Đạo diễn Nguyễn Hồ và hành trình “Khám phá Việt Nam”

Thứ Tư, 14/04/2010, 14:30
Mùng 6 tết Canh Dần, Đạo diễn Nguyễn Hồ bay thẳng từ TP HCM ra Hà Nội, rồi đi thẳng lên Tuyên Quang, để kịp thời có mặt trong buổi gặp gỡ với các nhân vật của mình trong loạt phim "Ký sự Tân Đảo".

Rồi ông lại hối hả bay về phương Nam chuẩn bị cho các dự án làm phim khác của mình. Xấp xỉ tuổi 70 mà ngày ngày vẫn "trên từng cây số" rong ruổi  không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, bận bịu với một núi công việc, Nguyễn Hồ thực sự có một sức làm việc đáng nể...

Phim mới nhất Nguyễn Hồ tham gia trong vai trò biên tập là "Cánh đồng bất tận" (Hãng BHD sản xuất) vừa đóng máy. Kỷ niệm đáng nhớ khi làm phim này đối với Nguyễn Hồ chính là những ngày tháng lang thang khắp sông nước miền Tây Nam Bộ để tìm bối cảnh. Rồi những đêm trắng cùng đoàn làm phim vừa hoàn thành các cảnh quay vừa chống chọi quyết liệt với... muỗi.

Với câu chuyện đậm chất Nam Bộ như "Cánh đồng bất tận", mà đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính lại là người Bắc thì vai trò cố vấn của Nguyễn Hồ càng cần thiết. Ông có nhiệm vụ "phả" cho được cái hồn cốt đặc sệt miền Tây Nam Bộ, vốn cũng là mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" của ông vào từng thước phim.

Nói về vùng đất nắng gió miền Tây quê hương mình, Nguyễn Hồ khi nào cũng rưng rưng xúc động, vì con người và khung cảnh nơi đây đã thân thuộc với ông như máu thịt. Ông đặc biệt nhắc về một người bạn văn chương, một cây cổ thụ của văn chương Nam Bộ là nhà văn Trang Thế Hy. Bất cứ khi nào có dịp ghé về miền đất này, ông đều ghé thăm người bạn già này và không ngại đỡ đần nhiều việc.

Khi được hỏi, phải chăng ông tham gia làm phim "Cánh đồng bất tận" vì câu chuyện nổi tiếng này gắn liền với vùng đất thiêng thiêng trong tâm hồn ông, Nguyễn Hồ bày tỏ: "Cánh đồng bất tận" là câu chuyện có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên hành tinh này, chứ không phải của riêng Cà Mau hay vùng đất Nam Bộ".

Trước Đổi mới, Nguyễn Hồ được dư luận chú ý sau loạt phim về cải tạo nông nghiệp ở miền Nam. Phim nhựa "Vùng gió xoáy" của ông đã tạo ra một nhân vật điển hình là Hai Lúa, sau này mặc nhiên trở thành một danh từ chung gọi người nông dân Nam Bộ.

Thời ấy, phim "mì ăn liền" lên ngôi, với những câu chuyện tình diễm lệ, thời thượng, riêng đạo diễn Nguyễn Hồ vẫn nổi tiếng với câu chuyện về người nông dân, về chuyện làm ăn tập thể. Đơn giản là ông đã nói trúng và nói đúng một hiện thực sinh động trong đời sống nông thôn đương thời và làm khán giả xúc động. Hôm nay, dẫu đời sống người nông dân ở Nam Bộ đã có nhiều thay đổi, nhưng Nguyễn Hồ vẫn còn nhiều day dứt, mà nếu như có điều kiện làm tiếp "vùng gió xoáy" ông sẽ không ngại "xoáy" vào những vấn đề như khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Sẽ là những nhân vật Hai Lúa có con gái bán mình, làm dâu ngoại, những Hai Lúa có con trai thất học, thất nghiệp, kiếm sống bằng làm thuê, rồi ra thành phố trở thành những đội quân vé số, bia ôm... Bên cạnh những đổi thay to lớn của bộ mặt nông thôn, vẫn còn nhiều những cảnh đời, phận người làm ông day dứt, mắc nợ và nếu có cơ hội ông sẽ thể hiện trên những thước phim của mình.

Say mê làm phim truyện và có nhiều phim để lại dấu ấn trong lòng khán giả, ngoài "Vùng gió xoáy", đạo diễn Nguyễn Hồ còn có các phim nổi tiếng khác như "Chung cư", "Chim phóng sinh", "Hẻm sâu", "Chú bé thổi còi"...

Với tư cách nhà văn, Nguyễn Hồ cũng là tác giả của nhiều tập truyện mà phần nhiều đã được chính ông chuyển thể thành kịch bản phim truyện. Song, niềm say mê lớn nhất của Nguyễn Hồ lại là thể loại phim tài liệu. Ngay từ khi còn làm quản lý ở Đài Truyền hình TP HCM với vai trò Phó Tổng giám đốc, rồi ông chủ Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS), Nguyễn Hồ đã bắt đầu "mở một con đường mới" cho thể loại phim tài liệu ký sự.

Ông không làm ký sự theo kiểu chính luận truyền thống, mà thể nghiệm một cách làm mới, theo lối tư liệu, khám phá. Bộ phim ký sự tài liệu thành công đầu tiên theo cách làm mới của TFS là "Trung Hoa ký sự" thực hiện năm 2000. Sau đó là phim "Mê Kông ký sự" (đã phát sóng trên VTV) rất được khán giả yêu thích. Dọc theo dòng sông Mê Kông từ thượng nguồn tới hạ lưu, những người làm phim đã kể câu chuyện của văn hóa, của tình người, của giao lưu và hội nhập, đoàn kết và phát triển với những cảnh quay chân thực, đẹp và xúc động.

Sau "Mê Kông ký sự" là câu chuyện về những người Việt làm phu mỏ, phu đồn điền từ những năm đầu thế kỷ XX trên mảnh đất xa lạ, nhỏ bé có tên là Tân Đảo. Vượt qua khoảng cách thời gian hơn nửa thế kỷ và hàng nghìn cây số giữa mênh mông biển cả, Nguyễn Hồ và đoàn làm phim đã đến ngôi làng người Việt bỏ hoang vẫn còn nguyên vẹn ở Komax, tìm đến khu mỏ khai thác nickel lớn nhất thế giới, tìm hiểu về những số phận người Việt nơi đây.

Trên hành trình tìm kiếm ấy, Nguyễn Hồ thật bất ngờ khi gặp những tấm lòng người con đất Việt, dù ở nơi xa vẫn hướng về quê hương, Tổ quốc. Vượt qua mọi gian nan, khổ ải, không ít người Việt đã vươn lên chiếm lĩnh khoa học kỹ thuật, trở thành những ông chủ lớn như Đặng Văn Nha, con trai một người phu mỏ nay đang là Chủ tịch Tập đoàn S.M.S.P, một trong những tập đoàn nickel lớn nhất thế giới, tác giả cuốn sách "Bí ẩn Đăng" vừa được phát hành tại Việt Nam.

Cũng trong chuyến làm phim "Ký sự Tân Đảo" này, Nguyễn Hồ thu thập được một số tài liệu về những người con đất Việt bị lưu đày cách đây hàng trăm năm. Và ông chợt thấm thía một điều rằng, muốn khám phá thế giới, trước tiên phải khám phá chính người Việt mình. Ông tâm sự: "Thân phận những người nô lệ da vàng ám ảnh tôi trên suốt nẻo đường làm phim ký sự".

Và ý tưởng làm phim về những ông vua yêu nước bị lưu đày là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bắt đầu được nhen nhóm. Khép lại "Ký sự Tân Đảo", Nguyễn Hồ lao vào dự án phim "Đi tìm dấu tích Ba Vua".

Cùng với bạn mình là nhà thơ Nguyễn Duy, tác giả của những câu thơ xúc động: "Bao triều vua mất đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ", Nguyễn Hồ và đoàn làm phim lang thang khắp các vùng đất từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, tới đảo La Réunion (Pháp) và Alger (Algerie)... tìm gặp những nhân vật như nhà sử học Féderic Turpin, bà Alain Ruscio, nhân vật lịch sử Raymond Aubrac, Madeleine Riffeau (từng là người yêu của nhà văn Nguyễn Đình Thi), hai người con trai của vua Duy Tân là Goerges Vĩnh San và Claude Vĩnh San... để tìm lại "dấu tích" những vị vua bị lưu đày.

Ở đâu Nguyễn Hồ cũng gặp những tấm lòng người con đất Việt. Họ không ngại góp công sức giúp đỡ đoàn làm phim, từ vật chất đến tư liệu quý. Nguyễn Hồ nhận ra rằng, nhân dân đã đi tìm vua hiền hàng trăm năm nay, và lòng yêu nước khi nào và ở bất cứ nơi đâu cũng nhận được sự đồng điệu của người dân Việt. Với những nhân vật có tấm lòng với đất nước, những người làm phim tài liệu như ông không thể cho phép mình vô cảm được.

Làm phim tài liệu là công việc nhọc nhằn, vất vả, tiền ít mà lại không dễ được khán giả biết đến như phim truyện, nhưng Nguyễn Hồ chẳng ngại điều đó. Đã từng là người lính vào sinh ra tử, lại đã có nhiều năm làm phóng viên, làm nhà quản lý báo chí, Nguyễn Hồ hiểu hơn ai hết giá trị của những thông tin mà mình đang cần mẫn đem tới cho độc giả.

Bởi vì phim tài liệu là thứ bám chặt với đời sống, dựa trên những câu chuyện có thật trong đời sống, nên "ngay cả một phim tài liệu dở cũng có thể xem được đến hết, vì nó chứa đựng một lượng thông tin bổ ích nào đó". Phim tài liệu là niềm đam mê lâu dài của Nguyễn Hồ. Lúc nào ông cũng tìm mọi cách để làm phim tài liệu, ở dạng này hay dạng khác, ở quy mô này hay quy mô khác.

Ông theo đuổi các ý tưởng, rồi phát triển nó thành các dự án, kêu gọi các nhà đầu tư để các ý tưởng của mình có thể biến thành những thước phim thực sự, mang tới cho khán giả những thông tin hay một vài suy ngẫm nào đó. Sau "Đi tìm dấu tích Ba Vua", Nguyễn Hồ đã hoàn thành ký sự dài 140 tập "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" phát sóng trên HTV hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ở loạt phim này, ông chọn góc nhìn từ xa, là những người con phương Nam nhìn về Hà Nội, với những khám phá, tâm sự độc đáo. Trải lòng với Hà Nội thương nhớ, mảnh đất không sinh ra ông nhưng ở đó lại có rất nhiều người thân, bè bạn của ông, Nguyễn Hồ tiếp tục với dự án phim dài hơi "Khám phá Việt Nam", và phim tài liệu về 20 vị tướng của tỉnh bến Tre....

Mặc dù đã có tuổi, song Nguyễn Hồ vẫn chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Có quá nhiều dự định công việc đang chờ ông ở phía trước. Tham vọng của ông là sẽ bằng những thước phim tài liệu, đi tìm chân dung, số phận người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới, trước mắt là ở vùng Đông Nam Á, châu Á và Bắc Mỹ.

Miệt mài với công việc nhưng không nóng vội, không chạy theo thị trường, Nguyễn Hồ giống như người đi gieo hạt. Ông muốn gieo xuống mảnh đất của mình những hạt giống tốt nhất, là hạt giống của lòng vị tha, của tình yêu con người với con người, với quê hương đất nước.

Trong lúc nhiều người lao nhanh về phía trước bởi hấp lực của những thứ lấp lánh, thời thượng thì tâm thế của ông là ngoái lại phía sau, tìm kiếm và làm sáng lại những viên ngọc đã bị bụi thời gian phủ lấp. Đó là những số phận con người gắn liền với lịch sử, đã bị lãng quên hay còn nhiều dấu hỏi cần được giải đáp...

Bình Nguyên Trang
.
.