Đám cưới nghệ thuật: Truyền thông rẻ rúng bởi trò lố

Thứ Sáu, 22/07/2016, 08:53
Kết hôn là một nghi lễ tình yêu thiêng liêng giữa người con trai và người con gái đến tuổi trưởng thành. Trong đời người, thì kết hôn là việc quan trọng nhất, ý nghĩa nhất, đánh dấu sự khởi đầu một cuộc sống trăm năm hạnh phúc của lứa đôi...


Việc trai độc thân và gái độc thân yêu nhau và kết hôn là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ở cái tuổi lên chức ông bà, mà các nghệ sĩ lấy lí do làm từ thiện để dựng chuyện trăm năm thành trò vui, tự do tổ chức đám cưới đến gần cả chục lần để cho truyền thông rình rang đưa tin thì thực sự chỉ có ở thế giới showbiz và các tờ báo chuyên làm tin tức từ showbiz.

Từ xưa đến nay, đám cưới luôn là một nghi lễ thiêng liêng. Hiếm khi ai đó lấy đám cưới ra để làm trò đùa, giỡn chơi với thiên hạ, hay lấy chuyện trăm năm ra để kinh doanh, để từ thiện hay với bất kỳ mục đích nào khác. Thế nên những ngày vừa qua, báo chí rùm beng đưa tin, phỏng vấn người trong cuộc hàng chục bài về đám cưới của nghệ sĩ – MC Thanh Bạch với bà Thúy Nga - chủ trung tâm nghệ thuật Thúy Nga - Paris By nigh chúng ta không khỏi không ngạc nhiên lạ lùng với một kiểu “cưới nghệ thuật” không giống ai của hai nghệ sĩ nổi tiếng này. 

Người tung hứng, kẻ chê bai, nhưng rõ ràng, phần đông người bình thường khó có thể ủng hộ hành động “vị nghệ thuật” và vì từ thiện của hai nghệ sĩ có tuổi này. Bà Thúy Nga được đồn đoán ở U80, còn nghệ sĩ Thanh Bạch ở ngưỡng U60. 

MC Thanh Bạch và cô dâu là bà chủ Thúy Nga - Paris Bynight trong “đám cưới nghệ thuật”.

Theo phát ngôn của MC Thanh Bạch thì họ đã cưới nhau tới lần thứ 8, và họ không vi phạm pháp luật vì cả hai đều độc thân. Như vậy rất có thể đây là những đám cưới giả, bông lơn với khán giả, độc giả vì không có đăng ký hôn nhân, và luật pháp chưa chắc đã thừa nhận. Nhưng điều gây tranh cãi hơn nữa, khi báo chí rầm rộ đưa tin, người trong cuộc để độc giả ngạc nhiên, sửng sốt, đồn đoán rồi mới lên tiếng lấp lửng rằng, đây chỉ là đám cưới nghệ thuật và họ cưới nhau để làm từ thiện. 

Tóm lại không khẳng định họ chỉ là vợ chồng giả, đám cưới giả, những cũng chẳng thừa nhận đây là đám cưới chồng vợ thực sự. Họ chỉ úp mở đó là “đám cưới nghệ thuật”.

Mọi chuyện càng trở nên khó hiểu, phản cảm với độc giả hơn khi báo chí đã tiền hậu bất nhất khi đưa tin, rồi bản thân nhân vật trong cuộc lúc thì lên tiếng rằng khách mời không mừng tiền, chúng tôi không lấy tiền của ai nhưng cưới là để làm từ thiện. Khi thì mục đích của đám cưới là từ thiện, ai đến mừng bao nhiêu chúng tôi bỏ thêm nữa mang đi cho các mái ấm tình thương hết. Lẽ thường, nếu vì từ thiện mà tổ chức đám xa hoa cưới tốn bạc trăm, bạc tỉ mà lại không lấy tiền mừng để đi làm từ thiện thì thật là lạ. Nhiều người bình luận, giá như hai nghệ sĩ dành tiền tổ chức đám cưới xa hoa đi làm từ thiện thì việc từ thiện hẳn phải đặc biệt ý nghĩa hơn không, và hình ảnh của các nghệ sĩ cũng đẹp lên biết bao nhiêu?

Thiện nguyện là một công việc đặc biệt ý nghĩa. Người làm thiện nguyện, tự nguyện làm những công việc như ủng hộ vật chất, tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn, cần tới sự giúp đỡ mà không mưu cầu lợi ích gì cho bản thân. Họ tự nguyện đem cho mà không màng tới đền đáp. 

Có nhiều cách để làm từ thiện. Người làm ồn ào rình rang, một bước có báo chí thông tin đi kèm để đưa tin. Người làm để nâng cao thương hiệu, uy tín của bản thân mình, của đơn vị công ty mình. Người lại chọn cách lặng lẽ, âm thầm, không báo chí, không tiếp thị hình ảnh. Đã làm từ thiện, dù với cách nào, tôn vinh hình ảnh, hay âm thầm lặng lẽ thì đều là một công việc tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng, rất đáng trân trọng, và cần được tôn vinh nhân rộng trong xã hội.  

Nhưng vì nghệ thuật vì từ thiện mà đứng ra  làm đám cưới bạc trăm bạc tỉ, để có tiền mừng (chưa chắc đã bằng được 1 phần tiền bỏ ra cho đám cưới xa hoa) để đem đi từ thiện như người trong cuộc chia sẻ thì nghe thật khó tin, không hợp lẽ, một kiểu từ thiện chẵng giống ai.

Thôi thì ngay từ đầu báo chí đưa tin đúng sự thật, đám cưới chỉ là một sinh hoạt văn nghệ, thì độc giả sẻ cảm thấy đó là chuyện thường, không có gì phản cảm. Đã là nghệ thuật, đã là văn nghệ, muốn cưới bao nhiêu thì cưới, muốn quái cỡ nào độc giả cũng chấp nhận. Nhưng đằng này có vẻ như cả báo chí và người trong cuộc ngay từ đầu úp mở để cố tình sai lệch thông tin, chệnh đi một phần, khiến độc giả không biết đâu là thật đâu là giả, và câu chuyện trở nên ồn ào khi những người trong cuộc lên tiếng.  

Điều người viết bài này muốn đề cập đến, ấy là, bản thân showbiz Việt dù có những mảng tối, quái dị và kém văn hóa tới đâu thì truyền thông của Việt Nam, cụ thể hơn những tờ báo mạng của chúng ta đã không hiểu vì cả tin ngây thơ rơi vào bẫy PR của người nổi tiếng, hay cố tình ăn theo trò lố của showbiz để đưa tin câu vew. Chỉ một thông tin trên trang cá nhân của một ca sĩ chuyển giới mà báo chí săn đón, đưa tin nửa kín nửa hở kiểu: “Rò rỉ đám cưới của MC Thanh Bạch và bà trùm Thúy Nga Bynight”. 

Cảnh rước dâu có lọng che, ngồi thuyền rồng, có múa lân... sư tử rất xa xỉ trong “đám cưới nghệ thuật” của MC Thanh Bạch và bà chủ Thúy Nga.

Một báo mạng đưa, lập tức các báo không biết đâu là sự thực đã linhk lại thông tin về đám cưới, với những bức ảnh nhân vật chính và các khách mời có mặt trong đám cưới nghệ thuật này. Phóng viên cả tin, tòa soạn vô tình hay cả hai cố ý dễ dãi, để bức tranh toàn cảnh về mảng văn nghệ của báo chí Việt ngày càng dị mọ.  

Tự ý lấy thông tin trên mạng xã hội rồi chụp mũ thông tin, làm biến dạng thông tin không còn là chuyện hiếm ở một số tờ báo mạng hiện nay.

Đưa tin nhiều về đời tư những người nổi tiếng, về nhất cử nhất động của các ngôi sao trong thế giới showbiz khiến độc giả quá bội thực. Kiểu đưa tin chụp giật, thông tin không chính xác, tiền hậu bất nhất khiến cho độc giả ngày càng mất niềm tin vào báo chí.

Rõ ràng, trong xu thế hội nhập, truyền thông Việt Nam đang từng bước tiếp nhận những bước chuyển mình lớn, nhanh, mạnh, bắt kịp mô hình của báo chí hiện đại trên thế giới. Mô hình tòa soạn hội tụ, tòa soạn đa phương tiện, trong đó báo điện tử là trung tâm đang được các tòa soạn áp dụng. Xu hướng báo hiện đại, thì tin tức là thứ quan trọng nhất, cần nhất. Tất cả những thông tin nóng về đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội đều được báo chí cập nhật nhanh, sâu, kỹ. 

Đặc biệt, ảnh hưởng theo xu hướng báo chí phương Tây, ở Việt Nam xuất hiện một số báo mà bạn đọc vẫn thường gọi dưới cái tên báo “lá cải”, thì các thông tin về đời tư của những người nổi tiếng càng được săn đón. Thế nhưng nhìn ra thế giới, ngay cả những tờ báo "lá cải" nổi tiếng nhất như tờ New York Daily News (Mỹ); Bild (Đức); The Sun (Anh); New of The World (Anh).v.v.  thì cái cách mà báo nước ngoài đưa tin có vẻ ổn hơn. 

Kiểu thông tin giật gân như: “Người phụ nữ 71 tuổi tìm thấy tình yêu đời mình và quyết định kết hôn với chàng trai 17 tuổi ngay trong đám tang của con trai mình”, hay chuyện: “Người đàn ông tổ chức đám cưới với cún cưng” thì độc giả không cảm thấy đang đọc tin nhảm, hay không biết đâu là thật, đâu là giả như cảm giác của nhiều độc giả đọc báo mạng mình. Bởi thông tin đó đã thuyết phục được độc giả bởi tính nghiêm túc, xác thực, không ỡm ờ bắt độc giả đồn đoán. 

Độ xác thực của thông tin rất quan trọng vì đó là thước đo của lòng tin, tự trọng của báo chí. Nếu nó là sự thật, thì cho dù thông tin đó có quái dị, khó tin đến cỡ nào, độc giả đều đón nhận nó với thái độ tích cực. Báo chí không lợi dụng để lừa gạt độc giả hay chơi trò ú tim với độc giả. Các thông tin đưa ra đều có kiểm chứng, và nó phản ảnh sự thật ở tại những thời điểm... để khi đọc tin sau, độc giả biết chắc báo chí không giúp nhân vật diễn trò, không phải đưa tin kiểu sẵn sàng làm sai lệch, hoặc giấu sự thật để câu vew như cách một số tờ báo mạng ở Việt Nam hiện nay. 

Chưa lúc nào, một số tờ báo mạng ở Việt Nam, và bản thân một số những phóng viên theo dõi mảng showbiz lại làm ảnh hưởng đến báo chí nói riêng và truyền thông nói chung trong việc tự rẻ rúng và đánh mất bản thân nhiều như bây giờ. Đối với phóng viên, không thể phủ nhận có một bộ phận chuyên trách thế giới show biz đã góp phần tự hạ giá công việc của mình, và góp phần làm rẻ rúng truyền thông bởi cách đưa tin chụp giật, câu khách kiểu tiền hậu bất nhất. 

Viết đến đây tôi nhớ đến câu chuyện đại ý, có anh chàng chăn bò suốt ngày lừa dân làng rằng có hổ trên núi xuống tấn công anh ta và đàn bò. Dân làng tưởng thật chạy đến bên để cứu giúp anh. Lần nào anh chàng cũng ôm bụng lăn ra cười vì đã lừa được thiên hạ. Đến một ngày có hổ từ núi xuống tấn công đàn bò thật. Anh ta la hét kêu cứu mãi nhưng dân làng cứ tưởng anh ta lại bày trò gạt họ nên không một ai đến bên anh ta. Và anh ta với đàn bò đã bị mất mạng dưới móng vuốt của con hổ. Truyền thông, và phóng viên cũng vậy, đã đến lúc cần phải nghiêm túc hơn và tự trọng với công việc của chính mình. 

Bình Yên
.
.