Cuốn sách của cậu bé mắc bệnh xương thủy tinh

Thứ Sáu, 12/05/2017, 08:14
Bị mắc bệnh xương thủy tinh từ khi mới sinh ra nhưng cậu bé Lê Anh Xuân (15 tuổi, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) rất mê đọc, mê viết và ao ước trở thành một nhà văn. Mới đây, ước mơ ấy đã trở thành sự thật. Và dù nét chữ chưa thật tròn, song những giờ phút nghiêng mình trên giường, uốn tay theo trang giấy là lúc Xuân thấy vui vẻ nhất.


Các vết gãy và những trang nhật ký đầu tiên

Do di chứng của chất độc da cam nên khi sinh ra, cậu bé Lê Anh Xuân bị bệnh xương thủy tinh, gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Không có điều kiện đến trường, Xuân vẫn được cha dạy ghép vần và dần dà em đã biết đọc như bao đứa trẻ khác.

"Cuộc đời của con là những cơn đau gắn với các vết gãy. Vết gãy đầu tiên là ở đùi khi Xuân vừa được 14 ngày tuổi. Các vết gãy tiếp theo liên tục kéo đến trên khắp chân và tay, dai dẳng trong suốt gần 15 năm qua", ông Lê Đức Suyền (53 tuổi, cha của Xuân) kể.

Nhưng khác với nỗi đau đã phải chịu đựng, Xuân lạc quan và nhiều ước mơ. Khác với thân thể phải bất động, ánh nhìn, nhận thức của em lanh lẹ hoạt bát. Xuân trở thành "nhân vật nổi bật" ở Dự án "Lớp học Ước mơ" do Giáo sư Michio Umegaki (Trường Đại học Keio, Nhật Bản) khởi xướng và tài trợ vào tháng 9/2012 tại Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh. Lớp học được mở vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần dành cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, khờ khạo, khuyết tật.

Sau cuộc gặp gỡ với Giáo sư Michio Umegaki và đọc hết cuốn sách "Một lít nước mắt" do ông tặng, cùng với vốn chữ được cha dạy từ nhỏ, Xuân bắt đầu viết nhật ký như nhân vật chính trong truyện. Nhật ký của Xuân còn được em gắn cho nhiều cái tên đáng yêu khác như: Nhật ký Tí vẹo, Nhật ký Tí em, Nhật ký anh Ba Bừa... Ở đó có câu chuyện cả nhà Xuân thức cùng World Cup, chuyện má Mỹ của Xuân đi làm nhang ở thị trấn Ngô Mây và mua quà về cho em, có đèn ông sao và quà của nhiều người gửi tặng Xuân nhân dịp Trung thu, có những trò chơi của Xuân và anh trai khi em hết bệnh…

Xuân lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ.

Từ khi tham gia "Lớp học Ước mơ", Xuân mê đọc. Em từng đọc hết mấy trăm đầu sách ở thư viện nhỏ đặt ở Trạm Y tế xã Cát Trinh do Giáo sư Michio Umegaki và các tình nguyện viên quyên tặng. Thương Xuân ham đọc, các tình nguyện viên còn quyên góp, mua sách tặng riêng cho em.

"Các chị, các cô bên Nhật mỗi lần về Bình Định đều mua sách tặng Xuân. Chưa hết, các cô ở thành phố Hồ Chí Minh cũng quyên góp sách cũ tặng Xuân. Lâu lâu, gia đình lại ra bến xe nhận sách. Mỗi lần như vậy là một bao to, nặng trịch", chị Lê Thị Mỹ (46 tuổi, mẹ của Xuân) kể.

Ngoài đọc sách, Xuân còn xem tivi. Chiếc tivi cũ, nhỏ xíu, đối diện với chiếc giường Xuân nằm được xem là người bạn thân thiết. Nhờ nó, em kết nối với thế giới bên ngoài. Tự lúc nào, một đứa trẻ chưa từng đến trường, chỉ tham gia "Lớp học Ước mơ" với số lần đếm trên đầu ngón tay và được cha mẹ dạy kỹ năng đọc, viết căn bản, đã phát triển khả năng ngôn ngữ. Xuân diễn đạt mạch lạc, phong phú và gợi cảm về những điều em nghĩ, tưởng tượng và ao ước.

Cuốn sách của niềm tin và nghị lực

Giữa tháng 3 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giao lưu và ra mắt tập 1 cuốn sách "Biệt đội Anh hùng hảo Việt" (BĐAHHV) với tên gọi "Vụ án bí ẩn" của Lê Anh Xuân. "Biệt đội AHHV" là truyện trinh thám do Dự án "Lớp học Ước mơ" phối hợp với Nhóm "Chung Tay Donation" (một nhóm gây quỹ độc lập đã đồng hành cùng Dự án "Lớp học Ước mơ" từ năm 2015) và Công ty cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books) phối hợp xuất bản. Cuốn sách được minh họa bởi những bức tranh ngộ nghĩnh và sinh động từ các họa sĩ nhí là hai anh em Đặng Anh Quân (14 tuổi) và Đặng Khánh Linh (10 tuổi).

Tập 1 của cuốn sách này ra đời từ năm 2015. Xuân viết nó trong 6 tháng. "Dù hơi ngắn nhưng nó vẫn dài hơn nhiều truyện cháu viết trước đó. Đầu tiên, cháu viết để đọc cho vui, để chia sẻ với người thân về những điều cháu suy nghĩ, tưởng tượng và cũng là để thỏa ước mơ trở thành nhà văn. Khi biết tin nó sẽ được in thành sách, cháu vui mừng và hồi hộp lắm. Bởi đó là giấc mơ của cháu", Xuân bộc bạch.

Tập 1 kể về tiểu đội điều tra có tên Biệt đội AHHV, với tiêu chí bất cứ ai có tinh thần anh hùng đều có thể tham gia, không nhất thiết phải là những người đánh võ giỏi. Đội gồm có 4 tiểu anh hùng: Đoàn Đăng Đông, Lê Anh Suân, Cao Văn Thủ, Trần Văn Tân.

Một ngày rảnh rỗi, Biệt đội AHHV bỗng nhận được một cuộc điện thoại xin được giúp đỡ từ ông Lê Văn Vàng - vốn là một ân nhân cũ của họ. Nhiệm vụ của đội là giúp ông Vàng điều tra về những chuyện kỳ lạ đang diễn ra tại nhà ông. Từ đây, cuộc phiêu lưu của các bạn anh hùng bắt đầu. Họ phải đối đầu với bọn Hắc Báo, một đối thủ mạnh và gian xảo. Để rồi theo sau đó nhiều tình huống bi hài xảy ra cùng với sự mất tích đầy bí ẩn của ông Vàng, Quân và Thúy.

Với một người bắt đầu viết, lại gặp khó khăn về sức khỏe như Lê Anh Xuân thì việc cuốn sách còn những hạn chế là điều không tránh khỏi. Nhưng dẫu sao, với cuốn sách đầu tay, "Biệt đội AHHV" đã là một nỗ lực không nhỏ của Xuân. Đặc biệt, dù chỉ đọc sách rồi viết nhưng Xuân có cách viết cao trào, có những chi tiết bất ngờ khiến câu chuyện của mình trở nên hấp dẫn hơn. Chưa kể, Xuân còn biết tiết chế, cất giấu các tình tiết để tạo nên sự hồi hộp và bất ngờ cho bạn đọc.

Tôi đọc cuốn sách và nhiều lần bật cười vì cách kể chuyện dí dỏm của Xuân. Điều tôi không ngờ nhất là em có cái nhìn như một người trưởng thành. Ví như em viết: "Mọi thuốc độc đều có thuốc giải, còn độc ác thì không". Tôi bị cuốn vào cuốn sách mà quên mất Xuân là người viết cuốn sách đó. Bởi vì chất liệu để viết cuốn sách rất phong phú, như một con người bình thường sống trong một xã hội bình thường với những diễn biến xung quanh. Thậm chí, Xuân còn đề cập đến những kiến thức vật lý thật chuẩn xác khiến người lớn phải giật mình.

Chia sẻ về cuốn sách đầu tay, Xuân cho biết: "Cháu mong muốn cuốn sách của mình có thể truyền hết được những ý nghĩa đến cho độc giả. Ý nghĩa về sự lạc quan, phấn đấu trong cuộc sống. Ngoài ra, với tất cả mọi đối tượng lứa tuổi, cháu mong muốn được truyền đến ý nghĩa là vẫn có thể thực thi bảo vệ chính nghĩa ở bất cứ mọi nơi dù mình là ai".

Hành trình không đơn độc

Trên hành trình thực hiện giấc mơ, Xuân nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Tiến sĩ Vũ Lê Thảo Chi (Khoa Truyền thông và Quản trị, Trường Đại học Keio, Nhật Bản), thành viên Dự án "Lớp học Ước mơ", cho biết: "Hơn một năm trước, tôi tình cờ đọc được quyển sổ nhỏ của Xuân khi cùng giáo sư, sinh viên Trường Ðại học Keio đến thăm cháu.

Cảm giác đầu tiên của tôi là quá ngạc nhiên khi thấy một câu chuyện được trình bày như một quyển sách thật, có tựa đề, có chương, có hình vẽ minh họa, có phụ lục và có cả phần hẹn bạn đọc vào phần 2. Tôi không hiểu vì sao một đứa trẻ chưa bao giờ được đi học lại có thể trình bày quyển sách một cách chuyên nghiệp như thế. Lúc đó, dù chưa đọc kỹ nội dung, tôi đã thật sự muốn quyển sổ đó được in ra thành sách vì nó và Xuân xứng đáng được như vậy".

Rồi, những thành viên Dự án "Lớp học Ước mơ" đem bản thảo của Xuân "gõ cửa" một số nhà in và chỉ nhận được đề nghị xuất bản theo hướng làm dịch vụ. Sau đó, họ trao đổi với 2 thành viên sáng lập của nhóm "Chung Tay Donation". Lúc đầu, nhóm này đã trao đổi với nhiều nhà xuất bản tại TP.HCM nhưng không có phản hồi. Mãi đến khi, nhóm trao đổi với Saigon Books thì việc xuất bản sách của Xuân mới thuận lợi. Saigon Books cũng kết nối với Viện Mỹ thuật và biểu diễn âm nhạc Erato để nhờ các học viên cùng tuổi với Xuân vẽ minh họa lại một số hình ảnh trong truyện để tác phẩm sinh động hơn.

Và "Biệt đội AHHV" đã đến tay người đọc. Nó trở thành biểu tượng của những giấc mơ lớn trong hình hài nhỏ bé, đôi khi là dị biệt; của những tài năng vượt qua khiếm khuyết. "Tài năng của Xuân cũng không phải là kết quả của việc tham gia "Lớp học Ước mơ", mà chính là kết quả của sự nỗ lực, say mê của chính cháu và gia đình. Xuân mang đến sự động viên, hy vọng cho các thành viên trong lớp, cho cha mẹ của các thành viên và cho cả chúng tôi - những người sẽ luôn gắn bó với "Lớp học Ước mơ". Chúng tôi sẽ luôn sát cánh để biến ước mơ của Xuân và những đứa trẻ như Xuân không chỉ còn là mơ ước",- Tiến sĩ Chi khẳng định.

"Sau tập 1 của cuốn sách "Biệt đội AHHV" với tên gọi "Vụ án bí ẩn", cháu đang hoàn tất tập 2. Từ lúc sách được in, cha mẹ dặn cháu tập trung hơn và viết, vẽ đẹp hơn. Cháu cũng đã nhận được nhuận bút từ việc xuất bản sách. Lợi nhuận còn lại từ việc xuất bản sách, cháu muốn gửi vào quỹ chung của Dự án Lớp học Ước mơ để thêm nhiều bạn có cơ hội chạm vào ước mơ giống cháu", Xuân tâm sự.
Phan Nhuận Phin
.
.