Đại hội chi hội Nhà văn Công an lần thứ IV (2010 - 2015): Ngắn gọn và hiệu quả
Chi hội Nhà văn Công an được thành lập ngày 26 tháng 6 năm 1997, với "đội hình xuất phát" gồm 11 tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang công tác trong Lực lượng Công an. Như vậy, tính đến thời điểm diễn ra Đại hội Chi hội lần này (ngày 24/6/2010), Chi hội đã duy trì thời gian hoạt động được 13 năm, và số thành viên của Chi hội cũng đã được nâng lên con số 32, trở thành một trong những Chi hội có số lượng hội viên đông đảo trong các Chi hội Nhà văn của cả nước.
Về tuổi đời, nếu như số hội viên có độ tuổi từ 60 trở lên đang chiếm tỉ lệ cao trong danh sách của Hội Nhà văn Việt Nam (tới gần 70%), thì tại Chi hội Nhà văn Công an, tỉ lệ này lại tương đối... "vừa phải". Nói một cách cụ thể thì đa số các thành viên của Chi hội hiện vẫn đang trong quân ngũ; trên 90% trong số ấy giữ vị trí lãnh đạo tại một số đơn vị. Trong đội ngũ các nhà văn Công an, có hai nhà văn mang quân hàm cấp Tướng (nhà văn Hữu Ước và nhà thơ Khổng Minh Dụ). Một số tác giả từng nằm trong danh sách những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hiện cũng đang là thành viên của Chi hội Nhà văn Công an.
Một vài tình tiết điểm qua như vậy để các đồng nghiệp thấy rằng, Chi hội Nhà văn Công an là một Chi hội đang ở thời "sung sức".
Khác với những lần Đại hội trước (được lần lượt tổ chức tại hội trường của Báo An ninh thế giới và Báo Công an nhân dân), Đại hội Chi hội Nhà văn Công an lần thứ IV được tiến hành tại hội trường của Tổng cục Xây dựng Lực lượng - Công an nhân dân. Không những vậy, cấp lãnh đạo tới dự và chỉ đạo Đại hội cũng ở vị trí cao hơn, điều ấy cho thấy vị thế của Chi hội Nhà văn Công an đang ngày một nâng cao.
Tới dự và chỉ đạo Đại hội Chi hội Nhà văn Công an lần thứ IV có Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đại diện các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam cùng 31 nhà văn là thành viên Chi hội Nhà văn Công an từ nhiều địa bàn công tác đã về dự Đại hội.
Mở đầu buổi làm việc, nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương đã được mời lên phổ biến chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức các Đại hội văn học nghệ thuật. Nhà văn Đỗ Kim Cuông cho biết: Từ đầu năm tới nay, chúng ta đã tiến hành xong 5 đại hội văn nghệ Trung ương, dự kiến đến tháng 9 này sẽ xong 10 đại hội. Trong số các đại hội ấy, chỉ duy nhất có Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam là được Thường trực Ban Bí thư đồng ý phương án đại hội toàn thể. Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban Chấp hành Hội.
Cũng theo nhà văn Đỗ Kim Cuông thì về tiêu chuẩn BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa tới, hiện tại, cấp trên đã đồng ý để người giữ cương vị quản lý có thể ở tuổi 65, thậm chí 70. Nghĩa là cấp trên xác định đây là một hội rất đặc thù. Không nói cụ thể song nhà văn Đỗ Kim Cuông cũng đưa ra một số liệu có tính "cảnh báo": Hiện có tới 2/3 các đồng chí giữ cương vị Chủ tịch các hội văn nghệ trong cả nước không phải là ...văn nghệ sĩ. Do anh em văn nghệ sĩ không "chịu" nhau nên lãnh đạo các tỉnh, thành phải đưa người từ Ban Tuyên giáo sang.
Có lẽ, đối với các nhà văn, những thành quả sáng tác bao giờ cũng là điều mà họ coi trọng hơn cả. Báo cáo tổng kết do nhà văn Văn Phan, thành viên BCH Chi hội trình bày cho thấy: Trong nhiệm kỳ qua, Chi hội đã tổ chức được 9 trại sáng tác, thu hút gần ba trăm lượt nhà văn trong và ngoài Lực lượng Công an tham gia. Nhiều nhà văn trong Chi hội đã có tới 3 - 4 đầu sách được xuất bản, trong đó, nhà lý luận phê bình văn học Đinh Quang Tốn, một thành viên của Chi hội đã có tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 6 tác giả trong Lực lượng Công an được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao các hoạt động của Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ qua. Ông bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ các nhà văn Công an, những người "có bề dày trải nghiệm, được tôi luyện trong thực tế chiến đấu, có bản lĩnh vững vàng", bằng chứng là trong những năm qua, tờ Văn nghệ Công an - tờ báo do một số thành viên trong Chi hội Nhà văn Công an tổ chức thực hiện đã có nhiều bài viết sắc sảo, đấu tranh kịp thời với những quan điểm sai trái, cơ hội chính trị... Theo ông, đây là việc khó, nhưng cần được duy trì thường xuyên, bởi "ai cũng muốn yên thân thì lấy ai mà đấu tranh vì sự thật, vì lẽ phải".
Kiểm điểm trách nhiệm của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa vừa rồi trong việc quan tâm đến quyền lợi hội viên của các nhà văn trong Chi hội Nhà văn Công an, nhà thơ Hữu Thỉnh thân tình thừa nhận, so với những nhà văn ở các khối "bên ngoài", các nhà văn Công an chưa được lãnh đạo Hội chú trọng về việc đi giao lưu văn học ở nước ngoài và nhận hỗ trợ đầu tư sáng tác. Lý do là "Lãnh đạo Hội còn ỷ vào việc bên anh Hữu Ước làm ăn phát đạt". Ông cho rằng, việc tuy nhỏ nhưng cũng là điều mà BCH Hội khóa tới cần rút kinh nghiệm.
Về tình hình văn học hiện nay, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, hiện tại, các nhà văn đang phải đối mặt với những khó khăn: Thị trường, văn hóa mạng kéo văn học xuống nghiệp dư hóa. Chưa bao giờ thị trường văn học thu hẹp như bây giờ. Trong khi chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường từ lâu thì các nhà văn lại đang phải trở lại thời... bao cấp. Ông ví dụ một cách rất hình tượng: Trước đây, ở thời bao cấp, vào lúc eo hẹp, có khi nhà máy đường trả lương cho công nhân bằng... đường, nhà máy xà phòng trả lương bằng... xà phòng. Bây giờ, nhiều nhà văn khi in sách được các nhà xuất bản trả nhuận bút bằng... sách. Nhà thơ Hữu Thỉnh lo ngại, nếu không có giải pháp, chúng ta sẽ đánh mất một truyền thống tốt đẹp là truyền thống đọc sách.
Về công tác chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn Việt Nam sắp tới, nhà thơ Hữu Thỉnh bộc bạch: "Tiến hành tổ chức Đại hội toàn thể, không phải chúng tôi không nhận thấy có những phức tạp. Nhưng chúng tôi nghĩ tới đại cục. Vả chăng, với một tổ chức có tới 64,2% là đảng viên, chúng ta kiểm soát được tình hình quá chứ. Có thể sẽ có người phát biểu thế này thế khác, nhưng bây giờ ai thế nào, trắng đen đã rõ. Đừng lạm dụng cái "đặc thù" mà Đảng và Nhà nước dành cho mình để có những động thái không xứng với tư cách nhà văn. Cơ thể phải có xương cốt, phải để cho dòng chảy chính là linh hồn của đại hội. Rất mong các nhà văn của ngành Công an ủng hộ BCH để có một Đại hội tốt".
Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu ghi nhận những nỗ lực của Chi hội Nhà văn Công an trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa văn nghệ trong ngành, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ trong Lực lượng Công an. Ông khẳng định: Lãnh đạo Bộ Công an luôn coi trọng các nhà văn và thực tế đã chứng minh: Hiện đã có nhà văn (nhà văn Hữu Ước) giữ chức Phó Tổng cục trưởng. Đây là điều trước nay, ở Lực lượng Công an chưa từng có. Cả hai thủ trưởng của Báo Công an nhân dân và Nhà xuất bản Công an nhân dân đều là nhà văn. Có tới 3 Phó Tổng biên tập của Báo Công an nhân dân là nhà văn.
Người viết bài này từng được vinh hạnh tham dự tất cả các kỳ Đại hội Chi hội Nhà văn Công an. Và tôi nhận thấy, trong phát biểu chỉ đạo Đại hội của tất cả các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đều luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển đội ngũ các cây viết ở cơ sở. Hơn thế, các đồng chí lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc làm sao tổ chức cho các nhà văn thâm nhập thực tế nhiều hơn nữa để họ hiểu hơn về đời sống công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ công an ở những địa bàn gian khó.
Trong phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu lần này cũng vậy, ngoài việc mong muốn khóa tới, Chi hội Nhà văn Công an được tăng cường thêm các cây bút công tác ở dưới cơ sở, ông còn thể hiện sự băn khoăn của mình trước một hiện tượng mà ông coi là "nghịch lý": Những nhà văn có hiểu biết thực tế về ngành thì lại bận về chuyên môn, ít có thời gian đầu tư cho sáng tác. Các nhà văn về hưu thừa thời gian để sáng tác thì lại ít có điều kiện thâm nhập thực tế của ngành. Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu yêu cầu lãnh đạo Chi hội Nhà văn Công an cần lưu tâm hơn tới vấn đề này, bởi trước sau, các nhà văn Công an phải luôn xác định mình là chiến sĩ của Lực lượng Vũ trang nhân dân; và nhiệm vụ chủ yếu là sáng tác phục vụ cho yêu cầu "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".
Sau phát biểu của một số nhà văn trong Chi hội, Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm giới thiệu hai đại biểu của Chi hội Nhà văn Công an ứng cử vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII là nhà văn Hữu Ước và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Đại hội cũng đã bầu ra BCH Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ IV gồm các nhà văn, nhà thơ: Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Phùng Thiên Tân, Lê Hoài Nguyên, Hồng Thanh Quang.
Như vậy, so với kế hoạch được ghi trên giấy mời, Đại hội Chi hội Nhà văn Công an khóa IV kết thúc sớm hơn nửa ngày. Thời gian rút gọn nhưng các công việc thiết yếu của Đại hội đã được thực hiện một cách trọn vẹn...