Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: Hoạ vô đơn chí!
Sau khi thất cử và mất quyền miễn trừ dành cho Tổng thống, ông Sarkozy đã phải đối mặt với nhiều vụ bê bối. Gần nhất là vụ ông bị cáo buộc "lạm dụng tín nhiệm và lạm dụng tình trạng sức khỏe yếu" của nữ tỉ phú Liliane Bettencourt để gây quỹ trái phép trong giai đoạn tranh cử Tổng thống hồi năm 2007 (vụ việc khiến ông bị khởi tố vào cuối tháng 3 vừa qua). Nhưng sự thể chưa dừng ở đó. Theo tờ Le Canard Enchainé cho biết, cảnh sát Pháp vừa khám xét nhà cựu Bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant và phát hiện ông này từng nhận nửa triệu euro từ một tài khoản nước ngoài. Ông Guéant được xem là "đệ tử ruột" của ông Sarkozy. Việc khám xét nhà của cựu Bộ trưởng Claude Guéant là một phần trong tiến trình điều tra nghi án cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy "bắt tay ngầm" để nhận hàng chục triệu euro tiền tài trợ của nhà lãnh đạo Libya đã bị lật đổ và sát hại hồi tháng 10/2011 Muammar Gaddafi.
Thật ra, không phải đến bây giờ, vấn đề ông Sarkozy nhận tiền hay không nhận tiền tài trợ của cố Tổng thống Libya Gaddafi mới được đặt ra. Ngay sau khi ông Gaddafi bị giết ít ngày, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, chính con trai người quá cố đã phẫn nộ lên tiếng phê phán lối ăn ở "hai lòng" của người đứng đầu nước Pháp khi ấy. "Điều trước nhất chúng tôi muốn "gã hề" này phải làm là trả lại tiền cho đất nước Libya. Gã ta nhận tiền tài trợ với lời hứa sau khi thắng cử, sẽ giúp đỡ chúng tôi. Vậy nhưng gã đã bội ước và rốt cục là chúng tôi lãnh đủ" - Saif-al Islam Gaddafi - con trai của ông Gaddafi lên tiếng từ một trại giam ở Libya sau khi chính thể do bố ông cầm quyền hơn bốn chục năm bị lật đổ.
Theo luật pháp của Pháp, các ứng viên Tổng thống bị cấm không được nhận tiền mặt tài trợ cho cuộc tranh cử quá 7.500 euro. Vậy mà, theo thông tin đăng tải trên trang web Mediapart ngày 12/3/2012 thì trong một cuộc họp diễn ra vào tháng 10 năm 2005, ông Sarkozy, khi ấy đang là Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Kết thúc cuộc họp, ông Gaddafi đã đồng ý hỗ trợ cho ông Sarkozy 50 triệu euro để ông Sarkozy tham gia tranh cử Tổng thống Pháp năm 2007. Mediapart còn cho biết cụ thể, số tiền đó đã được chuyển đến ông Sarkozy qua các tài khoản ngân hàng ở Panama và Thụy Sĩ, và các tài khoản này được mở dưới tên chị gái của một nhân vật thân tín của ông Sarkozy.
Tất nhiên, không đời nào ông Sarkozy thừa nhận việc làm vi phạm pháp luật của mình. Ông lập luận: Gaddafi là một người nổi tiếng phát ngôn vô căn cứ. Vả chăng, nếu quả thực ông Gaddafi có tài trợ cho cuộc tranh cử của ông như thế thì làm sao ông lại có thể "vô ơn" đến độ tích cực sát cánh cùng quân đội Mỹ và các nước trong khối NATO tham chiến tại Libya mạnh mẽ đến nhường vậy. Theo ông Sarkozy, thông tin ông "đi đêm" và cầm tiền của chính quyền Gaddafi là một sự bịa đặt.
Sau cựu Tổng thống Chirac (trái), giờ lại đến lượt cựu Tổng thống Sarkozy gặp rắc rối với tòa án Pháp. |
Mặc dù ông Sarkozy không nhắc tới song hẳn nhiều người còn nhớ, chính máy bay Pháp là lực lượng đã thực hiện các cuộc không kích dữ dội nhằm vào đoàn xe đang chạy trốn của ông Gaddafi hồi tháng 10/2011, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo này. Sự việc đã được nhiều người cắt nghĩa theo hai hướng khác nhau. Phía những người tin vào lời cáo buộc của con trai ông Gaddafi thì cho rằng, sở dĩ quân đội Pháp có sự quyết liệt như vậy là vì họ nhận được mật lệnh phải bằng mọi cách hạ sát cho được ông Gaddafi, mục tiêu là để "bịt miệng" ông này càng sớm càng tốt.
Thực ra, mối quan hệ "thân tình" giữa ông Sarkozy và cố Tổng thống Libya Gaddafi đã được dư luận Pháp "để mắt" tới với một tâm thế không mấy đồng tình từ hồi tháng 12/2007, khi nhà lãnh đạo Libya được mời tới thăm Paris và được Tổng thống Sarkozy đón tiếp trọng thị tại Điện Elyseé. Tại đây, ông Sarkozy đã không ngần ngại đưa ra những lời có cánh ca ngợi một nhân vật từng bị báo chí phương Tây chỉ trích là độc tài. "Không thể coi Gaddafi là một chính trị gia độc tài trong thế giới Ảrập. Đó là một nguyên thủ quốc gia có thời gian cầm quyền lâu nhất, rất đáng khâm phục".
Sau cuộc hội kiến giữa người đứng đầu hai chính phủ, phía Pháp đã ký được những hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD liên quan đến việc khai thác và mua bán dầu mỏ ở Libya. Ngược lại, phía Pháp cũng đã bán cho người đứng đầu nhà nước Libya một chiếc xe chống đạn hiệu Mercedes-Benz. Chiếc xe có trị giá gần 4 triệu đôla với hệ thống thông tin rất hiện đại, có thể cho phép ông Gaddafi giữ liên lạc với quân đội Libya ở bất cứ đâu.
Từ kết quả trên, dư luận người dân Pháp cũng phần nào "nguôi quên" những phát biểu có phần gây "sốc" của ông Sarkozy dành cho một nhân vật mà trước nay, giới thông tấn phương Tây vốn dĩ không mấy "mặn mà".
Thế rồi, trước mắt họ, tình thế gần như hoàn toàn đảo chiều.
Có thể nói, trong số những nguyên thủ quốc gia các nước phương Tây, ông Sarkozy được xem là vị chính khách "hăng máu" nhất trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya. Ông cùng với Thủ tướng Anh David Cameron là người đã dẫn đầu trong việc thúc giục NATO oanh kích Libya, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chính quyền Gaddafi vào tháng 10/2011.
Trước khi chính quyền Gaddafi bị mất về tay phe đối lập, từ tháng 3/2011, sau khi Pháp công nhận NTC (Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya), chính ông Gaddafi đã tuyên bố hiện ông đang nắm trong tay một "bí mật nghiêm trọng" có thể khiến ông Sarkozy sụp đổ.
"Bí mật" này chắc hẳn không gì khác ngoài sự cáo buộc người đứng đầu chính phủ Pháp nhận tiền tài trợ của chính phủ Libya. Và, theo phân tích của ông Mahmoud Jibril - Chủ tịch Hội đồng hành pháp thuộc Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya thì chính vì "bí mật" ấy mà ông Gaddafi chỉ còn duy nhất một con đường: Phải chết! Cũng theo thông tin mà ông Jibril cung cấp trên tạp chí Focus ngày 30/9/2012 thì người bắn chết ông Gaddafi được xác định là một nhân viên tình báo nước ngoài trà trộn vào lực lượng nổi dậy Libya. Ông Gaddafi bị lộ do sử dụng điện thoại vệ tinh và tình báo Pháp được lệnh ráo riết truy lùng ông. Rốt cục, họ buộc ông phải… mãi mãi im lặng nhằm bảo vệ những điều "bí mật" mà có lẽ chỉ mình ông biết!
Được biết, trong cuộc chiến ở Libya, chính phủ Pháp đã đổ vào đó một khoản tiền lên tới trên 300 triệu euro.
Trở lại với vụ cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị tòa án Bordeaux thẩm vấn về các cáo buộc liên quan đến việc nhận tiền của nữ tỉ phú Liliane Bettencourt quá mức qui định của pháp luật trong cuộc vận động tranh cử hồi năm 2007: Kết quả điều tra của cảnh sát Pháp đã đủ cơ sở để khẳng định, trong khoảng thời gian từ năm 2007-2009, Patrice - một người thân cận của nữ tỉ phú Bettencourt đã 7 lần rút tiền ở các tài khoản ngân hàng của bà này tại Thụy Sĩ với trị giá lên tới 4 triệu euro. Cảnh sát cho rằng, một phần hoặc toàn bộ số tiền này đã được cấp cho ông Sarkozy và đảng UMP trong cuộc tranh cử hồi năm 2007. Một cáo buộc khác nhằm vào vị Tổng thống đã mãn nhiệm cũng đang gây xôn xao dư luận Pháp: Nữ tác giả Guillaume Marie-Celie, trong cuốn sách mới của mình "Triều đại, con trai và thái ấp của ông ta" đã nói toạc ra rằng, ông Sarkozy từng không dưới một lần đề nghị nhân viên dưới quyền "một vài chuyện mang tính chất tình dục".
Hiến pháp Pháp hiện qui định, Tổng thống chỉ được quyền tạm miễn truy tố hình sự trong thời gian đương chức. Còn sau đó, họ có thể bị truy tố và đưa ra xét xử như bất kỳ công dân bình thường nào khác. Đó là lý do khiến cách đây 2 năm, cựu Tổng thống Jacques Chirac, người tiền nhiệm của ông Sarkozy, với tội danh lập hồ sơ việc làm giả để gây quỹ tại tòa Thị chính thời ông này làm thị trưởng, đã bị kết án hai năm tù (vì lý do sức khỏe, vị cựu Tổng thống được cho hưởng án treo). Với trường hợp của ông Sarkozy, theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu bị kết tội, rất có thể ông cũng sẽ chỉ phải chịu án treo như cựu Tổng thống Chirac. Riêng với vụ việc liên quan đến cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, nếu bị kết tội, ngoài việc phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, ông Sarkozy còn bị mất thể diện nghiêm trọng bởi sự "lá mặt lá trái" trong cách hành xử của mình…