Cửa sổ văn nghệ

Dai dẳng xin - cho

Thứ Tư, 12/10/2011, 08:00
Khoảng cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi Thủ đô và cả nước đang bắt đầu thời kỳ mở cửa, nhớ có lần tôi đến khách sạn Thắng Lợi (một đơn vị đầu đàn của Công ty Du lịch Hà Nội hồi đó) để tìm hiểu và viết bài về đề tài du lịch, Giám đốc Trần Đình Nam đã nói rất thẳng thắn: Thời bao cấp là thời "xin" và "cho", còn giám đốc thời bao cấp là người luôn luôn trong vai "xin" cấp trên và "cho" cấp dưới.

Nghe vậy, tôi liền hỏi: "Thế khi chuyển sang cơ chế thị trường… thì sao, anh?".

Giám đốc Trần Đình Nam trả lời: "Thì sự "xin" và "cho", về cơ bản, sẽ giảm dần".

Tôi lại hỏi: "Chỉ về cơ bản thôi, hả anh?".

Giám đốc Trần Đình Nam trả lời: "Đúng như vậy. Vì cái gì đã thuộc về thói quen thì khó loại trừ một cách triệt để được lắm".

Đã hơn 2 thập kỷ trôi qua, khi mà cả nước đã và đang phấn đấu để có một nền kinh tế thị trường thực sự, tôi cũng không ngờ rằng câu trả lời của Giám đốc Trần Đình Nam từ ngày ấy đến giờ, vẫn không có gì sai.

Xin được lấy vài chuyện làng văn ra làm ví dụ.

Năm ngoái, vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, tuy chỉ trong vai một ủy viên Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam, vậy mà tôi cũng nhận được nhiều cú điện thoại khá ư là bất thường. Đại loại: "Tôi làm thơ từ rất nhiều năm nay rồi, đã in 4 -5 tập thơ, kỳ này, anh ủng hộ tôi nhé!". Đại loại: "Từ mấy năm nay, đã có 2 nhà thơ trứ danh giới thiệu tôi, anh quan tâm đến tôi nhé". Đại loại: "Tôi có thằng bạn luôn hết lòng với thơ, nó nhờ tôi nói với anh, hãy vì tôi mà giúp nó". Đại loại: "Thơ tôi rất hiện đại, nếu bỏ qua tôi kỳ này là chưa được công bằng đâu". Đại loại: "Anh có thằng em đang công tác ở… Anh nhờ chú lưu ý…". Đại loại: "Anh nhớ cậu ấy chứ nhỉ? Nó có đơn từ dăm năm nay rồi. Tôi thay mặt nó nói với anh…".

Có hôm tôi đi vắng, bỏ quên điện thoại di động ở nhà. Một người làm thơ mà tôi chưa bao giờ biết mặt nhắn qua vợ tôi: "Tôi là…Nhờ chị nói nhỏ với anh ấy rằng: Hãy nhớ đến thơ tôi bằng cách đừng quên tên tôi".

Ấy là việc xin phiếu bầu chọn vào Hội Nhà văn qua Hội đồng thơ.

Gần đây, khi tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 8 tại Tuyên Quang với tư cách là phóng viên đưa tin, viết bài phản ánh, vô tình, tôi còn nghe được chuyện xin giải nữa. Một người viết văn trẻ kể lại: Có một nhà thơ gọi đến gặp một người có quyền hạn, đề nghị nên đưa tác phẩm của mình vào giải. Người có quyền hạn nói: "Tôi làm sao làm được việc đó. Trước hết phải thông qua hội đồng chuyên môn hoặc hội đồng nghệ thuật dưới hình thức bỏ phiếu kín một cách khách quan, trung thực". Rồi có lẽ nhà thơ trên có thái độ quá quyết liệt và không biết điều cho lắm nên người có quyền hạn đã nổi nóng: "Thế em theo đuổi thơ là vì thơ hay vì giải? Đừng sốt ruột nổi tiếng làm gì kẻo lại trở thành "Cao Biền dậy non" lúc nào không hay đấy! Từ nay nếu chỉ nghĩ đến việc này thì đừng bao giờ đến gặp tôi nữa".

Ấy là việc xin giải thưởng thường niên.

Tất nhiên, đây mới chỉ là vài việc xảy ra trong địa hạt thơ.

Thế mới hay: Những chuyện ngỡ chỉ có ở thời bao cấp, vậy mà vẫn tồn tại dai dẳng đến tận hôm nay! Nhìn chung, "chia tay với quá khứ" cũng không phải là việc dễ dàng gì

Đặng Huy Giang
.
.