Đạo diễn, NSƯT Trần Nhượng: Tôi khổ về đường tình duyên
-Thưa nghệ sĩ Trần Nhượng, được biết anh và Đoàn Kịch nói Công an nhân dân vừa có chuyến lưu diễn dài ngày tại các tỉnh phía
+ Với tôi, chuyến lưu diễn nào cũng có những kỷ niệm khó quên. Đi lưu diễn là một trong những hoạt động thường niên của đoàn được chúng tôi duy trì rất đều đặn. Lần này, hành trang mà đoàn chúng tôi mang theo là vở "Những quân bài định mệnh" (kịch bản Phan Gia Liên) - vở diễn từng tạo được dư luận rất tốt tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm 2008. Điều đáng mừng là, 41 đêm diễn ở 22 tỉnh và thành phố đều là những đêm diễn đông khán giả, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ở Đắk Nông, mặc dù diễn ngay trên sân khấu ngoài trời hay 9 đêm liền ở TP. Hồ Chí Minh, theo quan sát của tôi, không thấy có khán giả bỏ về giữa chừng. Ở trong
- Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng, với "Những quân bài định mệnh", Trần Nhượng đã chính thức có một tấm "thẻ hành nghề" đạo diễn sân khấu?
+ Thực ra, tôi đã thử sức với vai trò đạo diễn lâu rồi đấy chứ. Từ năm 1986, tôi đã dàn dựng một số vở kịch ngắn như "Tôi đi tìm tôi", "Con cá chép vàng", "Vô tích sự"... rồi sau đó là các vở "Duyên lạ hồn hoa", "Nốt nhạc cuối cùng", "Đám cưới trong đêm mưa". Đấy là chưa kể đến vai trò đồng đạo diễn như "Mảnh đời ngộ nhận" (cùng đạo diễn Thanh Tú), "Ráng chiều" (cùng đạo diễn Vũ Minh), "Vòng xoáy" (cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Vậy thì tại sao mọi người lại nghĩ đến tận "Những quân bài định mệnh" tôi mới có được tấm "thẻ hành nghề" nhỉ? Hình như đánh giá ấy không được... công bằng cho lắm?
- Anh có bao giờ đặt giả thiết rằng, nếu ngày đó anh không trở thành diễn viên của Đội Kịch Công an nhân dân mới thành lập mà vẫn ở Đoàn Kịch nói Hải Hưng, thì cuộc đời anh sẽ khác hơn bây giờ rất nhiều?
+ Có chứ. Tôi rất biết ơn Đoàn Kịch nói Hải Hưng xưa, đó là cái nôi cho tôi vào nghề và trưởng thành. Rời Hải Dương, trở thành diễn viên của Lực lượng Công an ở thủ đô đã cho tôi cơ hội được khán giả biết đến nhiều hơn, có nhiều cơ hội cho tôi thử sức, tung hoành. Đoàn Kịch nói Công an nhân dân là nơi tạo điều kiện cho tôi trở thành một nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến.
- Cho đến giờ, sân khấu đã đem đến cho anh điều gì là đáng kể nhất? Vinh quang, tiền bạc hay chỉ đơn giản là một nghề mà mình đam mê?
+ Tiền bạc tôi không có gì nhiều đâu, chỉ đủ để sống một cách ổn định. Tôi vẫn tự hào mình là người sống được bằng nghề, dù không dư dật gì. Tình cảm của khán giả với tôi là phần thưởng lớn nhất, là tài sản tôi để lại. Nhờ nghề diễn, tôi có được niềm vui, niềm kiêu hãnh về sự có mặt của mình trong cuộc đời. Nói thật lòng thì, sân khấu đã cho tôi cả vinh quang và nước mắt.
- Phải chăng anh muốn nói đến những hệ lụy của nghề diễn viên đã khiến anh không chỉ một lần đổ vỡ trong hôn nhân?
+ Ở một góc, một khía cạnh nào đó thì đúng thế. Do những đặc thù nghề nghiệp mà tôi đã gặp phải những bất trắc, dang dở trong cuộc sống gia đình. Điều này cũng khiến tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Tất nhiên không phải tất cả các nghệ sĩ đều thế và tôi không đổ lỗi cho nghề, nhưng chuyện đổ vỡ của nghệ sĩ cũng được nhiều người biết hơn và được thêu dệt ly kỳ hơn. Ví dụ nhé, họ thường nói rằng tôi đã nhiều lần kết hôn, trong khi tôi mới chỉ lấy vợ có... một lần rưỡi. Lần kết hôn thứ 2, tôi chưa kịp đi đăng ký thì đã tan vỡ rồi. Các cụ nói đúng lắm, vợ chồng cũng phải do duyên phận nữa.
- Sau những thất bại trong hôn nhân, anh có phải là người tôn thờ chủ nghĩa độc thân?
+ Không. Nhiều người sau những đổ vỡ thường có câu cửa miệng hoặc nói một cách đầy triết lý rằng họ thích cuộc sống tự do, tôn thờ chủ nghĩa độc thân. Nhưng thực ra cách nói ấy chỉ là bao biện. Đàn ông cũng yếu đuối lắm chứ, cần chỗ dựa tinh thần lắm chứ! Tôi luôn có khát vọng về một tổ ấm gia đình, nhưng tôi là người khổ về đường tình duyên. Giờ tôi đang ở với gia đình con gái tôi.
- Có khi nào các con anh phàn nàn về ông bố quá ham mê nghiệp diễn, bỏ bê đời sống gia đình, khiến các cháu không có một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ?
+ Không, các con tôi không bao giờ phàn nàn về chuyện này hoặc đổ lỗi cho bố về chuyện gia đình không yên ấm. Hai cháu lớn đã có gia đình, lại chỉ càng thương bố hơn. Vả lại các cháu cũng có thời gian làm nghệ thuật nên chúng hiểu công việc và sự hy sinh của tôi.
- Theo quy định của lực lượng, sang năm là anh đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng là nghệ sĩ, chắc hẳn anh không bao giờ có khái niệm nghỉ hưu?
+ Thật may mắn là nghề diễn viên, đạo diễn thì không có khái niệm nghỉ hưu. Tôi cho rằng, đạo diễn có thể đến một tuổi nào đó không còn làm được nữa nhưng diễn viên là nghề có thể làm việc, cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Và đó chính là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Có thể lúc nghỉ hưu, tôi còn đóng được nhiều phim hơn ấy chứ. Là vì bây giờ còn vướng nhiều công việc quản lý, tôi phải từ chối nhiều lời mời đóng phim dài tập, chứ khi nghỉ rồi, thời gian cũng được thoải mái hơn.
- Những công việc gì anh dự định và mong muốn làm được cho Đoàn Kịch nói Công an nhân dân trong thời gian còn tại vị?
+ Mong ước lớn nhất của tôi là đoàn khẳng định được thương hiệu thì nay về cơ bản đã tương đối tốt rồi. Tôi chỉ còn mong muốn đoàn được nâng cấp lên thành Nhà hát kịch Công an nhân dân nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hiện cơ sở vật chất còn tạm bợ nhưng Bộ đã có dự án và đang triển khai xây dựng một Nhà hát mang tầm cỡ quốc gia. Có một đội ngũ tốt, có "nơi ăn chốn ở" đàng hoàng rồi, những công việc tiếp theo đã có đội ngũ kế cận đảm nhiệm.
- Thật khách quan thì anh có đánh giá như thế nào về dàn diễn viên của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân hiện nay?
+ Thẳng thắn mà nói thì diễn viên Đoàn Kịch nói Công an nhân dân tuy không có những ngôi sao sáng chói như Lê Khanh, Anh Tú, Thu Hà... nhưng cũng có nhiều gương mặt được khán giả yêu mến như Hoàng Lan, Nguyễn Hải, Thúy Nga, Thế Bình, Đức Thuận... Đó là một lực lượng tương đối đồng đều và là những diễn viên được khán giả nhớ mặt, nhớ tên, nhớ vai.
- Anh tham gia đóng phim truyền hình từ rất sớm, đến nay có lẽ phải hàng trăm bộ phim. Nhưng hình như anh chưa đoạt được giải thưởng diễn viên nào thì phải?
+ Tôi có được một số giải thưởng cao về sân khấu, nhưng bên điện ảnh thì chưa. Tôi mới chỉ tham gia 3 phim nhựa, đó là vai Bang trong "Vệt sáng ngược", vai Bích trong "Ai giận ai thương", vai Đào Văn Kiên trong "Đêm hội Long Trì", nhưng phim truyền hình thì đóng nhiều lắm rồi, đến nay không còn nhớ hết được nữa. Phải nói cho công bằng là, thời tôi đóng nhiều phim truyền hình nhất thì lúc ấy chưa có giải thưởng cho diễn viên phim truyền hình. Về sau này, khi có hệ thống giải thưởng cho phim truyền hình thì tôi lại bận, ít có thời gian tham gia. Nhưng như tôi đã nói, được khán giả yêu mến là giải thưởng lớn nhất rồi.
- Đóng phim nhiều đến "nhẵn mặt" trên màn ảnh nhỏ, nhưng ấn tượng về anh trong lòng khán giả thường lại là những vai phản diện. Anh có thấy phiền lòng về điều này?
+ Với tôi, đã là vai diễn thì vai chính diện hay phản diện tôi đều yêu như nhau. Có thể khán giả có ấn tượng với tôi bằng những vai phản diện nhưng sở trường của tôi là vai chính diện cơ: Đó là những vai bộ đội, thương binh, thầy giáo với vẻ mặt khắc khổ và sức chịu đựng lớn. Tôi vẫn ao ước có một vai phản diện thật đặc sắc như trong phim "Bố già", vai "ông trùm băng đảng" núp đằng sau vẻ lịch thiệp, hào hoa hoặc một vai thật mâu thuẫn giữa hình thức bóng bẩy, hào nhoáng với một nội tâm phức tạp, nhiều âm mưu... nhưng đến nay vẫn chưa có được. Nếu có được vai diễn ấy trong đời, tôi sẽ cố gắng làm thật tốt, để khán giả không thể quên tôi. Nói thật, tôi vẫn chờ đợi một vai diễn để đời đấy!
Xin cảm ơn NSƯT Trần Nhượng!