Đạo diễn Bùi Như Lai và những vở kịch hình thể độc đáo

Thứ Năm, 28/03/2013, 08:00

Đạo diễn Bùi Như Lai cho rằng, việc hiểu và thông cảm sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc xa lánh, kỳ thị những người có HIV/AIDS. Anh chia sẻ: "Thông qua một hình thức nghệ thuật, tôi muốn gửi qua đó một thông điệp nhân văn".

Luôn trăn trở với các vấn đề xã hội và cũng không ngại khi đề cập tới những đề tài liên quan tới người đồng tính, người có HIV, đạo diễn Bùi Như Lai, Đoàn phó Đoàn kịch Hình thể - Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ đã dám thử sức mình và đã thu được những thành công nhất định. Đó là những hiệu ứng tốt anh thu được từ các đồng nghiệp trong giới và các nhà chuyên môn, cũng như từ một loạt các vở được lưu diễn cho sinh viên xem ở nhiều tỉnh thành, trong cả nước... Hiện đạo diễn Bùi Như Lai vẫn đang tiếp tục với các dự án nhằm bảo vệ những người "thấp cổ bé họng" trong xã hội.

"Sterio Man", vở diễn đầu tiên về đề tài đồng tính nam, được lưu diễn ở nhiều trường đại học trong Nam ngoài Bắc. Lý giải cho việc lưu diễn miễn phí này, đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ: "Vở diễn với chủ đề là cuộc sống của những người đồng tính, một nhóm người mà xã hội còn ít thông cảm và hiểu về cuộc sống của họ; và chính họ, nhiều người cũng chưa dám công khai giới tính thực của mình. Khi vở diễn được công diễn miễn phí cho sinh viên - những người trẻ, có tri thức, có hiểu biết, và có tư tưởng "mở" thì hẳn khi xem vở diễn, họ sẽ có cái nhìn cảm thông hơn với những người đồng tính".

"Sterio Man" đã lột tả chân thực cuộc sống của những người đồng tính, kể cả những góc khuất sâu kín của họ bằng những động tác hình thể của các diễn viên, trong đó có cả diễn viên, đạo diễn trẻ Bùi Như Lai. Chỉ bằng những động tác chuyển động nhanh, những hình ảnh sắc nét của người đàn ông, mối quan hệ giữa họ được khắc họa súc tích. Kết thúc lại là cảnh một người bị tách khỏi số người còn lại. Đó là cảm xúc bị cô lập, bị chối bỏ khi người đàn ông muốn trở thành phụ nữ, và họ yêu những người đàn ông khác, người cùng giới tính với mình. Khi chứng kiến những giằng xé đó, khán giả sẽ thấy cảm thông, chia sẻ hơn với người trong cảnh ngộ. Đó là một thông điệp được gửi đến từ những người xây dựng vở kịch: Những người đồng tính, họ đều là những con người do tạo hóa sinh ra. Họ cũng muốn được là chính mình.

Cũng với đề tài đồng tính, vở diễn "Sterio Woman" được đạo diễn Bùi Như Lai ấp ủ ngay khi xây dựng "Sterio Man". Cuộc sống của những người đồng tính nữ cũng hiện lên vô cùng rõ nét. Tuy không sử dụng những động tác mạnh, dứt khoát như ở "Sterio Man", nhưng sự giằng xé của những nhân vật ở "Sterio Woman" được xây dựng và diễn tả như được nén vào bên trong, cũng giống như bản tính của người nữ giới.

"Stereo Woman" được bắt đầu bằng những "đạo cụ" gợi nhớ đến "Stereo Man", như một đường dẫn giúp khán giả dễ dàng bắt nhịp vào câu chuyện: Hai chiếc ghế, hai khoảng sáng, một bóng người lẻ loi, phân vân, giằng xé giữa bên này, bên kia. Những vòng xoáy âm thanh cuồn cuộn ập xuống, dồn dập như một cơn bão khiến người ta lo ngại, bóng dáng bé nhỏ kia đang dần bị nhấn chìm vào tâm bão. Nhưng, như äng ánh mắt vẫn hờ hững vụt qua. Không một cánh tay chìa ra. Không một chút hy vọng, bấu víu. Cái bóng càng lúc càng run rẩy, vật vã. Quay đầu lại hay đi tiếp? Ẩn nấp trong bóng đêm hay bước ra ánh sáng? Rồi, đột ngột, một tiếng đập chát chúa, chiếc ghế bị đẩy ngã tựa như một hành động tuyên chiến với những thành kiến. Thân phận bị tạo hóa trêu ngươi ấy, rốt cuộc, đã quyết định là chính mình. "Sterio Woman" hay "Hãy là chính mình" cũng được lưu diễn khắp các tỉnh, thành ở Hà Nội và Tp HCM. Vở diễn mới vừa kết thúc hôm 3/1/2013 tại một số trường đại học ở Buôn Mê Thuột.

Một cảnh trong vở kịch đồng tính nữ "Sterio Woman".

Để làm được những vở kịch có sức thuyết phục, đạo diễn Bùi Như Lai đã không ngại xâm nhập vào cuộc sống của chính những nhân vật trong các vở diễn; đồng thời anh cũng mời các chuyên gia về từng lĩnh vực tham gia tư vấn cho chương trình. Ngoài ra, diễn viên tiếp cận với bốn cuốn sách nghiên cứu về 40 người nữ yêu nữ của Viện iSEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường), được trao đổi với các nhà nghiên cứu để mang lại ý niệm, hình ảnh rất cụ thể về người đồng tính. Khi diễn, anh mời chính những người  đồng tính công khai số phận tới xem. Sau mỗi buổi diễn là các phần giao lưu, tương tác với các diễn viên. Nhiều người đã dám công khai giới tính của mình. Và họ cũng mang đến những câu chuyện thực từ trong giới của họ. Có những câu chuyện họ muốn nói, họ muốn chia sẻ. Nhưng có lẽ, để đạt hiệu ứng hơn, rất cần những vở kịch như "Sterio Man" và "Sterio Woman".

Cũng bằng một thông điệp đầy tính nhân văn, đạo diễn Bùi Như Lai cũng đã mạnh dạn đưa những người có HIV/AIDS lên sân khấu, để người xem có cái nhìn khách quan hơn khi trực tiếp thấy được cuộc sống của họ.

Dự án "Đừng đợi đến ngày mai" là một dự án về cuộc sống của người có HIV. Trước khi thực hiện dự án, anh đã tìm hiểu về cuộc sống của những người có HIV và trong vở diễn, anh mời một "diễn viên" tay ngang trực tiếp tham gia chương trình. Đó là anh Trần Hoàng ở nhóm "Vì ngày mai tươi sáng". Đó là một nhóm những người có HIV, nhưng họ đã mạnh dạn đi tuyên truyền về HIV/AIDS để mọi người cùng hiểu và biết cách phòng tránh…

Đạo diễn Bùi Như Lai kể, sau buổi biểu diễn, một nhóm các sinh viên đã đến tận phòng của anh Trần Hoàng để chia sẻ và nghe tư vấn. Điều đó đã chứng minh rằng, các bạn trẻ thực sự có cái nhìn cảm thông với những người có HIV và họ cũng hiểu biết hơn về HIV. Ngoài những câu chuyện được đề cập trên sàn diễn, các tình nguyện viên còn có những câu chuyện thực tế để kể. Ví như một thành viên của mạng lưới "Vì ngày mai tươi sáng" là người không có HIV nhưng chị vẫn lấy chồng có HIV rồi sinh con và đến nay cậu con trai đã 13 tuổi, rất khỏe mạnh. Chị là người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để có được hạnh phúc bằng sự hiểu biết của bản thân.

Đạo diễn Bùi Như Lai cho rằng, việc hiểu và thông cảm sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc xa lánh, kỳ thị những người có HIV/AIDS. Anh chia sẻ: "Thông qua một hình thức nghệ thuật, tôi muốn gửi qua đó một thông điệp nhân văn".

Mới đây nhất, nhân ngày thế giới chống bạo lực gia đình, đạo diễn Bùi Như Lai lại dàn dựng một vở kịch mới. "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" là sự phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình -  Phụ nữ và vị thành niên với Nhà hát Tuổi trẻ. 9 diễn viên chính của vở kịch, đồng thời cũng là những người phụ nữ đã từng bị bạo hành gia đình đã dám đứng lên sân khấu nói lên tiếng nói của mình. Và những người đàn ông, những người đã gây nên những nỗi đau cho những người phụ nữ của mình, đã phải thay đổi.

Vở diễn đã lấy được nhiều nước mắt của những "diễn viên bất đắc dĩ". Họ là những người phụ nữ vất vả, làm thuê làm mướn với những công việc nặng nhọc để lo toan cuộc sống gia đình. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có thế. Họ còn phải chịu bao cảnh áp bức, đánh đập từ chính người tưởng như là yêu thương và gắn bó, chia sẻ với họ nhất - những người đàn ông, những người chồng của họ. Đánh đập vợ, rượu chè rồi say xỉn, bắt vợ cung phụng… Đủ các thể loại bạo hành mà các chị phải chịu. Nhưng, những người phụ nữ ấy, họ đã biết đứng lên, nắm tay nhau và không cam chịu số phận. Họ nói lên tiếng nói của mình… Những khán giả chứng kiến những cảnh ấy, ai ai cũng rơi nước mắt. Rất nhiều ý kiến đã đưa ra các giải pháp để chống nạn bạo hành, để bảo vệ người phụ nữ… Làm được điều đó là một sự thành công của đạo diễn trẻ Bùi Như Lai. Anh cho biết, vở diễn vẫn đang được tiếp tục lưu diễn ở nhiều nơi.

Nói về những dự án mới, Bùi Như Lai cho biết, hiện anh đang ấp ủ nhiều, nhưng trước mắt sẽ hướng tới hai lớp người mà theo anh, sẽ rất nhận được sự quan tâm của xã hội: Đó là cuộc sống của những người nghèo ở bệnh viện, với những nỗi lo bệnh tật, viện phí, sự chật chội, đông đúc, vất vả của cả người nhà và bệnh nhân; dự án tiếp theo là cuộc sống của những người già. Ý tưởng này xuất phát từ việc một lần anh nhìn thấy một cụ già muốn sang đường. Nhưng cụ cứ loay hoay mãi, không biết sang bằng cách nào. Phố xá thì đông nghịt, người xe đan xen. Dòng chảy xe cộ như không ngừng. Anh muốn một cuộc sống chậm lại, giới trẻ hãy nhìn lại mình, nhìn lại phía sau, để những người già được chăm sóc, hưởng tuổi già thanh bình bên con cháu.

Hy vọng, những vở kịch về các vấn đề xã hội đương đại của đạo diễn trẻ Bùi Như Lai được tiếp tục xây dựng. Từ đó, nhiều người sẽ có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình để xã hội hiểu họ hơn, cuộc sống của họ bớt thiệt thòi hơn

Ngô Thị Chuyên
.
.