Đại sứ Vương quốc Bỉ tại VIệt Nam: “Tôi đã tìm thấy một nửa của chính mình ở Việt Nam”

Thứ Năm, 08/02/2007, 15:00
“Một thời gian ngắn sau khi đến nhận nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, tôi đã bị phong cảnh thiên nhiên, tình cảm chân thành và mến khách của nhân dân Việt Nam quyến rũ. Ở  nơi đây, tôi đã tìm thấy một nửa còn lại của chính mình.”

“Công tác trong ngành ngoại giao 30 năm, đã sống và làm việc ở nhiều nước thuộc các châu lục Âu, Á, Mỹ Latinh, song tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc nhất là những năm tháng ở Việt Nam, bởi chính tại xứ sở này, tôi cảm thấy công việc của mình đạt hiệu quả cao nhất và cuộc sống riêng tư cũng hạnh phúc nhất” - ông Đại sứ Vương quốc Bỉ Philippe Jottard đã tâm sự như thế trong lần tiếp xúc với chúng tôi vào một ngày cuối năm 2006...

Từ cuộc hẹn hò bên hồ Hoàn Kiếm...

Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi, ông Philippe Jottard kể, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn là một sinh viên, qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, ông đã biết về cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ và anh dũng của nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian công tác tại Hồng Kông, được bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là ông Miroslav (hiện là Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam) giới thiệu, ông càng cảm thấy quí mến và trân trọng đất nước và con người Việt Nam. Thế rồi nguyện vọng ấy của ông đã được chính phủ hai nước chấp thuận và ông trở thành Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam.

Ở cương vị này, ngày ngày ông dành thời gian đọc và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam, một dân tộc có bề dày lịch sử trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.  Và tình yêu đó càng được nhân lên gấp bội, khi ông gặp gỡ và yêu thương một cô gái Hà Nội.

Ông Philippe Jottard hồi tưởng: Hôm ấy, theo sự giới thiệu của bạn bè, tôi gặp Phượng ở Thủy Tạ, bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi làm quen với nhau và trò chuyện về sự tích Hồ Gươm, về Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn... về Hà Nội.

Càng nói chuyện với Phượng, tôi càng cảm thấy như đã gặp người con gái này từ lâu lắm rồi. Thời gian giúp chúng tôi ngày càng hiểu về nhau hơn, mỗi người đều cảm thấy như đã tìm thấy “một nửa của chính mình”.

Sau ngày cưới, Philippe Jottard rất tự hào là chàng rể Việt Nam và hãnh diện về người vợ với đầy đủ phẩm hạnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Ông kể: “Cô ấy đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống và trong công việc. Càng ngày tôi càng đánh giá cao cô ấy”.

Là con thứ năm trong một gia đình có tới 12 anh chị em, thế nhưng khi lớn lên, Philippe lại ít được quây quần cùng đại gia đình. Làm việc trong ngành ngoại giao, thường xuyên phải xa nhà nên nhiều khi cũng bị thiệt thòi.

Kể cả khi cha mẹ mất, ông đều đang bận công tác ở nước ngoài, không thể về được, mỗi lần nhớ lại, ông rất buồn và ân hận. Lấy vợ Việt Nam, ông cảm thấy như mình trẻ lại rất nhiều, cuộc sống gia đình, tình cảm và hạnh phúc vợ chồng càng giúp ông làm việc được nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Lại sắp tới Tết cổ truyền Việt Nam, theo thông lệ Philippe Jottard sẽ về ăn Tết với gia đình nhà vợ. Ông bày tỏ rất sung sướng và hạnh phúc được hưởng những ngày vui và chứa chan tình cảm như thế.

Philippe được vợ dạy tiếng Việt, tập cho thuộc lòng những câu chúc tết để chúc bố mẹ vợ, chú bác, anh chị em họ hàng. Được bố mẹ vợ chúc tết, mừng tuổi, Philippe cũng cảm thấy mình như một đứa trẻ trong vòng tay yêu thương của bố mẹ.

Ông bảo, văn hóa gia đình Việt Nam như vậy mới thật ấm áp, hạnh phúc! Có lẽ cũng chính vì vậy, ông đã tạo điều kiện mời được mấy người anh em của ông sang thăm Việt Nam. Philippe ước ao anh chị em họ hàng nhà Jottard cũng thân thiết và chăm chút tới nhau như các gia đình Việt Nam.

Chị Phượng cũng đã có dịp về quê chồng. Mỗi lần về, vợ chồng chị đều đến viếng mộ bố mẹ chồng rất chu đáo, tổ chức gặp gỡ tất cả anh chị em, con cháu trong dòng họ Jottard.

Tôi sẽ làm hết sức mình vun đắp tình hữu nghị

Là người giữ cương vị  Đại sứ của Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, đồng thời là chàng rể của quê hương đất Việt, Philippe Jottard hiểu rằng, công việc của ông sẽ là cầu nối của tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Ông cũng hiểu rằng, ngay từ năm 1973, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris, Vương quốc Bỉ là một trong những nước thành viên EU đầu tiên đẩy mạnh các mối quan hệ hữu nghị và tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Năm 1977, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác - phát triển. Bỉ cũng là nước đầu tiên trong EU đã xóa nợ cho Việt Nam. Hiện hai nước đang tích cực triển khai nhiều dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong các ngành kinh tế, văn hóa, y tế... và đặc biệt là giáo dục.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Philippe Jottard cho biết, Vương quốc Bỉ rất coi trọng công tác đào tạo nhân lực. Theo ông, sau khi kết thúc chiến tranh, nhân dân Việt Nam có thể nhanh chóng xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế, trước hết là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhìn xa trông rộng, ngay từ khi đang còn bận chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tình hình đất nước còn rất nhiều khó khăn, thì Chính phủ Việt Nam đã gửi hàng chục nghìn thanh niên ưu tú ra nước ngoài học tâp.

Từ nhiều năm nay, Bỉ thường xuyên dành nhiều suất học bổng cho các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam. Ngoài ra, cũng còn nhiều thanh niên Việt Nam sang Bỉ học tập theo con đường tự túc.

Hiện Bỉ là nước đứng thứ tư trong EU nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và là nước thứ năm trong EU xuất khẩu sang Việt Nam. Bỉ có hải cảng Antwerpen vào loại lớn nhất châu Âu. Chính từ cảng này, phần lớn hàng hóa của Bỉ đã được xuất ra thế giới, trong đó có Việt Nam và ngược lại hàng hóa Việt Nam được nhập vào Bỉ chủ yếu qua cảng này.

Bỉ đang tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp Đình Vũ, xây dựng và hiện đại hóa cảng nước sâu Đình Vũ, Hải Phòng, bởi từ đây sẽ nối với cảng Antwerpen của Bỉ để tạo thành một “cầu nối”, một con đường thông thương buôn bán lớn giữa hai nước và xuất khẩu hàng hóa tới những nước thứ ba.

Bỉ đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ trang sức kim cương. Các doanh nghiệp Bỉ đã đưa nguyên vật liệu đến Việt Nam, nhờ bàn tay tài hoa của thợ kim hoàn Việt Nam chế tác, rồi tái xuất ra thế giới.

Tương tự như vậy, nhiều mặt hàng khác như: Hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ... cũng được sản xuất tại Việt Nam, xuất khẩu sang Bỉ, rồi tái xuất tới các nước thứ ba. Trong khuôn khổ chuyến thăm Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi thượng tuần tháng 9 năm 2006, ông đã thỏa thuận với Thủ tướng Vương quốc Bỉ Guy Verhofstadt rằng hai nước cần phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có nhiều ưu thế.

Đại sứ Philippe Jottard cho biết, trong tháng 2/2007, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác -phát triển Bỉ - Việt Nam sẽ họp tại Brussels để hoạch định những chương trình hợp tác giữa hai nước cho thời gian tới, đặc biệt trong việc tăng cường đầu tư của Bỉ vào Việt Nam.

Đại sứ Philippe Jottard bày tỏ tin tưởng rằng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chắc chắn quan hệ hợp tác buôn bán giữa Bỉ nói riêng và EU nói chung với Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Còn ông, ông sẽ làm hết sức mình để góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước ngày càng tốt đẹp hơn

Gia Sơn
.
.