Đạo diễn, NSƯT Đào Bá Sơn: Là may mắn nhưng cũng là thách thức

Thứ Năm, 07/10/2010, 16:05
Về đích sớm nhất trong số các phim chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bộ phim truyện nhựa "Long Thành cầm giả ca" (Kịch bản: Văn Lê, đạo diễn: Đào Bá Sơn) vừa ra mắt khán giả tại 3 thành phố lớn: TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Bộ phim được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn làm phim chiếu khai mạc cho "Tuần lễ phim Việt Nam chào mừng 1000 năm Thăng Long" từ 1 đến 10/10 trên toàn quốc.

Không chỉ có vậy, "Long Thành cầm giả ca" còn được chọn là một trong 2 phim tham dự "Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội" vào đầu tháng 10 năm nay. VNCA đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Đào Bá Sơn xung quanh bộ phim nhận được nhiều tình cảm của khán giả này.

- Thưa đạo diễn Đào Bá Sơn, xin chúc mừng ông vừa hoàn thành một món quà rất có ý nghĩa trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiếm có buổi chiếu phim nào như buổi chiếu ra mắt "Long Thành cầm giả ca" tại thủ đô vừa qua: phòng chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia không còn một chỗ trống. Thậm chí, nhiều phóng viên đã phải ngồi bệt xuống sàn nhà. Nhiều người muốn biết ông - một đạo diễn phương Nam đã đến với kịch bản "Long Thành cầm giả ca" như thế nào?

+ Kịch bản "Long thành cầm giả ca" của tác giả Văn Lê đoạt giải Nhất cuộc thi viết về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hà Nội tổ chức, đã được Nhà nước đặt hàng cho Hãng phim Giải phóng sản xuất. Tôi bị thuyết phục ngay từ khi đọc kịch bản với cương vị một thành viên trong Hội đồng nghệ thuật của Hãng. Khi ấy, tôi chưa hề nghĩ mình sẽ được giao làm. Đọc kịch bản, tôi cứ hình dung trong đầu vẻ đẹp thơ mộng của thành Thăng Long và số phận con người trong giai đoạn lịch sử đầy biến thiên nghiệt ngã ấy. Không ngờ sau đó, tôi được giao làm đạo diễn. Đó là may mắn nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn vì tôi chưa bao giờ làm phim lịch sử. Tôi bị ám ảnh bởi chuyện phim và viết kịch bản phân cảnh trong một tâm trạng vừa thích thú, lôi cuốn vừa khó khăn. Kịch bản của tác giả Văn Lê phóng tác từ bài thơ của đại thi hào Nguyễn Du nên sáng tạo, thêm bớt gì, tôi vẫn giữ vững thần thái ấy. Thông qua bộ phim, tôi muốn kể câu chuyện tình giống như một bức tranh lụa đẹp và buồn nhưng trên hết là sự tôn trọng sự thật lịch sử, những bối cảnh mang đậm dấu ấn văn hóa.

- Làm phim về đề tài lịch sử luôn là một thách thức với các đạo diễn, từ việc chọn bối cảnh đến chọn diễn viên… Tôi nghĩ, khi bắt tay vào làm "Long Thành cầm giả ca" ông cũng không nằm ngoài những khó khăn ấy?

+ Nếu rút gọn quá trình làm phim thì có thể hình dung như thế này: Chúng tôi chuẩn bị gấp rút trong 4 tháng. "Hành quân" bằng 8 xe hơi từ trong Nam ra Bắc. Quay ở 7 tỉnh trong 2 tháng mùa đông. In và ra bản đầu phim tại Thái Lan. Nếu kể khó khăn thì nhiều vô cùng. Câu chuyện về mối tình tri kỷ của một nhà thơ và một cô ca kỹ trải dài gần 30 năm trên cái phông nền lịch sử đầy biến động và phức tạp cuối Lê đầu Nguyễn. Chuyện phim ấy cách đây 200 năm trong khi kinh phí hạn hẹp, chỉ có 8 tỉ, thấp hơn nhiều so với kinh phí nhiều phim lịch sử khác. Bối cảnh giờ đây khác nhiều quá, chĩa máy quay tới đâu cũng gặp cột điện, ăng ten. Hoặc đơn giản như quay cảnh Nguyễn Du đi sứ mà thuê mãi mới được 5 con ngựa. Không phải ngựa chuyên dùng để đóng phim nên lúc con này đi đúng hàng thì con kia lại... phá đám. Lúc ngựa vào hàng lối thì diễn viên quần chúng lại "đình công" vì… đói quá không diễn nổi.

- Khó khăn thế, tại sao ông lại quyết định quay ở Việt Nam mà không phải là Trung Quốc như lựa chọn của nhiều đạo diễn khi làm phim lịch sử trong thời gian gần đây?

+ Điều tôi tâm niệm ngay từ khi bắt tay vào làm phim là mong muốn có một bộ phim "thuần" Việt. Để có một không khí cổ kính của đất Bắc Hà xa xưa, chúng tôi phải đi khảo sát rất nhiều, sau thì quyết định chọn quay ở Ninh Bình; Đền Thái Vi thuộc làng Đường Lâm; Đà Lạt, Việt phủ Thành Chương, Thiên đường Bảo Sơn, khu du lịch "Làng Việt cổ Cố Viên Lầu", Huế, Bắc Giang… Tôi chọn gam màu nâu cho toàn bộ các cảnh phim bởi làng quê Bắc Bộ trong ký ức tôi luôn nhuốm màu nâu sồng. Đó là màu của đất, của cánh đồng…

Phục trang cho nhân vật là điều tôi trăn trở rất nhiều. Tôi muốn trang phục phải đẹp nhưng không được cầu kỳ, lòe loẹt. Quan lại mặc quần áo bằng lụa tơ tằm, thêu tay tinh xảo. Trong suốt thời gian quay phim, tôi cũng quy định nghiêm ngặt toàn bộ diễn viên khi ăn uống, hút thuốc phải cởi trang phục ra. Điều tôi ưng ý nhất là trong quá trình khảo sát bối cảnh ở nhiều địa phương, chúng tôi đã phát hiện ra một chiếc giếng cổ bằng đá, không có thành. Nhìn từ trên cao xuống giống như một chiếc đàn nguyệt. Đó cũng là nơi mà người ta nhìn thấy nàng Cầm lần cuối cùng. Chúng tôi quyết định để "nguyên bản", không can thiệp một chút nào và rồi đã có một cái kết phim được nhiều người khen ngợi là ám ảnh.

- Làm phim về cụ Nguyễn Du - một nhân vật có thật trong lịch sử thì khâu chọn diễn viên vô cùng quan trọng. Tại sao ông lại chọn 2 gương mặt "mới toanh" là người mẫu Ngọc Ngoan vào vai Tố Như (Nguyễn Du) và ca sĩ Nhật Kim Anh vai nàng Cầm?

 + Tìm diễn viên cho bộ phim này không đơn giản. Tôi quan niệm, nhân vật nữ không chỉ có nét đẹp cổ điển của những người phụ nữ Việt Nam xưa mà còn phải biết đàn, hát. Nhân vật nam phải có nét nho nhã, thư sinh của một nhà thơ. Khi tôi chọn Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh vào 2 vai chính cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi tin vào sự lựa chọn của mình. Về ngoại hình của Nguyễn Du thì tôi tin mỗi người có một hình dung khác nhau. Nhưng trong suy nghĩ của tôi thì đó là con người có tấm lòng nhân ái, độ lượng, vị tha và rất nhạy cảm. Tôi gặp Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh khi họ tới casting phim và nhận ra đây chính là Tố Như và nàng Cầm của mình. Ngọc Ngoan thậm chí rất ngạc nhiên khi tuyển diễn viên mà tôi xem cả bàn tay, bàn chân. Nhưng tôi cho rằng, có được những câu thơ xuất thần, nét chữ đẹp như vậy, bàn tay của thi nhân phải mềm mại.

Tôi chọn Nhật Kim Anh vào vai nàng Cầm ngoài chuyện hình thức còn vì ngoài đời Nhật Kim Anh cũng là một cô gái xa quê Thanh Hóa từ năm 10 tuổi để vào Nam lập nghiệp. Việc một cô ca sĩ có thể trụ lại ở thành phố là điều vô cùng khó khăn. Nàng Cầm trong phim cũng phải xa quê từ năm 10 tuổi để lên kinh thành học đàn, hát. Tôi tin là Nhật Kim Anh có thể đồng cảm được với nàng Cầm nhiều điều. Cho tới bây giờ, nếu có điều gì trong diễn xuất của 2 diễn viên mà khán giả chưa hài lòng thì đó là lỗi của… tôi (cười).

- Dựa trên bài thơ nổi tiếng "Long Thành cầm giả ca", phim là câu chuyện tình đẹp, lãng mạn và u buồn giữa Tố Như và nàng Cầm, nhưng nhiều khán giả chưa thuyết phục ở chi tiết Tố Như đã khước từ sự dâng hiến của nàng Cầm trong một đêm thơ rượu?

+ Nếu các bạn nhìn bằng quan niệm hiện đại thì sẽ thấy điều đó là khiên cưỡng, nhưng các bạn hãy lùi câu chuyện lại 200 năm về trước, cuộc sống với đầy các giá trị của văn hóa Khổng - Mạnh thì tôi cho rằng ứng xử ấy của Tố Như là hợp lý.

- Là người Hà Nội lập nghiệp ở phương Nam, khi bắt tay vào làm một bộ phim lịch sử chào mừng thủ đô 1000 năm tuổi, hẳn ông có những cảm xúc đặc biệt?

+ Khi bắt tay vào thực hiện phim này, thực sự tôi rất... run vì đây là lần đầu tôi làm phim lịch sử, lần đầu tiên đưa Nguyễn Du lên màn ảnh. Mà đụng tới Nguyễn Du là đụng tới "hồn văn nghệ" của dân tộc nên tôi chỉ lo mình làm điều gì thất thố. Nhưng càng làm, tôi càng say mê. Tôi sinh ra ở Hà Nội, 31 tuổi thì rời xa nơi này nhưng ký ức về Hà Nội vẫn đầy ắp trong tôi. Tôi lớn lên cùng với những món quà của Hà Nội như tô bún ốc, quả cà muối, trái ổi vườn nhà... Xa Hà Nội hơn 30 năm nhưng chưa khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ Hà Nội. Tôi đã trút cả nỗi niềm thương nhớ Hà Nội vào phim và hy vọng đây sẽ là món quà tri ân của tôi với mảnh đất này.

- Xin cảm ơn đạo diễn Đào Bá Sơn

Thảo Duyên
.
.