Đại tá, NSƯT Minh Hằng: Điều không thể mất...

Thứ Hai, 24/06/2013, 11:14
NSƯT Minh Hằng tâm sự rằng, đã hơn 20 năm kể từ buổi cầm kịch bản "Điều không thể mất" do cố NSND Nguyễn Đình Nghi giao cho để học lời thoại với nước mắt lưng tròng, đến nay khi xem lại vở diễn do một thế hệ diễn viên hoàn toàn mới của nhà hát thực hiện, chị vẫn xúc động...

Tháng 5 vừa qua, Nhà hát kịch Quân đội đã phục dựng, ghi hình vở diễn nổi tiếng "Điều không thể mất" của cố tác giả Lưu Quang Vũ để trình chiếu trong số đầu tiên của chương trình Nhà hát Truyền hình Quân đội trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Diễn viên trẻ Huyền Sâm - người vào vai Nhâm trong bản dựng lần này đã được sự chỉ bảo tận tình, chu đáo của Đại tá, NSƯT Minh Hằng - Giám đốc Nhà hát kịch Quân đội, người đã vào vai Nhâm khi vở diễn này lần đầu được dàn dựng ở Nhà hát kịch Quân đội. Tâm sự về nghề diễn, NSƯT Minh Hằng nói rằng, vai Nhâm trong "Điều không thể mất" là một vai chị đã diễn hàng trăm lần, nhưng dường như suốt đời vẫn "thèm" được diễn lại...

NSƯT Minh Hằng tâm sự rằng, đã hơn 20 năm kể từ buổi cầm kịch bản "Điều không thể mất" do cố NSND Nguyễn Đình Nghi giao cho để học lời thoại với nước mắt lưng tròng, đến nay khi xem lại vở diễn do một thế hệ diễn viên hoàn toàn mới của nhà hát thực hiện, chị vẫn xúc động. Còn nhớ, khi bắt gặp những giọt nước mắt lăn dài của diễn viên Minh Hằng lần ấy, NSND Nguyễn Đình Nghi đã nhận xét: "Minh Hằng rất nhạy cảm. Với người diễn viên, phải có sự nhạy cảm thì mới diễn tốt được, nhưng đôi khi cũng phải biết giấu nước mắt đi và biết lúc nào thì nên thể hiện xúc cảm ấy ra ngoài!". Những lời căn dặn ấy của vị đạo diễn tài ba mà lúc nào Minh Hằng cũng xem là người thầy đặc biệt, đến giờ chị vẫn còn ghi nhớ và luôn mang theo. Vở diễn ấy, nhân vật ấy đã ám ảnh chị quá lâu bởi những con người, những tâm hồn, tình yêu, tình người trong đó đẹp đẽ và trong sáng quá. Họ sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ, tính mạng, tình yêu của mình mà không bao giờ đòi hỏi điều gì. Với vở diễn ấy, Minh Hằng có hàng kho kỷ niệm.

Trong nhiều năm liền, "Điều không thể mất" đã được Nhà hát Kịch Quân đội (ngày ấy gọi là Đoàn Kịch nói Quân đội) mang đi lưu diễn ở khắp các địa phương, các đơn vị bộ đội trên toàn quốc. Có những đêm diễn xong, khán giả là các anh em bộ đội trẻ nhất định không về, cứ ở lại vây lấy diễn viên, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt. Không ít khán giả đã viết thư chia sẻ cảm xúc với chị. Trong thư, họ gọi chị là "Cô Nhâm" chứ không gọi là Minh Hằng nữa. Đến bây giờ, chị vẫn giữ được một bức thư chan chứa tình cảm yêu mến đối với vai diễn này của một chuyên gia Việt Nam khi đang đi công tác ở đất nước Ănggôla xa xôi sau khi được xem "Điều không thể mất" qua băng ghi hình. Anh kỹ sư ấy đã không ngần ngại chia sẻ tình cảm của mình với vai diễn “cô Nhâm”. Theo lời kể của anh, đã có nhiều cô gái Việt Nam trong đoàn công tác khi đang xem băng đã không kìm nén nổi cảm xúc, phải chạy sang phòng khác đóng cửa đứng khóc rất lâu trong ấy. Họ xa quê hương vạn dặm, bắt gặp cái buồn, cái đẹp, cái tình trong vở "Điều không thể mất" mà thấy như gặp lại quê hương ân tình yêu dấu.

Vở kịch “Điều không thể mất” của cố tác giả Lưu Quang Vũ vừa được Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng lại.

NSƯT Minh Hằng là con gái phố cổ Hà Nội. Gia đình chị trước đó chưa có ai làm nghệ thuật. Cơ duyên là nhà chị ở số 89 phố Hàng Bạc, lại ngay gần rạp Chuông Vàng nên từ tấm bé, mỗi lần sang nhà bạn gái ở ngay cạnh học nhóm, các cô bé lại trèo lên cửa sổ và từ đây có thể quan sát được cảnh các diễn viên của Đoàn Cải lương Hà Nội luyện tập, biểu diễn. Ngày tháng trôi qua, cô bé Minh Hằng đã mê mẩn với nghệ thuật sân khấu từ lúc nào không hay. Rồi một lần, hay tin Đoàn Kịch nói Quân đội tuyển diễn viên, Minh Hằng đã trốn gia đình một mình đạp xe vào khu Văn công Mai Dịch để dự tuyển. Lần đầu thi tuyển, Minh Hằng bị trượt vì không đủ sức khỏe, nhưng chị vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục trốn nhà bí mật đi thi. Đến khi có giấy báo nhập học gửi về gia đình, bố mẹ chị mới biết. Ban đầu, gia đình cũng tính hướng cho Minh Hằng sang một lĩnh vực khác, nhưng khi thấy quyết tâm và đam mê của con gái, bố mẹ chị  không nỡ ngăn cản, đành để con thỏa sức thực hiện ước mơ. Và cô gái bé nhỏ ấy đã thực hiện được khao khát được tỏa sáng trên sân khấu của mình với những vai diễn để đời như vai o Giang trong "Tổ quốc" (kịch bản: Đào Hồng Cẩm, Xuân Đức; đạo diễn: NSND Nguyễn Đình Nghi); vai bà mẹ trong "Lời thề thứ 9" (kịch bản: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSND Xuân Huyền); vai Tần trong "Mười đóa phong lan" (kịch bản: Tất Đạt; đạo diễn: NSND Dương Ngọc Đức); vai Nhâm trong "Điều không thể mất" (kịch bản: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSND Nguyễn Đình Nghi); vai Nhàn trong vở "Chị Nhàn" (kịch bản: Đào Hồng Cẩm; đạo diễn: NSƯT Thành Ngọc Căn), Hạnh trong vở “Hành trình người chiến sĩ” (kịch bản: Nguyễn Đình Chính; đạo diễn: NSƯT Minh Ngọc...

NSƯT Minh Hằng tâm sự rằng, trong cuộc đời diễn xuất của mình, chị có một may mắn sớm được làm việc với những đạo diễn tài năng hàng đầu Việt Nam như NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Xuân Huyền, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng... Năm 18 tuổi, được NSND Nguyễn Đình Nghi chọn giao cho vai diễn o Giang trong "Tổ quốc" với những lời chỉ bảo dặn dò ân cần, tỉ mỉ, chị luôn xem đó là "cẩm nang vào nghề" của mình. Chị tâm sự: "Tôi rất biết ơn NSND Nguyễn Đình Nghi đã tạo cho tôi có một vai diễn đầy ấn tượng. Sự thành công ngay với vai diễn đầu tiên đã cho tôi có nhiều cơ hội để đến với những vai diễn lớn khác. Tôi luôn ví nó như một cú "đề pa lên dốc" giúp tôi  trưởng thành trong giai đoạn sau… Suốt hơn 30 năm làm diễn viên, tôi nhận nhiều vai, chủ yếu là vào "vai bi", thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam tảo tần, hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi và luôn đầy bao dung. Không phải vai nào mình cũng thích cả, nhưng có những vai đã diễn hàng trăm lần như vai Nhâm, Tần, o Giang... tôi luôn có cảm giác suốt đời "thèm" được diễn lại. Năm ngoái, khi chúng tôi đi Huế dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc, trong một quán ăn sáng, có một người đàn ông tiến đến bàn tôi ngồi và nói: "Chào o Giang!" khiến tôi rất bất ngờ. Thì ra, đó là một anh bộ đội từng xem tôi diễn o Giang từ cách đây hơn 30 năm, mà giờ vẫn nhận ra tôi. Đó quả là một niềm hạnh phúc không gì sánh được...".

Là một nghệ sĩ mặc áo lính, bao nhiêu năm tháng qua, cứ nhận nhiệm vụ là Minh Hằng lại khăn gói lên đường, không bao giờ thoái thác. Ăn, ngủ, làm việc, hành quân như bộ đội và luôn vắng nhà đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc. Chị may mắn có chồng làm cùng nghề nên rất hiểu, thông cảm và chia sẻ với vợ. Còn chị, lại luôn tự nhủ với lòng mình: "So với những người lính đi xa, 6 tháng thậm chí là cả năm mới được về thăm nhà, thì những vất vả của mình đã thấm tháp gì". Có một chuyến đi công tác ở Nghệ An trong một lần Hội diễn kéo dài hơn 1 tháng, chị đã phải gửi con mới 9 tháng tuổi cho... hàng xóm trông nom, đến nay chị còn nhớ mãi: "Lúc đặt con vào cái chậu và vội vã lao ra xe, tôi thương con đến trào nước mắt. Nhưng cảm giác xa xót nhất là khi trở về, bế con con lại lạ lẫm không theo. Tôi cứ vừa bế con vừa khóc, lòng nhủ thầm, phải bù đắp cho các con thật nhiều những lúc ở bên con...".

Từ cuối năm 2010, NSƯT Minh Hằng trở thành Giám đốc Nhà hát kịch Quân đội. Công việc quản lý bộn bề, song khi đạo diễn, NSƯT Hoàng Mai mời chị vào vai cô lái đò của vở "Lũ quét" (tác giả kịch bản: Nguyễn Quang Vinh) chị vẫn nhận lời. Vai cô lái đò là một vai diễn chất chứa nhiều nội tâm, việc xử lý hình thể cũng khá nặng, khiến chị phải tập luyện nhiều, song cứ lên sân khấu là chị như bị "thôi miên". Có bữa tập động tác chèo đò trên bục cao hăng say quá, chị bị ngã sõng soài xuống sàn, choáng ngất đi một hồi mới tỉnh. Vậy mà, chỉ một tuần sau khi bình phục, chị lại lao vào tập luyện để làm sao hóa thân tốt nhất vào vai diễn. Đúng là nghề chẳng phụ người, vai diễn cô lái đò đã đem về cho chị chiếc Huy chương Vàng thứ 6 trong sự nghiệp diễn xuất và "Lũ quét" thực sự là một vở diễn ấn tượng đã được chọn diễn vào đêm khai mạc Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.

Có nhiều nghệ sĩ tôi từng gặp thường than nghèo kể khổ, nhưng với NSƯT Minh Hằng, dường như bên trong con người chị luôn thường trực tiếng nói yêu đời, yêu nghề và đầy trân trọng tự hào về con đường mình đã chọn. Ngọn lửa của đam mê dường như luôn cháy bỏng trong con người chị với một tình yêu nghề thuần khiết. Đó chính là "Điều không thể mất" mà NSƯT Minh Hằng mang theo suốt cuộc đời

Nguyệt Hà
.
.