Dân chủ, nhưng phải công bằng

Thứ Ba, 17/03/2009, 14:30
Ngày 25/2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cho công bố Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2008, trong đó một lần nữa, họ tiếp tục áp đặt cách nhìn, cách đánh giá phiến diện (dựa trên những thông tin sai lạc) về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dành hàng chục trang để xoáy vào một số vấn đề mà họ cho là "không tự do, không công bằng". Họ dựng lên những "hiện trường giả" để phê phán Nhà nước Việt Nam đã đàn áp tự do báo chí, ngăn cấm hội họp... Những ai nắm rõ tình hình Việt Nam hẳn sẽ dễ dàng nhận thấy, đó là những ý kiến được đưa dẫn từ những nguồn thông tin không chuẩn xác, vừa thiếu thiện chí vừa thật sự không... công bằng.

Trước sau, trong quan điểm chủ đạo của Nhà nước ta, vấn đề "dân chủ" bao giờ cũng phải gắn với yếu tố "công bằng". Câu khẩu hiệu được xem là hướng phấn đấu, là kim chỉ nam của chúng ta: "Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", hai chữ "công bằng" cũng được xếp ở vị trí xác đáng.

Bây giờ hãy nhìn một chút vào nội tình của chính nước Mỹ, mà chỉ là thông qua một vụ việc, ta sẽ thấy vấn đề "dân chủ" đi đôi với "công bằng" đã được họ "giải quyết" như thế nào?

Ngày 18/2, tờ New York Post đã cho đăng ở trang 12 một bức biếm họa gây xôn xao dư luận nước Mỹ. Bức họa do họa sĩ Sean Delonas thực hiện, vẽ cảnh hai cảnh sát đứng cạnh xác một con tinh tinh. Một người giương khẩu súng đang bốc khói, người kia thì nói: "Họ sẽ phải tìm người khác để soạn dự luật kích thích kinh tế mới". Cạnh đó, ở trang 11, báo cho in bức ảnh "cỡ bự" Tổng thống Barack Obama đang ký ban hành luật về gói kích thích kinh tế.

Bức ảnh đã khiến nhiều cư dân Mỹ phẫn nộ, đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi. Theo họ, bức biếm họa trên không chỉ xúc phạm Tổng thống Obama, mà còn là sự xúc phạm cả cộng đồng người da màu ở Mỹ. Nó cho thấy tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa hề bị triệt tiêu (như nhiều người hằng nghĩ khi Tổng tống Obama đắc cử).

Bức biếm họa khiến công chúng Mỹ phẫn nộ.

Ngay sau khi tờ New York Post được phát hành, nhiều nhân vật danh giá ở Mỹ đã lên tiếng chỉ trích về việc lãnh đạo tòa báo đã cho in bức biếm họa. Đích thân Thượng nghị sĩ New York Eric Adams đã dẫn đầu một tốp người kéo đến trụ sở báo tại quận Manhattan, yêu cầu tòa báo phải công khai xin lỗi. Thống đốc bang New York David Paterson, vốn là một người Mỹ gốc Phi cũng yêu cầu tòa báo giải thích vụ việc.

Trong khi Col Allan - Tổng biên tập của báo tìm mọi cách biện hộ cho việc sử dụng bức biếm họa (cho rằng chỉ đả kích vụ con tinh tinh bị bắn chết tại bang Connecticut trước đó mấy hôm) thì một cuộc biểu tình rầm rộ, bao gồm rất nhiều giới chức đã nổ ra vào trưa ngày 19/2 trước trụ sở tòa báo. Những người biểu tình giương cao các biển hiệu: "Chúng tôi không phải tinh tinh, không phải khỉ", "Hãy tôn trọng Tổng thống", đồng thời liên tục hô vang các khẩu hiệu đả đảo phân biệt chủng tộc và đòi đóng cửa tờ New York Post.

Một thành viên tham gia cuộc biểu tình, bà Viola Plummer đã phát biểu rằng, việc tờ báo cho in bức biếm họa là nỗi hổ thẹn của nước Mỹ, nó khiến người ta liên tưởng tới tình cảnh của người da đen trong thập kỷ 60 (của thế kỷ XX), khi mà họ bị phân biệt đối xử tàn tệ.

Để làm "dịu" cơn bi phẫn của dư luận, tối 19/2, tờ New York Post đã đưa lên trang web của mình một thông cáo ngắn, xin lỗi những người bị xúc phạm bởi bức biếm họa. Tuy nhiên, họ cũng chối bỏ lời xin lỗi báo giới bởi cho rằng, đã có những người lợi dụng việc này để "trả đũa" họ...

Có thể, sẽ có người nhận xét, vụ việc này thể hiện sự ..."tự do, dân chủ" của báo giới Mỹ. Vâng, với kiểu "dân chủ" như vậy thì... xin miễn bình luận. Còn hỏi nó có "công bằng" hay không thì xin dứt khoát trả lời là "không công bằng!".

Thật đúng như lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với các nhận xét được nêu trong Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là, Nhà nước ta "luôn bảo đảm điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền của mình, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền đó để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân"

Phạm Thành Chung
.
.