Đại tá Nguyễn Xuân Quỳnh: Người đứng phía sau thơ

Thứ Ba, 25/03/2014, 08:00
Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm, có thể những thành viên Hội Thơ Thanh Xuân ngày ấy giờ ít gặp nhau hơn, nhưng nhắc đến Nguyễn Xuân Quỳnh, không ai có thể quên một con người tâm huyết, một người tự nguyện Đứng Phía Sau Thơ.

Đến bây giờ, tính ra Hội Thơ Thanh Xuân đã chấm dứt hoạt động ngót hai mươi năm. Nhiều cây bút cũng đã thành danh, hoặc trưởng thành ở nhiều cương vị khác nhau. Nhưng các hội viên ngày ấy vẫn không thể quên một người tâm huyết, gắn bó với Hội ngay từ ngày đầu. Thậm chí tự nguyện làm Mạnh Thường Quân cho các hoạt động của Hội. Người đó là Nguyễn Xuân Quỳnh.

Anh vốn là dân Đại học Bách khoa, ngành Cơ khí chế tạo máy, sau đó về làm việc trong lực lượng Công an cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Mặc dù là dân kỹ thuật, nhưng Nguyễn Xuân Quỳnh rất yêu văn chương, đặc biệt là mê thơ, thích sáng tác. Đấy chính là lý do khiến anh hào hứng tham gia với Hội và tạo nhiều điều kiện cho bạn bè văn nghệ hoạt động.

Khoảng năm 1984 - 1985, từ sáng kiến của nhà thơ Quách Ngọc Thiên, một nhóm bạn viết trẻ ở Hà Nội đã tập hợp nhau lại, lập ra Hội Thơ Thanh Xuân. Cái tên Thanh Xuân vừa mang ý nghĩa trẻ trung, vừa ghi dấu địa danh nơi Hội ra đời là khu tập thể Thanh Xuân (Hà Nội). Vì là hội tự nguyện nên quy chế hoạt động cũng đơn giản, tập trung vào khuyến khích động viên, tạo khí thế vui vẻ để mọi người cùng sáng tác. Chủ tịch Hội là nhà thơ Trương Nhân Huyền, Phó Chủ tịch là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và một ban chấp hành dăm người, trong đó Nguyễn Xuân Quỳnh được phân công vào tổ lo "công tác hậu cần".

Từ lúc mới thành lập chỉ khoảng mươi lăm người, sau số lượng phát triển đến trên 30 người, việc vào Hội phải xét duyệt. Trụ sở của Hội lúc đầu ở căn phòng tập thể của Trương Nhân Huyền ở Thanh Xuân. Vì chật hẹp, sau chuyển đến nhà Nguyễn Xuân Quỳnh. Có thể nói, so với anh em trong Hội Thơ Thanh Xuân bấy giờ, Nguyễn Xuân Quỳnh là người có điều kiện nhất. Anh ở một mình trong căn nhà rộng có sân, có vườn ở khu lăng Hoàng Cao Khải, lại có công việc ổn định. Vì yêu quý bạn bè, anh chẳng tiếc thứ gì. Mỗi tuần một buổi gặp mặt, mấy chục con người kéo đến sinh hoạt và đều có liên hoan rất vui vẻ, mọi sự có Nguyễn Xuân Quỳnh lo tất. Một thời gian sau, Nguyễn Xuân Quỳnh đổi nhà, chuyển về khu Văn Chương, "trụ sở" của Hội cũng chuyển về theo. Do ở nơi trung tâm thành phố thuận tiện nên không chỉ các hội viên, mà cả bạn bè yêu thơ cũng lui đến ngày một đông, tạo một không khí văn chương hiếm thấy.

Theo lịch sinh hoạt, cứ tối thứ năm hằng tuần, các hội viên lại có mặt đông đủ, từ các hội viên nòng cốt như Trương Nhân Huyền, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Linh Khiếu, Phạm Đức, Nguyễn Sỹ Đại, Trần Kim Hoa, Ngô Quang Hưng, Hồ Bất Khuất, Nguyễn Lương Ngọc, Hà Văn Thể, Nguyễn Hùng Vỹ, Nguyễn Linh Giang, Nguyễn Tiến Thanh, Phạm Trường Thi, Lã Thanh Tùng… đến các cây bút mới của các trường: Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội… như Trần Quang Dũng, Ngân Hoa, Bích Thủy, Thanh Trầm, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Đoàn Ngọc Thu, Lý Thái Phương…

Đại tá Nguyễn Xuân Quỳnh (phải) cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Để sinh hoạt phong phú, nhiều hôm Nguyễn Xuân Quỳnh còn mời thêm nhạc sĩ Huy Thục, nhạc sĩ  Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Nguyễn Tiến, nhạc sĩ Chính Nghĩa, nghệ sĩ Hồng Liên, ca sĩ Trần Tựa, cùng một số nghệ sĩ của Nhà hát Quân đội đến tham gia trình diễn các tác phẩm phổ thơ, ngâm thơ, đọc thơ rất sôi nổi. Từ sự khích lệ ấy đã có kết quả ban đầu. Đó là hàng loạt tác phẩm đầu tay của các cây bút trong Hội ra đời trong dịp này: "Ngôi nhà mười bảy tuổi" của Nguyễn Quang Thiều; "Viết tặng em trong ngôi nhà chật" của Trần Quang Quý; "Có một loài trăng" của Trương Nhân Huyền; "Khi tôi trên mặt đất" của Hà Văn Thể; "Từ nước" của Nguyễn Lương Ngọc; "Bến không chồng" của Ngô Quang Hưng. Cặp đôi Nguyễn Sỹ Đại - Trần Kim Hoa ra sách chung, rồi sách của Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Tấn Việt, Trần Quang Dũng nối nhau ra đời.

Có rất nhiều kỷ niệm ở ngôi nhà của Nguyễn Xuân Quỳnh. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau khi ra mắt tập "Ngôi nhà mười bảy tuổi", anh viết rất sung, mạch thơ khác hẳn, khiến cả Hội ngỡ ngàng. Ngày đó Nguyễn Quang Thiều còn công tác ở một đơn vị nghiệp vụ của ngành Công an, chế độ trực chiến, trực ban rất nghiêm ngặt. Mặc dù nhà riêng ở thị xã Hà Đông, nhưng chỉ cuối tuần anh mới về, hằng ngày sau giờ làm việc là hì hục viết.

Cứ vài ba ngày chúng tôi lại gặp nhau ở nhà Nguyễn Xuân Quỳnh để nghe thơ mới của anh, nhiều hôm về khuya, chủ nhà lo ăn tối rồi lại trải chiếu ra sàn nhà để chúng tôi nghỉ lại. Những bài thơ anh đọc cho chúng tôi nghe đầu tiên là: "Bầy chó của tôi", "Bầy kiến qua bàn tiệc", "Khúc hát cố hương tôi", "Trong quán rượu rắn", "Chuyển động"... và nhiều bài thơ khác, sau này anh đưa vào tập "Sự mất ngủ của lửa" tạo nên dấu ấn, một bước ngoặt đối với sáng tác của anh.

Còn nhà thơ Trần Quang Quý học xong Trường Viết văn Nguyễn Du, vừa đi xin việc, vừa tham gia hội thơ. Những năm khó khăn, vợ anh đành bỏ công việc bác sĩ ở Bộ Y tế ra nước ngoài làm kinh tế, để đứa con nhỏ ở nhà. Chưa có việc làm, anh đành gửi con về quê cho ông bà trông, thế là một mình rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội. Có dạo mọi người thấy vắng anh, không ai biết anh đi đâu. Ba bốn tháng sau gặp lại, thấy người anh đen sạm như cây cháy. Hỏi ra thì được biết, nơi anh xin việc họ bắt chờ đợi lâu quá, đâm nản, có người rủ đi đào vàng, thế là anh theo họ đi. Hỏi được vàng không, anh lắc đầu nói vất vả lắm, tạng mình không chịu đựng được.

Khi về học ở Hà Nội, vợ chồng anh mua căn nhà vỏn vẹn bốn mét vuông cấp bốn, bên bờ con mương ẩm thấp phía sau Trường Đại học Văn hóa. Nhà chật vừa đủ kê chiếc giường một và hai mét vuông còn lại để đồ đạc và bếp. Sinh hoạt trong cảnh chật chội, nhưng dù sao vẫn là nhà của mình: "Lối về nhỏ căn nhà ta bé nhỏ/ Một tiếng guốc khua cũng đủ chật rồi…".

Khi vợ anh ra nước ngoài, anh cũng đóng cửa để đấy, tá túc chỗ bạn bè, lâu lâu mới ghé về. Có lần ông bố vợ anh về Hà Nội chữa bệnh, tôi và anh đón cụ về nhà, vừa mở cửa thì có đến hàng ngàn con muỗi túa ra. Tôi bảo số muỗi này đốt người cũng chết, chứ chưa nói đến bệnh tật. Anh hì hục hun muỗi, chuẩn bị chăn màn để cụ nghỉ một hai ngày rồi đưa cụ vào viện. Còn một số trường hợp khác anh em khi ra trường chưa có chỗ ở, chờ xin việc, hầu hết qua lại ăn ở nhà Nguyễn Xuân Quỳnh…

Kể lại vài kỷ niệm để nhớ với nhau rằng, những năm khó khăn ấy mà Hội Thơ Thanh Xuân vẫn hoạt động đều đặn, mọi người quý mến gắn bó với nhau, kể cả khi Hội phát động cuộc thi thơ, nhận được hàng ngàn bài tham gia, kết quả lựa chọn đã trao giải cho Nguyễn Quyến, Nguyễn Anh Nông, Dạ Thảo Phương… thì số tiền trao giải cũng là đóng góp của các thành viên, trong đó có Nguyễn Xuân Quỳnh.

Không chỉ đóng vai trò Mạnh Thường Quân, Nguyễn Xuân Quỳnh còn tích cực sáng tác. Anh có tập thơ "Biển và mùa đông" nhiều bài đã được các nhạc sĩ Huy Thục, Nguyễn Tiến, Trọng Tính, Chính Nghĩa phổ nhạc, các ca sĩ Lê Dung, Thu Hiền, Bích Việt, Hồng Liên, Trần Tựa hát rất thành công. Năm 2006, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản tập truyện ngắn "Ngôi nhà hoang vắng" của anh. Rồi anh viết kịch bản truyền hình "Đồng đội", "Khoảng lặng" (đã được phát sóng).

Mặc dù rất đam mê văn chương, nhưng Nguyễn Xuân Quỳnh cũng như chúng tôi đều hiểu rằng, thành công trong sáng tác được đến đâu còn do nhiều yếu tố khác, chứ không phải cứ muốn là được. Khi mới thành lập Hội, phần đông các thành viên chưa lập gia đình, thì sau bảy tám năm chỉ còn vài ba người độc thân, trong đó có Nguyễn Xuân Quỳnh. Người thân trong gia đình, bạn bè đều mong mỏi. Anh cao số, phải đến bốn mươi tuổi mới gặp được ý trung nhân - đó là một cô giáo dạy nhạc quê xứ Đoài.

Một đám cưới rất vui và nhiều kỷ niệm không chỉ với riêng anh, mà cả với chúng tôi. Trong đám cưới ấy, tôi và Nguyễn Quang Thiều được phân công lo khâu phục vụ quay phim chụp ảnh. Ngày ấy chưa sẵn ôtô như bây giờ, máy quay chưa hiện đại như bây giờ, phải lỉnh kỉnh nào đèn, nào cuộn dây điện to tướng, tôi và Thiều cứ phải nhảy lên, nhảy xuống ôtô, mang đèn, ôm dây bám sát máy quay.

Khi đón dâu ở thị xã Sơn Tây, xe chúng tôi đi sau, đến nhà gái thấy mọi người đang chờ mà vẫn không thấy xe chú rể đâu. Hóa ra lúc vội vã, chú rể quên bó hoa cưới, quay về không kịp nên đến thị xã liền dừng xe vào vườn hoa mua. Rồi lúc quay về, đến ngõ Văn Hương, đoàn đưa dâu chật kín, quay phim chụp ảnh đến sau không thể lách lên được, thế là chúng tôi chạy bộ qua ngõ Văn Chương để vòng lại. Nhìn cảnh một số người vác máy quay, dây rợ vội vã chạy, người dân trông thấy tưởng đoàn làm phim nào.

Nguyễn Quang Thiều nói vui: "Chúng tôi ở Hãng BBC". Sau khi Nguyễn Xuân Quỳnh lấy vợ, Hội Thơ Thanh Xuân cũng dừng hoạt động, những hội viên hăng hái ngày nào cũng đều theo vợ, theo chồng "bỏ cuộc chơi" để về với cuộc sống thực tại của mỗi cá nhân.

Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm, có thể những thành viên Hội Thơ Thanh Xuân ngày ấy giờ ít gặp nhau hơn, nhưng nhắc đến Nguyễn Xuân Quỳnh, không ai có thể quên một con người tâm huyết, một người tự nguyện Đứng Phía Sau Thơ

H.V.T.
.
.