Cuộc trở về của ký ức

Thứ Năm, 06/12/2012, 08:00

Một triển lãm sắp đặt hay là một cuộc trở về tìm lại những ký ức thân thương có tên là "Bố Hạo" được Lê Hiền Minh cần mẫn thực hiện trong 3 năm trời. 3 năm để hoàn thành 1.000 cuốn sách từ điển từ giấy bản, cũng là khoảng thời gian khó khăn để đối diện với chính mình, để nhận ra một sự thật rằng, thời gian nghiệt ngã đã khiến mỗi chúng ta mất dần đi những ký ức đẹp đẽ về những người thân yêu. Và nghệ thuật là một cách để tìm lại những ký ức đã mất...

Lê Hiền Minh là con gái duy nhất của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo. Cô có ông nội là nhà nghiên cứu sử học Lê Tư Lành, ông ngoại là nhà văn Kim Lân, bác ruột là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cậu ruột là họa sĩ Thành Chương...Xuất thân trong một gia đình mà cả bên nội và bên ngoại "chạm vào đâu" đều đụng phải người nổi tiếng, Hiền Minh thừa nhận cô phải chịu một áp lực từ nhỏ. Yêu hội họa, quyết định đi theo con đường hội họa, Hiền Minh phải đối diện với nhiều cái bóng lớn trong gia đình, như mẹ Hiền và các cậu đều là họa sĩ. Cô kể, khi còn đi học, cô rất sợ cảm giác ở đâu cô cũng được giới thiệu kèm theo cụm từ "con gái họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, cháu ngoại nhà văn Kim Lân". Sợ đến mức phải "chạy trốn".

Hiền Minh tới Mỹ theo học hội họa tại Học viện Mỹ thuật Cincinnati, bang Ohio và lựa chọn trở thành một nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật thị giác, cho dù cô cũng rất yêu sơn mài, sơn dầu giống mẹ và cậu. Một sự lựa chọn ít nhiều lý tính, "để khác đi và để có được cảm giác tự do là chính mình". Cô lấy chồng người Mỹ và chọn sống ở New York, vì "New York khá dễ chịu khi ở đây mọi người chỉ biết đến tôi mà không bao giờ kèm theo tôi là con người này cháu người kia". Những triển lãm cá nhân tại Việt Nam, Mỹ và Hàn Quốc của Hiền Minh luôn gây được sự chú ý của công chúng bởi những ý tưởng lạ và độc đáo. Không chỉ làm hội họa, Hiền Minh còn là đạo diễn hình ảnh cho nhiều phim quảng cáo các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới. Tiền kiếm được cô thường dốc vào các triển lãm cá nhân để thỏa mãn tình yêu nghệ thuật của mình.

Quay trở lại triển lãm "Bố Hạo" của Lê Hiền Minh tại Hà Nội và Tp HCM trong những ngày tháng 11 này. Một triển lãm nghe có vẻ riêng tư và đầy ắp tình yêu của một người con dành cho người cha đã 10 năm vắng bóng trong cuộc đời. Hiền Minh chia sẻ: "Khi bắt tay vào chuẩn bị cho triển lãm cũng là khi những suy ngẫm về bố bắt đầu mở ra. Tôi phải đối mặt với những cảm xúc lẫn lộn mà tôi đã né tránh trong bao năm. Những cảm xúc này trở về mạnh mẽ khi tôi xem lại những bức ảnh kỷ niệm, sổ tay, thư viết, và nhiều vật dụng khác của bố. Thật khó khi phải lục lọi lại ký ức để nhớ lại những kỷ niệm mà tôi đã không muốn nhớ đến trong nhiều năm qua, để thật kinh hoàng nhận ra bây giờ mình không còn nhớ gì mấy. Và dù 10 năm đã qua, tôi vẫn không thể xem ảnh đám tang của bố. Tôi thấy sợ dù chỉ chạm tay vào những bức ảnh này".

Với Hiền Minh, làm một triển lãm sắp đặt về bố không đơn giản là một hành động tưởng nhớ, mà cao hơn, đó là cách mở ra con đường mới cho bản thân, "khi những giao tiếp ngày xưa đã bị cắt đứt một cách đột ngột lúc tôi vẫn còn quá trẻ để hiểu về bố và bản thân".

Sách từ điển tại triển lãm "Bố hoạ" của Lê Hiền Minh.

Nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo sinh thời là một người rất yêu sách và mê đọc sách. Hiền Minh nhớ lại, sách mà bố cô mua nhiều nhất là sách từ điển. Rất nhiều từ điển để tra cứu phục vụ cho công việc nghiên cứu của ông. Mỗi lần nhìn thấy một cuốn sách từ điển ở đâu đó, Hiền Minh lại nhớ tới bố. Bởi vậy, triển lãm của cô có tên là "Sách từ điển". 1.000 cuốn sách từ điển rỗng được Hiền Minh miệt mài làm trong một năm rưỡi, bằng chất liệu giấy bản. Cô tự nấu hồ, bồi hết lớp giấy này đến lớp giấy khác một cách tỉ mỉ để hoàn thành từng cuốn. Những động tác giống nhau, đơn điệu cứ lặp đi lặp lại hàng triệu lần, như một cách để Thiền, để tĩnh tâm, để hồi tưởng và tìm kiếm. Những kỷ niệm bắt đầu hiện về, chậm chạp như cuốn phim quay chậm. Đó là những ngày tháng bé thơ được bố chở đi học trên chiếc xe đạp cũ. Những chăm sóc ân cần của bố từ chuyện ăn mặc đến học hành, chọn bạn. Những góc phố nhỏ của Sài Gòn nơi bố con thường ngồi uống nước mía. Những kỷ niệm nhỏ bé, vụn vặt mà chứa đựng bao nhiêu tình cảm cha con. Hiền Minh viết đi viết lại những ký ức về cha, những gì mình còn nhớ được, như cất giữ một di sản tinh thần quý báu. Cô chụp lại những kỷ vật còn lại của bố, một chiếc áo sơ mi, những chiếc cà vạt, những lá thư, những bức ảnh, móc chìa khóa, và cả những trang ghi chép của mình để làm thành cuốn sách "Còn lại/ Rời rạc", cùng với "Sách từ điển" làm nên một triển lãm gọi tên giản dị "Bố Hạo". Trong khi hoàn thành tác phẩm, cô luôn trung thành với cảm xúc của mình: "Bạn bè của bố có thể sẽ chia sẻ với tôi rất nhiều ký ức của họ về bố, nhưng tôi không muốn sử dụng những ký ức vay mượn. Tôi muốn tất cả đều bắt đầu từ ký ức của riêng tôi về bố, cho dù những ký ức đó là rất ít, rất mỏng manh".

Tại sao câu chuyện về bố lại là 1.000 cuốn từ điển rỗng, Hiền Minh lý giải: "Bố tôi là nhà nghiên cứu, ông có lẽ đã luôn nghĩ là tôi không đọc, không học hỏi đủ từ sách. Tôi chắc là bố Hạo sẽ thất vọng và lo lắng khi căn hộ của tôi có thể không bao giờ có đủ sách trên kệ sách. Sự lựa chọn sống và làm việc ở nhiều nơi giúp tôi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà không chỉ có trên sách vở. Những cuốn từ điển rỗng trong triển lãm là thay cho một lời tuyên bố về sự thất vọng của bố Hạo về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán Nôm. Chúng ta bị cắt đứt với chính nền văn hóa của tổ tiên. Đây cũng là việc liên quan đến văn hóa đọc viết của giới trẻ ngày nay. Với sự phát triển của máy vi tính và internet, chúng tôi ngày càng đọc và viết bằng giấy bằng bút ít đi. Sự trống rỗng đối với tôi lúc này tượng trưng cho những ký ức về bố Hạo đã mất đi qua năm tháng. Trống rỗng cho nỗi buồn và giận rằng bao năm tôi được ở cạnh bố, bây giờ trở thành một nắm ký ức lộn xộn, lụn vụn, mỏng manh…"

Bố đã không còn để giải đáp cho những tâm trạng của Hiền Minh. Những gì mà cô mang tới triển lãm, từ những món ăn, bản nhạc mà bố thích, từ những bức ảnh ố màu thời gian, những kỷ niệm rời rạc khó chắp nối, những nghĩ suy còn dang dở cho câu hỏi bố là ai, làm người xem nhói một cảm nhận xót xa. Mỗi chúng ta đều có thể tự hỏi mình, rằng chúng ta đã yêu thương đủ chưa những người ruột thịt của mình, để một ngày nào đó những ký ức có thể mất đi nhưng tình yêu thì vẫn còn lại mãi đấy? Rằng chúng ta đã yêu thực sự những người ruột thịt của mình bằng một tình cảm mạnh hơn bản năng và bổn phận hay chưa?

Làm nghệ thuật ở Mỹ là chủ yếu, nhưng Lê Hiền Minh chỉ chọn lựa một chất liệu duy nhất để theo đuổi trong 10 năm qua, đó là giấy dó. Cô yêu thứ giấy truyền thống của Việt Nam. Từ giấy dó, cô sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật của riêng mình, làm ngỡ ngàng công chúng quốc tế. Có điều gì đó trong thứ nguyên liệu mỏng manh nhưng chở nặng tâm hồn Việt làm Hiền Minh mắc nợ. Cũng giống như cô càng đi xa càng nhận thấy sợi dây tình cảm của mình với những người thân yêu trong gia đình không bao giờ có thể cắt đứt được. "Tôi bắt đầu hiểu rằng sinh ra trong một gia đình có nhiều người nổi tiếng là may mắn của số phận dành cho mình. Tôi không còn sợ người ta giới thiệu tôi kèm theo cụm từ "con của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, cháu của nhà văn Kim Lân" nữa. Tôi có một cái nền chắc chắn để bay, và những ảnh hưởng của tôi từ ông, từ mẹ, từ các cậu trong nghệ thuật chắc chắn là có. Vấn đề là tôi sử dụng những ảnh hưởng đó như thế nào để luôn là chính mình".

Thật dễ để nói yêu một người ruột thịt của chính mình. Nhưng để biến tình yêu thành hành động, thành tác phẩm nghệ thuật thì lại là câu chuyện không chỉ của tình yêu, mà còn là của tài năng. Hiền Minh có cả hai điều đó. Đó cũng là lý do để cô có nhiều công chúng trong một triển lãm tưởng như rất riêng tư, như là chỉ để dành riêng cho chính mình…

Bình Nguyên Trang
.
.