Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Làm phim như một định mệnh

Thứ Bảy, 22/04/2017, 08:01
Dẫu ghét thế nào, dẫu yêu thế nào, cũng không thể phủ nhận Đặng Nhật Minh là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của điện ảnh Việt Nam. Và có thể càng ngày chúng ta sẽ càng thấy những tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh của Đặng Nhật Minh là những gợi ý thuyết phục cho hành trình hội nhập quốc tế. Thế nhưng, ngoảnh lại sự nghiệp của Đặng Nhật Minh, mới hay ông làm phim như một định mệnh!


Đặng Nhật Minh có một xuất thân không tầm thường. Cha của ông là bác sĩ tài danh Đặng Văn Ngữ, và xa hơn chút nữa, ông ngoại của ông là Thượng thư Bộ Hình dưới triều Khải Định. Đặng Nhật Minh có cốt cách nho nhã, hiếm khi lớn tiếng và khuôn mặt lúc nào cũng lộ vẻ đăm chiêu. Còn phía sau cặp kính trắng lấp lánh, bao giờ cũng hiển hiện đôi mắt ướt và buồn. Đôi mắt ấy không lộ ra vẻ ủy mị, không lộ ra vẻ xót xa, mà chỉ khiến người đối diện bắt gặp một sự xao xác.

Đặng Nhật Minh vốn không được đào tạo để làm phim truyện. Sau 18 tháng học ở Liên Xô, 19 tuổi Đặng Nhật Minh vào đời bằng nghề phiên dịch tiếng Nga. Mãi đến năm 27 tuổi, từ sự tình cờ run rủi, Đặng Nhật Minh mới được làm đạo diễn cho bộ phim tài liệu đầu tiên có tên gọi “Theo chân người địa chất”. Không phải là người dễ hòa nhập đám đông, con đường lập thân của Đặng Nhật Minh không mấy bằng phẳng. Ông được giao làm phim truyện đầu tiên vào năm 1974, nhưng cái kịch bản “Những ngôi sao biển” (chuyển thể theo một vở kịch nói của Nguyễn Khắc Phục) chẳng có gì gần gũi với ông, nên tác phẩm kia hoàn toàn mờ mịt bóng dáng tác giả.

Rồi sau khi được đào tạo ngắn hạn 6 tháng ở Bungari về nước, Đặng Nhật Minh cũng tạm gọi là đạo diễn có bằng cấp, nhưng bộ phim “Ngày mưa cuối năm” (chuyển thể từ vở kịch “Những người bóc đá” của Hồng Phi) cũng chẳng có tiếng vang gì đáng kể.

Phải nói thẳng, Đặng Nhật Minh chỉ là Đặng Nhật Minh lúc bộ phim “Thị xã trong tầm tay” ra đời năm 1982. Tuy nhiên, “Thị xã trong tầm tay” thành công chẳng phải nhờ Đặng Nhật Minh góp mặt bằng một vai diễn bất đắc dĩ nhỏ xíu, mà vì ông dám thay đổi tư duy làm phim quen thuộc của những người đi trước ông và cả những người cùng thế hệ ông.

“Thị xã trong tầm tay” tạo ra dư luận trái chiều, nhưng may mắn thay, tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983, ba văn nhân tên tuổi Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông và Nguyễn Khải tham gia Ban giám khảo đã quyết liệt ủng hộ và trao giải Bông Sen Vàng cho “Thị xã trong tầm tay”, giúp Đặng Nhật Minh củng cố niềm tin về cách làm phim riêng của ông.

Đòn bẩy quan trọng từ “Thị xã trong tầm tay”, Đặng Nhật Minh tiếp tục với “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Trở về”, “Thương nhớ đồng quê”, “Hà Nội mùa đông 1946”, “Mùa ổi”… đều do Đặng Nhật Minh tự viết kịch bản. Tôi đã đọc một tập truyện ngắn của Đặng Nhật Minh, tuy văn phong không có gì xuất sắc nhưng thỉnh thoảng nảy lên những chi tiết rất đắt. Đấy là thế mạnh của một người làm phim, biết chộp lấy một khoảnh khắc và đánh thức giá trị vĩnh cửu của khoảnh khắc ấy.

Năm 2009, Đặng Nhật Minh có bộ phim “Đừng đốt” cũng được đánh giá khá cao. Nếu so với mặt bằng phim Việt, thì “Đừng đốt” xứng đáng được tôn vinh, nhưng so với bản lĩnh của Đặng Nhật Minh thì thiếu hẳn cá tính độc đáo.

Tôi nghĩ, tài năng của Đặng Nhật Minh trong nghệ thuật thứ bảy nước ta tính tới thập niên thứ hai ở thế kỷ 21, thì chỉ có một thước đo duy nhất là chính Đặng Nhật Minh. Bộ phim “Đừng đốt” nếu không có cái kết thanh thoát thì sức rung động thẩm mỹ dường như đủ để tượng hình “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” trên màn bạc mà thôi.

Cái hay vượt trội để nhận dạng tác phẩm mang thương hiệu Đặng Nhật Minh là dựng lên được bối cảnh xã hội trắc ẩn cảm giác chênh vênh, giữa những người làm nên lịch sử và những người chịu đựng lịch sử. Đặng Nhật Minh chỉ là Đặng Nhật Minh, khi khán giả rời khỏi bộ phim của ông có thể lấy cái mất mát lung linh, cái thua thiệt độ lượng trong mỗi số phận bàng bạc, để làm quà tặng cho riêng mình!

Nếu nhìn bề ngoài, Đặng Nhật Minh là một mẫu người khá viên mãn. Gia đình nhỏ của ông có người vợ luôn sát cánh bên chồng và hai người con thành đạt. Riêng ông, ngoài danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, còn có hàng chục giải thưởng trong nước và quốc tế.

Vậy mà, dường như thường trực ở ông là sự khao khát sôi sục được giãi bày bao nhiêu ngổn ngang giữa dòng đời bất tận. Đặng Nhật Minh tự thú: “Nhiều người thân của tôi đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng. Khi còn sống họ đều âm thầm dạy dỗ tôi bằng chính cuộc sống của mình”. Từ những lời Đặng Nhật Minh kể trong “Hồi ký điện ảnh”, tôi chọn ba câu chuyện giống như ba thước phim âm bản tác động trực tiếp đến thao thức làm phim của ông.

Một cảnh trong bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Thứ nhất, hình ảnh người cậu dòng dõi quan lại dấn thân theo cách mạng: “Tôi chỉ nhớ một hôm mẹ tôi mặc quần áo sạch sẽ cho tôi rồi dắt tôi vào lao Thừa Phủ. Một khuôn mặt hốc hác bầm tím hiện ra sau ô cửa. Tôi giật mình nhận ra cậu Long, em mẹ tôi. Cậu tôi cố gượng cười để mẹ tôi yên lòng, rồi cúi xuống nhìn tôi. Hơn 50 năm qua, ánh mắt ấy, gương mặt sau ô cửa xà lim ngày ấy vẫn còn ám ảnh tôi, theo suốt cuộc đời tôi. Đối với tôi, đó là gương mặt của lương tâm, của phẩm giá, và nhân cách”.

Thứ hai, hình ảnh người vợ dắt con lặn lội tìm chồng ở chiến khu Việt Bắc: “Tôi còn nhớ như in giây phút khi cha mẹ tôi gặp nhau bên bờ suối ở Chiêm Hóa – Tuyên Quang sau 9 năm xa cách. Cha tôi từ trên đồi chạy xuống, còn mẹ tôi thì quay lưng đi, như muốn chạy trốn… Bà đã mong đợi bao lâu giây phút này nhưng khi nó đến thì bà lại không đủ can đảm để đón nhận. Bà đã quá mệt mỏi vì chờ đợi, vì đường xa, vì đủ mọi gian truân vất vả không thể nào kể xiết”.

Thứ ba, cái chết đột ngột của người cha: “Tôi còn nhớ đinh ninh lời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo:“Ba các cháu đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên vào lúc 2 giờ ngày 1 tháng 4 năm 1967”. Mơ ước của ông là tìm mọi cách giảm tử vong vì sốt rét cho bộ đội. Ông chưa tìm ra được vắc xin miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia sẻ với họ cái chết. Em gái tôi đang học ở Liên Xô không chịu đựng được nỗi đau này, đã lâm bệnh rồi mất lúc mới 28 tuổi!”.

Tôi dám chắc, một người không sinh ra trong một môi trường nghệ thuật chỉ có thể trở thành nghệ sĩ đích thực khi thấm thía được sự vĩ đại và sự mong manh của một kiếp người. Đặng Nhật Minh đã làm phim như một định mệnh là vậy!

Năm nay Đặng Nhật Minh đã 78 tuổi, tôi hỏi ông có ý định làm phim nữa không. Đặng Nhật Minh cười: “Cũng chưa biết được!”. Từ truyện ngắn “Nước mắt khô” của mình, Đặng Nhật Minh đã viết một kịch bản phim khá gần gũi với tâm sự riêng ông. Trong “Nước mắt khô” có một nữ diễn viên trẻ từ giã cám dỗ điện ảnh để quay về bán tạp hóa ở chợ, vì cô không thể khóc khi đóng những cảnh phim giả dối, nhưng cô đã trào nước mắt khi gặp lại người lính từng đóng thay những đoạn nguy hiểm trong một bộ phim ngày xưa với cô, bây giờ giải ngũ vẫn xuôi ngược tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Tôi mường tượng, nếu Đặng Nhật Minh thực hiện “Nước mắt khô” thì công chúng sẽ có thêm một bộ phim hay, bởi lẽ ông là một người hiểu trọng lượng của nước mắt ngay từ khi ông còn là một đại biểu Quốc hội: “Cho đến hôm nay tôi không thể nào quên cảnh tượng những bàn tay vẫy vẫy những lá đơn cùng gương mặt những người nông dân chạy về phía tôi, đặc biệt gương mặt một bà cụ chạy trước đám đông.

Suốt đời tôi không thể nào quên được gương mặt ấy. Tôi cũng không bao giờ có thể quên được ánh mắt của những người nông dân trong những lần tiếp xúc cử tri ở địa phương, nhìn thẳng vào chúng tôi, những người mà họ cho là đại diện cho họ ở một cơ quan quyền lực cao nhất. Những ánh mắt hừng hực lửa hy vọng như muốn nuốt chửng lấy chúng tôi. Hiện tại, nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung rõ mồn một những ánh mắt ấy mà cảm thấy đau lòng”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.