giải của hệ thống giải thưởng.

9 giải thưởng được coi là những giải chính rơi vào hai bộ phim truyện nhựa của Hãng là “Sống trong sợ hãi” (4 Cánh diều vàng cho: Biên kịch, Đạo diễn, Nam diễn viên chính, Nam diễn viên phụ và Giải báo chí phê bình dành cho phim hay nhất) và “Chuyện của Pao” (4 Cánh diều vàng cho: Phim truyện hay nhất, Nữ diễn viên chính, Nữ diễn viên phụ, Quay phim). Phút cuối cùng của Lễ trao giải, khán giả thấy Giám đốc Hãng phim truyện I, NSƯT Đặng Tất Bình quá xúc động nên chỉ nói được đôi lời để cảm ơn các nghệ sĩ của Hãng mình.

Niềm xúc động của người “thuyền trưởng” ấy có thể hiểu được bởi thành quả nghệ thuật của “con tàu” do anh cầm lái đã được khẳng định bởi những giải thưởng có uy tín nghề nghiệp và đã được nâng cao về chất lượng. Điều ít ai biết là thành quả của các nghệ sĩ trẻ hôm nay có công lớn của vị giám đốc đã đã tin tưởng (và dũng cảm nữa) giao cho anh chàng vốn là diễn viên - Ngô Quang Hải - làm bộ phim “Chuyện của Pao” với tư cách đạo diễn. Hay việc, anh động viên và cũng đầy kiên nhẫn để Bùi Thạc Chuyên sửa đi sửa lại, hoàn thiện kịch bản “Sống trong sợ hãi”, rồi “xung trận” bằng những thử nghiệm nghệ thuật táo bạo mà chắc chắn.

Nhận xét về nghệ sĩ của Hãng mình, Giám đốc Tất Bình nói đầy tự hào: “Tôi vô cùng cảm phục những người làm nghề hiện nay, vì họ đã có cách suy nghĩ và lối làm việc khác xa thế hệ nghệ sĩ chúng tôi ngày trước. Đối mặt với xã hội vô vàn thú vui tiêu khiển, có nhiều cách để hưởng thụ văn hóa, nghệ sĩ trẻ vẫn dám làm phim. Đó là cảm phục thứ nhất. Cảm phục thứ hai là, phim của họ không né tránh, mà nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống. Sau cùng, dù làm phim với những thiết bị không thể gọi là tiên tiến, những bộ phim của họ vẫn được hoàn thành với sự kiên trì đáng nể. Những người trẻ này đáng được trân trọng.”

Lễ trao giải Cánh diều vàng 2005.

Từ tình cảm trân trọng nghệ sĩ của mình, anh đã xây dựng một cơ chế quản lý đúng nguyên tắc mà vẫn phóng khoáng, năng động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghệ sĩ làm nghề, sống được bằng nghề. Cũng không ít lần anh phải đối mặt với những thách thức, đó là lúc một bộ phim nào đó không tốt, dư luận chê đạo diễn, còn ông giám đốc thì không khỏi trằn trọc. Nhưng tiếp nhận lời khen, tiếng chê để chủ động hơn, Giám đốc Tất Bình vẫn tiếp tục có những đường hướng mới. Anh là vị giám đốc đầu tiên bình tĩnh, tự tin và lên tiếng ủng hộ phương thức đấu thầu kịch bản từ năm 2006 này để được trợ giá của Nhà nước khi làm phim. Với anh, đó chính là sự cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy sản xuất phim hay. Còn với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì Hãng phim truyện I là đơn vị điện ảnh đầu tiên xung phong thực hiện, dù hiện tại, Hãng I chưa đủ điều kiện (cơ sở vật chất) để xét cổ phần.

Những quyết định như thế dường như sẽ gây “sốc” với không ít người lãnh đạo. Nhưng với một người đã nổi danh từ hơn hai chục năm trước như nghệ sĩ Tất Bình thì việc anh làm chắc chắn vì cả một con tàu chứ không phải để “nổi tiếng”; bởi anh đã là một diễn viên thành danh từ hơn hai chục năm trước, tên tuổi được ghi nhận trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, là người của công chúng đã có mặt trong hơn 70 bộ phim, được tôn vinh là Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc gia năm 1983 (vai thanh tra Phương trong bộ phim chống tham nhũng “Hy vọng cuối cùng” - đạo diễn Trần Phương). Chân dung thanh tra Phương, nhà báo Vũ (phim “Thị xã trong tầm tay” - đạo diễn Đặng Nhật Minh) thông qua diễn xuất của nghệ sĩ Tất Bình là những hình tượng nhân vật đặc biệt ấn tượng - những người đấu tranh vì lẽ phải - tại thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước.

Cho đến tận bây giờ, anh vẫn là diễn viên diễn xuất, đóng phim quảng cáo, diễn viên lồng tiếng và bất cứ lúc nào cần, anh cũng trở thành một người dẫn chương trình sinh động, dí dỏm trên sân khấu giao lưu với khán giả. Vai diễn mới nhất mà Tất Bình thể hiện là vai quan huyện trong bộ phim truyện nhựa “Áo lụa Hà Đông” của Hãng phim Phước Sang. Bộ phim này thu thanh đồng bộ, chứng kiến trên trường quay thấy rằng, anh luôn làm việc với phong cách chuyên nghiệp đáng nể. Những câu thoại bằng tiếng Pháp chuẩn xác, mang ngữ điệu của nhân vật trong từng bối cảnh mà anh thể hiện đã khẳng định vị trí thích đáng của nhân vật quan huyện, tạo điều kiện tốt cho bạn diễn bộc lộ tính cách.

Trở lại những năm 1990, là đạo diễn thuộc Hãng phim truyện I, anh đã cùng đạo diễn Trần Phương thực hiện một số phim truyện như “Người đi tìm dĩ vãng”, “Dòng sông hoa trắng”;  rồi đạo diễn chính phim “Trăng trên đất khách” - một bộ phim khắc họa sâu sắc thân phận của những người Việt Nam học tập và lao động ở nước ngoài. Phim được giải khuyến khích Hội Điện ảnh. Tiếp sau đó, bộ phim truyền hình nhiều tập “Những người sống quanh tôi” của anh được khán giả màn ảnh bầu chọn là phim hay nhất từ cuối thập kỷ 90. Những câu chuyện đời thường, những con người của cuộc sống thường nhật qua nhãn quan của đạo diễn Tất Bình đã trở nên hấp dẫn, sinh động và đầy thuyết phục. 

Còn trong cuộc sống thường nhật, hẳn nhiều người đã từng gặp anh Tất Bình dù mang cặp kính cận rất dày, nhưng đi xe máy rất nhanh; buổi sớm, đưa cháu ngoại tới trường; buổi chiều, một giỏ xe cũng đầy rau quả, bánh trái, sữa chua, sữa tươi cho cháu. Anh vẫn đùa rằng, phải “làm đơn xin” mới được các con gái cho chăm sóc các cháu ngoại. Đặng Diệu Hương và Đặng Thiếu Ngân, hai con gái của anh đều đã là các nhà biên kịch, nhà báo, dịch giả chuyên nghiệp. Hai người phụ nữ trẻ ấy đều thừa hưởng tính năng động và giỏi giang của bố nên đều phương trưởng và có cuộc sống riêng ổn định. Ấy vậy mà nhiều khi, như Đặng Thiếu Ngân, con gái út của nghệ sĩ Tất Bình, dịch giả tiếng Hàn Quốc, thổ lộ rằng, vào những ngày nghỉ, thậm chí có cả những lúc bất kỳ, vào buổi trưa nào đó chẳng hạn, hai chị em cô vẫn “mè nheo” bố, để rồi được ông tự về nhà nấu ăn, chiêu đãi những món “ngon kinh khủng, cầu kỳ kinh khủng”. Sự sung sướng của các con chính là hạnh phúc của một người cha! Chắc hẳn sẽ có ai đó phát ghen lên với anh. Còn để trở thành một giám đốc doanh nghiệp đa năng như nghệ sĩ Đặng Tất Bình, chắc gì đã có nhiều người làm được!

Lam Chiều
.
.