Đạo diễn Bùi Huy Thuần: Tôi thích làm phim về đề tài hình sự

Thứ Hai, 09/05/2011, 10:28
"Tôi đến với điện ảnh rất ngẫu nhiên, ban đầu như một người lạ đi lạc lối và càng đi càng tìm hiểu thì càng thấy rằng, địa hạt này như một cục nam châm, cứ hút mình vào, cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo...".

Nói tới đạo diễn Bùi Huy Thuần, khán giả thường nhớ đến những tập phim cảnh sát hình sự do anh làm đạo diễn phát sóng trong thời gian qua như: "Cổ vật", "Những cánh hoa bay", "Con đường hạnh phúc", "Cuồng phong", “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”... Anh được cho là người kín tiếng, lặng lẽ đằng sau những thước phim, dù thành tích anh có được không ít: Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc cho các phim "Những người hết thời", "Khúc nhạc tuổi thơ"; Huy chương bạc cho các phim "Cho em một ngày vui", "Chốn quê". Gần đây nhất là giải thưởng dành cho phim truyền hình được yêu thích nhất với bộ phim "Cuồng phong"...

- Thưa đạo diễn Bùi Huy Thuần, nếu ai chăm theo dõi phim truyền hình sẽ nhận ra rằng, gần đây, phim do anh làm đạo diễn được chiếu liên tục vào các giờ vàng của Đài truyền hình Việt Nam như "Cuồng phong", "Ngôi biệt thự màu tro lạnh"… Say mê đề tài hình sự như vậy, hẳn anh có "cơ duyên" với ngành Công an chăng?

+ Thực ra, mỗi năm tôi chỉ làm chừng một, hai bộ phim thôi chứ cũng không làm quá nhiều. Chẳng qua phim của tôi làm trong các năm qua bị dồn lại nên phát sóng liên tục thì khán giả cảm thấy nhiều vậy thôi. Đề tài hình sự, là "món đặc sản" của Hãng phim truyền hình Việt Nam, nên không chỉ tôi mà hầu hết các đạo diễn khác cũng có nhiều người tham gia làm các seri đề tài này, nhưng có vẻ tôi là người nuôi dưỡng tình yêu lâu nhất. Trên thực tế, đề tài hình sự tưởng thì rất dễ làm và làm dễ hay vì dẫu sao nó cũng có sức hấp dẫn riêng xuất phát từ những vụ án đã có của lực lượng Công an, nhưng từ chất liệu, để có một "món ngon" còn tùy thuộc vào nhiều công đoạn, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng từ các khâu trong quá trình sản xuất. Môtíp câu chuyện là giống nhau, người đạo diễn phải thâu tóm, nhấn mạnh các chi tiết đặc trưng để làm cho kịch tính được đẩy lên cao thì mới có các điểm nhấn của câu chuyện được. Bên cạnh chúng tôi có sự hỗ trợ rất lớn từ các cán bộ công tác trong lực lượng Công an, các anh luôn tận tình giúp đỡ khi chúng tôi có những vướng mắc về nghiệp vụ, thậm chí sẵn sàng huy động lính đóng phim cùng chúng tôi…

Tôi còn nhớ, chúng tôi có mượn phòng tại khu du lịch sinh thái quay cảnh Công an vây ráp đối tượng. Các đồng chí Công an Sơn Tây đã điều động tới cho chúng tôi một đội Cảnh sát cơ động mang súng ống rất oai phong. Vì chưa đến cảnh vây bắt nên các đồng chí ấy đi đi lại lại. Những ai không biết đang quay phim, chắc chắn nghĩ là ở đây đang xảy ra chuyện gì nghiêm trọng nên có sự can thiệp của Cảnh sát… Với tôi thì khi làm phim, tôi luôn bị cuốn vào từ trường của nó, đôi khi tôi làm phim không phải vì công việc, mà vì niềm đam mê của chính mình.

Một cảnh trong phim "Cuồng phong".

- Bộ phim "Cuồng phong" do anh làm đạo diễn năm vừa qua đã gặt hái được nhiều giải thưởng: Phim truyền hình được yêu thích nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây hẳn là bộ phim anh dành nhiều tâm huyết?

+ Ngay khi đọc kịch bản phim của anh Khương Hồng Minh, là một tác giả làm việc trong ngành Công an, tôi đã bị hút vào câu chuyện. Đây là câu chuyện được viết dựa trên một chuyên án chống ma túy lớn của các chiến sĩ Công an, khắc họa được hình tượng người chiến sĩ Công an với sự vất vả trong quá trình phá án. Tuy đây không phải là một đề tài mới nhưng thông điệp của bộ phim hướng tới cả cộng đồng, vì ma túy đã hủy hoại đời sống của nhiều thanh thiếu niên trong xã hội và cuộc chiến chống lại tệ nạn đó đang vô cùng cam go, vất vả. "Cuồng phong" đã khai thác được những góc khuất của thế giới tội phạm về ma túy. Nhân vật Bạch Yến (do NSƯT Minh Hòa nhập vai) đã thể hiện được hình ảnh người đàn bà bên ngoài thì đức độ, hiền lành nhưng "khẩu phật tâm xà", cuối cùng phải nhận cái chết bi thảm trong rừng sâu, núi thẳm. Với "Cuồng phong", bản thân tôi khi xem lại cũng nhận thấy phim đã thể hiện sinh động và trung thực cuộc chiến đấu quyết liệt của các chiến sĩ Công an với giới xã hội đen và những hiểm nguy mà anh em phải đối mặt trên mặt trận triệt phá các đường dây vận chuyển và buôn bán ma túy. Bộ phim "đứng" được trong lòng công chúng trong thời kỳ nở rộ các bộ phim truyền hình dài tập như hiện nay đã chứng tỏ sức hút của thể loại phim hình sự đối với khán giả.

- Xem nhiều phim của anh, tôi để ý thấy dàn diễn viên quen thuộc luôn góp mặt như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Minh Hòa, NSƯT Trung Hiếu... Tại sao anh không tìm kiếm, phát hiện những gương mặt mới để làm phong phú hơn cho những thước phim của mình?

+ Bất cứ đạo diễn nào cũng muốn tìm kiếm, phát hiện được những diễn viên có tài năng, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với những bộ phim hình sự, tôi thường làm việc với những diễn viên "ruột" của mình để bộ phim đạt hiệu quả nhanh và tốt nhất. Diễn viên Minh Hòa cũng là một trong những người do tôi phát hiện là đóng phản diện rất đạt, dù gương mặt của chị không "ác", vì vậy, hiệu quả phim sẽ cao hơn.

- Được biết, trước khi trở thành đạo diễn, anh là một nhà quay phim với những bộ phim đã đi vào lòng khán giả như "Lời nguyền của dòng sông", "Mẹ chồng tôi", "Người tình của cha"… Anh là một trong số không nhiều các nhà quay phim thành công khi chuyển sang một địa hạt mới. Vậy điều gì khiến anh có sự thay đổi này?

+ Tôi đến với điện ảnh rất ngẫu nhiên, ban đầu như một người lạ đi lạc lối và càng đi càng tìm hiểu thì càng thấy rằng, địa hạt này như một cục nam châm, cứ hút mình vào, cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo. Thời gian đầu, khi tôi về làm việc ở Hãng phim của Đài truyền hình Việt Nam, cả cơ quan chỉ có 2 nhà quay phim, vì thế chúng tôi có nhiều cơ hội làm việc. Tôi đã đi cũng đạo diễn, NSND Khải Hưng khắp mọi vùng miền, hầu như phim nào của anh Khải Hưng tôi cũng là quay phim. Đó là những năm tháng chúng tôi làm nghề thực sự, làm bằng chính niềm đam mê của mình. Bởi vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn nói với những người quản lý rằng, nếu chúng ta lấy được không khí làm việc như ngày xưa thì chắc chắn, để làm phim hay không cần tới việc tăng kinh phí.

Tôi còn nhớ, khi quay phim "Lời nguyền của dòng sông", đoàn làm phim chúng tôi không đủ tiền để thuê một con thuyền khác để tôi đứng riêng quay, chỉ còn cách lội nước và ôm máy lom khom quay. Hai ngày cuối, hết kinh phí, cả đoàn ăn khoai trừ bữa. Còn khi quay cảnh đêm thì chúng tôi thường xuyên phải xoa dầu và uống nước mắm để xua đi cái lạnh và cơn đói. Có những cảnh quay ở Hòa Bình, chúng tôi mượn được cái nhà ở sát… chuồng lợn, đêm đến mùi bốc lên không thể chịu được, vậy mà ai nấy vẫn làm việc hăng say, không một lời kêu ca. Hồi đó, các dụng cụ quay phim đâu tối tân như bây giờ. Có cảnh đạo diễn Khải Hưng muốn quay liền từ bên này sang bên kia, chúng tôi phải mượn hai đầu sắt hình chữ U nối lại thành đường ray rồi đạo diễn bật một bản nhạc chừng 4 phút và cứ thế, tôi ngồi trên xe máy cầm máy quay, còn mấy anh em đẩy xe máy đi lại, có lúc phải dùng hai thanh tre buộc vào 4 chân ghế, tôi ngồi ôm máy quay còn anh em phải khiêng tôi trên vai để lấy góc độ… Những kỷ niệm thời ấy chắc chắn là một phần đời của tôi rồi. Tôi yêu nghề quay phim mình từng gắn bó, nhưng giờ đây tuổi tác đã không còn cho mình sự cứng cáp, dẻo dai như hồi còn trẻ xông xáo nữa, vì thế tôi đi học và chuyển sang làm đạo diễn.

- Hiện nay các đạo diễn quan tâm nhiều tới sự “ăn khách” và sẽ tìm đến những đề tài về đô thị hoặc giới trẻ, riêng anh xưa nay chỉ hướng tới phim chính luận, hình sự. Liệu anh có gặp phải khó khăn gì khi theo đuổi đề tài khá hóc búa này?

+ Tôi thích làm phim đề tài hình sự, chống tham nhũng… vì tôi thấy nó hợp với tính cách của mình. Mặc dù tôi biết rằng, làm phim thể loại này dễ đụng chạm, dễ mất lòng… ai đó nhưng nếu ai cũng né tránh hoặc tìm những đề tài dễ thì phim ảnh phản ánh xã hội có phần thiên lệch. Số tôi hình như đã được định đoạt rồi, ngay từ hồi mới bắt đầu làm đạo diễn, tôi đã làm phim về những người bị bệnh phong hủi. Tôi phải vào ăn ở tại Trại  phong Quỳnh Lưu (Nghệ An) cả tháng trời, rồi sau đó, tôi làm phim về những người bị HIV và cũng nằm vùng tại Trại giáo dưỡng ở Hà Tây hàng tuần lễ. Hiện nay, tôi đang làm hậu kỳ phim "Chủ tịch tỉnh", một bộ phim về chống tham nhũng sẽ được phát sóng trong thời gian tới đây!

- Xin cảm ơn ông!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.