Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (2018-2020): Họ xứng đáng được hy vọng

Thứ Năm, 13/08/2020, 12:33
Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm đã kết thúc thành công tốt đẹp. Công chúng tin tưởng rằng, sau cuộc thi này, các nhà văn sẽ tiếp tục cố gắng cống hiến cho bạn đọc nhiều tác phẩm hay và mới mẻ, đúng như tên gọi cuốn sách tuyển tập các truyện ngắn vào vòng Chung khảo - Họ xứng đáng được hy vọng!


Một sân chơi văn chương sòng phẳng

Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội mà văn chương không phải là một ngoại lệ. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch, ngày mùng 7-8 vừa qua, thay vì một buổi lễ hoành tráng, công phu như sự chuẩn bị chu đáo và dự tính ban đầu, tạp chí Nhà văn và Tác phẩm đã chọn phương án tổ chức trao giải giản dị và ấm cúng tại trụ sở cơ quan với số lượng dưới 30 khách mời tham dự.

Vài năm gần đây, các cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... tưng bừng nở rộ như minh chứng cho mệnh đề mà ai đó từng nhận định: “Văn chương chưa bao giờ mất đi sự quyến rũ riêng có của nó”. Các cuộc thi phần nào chính là chất xúc tác quan trọng kích thích tư duy sáng tạo và sự dấn thân của người viết. Từ các trang mạng xã hội, câu lạc bộ, tỉnh thành, ban ngành, đoàn thể đến những tờ báo, tạp chí văn chương hàng đầu, đâu đâu cũng thấy cuộc thi mọc lên dày đặc. Cuộc thi này “chồng chéo” cuộc thi kia tạo nên sức cạnh tranh đầy thách thức và thẳng thắn. Điều đó khiến giới chuyên môn băn khoăn đặt ra câu hỏi: Liệu chất lượng có tỉ lệ thuận với số lượng?

Giữa sự hoài nghi vàng - thau lẫn lộn ấy, Cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm ra đời như lời khẳng định chắc nịch về một giá trị văn chương đích thực và đẳng cấp. Được phát động từ tháng 2-2018 và kéo dài đến hết ngày 31-12-2019, Cuộc thi thực sự là sân chơi văn chương sòng phẳng, gay cấn và có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi của đông đảo cây bút chuyên cũng như không chuyên từ khắp mọi miền đất nước và một số tác giả đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài. Tạp chí chưa có trang web riêng. Nhưng không vì thế mà Cuộc thi giảm đi độ “hot”. Mỗi số tạp chí ra lò đều được độc giả hồi hộp, háo hức đón chờ.

Trong bài tổng kết về Cuộc thi, nhà văn Văn Chinh, người luôn theo sát hành trình của các tác giả dự thi thống kê: “Đã có hàng ngàn bản thảo được gửi về tòa soạn, hầu hết được gửi qua email, một số in ra cả quyển, nhiều người mang đến trực tiếp. Mỗi số tạp chí in chừng 10 truyện, như vậy là chúng tôi phải đọc gấp bốn, năm lần hơn thế. Mệt, mắt mỏi đờ, nhưng vui. Không mấy hôm không có tiếng reo, sự trầm trồ về một bản thảo biên tập viên vừa phát hiện ra. Chính là trong suốt hai năm nhận bài, biên tập, đọc duyệt rồi dàn trang mà chúng tôi “phát hiện lại” một quy trình qua lại của văn chương: Cái hay gọi cái hay, cái hay khích lệ công việc để nó trở thành nguồn cảm xúc và làm người ta tốt hơn”.

Đại diện BTC trao giải cho các tác giả (Nguồn ảnh nhà thơ Hữu Việt).

Cuộc thi không hạn chế đề tài và dung lượng tác phẩm. Vì lẽ đó đã khơi dậy được nguồn cảm hứng tự do sáng tạo cho các nhà văn dự thi thỏa sức khai thác đa dạng các mảng đề tài khác nhau: Về nông thôn “Bên đường có cái đầm nước”, “Một trang sử làng”, “Hõm Đất”..., về lịch sử “Bức họa ánh sang”..., về miền núi “Kiều mạch trắng”…, về văn hóa, tâm linh “Giọt lệ Nam Xương”, “Bồ kết về đồng”, “Hoa gạo đáy hồ”..., về chiến tranh và hậu chiến “Người bán dưa Thanh Bình”, “Mùa đã đi qua”, “Ám ảnh màu”, “Nước mắt thời gian”..., về LGBT “Xác đá”, “Giấc mơ con gái”, “Điều ước muộn màng”... Mỗi nhà văn đều mang đến cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều, sâu sắc, sinh động và giàu cung bậc cảm xúc.

Song song với sự đa dạng về đề tài, nội dung là sự phong phú về bút pháp, hình thức thể hiện: Hiện thực, hiện thực huyền ảo, siêu thực, dòng ý thức... Tạp chí luôn “khích lệ cái mới và trân trọng cái hay; đón nhận cách tân và giữ gìn truyền thống”. Trong cuộc “so găng” về kỹ thuật truyện ngắn, những nhà văn thành danh đã chứng minh được phong độ ổn định và tay nghề điêu luyện, nhuần nhuyễn. 

Chẳng hạn như Y Ban với “Có thể có, có thể không”, “Con yêu tinh”, Lê Hoài Lương với “Nghề vớt xác”, “Người bọ chét”, Phan Đình Minh với “Viên đá trên gò Giá Ngự”, Nguyễn Trí với “Thứ thiệt bến tắm ngựa”, “Có ai không?”, Thiên Sơn với “Cây Mạ Ly huyền bí”, Trần Nhã Thụy với “Con ngựa trong phòng ngủ”, “Chết lúc 9 giờ sang”...

Những cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X hoặc mới viết chưa lâu như Nguyễn Hải Yến, Bảo Thương, Phan Đức Lộc, Phạm Thúy Quỳnh, Nguyễn Hồng... bước đầu đã có sự nhập cuộc đầy năng lượng và tính thể nghiệm. Đến với tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, sẽ không còn tồn tại một ranh giới nào ngăn cách ngoài sự cạnh tranh phân minh về chất lượng tác phẩm. 

Như trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Văn Chinh quả quyết: “Tôi, Trưởng ban Sơ khảo thú thật với các bạn rằng, tôi rất ghét thiên vị (vùng miền, giới), thiên vị tuổi tác giả (với Nhà văn và Tác phẩm, dù 19 hay 90 tuổi, cứ hay là trao giải), cũng ghét gout hẹp của các ban Chung khảo ở đó, ở đây. Vì lòng tin của các bạn, chúng tôi gắng hết sức để làm những kẻ công chính của cái Đẹp!”.

Với sự thẩm định của Hội đồng Chung khảo là các nhà văn tên tuổi trên văn đàn như Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Văn Chinh, Đặng Huy Giang, Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 đã tìm ra được những chủ nhân xứng đáng cho các giải thưởng, bao gồm: 2 giải Nhất thuộc về Nguyễn Hải Yến với chùm truyện “Cửa sông thiên đường”, “Hoa gạo đáy hồ”, Phạm Lưu Vũ với chùm truyện “Chiếc khoen đồng”, “Giọt lệ Nam Xương”; 2 giải Nhì thuộc về Lê Hoài Lương với chùm truyện “Nghề vớt xác”, “Người bọ chét”, Trung úy Công an Phan Đức Lộc với chùm truyện “Xác đá”, “Giấc mơ con gái”; 

3 giải Ba thuộc về Nguyễn Hiệp với chùm truyện “Một trang sử làng”, “Dự án chôn dọc”, Bảo Thương với chùm truyện “Mùa đã đi qua”, “Tháng Mười củi khô”, Phạm Thị Toán với truyện “Người bán dưa ở Thanh Bình”; 5 giải Ba thuộc về Tống Ngọc Hân với truyện “Kiều mạch trắng”, Ninh Nguyễn với truyện “Đàn ông đều có bàn chải”, Phan Đình Minh với truyện “Viên đá trên gò Giá Ngự”, Ninh Kiều với truyện “Đôi giầy”, Nguyễn Duy Liễm với truyện “Nước mắt thời gian” và 1 giải Đặc biệt cho Y Ban với truyện “Con yêu tinh”.

Đến dự Lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu: “Tôi xin chúc mừng các tác giả. Đối với các giải Nhất, Cuộc thi đã khẳng định những giá trị đã có của hai nhà văn Phạm Lưu Vũ, không chỉ viết văn mà còn làm thơ, một tài năng rất đa dạng, Nguyễn Hải Yến cũng từng đoạt giải của Hội Nhà văn. Và phát hiện nhiều tác giả mới. 

Các nhà văn đoạt giải không chỉ chinh phục được đồng nghiệp, những người rất khó tính mà còn đến được với độc giả. Điều đó là rất khó. Bởi không ít những nhà văn đoạt giải thưởng này hoặc giải thưởng kia thì chỉ đến được với các vị giám khảo thôi rồi ngủ yên trong lòng các vị giám khảo, mà quên cần phải chạy tiếp nữa tới cái đích cần tới là bạn đọc. Ở đây, các anh chị đã tới được một lúc cả hai là Hội đồng chuyên môn và đặc biệt là các bạn đọc”.

Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm đã kết thúc thành công tốt đẹp. Công chúng tin tưởng rằng, sau cuộc thi này, các nhà văn sẽ tiếp tục cố gắng cống hiến cho bạn đọc nhiều tác phẩm hay và mới mẻ, đúng như tên gọi cuốn sách tuyển tập các truyện ngắn vào vòng Chung khảo - Họ xứng đáng được hy vọng!

Nhà văn Nguyễn Trí Huân; Nhà văn Văn Chinh; Nhà văn Y Ban; Nhà văn Nguyễn Hải Yến; Tác giả trẻ - Trung úy Phan Đức Lộc.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân (Tổng biên tập, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo): Văn chương cũng đang sống ở những giới hạn mong manh

“Thực ra, chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện cho một buổi Lễ trao giải thật trang trọng ở Hội trường Hội Nhà văn hoặc Bảo tàng Văn học Việt Nam. Nhưng theo sự khuyến cáo của nhiều nhà văn, chúng tôi đã thay đổi, tổ chức một buổi Lễ trao giải thật giản dị tại trụ sở chật hẹp của Tạp chí. Chật hẹp nhưng quen thuộc với nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam. Và bởi chúng ta đang sống giữa giới hạn rất mong manh của sự lây nhiễm bất chợt.

Tôi đã có buổi làm việc với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi báo cáo với ông về cuộc thi, về địa điểm tổ chức trao giải thưởng. Ông đánh giá cao kết quả của Cuộc thi: “Tôi đã đọc tất cả các tác phẩm đoạt giải, tôi hoàn toàn đồng ý với Ban Tổ chức, Ban Chung khảo”. Người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam còn nhận xét thêm: “Đã rất lâu rồi, chúng ta mới có một Cuộc thi đạt được kết quả như vậy”.

Trong phiên họp cuối cùng của Hội đồng Chung khảo có sự tham gia của hai nhà văn nổi tiếng trong thể loại truyện ngắn là Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái đều thống nhất một trong những thành công của Cuộc thi là phát hiện được nhiều tác giả mới, và tuổi đời còn rất trẻ như Nguyễn Hải Yến, một cây bút trong lực lượng Công an đó là Trung úy Phan Đức Lộc, Bảo Thương... Ví dụ là sự tái khẳng định của các tác giả xuất hiện đã lâu nhưng lẩn khuất và im lặng như Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Tham Thiện Kế... Tôi xin được nhắc lại lời của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cuộc thi của Tạp chí đã đạt được thành công về nhiều mặt”.

Nhà văn Văn Chinh (Thư ký tòa soạn, Ủy viên Hội đồng Chung khảo): Tài năng vẫy gọi tài năng

“Khi làm cuộc thi này, tôi mới hiểu ra một điều hết sức đơn giản là tài năng vẫy gọi tài năng, tài năng tạo ra môi trường chung để sinh nở ra tài năng mới. Cuộc thi của chúng tôi đã tìm được 7 tác giả vào giải cao. Trong đó, chúng tôi đã phát hiện ra Nguyễn Hải Yến. Chị viết về nông thôn, về ma và người. Nhiều người bảo, ma thì Nguyễn Dữ và Bồ Tùng Linh đã viết mấy trăm năm trước rồi. Hay viết về nông thôn thì Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Ngọc Tư đã viết “nát” ra rồi. Nhưng Nguyễn Hải Yến có một đóng góp riêng. Chúng tôi hình dung cái ma trong văn Nguyễn Hải Yến, nếu họ còn sống thì họ sẽ tiếp tục những điều họ nói và họ nghĩ như thế.

Một niềm tự hào nữa của Cuộc thi, chúng tôi không dám nói đã phát hiện ra Phạm Lưu Vũ. Bởi anh đã nổi tiếng từ lâu trên văn đàn, nhất là đời sống ma. Nhà văn Tạ Duy Anh còn gọi đây là Phạm kỳ nhân. Khi tôi đăng 4 truyện gồm 2 giải Nhì và 2 giải Ba lên Facebook, anh đều có comment. 

Ví dụ: truyện “Nghề vớt xác” của Lê Hoài Lương, anh nói rằng: “Viết quá giỏi, mỗi tội hơi dài”. Hay truyện “Xác đá” của tác giả trẻ Phan Đức Lộc thì anh ấy nhận xét: “Truyện hay một cách bạo liệt”. Truyện “Tháng Mười củi khô” của Bảo Thương thì anh bình luận “Hay, âm u, cái sai lầm đến mức không còn chỗ cho sự sám hối”. Và truyện “Một trang sử làng” của Nguyễn Hiệp, anh ấy khen: “Viết rất xuất sắc và hay”.

Thế nên, tôi dẫn chứng một người cùng dự giải đánh giá thay cho lời nhận xét của chính tôi. Tôi tự nhận xét thì thành ra mình tự khen mình. Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm có một ưu việt đặc biệt, ấy là tính liên tài. 

Ngay trong thời gian “đang thi”, Bảo Thương và Nguyễn Hải Yến đọc Facebooker Phan Đức Lộc thấy hay, bảo có cuộc thi như thế và cho email để Lộc gửi. Có thể nói chính xác hơn là Cuộc thi đã phát hiện ra Phan Đức Lộc, chàng trung úy 25 tuổi ở Công an huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Cuộc thi ở đây bao gồm chúng tôi - Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm và những người cùng dự thi. 

Có một điều đáng kể nữa là Mai Tiến Nghị, ở Nam Định cũng là một người dự thi và đã in hai chùm, mỗi chùm hai truyện. Khi anh đọc truyện “Xác đá” của Phan Đức Lộc thì anh mới comment ở dưới là: “Chúc mừng anh Phan Đức Lộc, rất xứng đáng”. Tức là người dự thi đánh giá về sản phẩm của người cùng dự thi.

Tôi xin nói thêm về Phạm Lưu Vũ, kỳ nhân. Anh đã nổi tiếng từ lâu. Chúng tôi đã có công lôi anh ấy vào dòng chính thống và khi chính thống, anh lập tức chính thống một cách chuyên nghiệp. Truyện “Chiếc khoen đồng” của anh ấy viết rất hay và rất đúng về bản sắc, huyết khí của một dòng họ, suy rộng ra là cả một dân tộc, lúc thăng, lúc trầm nhưng rồi cuối cùng, như dân gian nói “Đất có gấu thì gấu mọc”. Cái nguyên khí quốc gia không bao giờ biến mất. 

Truyện thứ hai, ghê gớm hơn là Giọt lệ Nam Xương. Tất cả chúng ta đang lo lắng về biển Đông, về biên giới, về dịch COVID. Chúng ta đang bắt đầu lo lắng một cái gì đó lớn hơn ngoài ngoài miếng cơm, manh áo của mình, đấy là lẽ tồn vong, hưng suy của một dân tộc. Và theo Phạm Lưu Vũ, cứ những lúc như thế thì bao giờ thần linh, linh khí của quốc gia cũng sẽ hiển hiện. Một khi kẻ thù, bao gồm nội xâm, ngoại xâm nếu làm cho linh khí ấy rơi một giọt lệ thì lập tức sẽ sinh ra những người như Thánh Gióng hay các tài năng khác để dẹp loạn và chống ngoại xâm”.

Nhà văn Y Ban (giải Đặc biệt): Hãy để các tác phẩm so tài với nhau

“Cuối năm 2018, tôi viết truyện ngắn “Có thể có, có thể không” dài 9.000 chữ. Tôi khá tâm đắc với truyện ngắn đó nên tìm cách in. Tôi biết không báo nào in truyện ngắn đó vì nó quá dài. Tôi bèn cầm đến tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Nhà văn Văn Chinh đọc rất nhanh, chốt in. Khi Tạp chí xuất bản, tôi mới biết tạp chí đang có cuộc thi truyện ngắn. Tôi nhận được nhiều phản hồi của anh chị em đồng nghiệp. Nhà văn Lê Minh Khuê nói với tôi: “Y Ban viết về tâm linh, cúng bái chông chênh giữa đời sống thật và cõi âm giỏi thật”.

Tháng 4-2019, nhà xuất bản Trẻ in tập “Có thể có, có thể không”, nhà văn Văn Chinh trao đổi với tôi, in vào tập là phạm quy, không được xét giải. Tôi cười nói với anh: “Việc anh in “Có thể có, có thể không” của em không bỏ một dấu chấm, dấu phẩy lại còn làm sang cho truyện ngắn đó khi sửa cho em tên nhân vật là Châm sang Trâm và đít tôn sang đích tôn là em đã đoạt giải rồi”.

Sau khi dự trại ở Phú Yên về, tôi viết thêm “Con yêu tinh”, lại được in trọn vẹn. Tôi có một suy nghĩ, tên Y Ban quá quen thuộc với bạn đọc trong hơn 30 năm rồi, mỗi cuộc thi đều có kỳ vọng tìm ra tên tác giả mới, tác phẩm mới. Tuy nhiên, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo có cái lý riêng của họ, trong khuôn khổ một cuộc thi thì những tác phẩm so tài với nhau chứ không phải là các tên tuổi. Để cuối cùng, cái tên Y Ban vẫn được vinh danh với truyện ngắn “Con yêu tinh”.

Nhà văn Nguyễn Hải Yến (giải Nhất):

“Trước khi tham dự Cuộc thi này, tôi đã có lúc rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang. Không định hình được hướng đi tiếp cho đam mê của mình. Đó là khi những truyện ngắn tôi viết đi không có một dòng hồi âm có nguyên nhân. Có thể do nó dài. Nó khó tiếp cận. Tôi cứ băn khoăn mãi không biết có phải mình không biết viết, và phải viết thế nào? Khi tôi biết đến Cuộc thi truyện ngắn bên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, tôi nghĩ, hay mình gửi truyện sang bên đấy? Tôi cũng đã đắn đo nhiều lần, vì nghĩ, một tạp chí sang trọng, đẳng cấp văn chương cao như thế, mình chỉ là con bé tỉnh lẻ tập viết văn, gửi vào đấy sợ nhiều điều.

Nhưng sau này, thực sự phải nói đến tấm lòng liên tài và chữ duyên khi chính nhờ các nhà văn đàn anh thúc giục, tôi mới dám gửi truyện ngắn dự thi. Lòng vẫn rất lo lắng. Thế nhưng, thật may mắn cho tôi khi tạp chí đã hồi âm ngay và in liền một lúc chùm ba truyện ngắn đầu tiên của tôi. Được xuất hiện trên tạp chí là một niềm hạnh phúc lớn. Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ cho tôi có động lực viết, để nuôi tiếp đam mê. 

Nói thật, nếu không có tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, không có Cuộc thi truyện ngắn, không có tấm lòng trân trọng yêu thương của các bậc đàn anh thì mãi mãi, tác phẩm của tôi im lặng nằm trong một xó máy tính nào đó, rồi bị bỏ quên”.

Tác giả trẻ - Trung úy Phan Đức Lộc (giải Nhì):

“Tôi là một người lính hình sự, tôi công tác tại Công an huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên. Từ bé tôi đã mê văn chương. Thật may mắn và hạnh phúc khi chùm truyện ngắn của tôi được Hội đồng Chung khảo chấm giải Nhì. Đặc biệt hơn, đây là chùm truyện viết về đề tài LGBT khá dữ dội với hai bối cảnh, không gian hoàn toàn khác biệt. 

25 tuổi, tôi còn quá trẻ và chưa có gì ấn tượng để nói nhiều về mình, về những giấc mơ vẫn đang ấp ủ. Tôi chỉ muốn gửi một lời cảm ơn chân thành đến quý Tạp chí, quý bạn đọc và tấm lòng cao đẹp của những nhà văn đàn anh, đàn chị, vì văn chương mà quan tâm, bao bọc, động viên, khích lệ tôi, không một chút mảy may toan tính. Họ đã mang đến cho tôi cảm giác thân thiết, an nhiên và ấm áp của một gia đình - gia đình Nhà văn và Tác phẩm”.

Nhà văn Phạm Thị Toán (giải Ba):

“Là biên tập viên ở một tờ báo văn nghệ địa phương (Báo Văn nghệ Đồng Tháp), công việc cuốn hút nên tôi viết truyện ngắn ít. Khi nghe tin Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm phát động Cuộc thi, tôi mạnh dạn gửi bài với mong muốn học tập kinh nghiệm và có điều kiện làm quen với các bạn văn ở mọi miền đất nước. 

Trước đây, tôi là kĩ sư thủy sản, thuộc cán bộ “tăng cường” cho tỉnh vào những năm đầu 80. Và sau đó tôi đã gặp “một nửa” của đời mình, là một nhạc sỹ sinh ra và lớn lên tại vùng sâu Tháp Mười. Hơn bốn mươi năm gắn bó với mảnh đất này, tôi “vỡ” ra nhiều điều mà trước đây, tôi chưa từng nghĩ đến. 

Bởi trước năm 1975, cả miền Nam rên xiết dưới ách đô hộ hết Pháp rồi Mỹ, cùng bè lũ tay sai. Nhiều người dân dính líu tới chế độ cũ. Có những kẻ tự giác đứng vào hàng ngũ của chúng, đàn áp cách mạng nhưng đa phần bị chúng bắt buộc phải theo, vì lý do này hay lý do khác. Có gia đình một nửa theo địch, nhưng một nửa theo cách mạng hoặc đi tập kết…

Chiến tranh kết thúc. Sau ngày 30-4-1975 những chỉ huy, sĩ quan, khá nhiều di tản khỏi đất nước, còn lại không ít binh sĩ ngụy ở lại trong một triệu quân thuộc lực lượng chế độ cũ ấy. Hơn bốn mươi năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, họ đã hòa mình cùng dòng chảy dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước để ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Điều này không thể phủ nhận. Xuất phát từ suy nghĩ trên, tôi đã viếtra truyện ngắn Người bán dưa ở Thanh Bình”.

Tôn Nữ Khả Di (tổng hợp và thực hiện)
.
.