Đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện và bộ phim về người chiến sĩ công an

Thứ Tư, 19/04/2006, 13:00

Trong “Miền đồi ấm áp” - bộ phim cuối cùng của đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện - những người chiến sĩ công an không chỉ giáo dục những phạm nhân hướng thiện, mà còn cưu mang, nuôi nấng những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh.

Cuối tháng 2 vừa rồi những người làm điện ảnh không khỏi ngỡ ngàng khi nghe tin đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Không bất ngờ sao được khi khán giả truyền hình vừa theo dõi gần 30 tập bộ phim “Vượt qua thử thách”, tiếp ngay sau đó là “Miền đồi ấm áp” đều do ông đạo diễn. Bản thân người viết bài này được chứng kiến ông chỉ đạo các cảnh quay trong phim “Miền đồi ấm áp”. Lúc đó, ông gần 70 tuổi, nhưng cách nói chuyện vui vẻ, dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe khoắn, ít ai nghĩ ông ra đi nhanh thế! Âu cũng là mệnh trời!

Trong suy nghĩ của đồng nghiệp, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện là một người say nghề hiếm có. Ông đã làm phim cho đến khi từ biệt cuộc đời. Điều đáng nói và cũng là cơ duyên hết sức tình cờ: phim cuối cùng của người đạo diễn có sở trường làm phim về nhân tình thế thái này là một bộ phim về chiến sĩ công an làm công tác quản lý và giáo dục phạm nhân.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện từng tâm sự: cái quý nhất trong cuộc đời là tình cảm của con người với nhau. Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình là một thông điệp về tình người, sự vị tha, lòng nhân hậu. Tất cả bản tính hiền lành, những yêu thương dành cho con người, cho cuộc đời dường như đã được ông dồn vào bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

“Miền đồi ấm áp” là câu chuyện bình dị nhưng xúc động về tình người. Tình người trở nên thiêng liêng, đáng quý hơn khi nó diễn ra trong bối cảnh trại giam, nơi nhiều người nghĩ rằng đó là chỗ của sự trả giá cho những tội lỗi. Đó là tình người ấm áp giữa người quản giáo với phạm nhân. Những người chiến sĩ công an không chỉ giáo dục những phạm nhân hướng thiện, mà còn cưu mang, nuôi nấng những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh.

Tới bây giờ, mọi người mới biết rằng khi làm phim “Miền đồi ấm áp”, ông đã biết mình lâm trọng bệnh. Giấu vợ con, giấu đồng nghiệp, ông lao vào làm phim “Vượt qua thử thách”, sau đó, không nghỉ một ngày, ông tiếp tục làm “Miền đồi ấm áp”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện (bên phải) trong buổi giao lưu với cán bộ chiến sĩ Trại Phú Sơn 4.                                   Ảnh: Hà Sơn

Ngày ấy, ông cùng mọi thành viên trong đoàn làm phim lên tận trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) để quay. Quên hết bệnh tật, ông  lặn lội khắp núi rừng, tiếp xúc thực tế, gặp gỡ, trò chuyện cùng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và phạm nhân để có những thước phim chân thực nhất về tình người nơi trại giam.

Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà phần Genaric của phim sử dụng những hình ảnh có thật về buổi giao lưu giữa đoàn làm phim với các chiến sĩ công an và phạm nhân của trại Phú Sơn 4 - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đúng vào ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/2005).

Hơn 40 năm gắn bó với điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện có một số lượng phim khá đáng nể: các phim tài liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, phim truyện tâm lý: “Lạc cầm”, “Mùa hoa cúc quỳ”… tới phim hài “Tiền ơi”, “Không phải truyện đùa”, và gần đây, ông là một đạo diễn quen mặt với khán giả chương trình “Điện ảnh chiều thứ 7 với các phim video như: “Sông hồng reo”, “Hoa xương rồng”, “Bé Huệ”, “Hoa Xuyến chi”, “Vượt qua thử thách”…

Phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện thường dung dị, mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người. Khi là khát vọng hòa bình, hạnh phúc trong “Lạc cầm”, khi là những tâm tư, những ẩn ức của người đàn bà thời hậu chiến trong “Mùa hoa cúc quỳ”, khi là những tình cảm ấp áp trong cuộc sống đời thường trong “Hoa xuyến chi”. Xem phim của ông, người ta đều nhận thấy đằng sau những số phận éo le, những hoàn cảnh nghiệt ngã, là sợi dây tình cảm bền chặt và sâu đậm.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà anh kỹ sư Nguyễn Hữu Luyện, từng làm việc tại Nhà máy gang thép Thái Nguyên lại rẽ ngang để đến với điện ảnh. Đó là tiếng gọi của niềm đam mê nghệ thuật thứ bảy mà cả 4 anh em trai trong gia đình ông đều không thể cưỡng nổi. Gia đình ông là một trong số ít gia đình có tới 4 người con trai đều là những nghệ sĩ trong làng điện ảnh Việt Nam.--PageBreak--

Ngoài đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện còn có vợ chồng anh cả Nguyễn Hữu Hồng (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), nhà quay phim: NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn, người từng quay những bộ phim nổi tiếng như: “Thị xã trong tầm tay”, “Thương nhớ đồng quê”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng”, “Người đàn bà mộng du”…; vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo và diễn viên, NSƯT Như Quỳnh.

Nhiều người đùa rằng, gia đình ông có đủ thành viên để làm một bộ phim từ đạo diễn, diễn viên, quay phim… Vì thế nhiều tác phẩm có sự đóng góp của tất cả các thành viên trong gia đình như “Đêm miền yên tĩnh”, “Duyên nợ”, “Tiền ơi”. Đã từng có lúc mấy anh em nhà ông ý định thành lập hãng phim gia đình nhưng rồi đó vẫn là mong ước bởi ai cũng hiểu rằng họ hợp với việc chuyên tâm vào nghệ thuật hơn là đối mặt với bài toán lỗ, lãi khi thành lập hãng phim.

Bây giờ, “gia đình điện ảnh” ấy vẫn sống quây quần trong căn nhà cha mẹ để lại ở phố Hàng Đào. Tình yêu điện ảnh đã ngấm vào 4 anh em khi mới chỉ là những cậu bé nhỏ xíu thường chơi đùa quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngay từ nhỏ, mấy anh em đã biết tiết kiệm tiền ăn sáng để đi xem phim. Mỗi buổi xem “xinê” khi ấy là một ngày hội với 4 anh em. Những bộ phim tuổi thơ đã ám ảnh để sau này, người anh cả vào trường điện ảnh rồi lần lượt mấy anh em  cùng tiếp nối niềm đam mê nghệ thuật của mình.

Sinh ra trong gia đình kinh tế khá giả nhưng mấy anh em đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện đều được bố mẹ giáo dục cách sống nhân hậu, thương người. Điều ấy thể hiện rất rõ trong những bộ phim của ông. Say nghề, hết lòng với công việc nhưng ngoài đời ông cũng là một người sống tình cảm, chu đáo với vợ con. Ông giấu bệnh của mình cũng chỉ vì sợ vợ con sẽ lo nghĩ. Những ngày nằm điều trị ở bệnh viện, ông vẫn lo vợ con vất vả.

Ngồi trò chuyện với tôi trong căn nhà còn đầy ắp những kỷ niệm về ông, vợ ông vẫn chưa nguôi ngoai về sự ra đi đột ngột của chồng. Bà vẫn nhớ như in thói quen ông dậy từ 3h sáng để viết phân cảnh. Lúc ốm đau nhưng ông vẫn lạc quan, tin mình sẽ qua khỏi để tiếp tục làm phim. Sau khi hoàn thành phim “Miền đồi ấm áp”, dường như ông rất có cảm tình với ngành công an nên không ngần ngại nhận tiếp kịch bản “Sa Mi, em ở đâu?”.

Đây là bộ phim ca ngợi tinh thần mưu trí dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát hình sự trong cuộc chiến đấu chống bọn tội phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới. Và trước khi mất, trên bàn làm việc của ông là những trang bản thảo của bộ phim này mà ông đang phân cảnh dở dang. Vợ ông tâm sự, bà mua cho ông chiếc máy tính mới theo ý nguyện để ông viết kịch bản nhưng ông đã ra đi mà chưa kịp dùng đến một lần…

Khánh Thảo
.
.