Dáng đứng Bến Tre

Thứ Tư, 05/12/2018, 07:47
Người ta nói, Bến Tre là thiên đường của dừa, quá đúng. Bởi hiện tỉnh có gần 70.000ha diện tích trồng dừa, mỗi năm cho khoảng 500 triệu trái, lớn nhất nước. Hơn nữa, toàn bộ cây dừa từ gốc đến ngọn đều có thể tạo nên những sản phẩm cung ứng cho sinh hoạt đời sống.


Có người đố tôi, bốn con sông tạo nên đất của tỉnh Bến Tre tên là gì. Tôi cứ loay hoay nhầm giữa tên sông Mỹ Tho hay Mê Kông, vì Bến Tre kề bên đất tỉnh Tiền Giang. Hoặc con sông chạy song song với tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long là Cổ Chiên hay Hậu Giang. Thì ra cả bốn dòng nhánh đó đều là những ngả rẽ của con sông lớn Mê Kông, bắt đầu từ huyện Chợ Lách, tạo nên những cái tên sông: Tiền Giang - Ba Lai - Hàm Luông - Cổ Chiên...

Xứ sở của ca dao và những câu hò

Người ta nói, Bến Tre là thiên đường của dừa, quá đúng. Bởi hiện tỉnh có gần 70.000ha diện tích trồng dừa, mỗi năm cho khoảng 500 triệu trái, lớn nhất nước. Hơn nữa, toàn bộ cây dừa từ gốc đến ngọn đều có thể tạo nên những sản phẩm cung ứng cho sinh hoạt đời sống.

Một nền kinh tế dừa thể hiện bộ mặt đặc sắc của Bến Tre, với thu nhập 200 triệu USD qua xuất khẩu mỗi năm. Bên cạnh đó, có một nền văn hóa dừa đã được hình thành còn lâu hơn nữa, có sức truyền bá rộng khắp lục tỉnh và đi sâu vào đời sống dân sinh. Đó chính là kho tàng ca dao và dòng đờn ca tài tử được định hình hàng trăm năm qua.

Đây chính là sản phẩm của đời sống, sinh hoạt miền sông nước, với hàng ngàn kênh rạch, tạo nên vùng đất: “Bến Tre nước ngọt lắm dừa/ Ruộng vườn mầu mỡ biển thừa cá tôm/ Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn/ Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày/ Xoài chua, cam ngọt Ba Lai…”. 

Biểu tượng Hòa Bình tại trung tâm thành phố Bến Tre.

Du lịch chợ nổi và miệt vườn của Bến Tre, ngoài những món ăn như kẹo dừa, bánh dừa, mứt dừa… du khách còn được hưởng thụ các chương trình ca hát miễn phí. Bởi đó được coi là “đặc sản” tinh thần của Bến Tre. Không ai không nhớ đến câu ca dao: “Bến Tre gái đẹp thật thà/ Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên”.

Hay điệu lý ngắn gọn như: “Con gái Bến Tre tóc mây da trắng. Mắt nhung đen má phấn môi son. Dáng đi yêu điệu ru hồn. Em đi khuất bóng mà anh còn trồng cây si…”. Hoặc có những điệu hát ngoa dụ hài hước về hình ảnh: “Thương anh em chèo lên ngọn ớt. Ớt gãy, anh rớt xuống ngọn hành. Hành đâm anh lủng ruột, sao em đành làm ngơ?!”.

Câu chuyện ngỡ như vui nhộn nhưng tạo nên sự lãng mạn bồng bềnh trên sông nước. Tình yêu bao giờ cũng gắn bó với quê hương. Những hình ảnh thân quen cũng được ví von ẩn dụ, nói về tình yêu đôi lứa: “Chừng nào cho vạc xa cồn. Cù lao xa biển anh mới đành xa em. Chừng nào cầu đá rã tan. Sông Hàm Luông lấp cạn mới quên lời thề”.

Đặc biệt, những câu ca dao về tình yêu gắn với hình ảnh cây dừa thường xuất hiện trên những con đò nơi cửa sông bến chợ. Ngay lúc này đây, chính người hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi xuống miệt dừa xã Khánh Thạnh Tân, cất tiếng hát: “Đầu làng có một cây đa. Cuối làng cây thị ngã ba cây dừa. Dù anh đi sớm về trưa. Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà em”. 

Đáng chú ý, trong giai đoạn chiến đấu chống thực dân Pháp đến phong trào Đồng khởi năm 1960 cũng được phản ánh trong ca dao như: “Em là con gái Giồng Trôm. Nào ai tính thiệt so hơn làm gì. Yêu em anh phải nhớ ghi. Đánh Tây giữ đất mới bì trượng phu”…

Đến thời kỳ chống giặc Mỹ xâm lược cũng vậy, hàng trăm câu ca dao trong dân gian truyền khẩu, khích lệ tính kiên cường, mỗi khi giặc đến: “Ai xui thằng Mỹ đi càn. Vô sâu ong đốt, ra đàng gặp chông?”; hoặc: “Sông Hàm Luông, Mỹ chạy re. Cầu Ba Lai giặc lật xe chết hoài”…

Có lẽ một thời gian dài, sự ảnh hưởng của văn thơ Nguyễn Đình Chiểu (tác giả “Lục Vân Tiên”), sống ở Bến Tre từ năm 1862, đã đi sâu vào quần chúng, tạo nên không khí văn chương rộng khắp. Có thời tỉnh Bến Tre còn được đặt tên là tỉnh Đồ Chiểu, với tinh thần quật khởi: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Dàn nhạc dừa

Một sự bất ngờ đến với du khách, đó là bản hòa tấu bài “Đáng đứng Bến Tre” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) bằng những nhạc cụ gỗ dừa ngay trên thuyền rồng để du khách thưởng thức. Những nhạc cụ này đã được làm từ cách đây dăm năm và đạt kỷ lục chế tác bộ nhạc cụ gỗ dừa độc nhất ở Bến Tre.

Nhạc sĩ Lê Dân đã đưa ra sáng kiến mới lạ này. Ông là nhạc công của Đoàn Văn công Giải phóng trong thời gian đánh Mỹ. Không ít lần ông đã phải dùng gỗ dừa thay tạm những chi tiết gãy hỏng của những cây đàn gỗ, trong khi đang phục vụ ở chiến trường. Âm thanh trung thực và độ ngân vang không thua kém vật liệu gỗ khác. Những ký ức chiến tranh ấy đã gợi cho nhạc sĩ ý tưởng sáng chế nhạc cụ bằng gỗ dừa. 

Để thực hiện công việc, nhạc sĩ Lê Dân đã kết hợp với nghệ nhân Võ Văn Bá, cũng là một nhạc công chuyên chế tác nhạc cụ nổi tiếng ở Bến Tre. Điều khó khăn, gỗ dừa được kết cấu nhiều xơ chứ không nạc như gỗ thông thường. Vậy tạo nên những hộp đàn, bầu đàn, hoặc mặt đàn không đơn giản. Âm thanh của gỗ đàn dừa thật khó có độ ngân rung và vang vọng như gỗ thông thường. Việc xử lý gỗ dừa là một thách thức không dễ gì.

Nhưng với tinh  thần của những nghệ sĩ - chiến sĩ đã từng vào ra sinh tử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hai người đã dày công đầu tư công sức, tìm cách gọi được âm thanh vang lên từ những gốc dừa. Đầu tiên, việc phải chọn những cây dừa có độ tuổi từ 60 đến 70 năm. Sau đó, việc chọn phần gỗ nào có thể khoét bầu, gọt cần cho chuẩn xác.

Miệt vườn Tân Thành, Bến Tre.

Rồi mới đến việc điều chỉnh âm sắc. Câu chuyện ngỡ như không tưởng với những xơ dừa. Vậy mà hai người đã thành công, sau mười năm trời chế tác được 27 loại nhạc cụ dân tộc phổ biến như đàn Kìm, Sến, Cò, Tranh… kể cả ghita.

Khi nghe dàn nhạc dừa biểu diễn, khó ai có thể phân biệt đâu là âm thanh của gỗ thông hay gỗ dừa, bởi độ chuẩn xác và ngân vang của dàn đàn dừa mượt mà. Những chùm âm thanh nghe ngọt và dạt dào sắc thái của miệt vườn sông nước.

Da diết làm sao, với giai điệu mang âm hưởng của những điệu lý đồng bằng sông Cửu Long: “Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê. Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre…”. Sinh thời nhạc sĩ, giáo sư Trần Văn Khê đã nhận định: “Tôi đánh giá cao về chất lượng cũng như hình thức của bộ nhạc cụ này. Không những thế, bộ nhạc cụ của ông Dân và ông Bá còn có giá trị tinh thần hết sức to lớn đối với người dân Bến Tre, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật của nước nhà”.

Sau đó, nghệ nhân Võ Văn Bá còn chế tác được một đàn Cò (Nhị) lớn nhất Việt Nam, kỷ lục được xác nhận tại Lễ hội dừa tỉnh Bến Tre năm 2015. Đó là cây đàn Cò với bầu đàn dài 1,2m và có đường kính 0,5m, được chế tác bởi gốc cây gỗ dừa 70 năm tuổi. Âm thanh đàn trầm ấm, với độ vang xa như sóng biển cuộn trào, bên vách núi.

Lễ hội dừa

Bắt đầu từ năm 2009, sáng kiến Lễ hội dừa được tổ chức tại Bến Tre, có quy mô lớn, tạo nên sự giao thoa khắp các tỉnh miền Nam. Từ đó cứ hai năm một lần, Lễ hội dừa được diễn ra với sự góp mặt của hàng chục tỉnh trên toàn quốc. Đặc biệt có năm, nhiều gian hàng dừa của các nước thành viên châu Á - Thái Bình Dương cũng tham gia với nhiều hạng mục hết sức sinh động.

Ở đây nhiều nội dung hoạt động khá phong phú. “Con đường dừa” được bắt đầu từ Công viên Đồng Khởi kéo dài tới tận cầu Bến Tre. Chúng tôi được đưa đến Công viên Đồng Khởi ở giữa trung tâm thành phố Bến Tre với nhiều cảm xúc khác lạ. Người hướng dẫn viên chỉ về hướng cụm tượng Đồng Khởi nói, đó là biểu tượng lớn thể hiện bản trường ca chiến thắng của những người dân Bến Tre trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và Mỹ.

Trước mắt chúng tôi hiện lên hình ảnh 7.000 phụ nữ (huyện Giồng Chôm) hừng hực khí thế tiến lên chặn đứng bước tiến của quân xâm lược đánh vào Bến Tre (1960). Chiến thắng của cuộc đồng khởi đã làm bùng nổ hàng loạt cuộc nổi dậy ở nhiều nơi khác. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong vùng dân tự do.

Lễ hội dừa bắt đầu từ đây. Những nén hương được thắp lên dưới chân tượng. Tiếng trống dồn vang. Những trái dừa lớn được diễu hành khởi động cho những mùa thu hoạch lớn của những khu vườn thẳng cánh cò bay. Bốn con sông cuộn chảy.

Đất dừa luôn sinh sôi tươi mới những miền phù sa. Bến Tre mỗi ngày một mở rộng. Lễ hội dừa sẽ diễn ra thường xuyên trong tương lai trên vùng đất trẻ trung này. Hình ảnh đó đẹp như một bài ca, trong một câu chuyện có thực, mà ai cũng ngỡ đó là “giấc mơ”.

Chung Tử
.
.