Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Phim chiến tranh không thể... làm liều
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo VNCA, đạo diễn nhiều duyên nợ với những thước phim bom đạn, khói lửa Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: "Phim về chiến tranh sẽ luôn hấp dẫn nếu chạm được vào trái tim khán giả...".
- Thưa đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, ngày phát sóng phim "Đường lên Điện Biên" đã cận kề. Xin anh cho biết, hiện bộ phim đã hoàn thiện đến đâu?
+ Kế hoạch sản xuất bộ phim này đã có từ lâu, nhưng chúng tôi mới thực sự bắt tay vào làm trước Tết một tháng. Về cơ bản, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Hiện tôi đang gấp rút làm phần hậu kỳ cho 10 tập đầu tiên để kịp ngày phát sóng, vì thế mấy ngày nay ngày nào cũng phải làm việc đến 12 giờ đêm. Phần quay ngoại cảnh về cơ bản đã ổn, chỉ còn thiếu một số phân đoạn mà sắp tới, chúng tôi quay tiếp trong khoảng 2 tuần là xong.
- Sau 2 phim nhựa về chiến tranh là "Đường thư", "Những người viết huyền thoại", chắc hẳn việc làm "Đường lên Điện Biên" lần này của anh đã có nhiều thuận lợi hơn?
+ Chắc chắn rồi. Bối cảnh quay chủ yếu là ở Đá Chông, Đồng Mô (Hà Nội), Sơn La, Yên Bái và với phim chiến tranh có đặc thù là phải nhờ sự giúp đỡ của bên quân đội về lực lượng, vũ khí, khí tài, phương tiện… Sau 2 phim về chiến tranh, giờ đây ít nhiều người ta biết đến mình, nên công việc cũng thuận lợi, trôi chảy hơn và tiến độ cũng nhanh hơn. Phải nói rằng, ở Việt Nam, làm phim chiến tranh mà không có sự hỗ trợ của bên quân đội là vô cùng khó khăn.
- Điều nhiều người quan tâm trong quá trình làm một bộ phim chiến tranh, đó là vấn đề an toàn vì phải sử dụng nhiều súng đạn, vật liệu cháy nổ. Sau 3 phim về chiến tranh, từng có tai nạn nào xảy ra với ê kip làm phim của anh không?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (thứ 2 từ trái sang) tại trường quay “Đường lên Điện Biên”. |
+ Phải nói rằng, với các cảnh quay có khói lửa, sử dụng quả nổ, chỉ cần sơ sểnh một chút là có thể xảy ra tai nạn ngay. Với phim của tôi thì rất may là chưa có một tai nạn nào, vì tôi vốn là người cẩn trọng và luôn kiểm soát được các tình huống. Với phim chiến tranh, không thể "làm liều" được, nhưng cũng không thể e dè quá vì nếu thế sẽ không có hiệu quả. Phim chiến tranh nhìn trên hình ảnh phải nguy hiểm thì khán giả xem mới cảm thấy thực sự là chiến tranh. "Đường lên Điện Biên" là phim về thời kỳ chống Pháp, lại là phim truyền hình nên việc thực hiện cũng dễ dàng hơn nhiều, bởi thời kỳ ấy sử dụng hỏa lực ít hơn thời chống Mỹ. Nhưng chúng tôi lại gặp phải khó khăn - đó là vũ khí, khí tài thời kỳ ấy hầu như không còn lại đến giờ nên chúng tôi còn phải thêm việc là đúc ra những khẩu súng và nhờ tới hiệu ứng của máy tính.
- Với tên phim và lịch phát sóng nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chắc hẳn sẽ có nhiều người hoài nghi rằng đây lại là một phim… "cúng cụ"?Mô típ về "những anh chàng hào hoa và những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, nết na" nghe cứ... quen quen?
+ "Đường lên Điện Biên" có chất bi tráng của anh hùng ca, nhưng không phải là bộ phim "một màu" mà trong đó vẫn chứa đựng nhiều khối mâu thuẫn, có mâu thuẫn thoảng qua, có mâu thuẫn sâu sắc. Tuy nhiên, tôi cố gắng xử lý nó một cách tinh tế, hợp lý để duy trì được nhịp độ phim để khán giả theo dõi. Tôi không cố gồng lên để làm một bộ phim về trận đánh Điện Biên hoành tráng. Về Điện Biên, đã có quá nhiều phim hoành tráng và tốn tiền rồi, vì thế tôi không muốn lặp lại cái cách người khác đã làm mà muốn đi sâu vào các chi tiết của đời sống.
Câu chuyện phim chỉ xoay quanh một tiểu đoàn và một đội nữ dân công hỏa tuyến, nhưng nhìn rộng ra, nó là quy mô của chiến dịch. Cách nhìn của tôi cũng khác cách nhìn của các nhà làm phim khác. Tôi làm phim theo "cái tạng" của tôi, nó chân thực hơn, gần gũi hơn, vui tươi hơn. Tôi có thể tự tin mà nói rằng, phim của tôi chắc chắn không phải là phim "cúng cụ". Thực ra, "cúng cụ" là cụm từ để chỉ những bộ phim "một chiều", "một màu" và "tô hồng" quá đáng.
- Nhiều người trẻ bây giờ lựa chọn cách bắt đầu sự nghiệp đạo diễn với dòng phim giải trí, thương mại bởi vì nó dễ có danh, lại có tiền. Vậy tại sao anh chung thủy với phim chiến tranh? Nếu được chọn lựa lại, anh có tiếp tục với con đường mình đã chọn?
Một cảnh trong phim “Đường lên Điện Biên”. |
+ Có lẽ cũng là do cái "duyên". "Mối tình đầu" của tôi là "Đường thư" là phim về chiến tranh, rồi từ đó tôi lại đến với các dự án khác. Cũng có thể là do gia đình tôi có nhiều người trong quân đội, anh trai tôi đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, những câu chuyện mà mọi người trong gia đình kể về chiến tranh cứ ngấm vào tôi một cách tự nhiên. Và rồi đến một ngày, nó cũng tự nhiên đến với những thước phim thôi. Có thể tôi sẽ bắt tay vào làm phim giải trí trong thời gian tới đây. Tất nhiên tôi sẽ làm theo cái tạng của tôi: làm phim giải trí nhưng không nhảm. Tôi vẫn nhận được những lời mời hợp tác làm phim giải trí đấy chứ. Nhưng hiện tại tôi thấy mình đang không có đủ thời gian nên đành phải từ chối.
- Phim "Những người viết huyền thoại" của anh được trao giải "Bông sen Vàng" trong Liên hoan phim Việt Nam năm 2013 và nhiều người cho rằng ở hạng mục phim truyện nhựa của giải "Cánh diều vàng" năm 2014 này, "Những người viết huyền thoại" dường như cũng không có đối thủ. Thế nhưng, dù có được nhiều giải cao thì việc tiếp cận khán giả của nó vẫn rất khó khăn. Điều này có khiến anh buồn phiền hay nản lòng?
+ Có một vấn đề là cho đến nay, người làm phim về đề tài chiến tranh luôn phải làm theo yêu cầu của "người đặt hàng", mà người đặt hàng ở đây chính là... nhà nước. Nhiều khi một bộ phim được nhà nước quan tâm lại không phải là bộ phim mà một em bé 13-14 tuổi hay một chị tiểu thương bán hàng ở ngoài chợ quan tâm. Có thể đặt trong tương quan thế này: Nhà nước quan tâm tới những cái tên diễn viên như Hoàng Hải, Quốc Thái... nhưng chị tiểu thương lại không đi xem phim nếu không thấy tên của diễn viên Hoài Linh. Đất nước chúng ta đang ở trong giai đoạn phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề về văn hóa. Những vấn đề về kinh tế có thể được giải quyết nhanh hơn, nhưng những "hệ lụy" về văn hóa có thể phải hàng trăm năm mới giải quyết xong. Tôi hiểu điều đó để làm việc và tôi hiểu việc mình làm, vì thế tôi không có gì phải buồn phiền hay luyến tiếc.
- Một bộ phận của giới trẻ ngày nay đang cho rằng, chiến tranh đã lùi quá xa, họ chẳng biết chiến tranh là gì nhưng hàng năm nhà nước vẫn dành một nguồn kinh phí khá lớn cho phim chiến tranh. Anh có cho rằng, nhà nước nên quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội đương đại hơn là cứ đổ tiền và đi mãi một lối mòn?
+ Ở Việt Nam, đề tài về chiến tranh là đề tài thế kỷ và vẫn luôn cần được khơi lại. Tôi nghĩ, dù tôi có dành cả đời mình để chỉ làm phim về chiến tranh chắc cũng không hết được. Thực ra, kinh phí nhà nước dành cho phim chiến tranh hàng năm có nhiều đâu. Lâu lắm rồi mới có "Những người viết huyền thoại" đấy chứ. Người ta cứ đổ tiền vào cái gì ấy, thậm chí là vào những bộ phim vô thưởng vô phạt nào đó chứ không phải là dành cho phim chiến tranh đâu. Một bộ phim chiến tranh cũng có thể làm hấp dẫn như phim thị trường, chỉ có điều chúng ta hãy cởi bỏ tất cả những quan điểm về một bộ phim chiến tranh theo lối cũ để làm những bộ phim chiến tranh mang tư tưởng mới, bộ mặt mới. Bởi vì xưa nay, đề tài là muôn thuở, chỉ có cách làm là khác đi mà thôi. Vấn đề là cách làm đề tài ấy có chạm được đến trái tim khán giả hay không?
- Bây giờ nếu có một đạo diễn trẻ muốn bắt đầu sự nghiệp với việc theo đuổi dòng phim chiến tranh như anh đã bắt đầu cách đây 10 năm và cần ở anh một lời khuyên thì anh sẽ nói gì?
+ Có lẽ tôi sẽ nói: "Kiếm sống là việc mà ai cũng phải làm, nhưng vấn đề là kiếm sống thế nào? Người ta có thể lựa chọn làm những bộ phim chỉ chiếu một mùa hoặc có thể lựa chọn làm những bộ phim chiếu hàng chục năm mà không bị mất hút giữa hàng đống các thứ vớ vẩn thường nhật. Quan trọng là bạn phải tin vào sự lựa chọn của bản thân mình!". Thế thôi!
- Xin cảm ơn đạo diễn Bùi Tuấn Dũng!