"Đánh thức" một giá trị đã bị lãng quên

Thứ Năm, 08/04/2021, 11:43
Với nỗi lo lắng, những giá trị truyền thống sẽ bị mai một trong xã hội hiện đại, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã dành thời gian thực hiện dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”. Dự án quy tụ nhiều nghệ sĩ gạo cội với tình yêu và mong muốn, gìn giữ, lan tỏa một giá trị của ông cha để lại, “Ngâm Kiều”.


Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, người khởi xướng của dự án: “Ngâm Kiều toàn truyện” là dự án tôn vinh một lối ngâm độc đáo được sinh ra gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam, đó là ngâm Kiều (giới nghệ thuật dân tộc còn gọi là lảy Kiều) gắn liền với “Truyện Kiều”. Bên cạnh những đóng góp cho văn học, “Truyện Kiều” có vị trí hết sức đặc biệt trong âm nhạc truyền thống dân tộc bởi thông qua tác phẩm này, ông cha ta đã sáng tạo riêng một lối hát dành cho những câu Kiều. Ngâm Kiều đã góp phần nối dài đời sống của Truyện Kiều trong lòng người Việt”.

Xưa kia, ngâm Kiều phổ biến như sự phổ biến của Truyện Kiều. Ngâm Kiều như câu cửa miệng của ông bà ta. Nó hiện hữu bất cứ lúc nào, dù vui hay buồn, lúc ru con, cháu ngủ, hay dạy dỗ trẻ con, khuyên răn con người ta một điều gì đó, hoặc đơn thuần là để có phút giây thư thái sau một ngày làm việc mệt nhọc...

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Ngày nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại ở trong các thể loại kịch hát truyền thống và âm nhạc truyền thống như chèo, cải lương, hát văn, ca trù, hát xẩm... Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ nằm trong một tác phẩm. Trong khi ngâm Kiều trong quá khứ đã tồn tại với tư cách một thể loại, một lối hát riêng được sinh ra từ “Truyện Kiều” và góp phần đưa “Truyện Kiều” phổ biến hơn trong lòng người Việt. Tiếc thay, đến nay nó đã gần như thất truyền.

Với tình yêu văn hóa truyền thống, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói rằng, anh ấp ủ dự án này từ thời còn là sinh viên. “Suốt tuổi thơ, tôi được nghe tiếng ngâm Kiều từ bà nội. Và có lẽ, không chỉ tôi mà nhiều người thế hệ tôi được lớn lên từ những câu ngâm Kiều ngọt ngào như thế... Cứ thế, “Truyện Kiều” được truyền miệng và có đời sống rộng rãi trong dân gian. Nhưng dần dần, những vùng quê cũng không giữ được những nét văn hóa truyền thống đó. Tôi đi học nhạc và thấy rõ, bên cạnh những đóng góp cho văn học, “Truyện Kiều” có một vị trí hết sức đặc biệt trong âm nhạc truyền thống bởi thông qua tác phẩm này, cha ông đã sáng tạo ra một lối hát dành cho những câu Kiều. Từ đầu năm 2020 tôi đã bàn với mọi người về dự án ngâm toàn bộ 3. 254 câu thơ lục bát trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Hầu hết các nghệ sĩ đều đã thuần thục ngâm thơ, biểu diễn nhạc cụ nhưng họ đều “choáng” trước ý tưởng này”.

Cũng theo nghệ sĩ Quang Long, ngâm Kiều khác với các loại hình khác ở màu sắc ngôn ngữ, âm nhạc, cách rung, nhấn nhá, nảy hạt, trao gửi tâm trạng của người ngâm và nếu ngâm theo lối cổ thì ngâm xong một đoạn buộc phải có câu “vay”, tức hai chữ đầu của câu sáu tiếp theo. Dù “choáng” trước dự án khó khăn và vất vả, lại không có thù lao vì nguồn tài chính rất hạn hẹp, nhưng dự án đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Đó là NSND Thanh Hoài với lối ngâm cổ, giọng ngâm hay, chuẩn, xuất hiện ở phần mở đầu và phần kết thúc, NSND Thúy Ngần  với độ rung và nẩy đạt đến chuẩn mực của lối tự sự, tâm tình, là NSƯT Quốc Khanh với lối ngâm nảy rõ ràng, rành mạch và cũng rất tình, là nghệ sĩ Văn Phương có phần phá cách, tung tẩy. Mỗi người một cách tiếp cận truyền thống khác nhau nhưng trên hết, sợi dây kết nối các nghệ sĩ từ già đến trẻ đó là tình yêu văn hóa truyền thống, mà nói như NSND Thúy Ngần, “rút ruột ra để hát” để gìn giữ và lan tỏa giá trị của “Truyện Kiều”.

Đây là dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu “Truyện Kiều” hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều. Theo đó 3.254 câu Kiều được chia thành 12 phần theo nội dung của truyện. Tổng thời lượng thu âm dự án giới thiệu là hơn 561 phút, tương đương gần 10 tiếng âm thanh. “Tôi mong muốn bằng cách ngâm Kiều, “Truyện Kiều sẽ đến với đông đảo công chúng hơn nữa. Vì thế, nhóm chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các tổ chức, trường học trong việc giới thiệu, lan tỏa “Truyện Kiều” theo lối ngâm Kiều” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ.

NSND Thanh Hoài: Rất tiếc nếu ngâm Kiều bị lãng quên

NSND Thanh Hoài (ngoài cùng bên trái) cùng các nghệ sĩ trẻ trong dự án Ngâm Kiều toàn truyện.

“Truyện Kiều” là một tác phẩm kinh điển của Việt Nam và nổi tiếng khắp thế giới. Ngâm Kiều trong dân gian là một hình thức phổ biến, đi vào cuộc sống đời thường. Các cụ xưa, bế cháu, ru cháu cũng ngâm Kiều. Có nhiều thế hệ xưa lớn lên từ những câu ngâm Kiều như thế. Họ thuộc Kiều vì được nghe hàng ngày từ lời ru của bà, của mẹ. Thế nhưng, ngâm Kiều đã gần như thất truyền. Tôi tham gia dự án này để thế hệ sau hiểu hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo của ông cha. Đáng tiếc là ít người trẻ biết ngâm Kiều theo lối truyền thống. 

Tôi có giảng dạy bộ môn ngâm Kiều trong trường Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng các em không hứng thú, có lẽ họ không thẩm thấu được vì bây giờ có nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn và thời thượng hơn. Một trong những nguyên tắc ngâm Kiều là phải có câu thẳng và câu gối mới hát, các em cứ ngâm đúng lời và thẳng tuột, nó sẽ thiếu sự nhấn nhá của tình cảm trong đó.

Tôi mong muốn, ngâm Kiều sẽ tiếp tục được lưu truyền trong đời sống vì ngoài những giá trị truyền thống, ngâm Kiều còn có tác dụng giáo dục rất ý nghĩa, bởi những câu Kiều mang đậm màu sắc triết lý như “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

NSND Thúy Ngần: Đây là dự án dũng cảm và tâm huyết của các bạn trẻ

“Đây là một dự án dũng cảm và đầy tâm huyết của những người trẻ. Tất cả những người tham gia dự án đều làm bằng cả trái tim mình. “Truyện Kiều” nếu chỉ nằm trong sách giáo khoa hay trong tủ kính thì sự lan tỏa sẽ rất hạn chế. Vì thế, khi những câu Kiều vang lên bằng lối ngâm Kiều, có âm nhạc, có giai điệu, những câu Kiều sẽ rất dễ đi vào lòng người như một câu chuyện kể thủ thỉ, tâm tình. Những câu thơ của cụ Nguyễn Du cộng hưởng với tiếng đàn nhị, đàn bầu... sẽ tạo ra một không gian tưởng tượng cho người nghe. Tôi rất nể các bạn trẻ khởi xướng và thực hiện dự án này, bởi nếu không, nghệ thuật ngâm Kiều - một hình thức phổ biến từ xa  xưa sẽ rơi vào quên lãng. Vì thế, dù không có kinh phí, tôi vẫn “rút ruột rút gan” ra để làm. Tôi hạnh phúc vì mình còn được đóng góp và cống hiến.

Tôi đảm nhận ngâm ba chương trong “Truyện Kiều”, thực tế không phải ai cũng ngâm được Kiều dù nghệ thuật này có trong chèo, tuồng... Ngâm Kiều rất mộc mạc, chân quê nhưng để ra được cái chất mộc mạc, chân quê đó lại không đơn giản. Đó là nghệ thuật nẩy hạt, phải làm thế nào để ngâm mà như kể, rất tự nhiên, như một lời tự sự để cho khán giả nghe chứ không cầu kỳ, kỹ thuật. Thực tế, ngay cả một số nghệ sĩ chèo ngâm Kiều cũng không đúng chất truyền thống vì họ không chịu học hỏi. Tôi hy vọng, dự án sẽ được công chúng đón nhận và ngâm Kiều sẽ đi vào cuộc sống để góp phần lan tỏa những giá trị của “Truyện Kiều” và một nghệ thuật độc đáo của ông cha.

NSƯT Quốc Khanh: Tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ

Tôi là một người yêu sân khấu truyền thống và yêu “Truyện Kiều”. Từ những ngày còn học ở Trường Sân khấu Điện ảnh, tôi đã có những vai diễn được lấy từ trích đoạn “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du. Ngâm Kiều là một hình thức nghệ thuật dân gian phổ biến bởi tính dân giã, mộc mạc của nó. Qua dự án này tôi muốn thể hiện tình yêu với “Truyện Kiều” và từ đó lan tỏa tình yêu đó cho các bạn trẻ. 

Tôi làm công tác giảng dạy, bộ môn kỹ thuật diễn xuất ở các trường nên thông qua dự án này tôi muốn dùng tình yêu, tâm huyết của người nghệ sĩ để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ hiểu và yêu hơn các giá trị truyền thống. Chúng ta hãy tiếp cận ngâm Kiều như một thú chơi tao nhã của các cụ ngày xưa, nó có cách chơi và quy luật riêng. 

Trong thời đại âm nhạc kỹ thuật số lên ngôi, nghệ sĩ truyền thống càng ngày càng thưa vắng, chúng tôi muốn nhắn gửi các bạn trẻ rằng, các bạn hãy tìm bản sắc của mình trong các giá trị tuyền thống hơn là chạy theo âm nhạc phương Tây vì còn lâu chúng ta mới bằng được họ. 

Tôi hy vọng dự án này sẽ nhận được những phản hồi tốt, nó gợi lại một thú chơi tao nhã của các cụ ngày xưa, điều đó có ý nghĩa hơn việc chúng ta đi tìm giá trị của mình trong một thứ văn hóa ngoại lai của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.


Việt Linh
.
.