“Cuộc thi truyện ngắn chờ đợi những làn gió mới”
- “Tràng Phan” đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ
- Phát động cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ Việt hiện đại
- Tạp chí VNQĐ tổ chức cuộc thi truyện ngắn (2013-2014)
- Tuần báo Văn nghệ phát động cuộc thi truyện ngắn 2011-2012
Pv Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng ban Chuyên đề, Báo Công an nhân dân.
- Là nhà văn phụ trách mảng Văn xuôi của Báo Văn nghệ Công an, nhà văn Nguyễn Thế Hùng có những nhận định như thế nào về các cuộc thi truyện ngắn do các báo, tạp chí tổ chức gần đây?
+ Có thể thấy rằng, chưa có giai đoạn nào như giai đoạn hiện nay trên các báo, tạp chí lại có nhiều cuộc thi văn chương đến vậy. Từ các báo chuyên về văn hóa văn nghệ, đến các báo không mấy liên quan đến văn hóa văn nghệ cũng tổ chức thi. Tôi cũng không biết đó là điềm lành hay điềm suy cho văn học nghệ thuật. Cái lạ của báo chí nước mình là dù báo chuyên về lĩnh vực gì không cần biết, cứ thỉnh thoảng phải chêm vào một vài bài thơ, một vài truyện ngắn, một vài tản văn.
Lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn Quà tặng từ cuộc sống- Ảnh có tính chất minh họa. |
Việc rầm rộ tổ chức các cuộc thi có lẽ cái được nhất là tạo động lực cho những người viết văn, ai thấy phù hợp ở sân chơi nào thì vào sân chơi ấy, nhưng thường diện rộng thì ít có đỉnh cao. Các cuộc thi gần đây hình như chưa chọn được đỉnh, dù có những giải Nhất, giải Nhì đã được trao. Điều này chúng ta thấy rất rõ qua các cuộc thi hoa hậu hiện nay, bây giờ nhiều hoa hậu quá, chả nhớ được ai với ai. Cái được là nhiều người được thử sức trên các đấu trường nhan sắc, nhưng cái mất là nhiều quá sẽ nhàm và dễ lẫn.
- Theo nhà văn, điều gì đã khiến các báo, tạp chí liên tục mở ra các cuộc truyện ngắn như vậy? Tại sao lại cần các cuộc thi truyện ngắn, thưa anh?
+ Các báo, tạp chí chuyên về văn hóa văn nghệ tổ chức các cuộc thi là nhằm thu hút tác giả giỏi, tác phẩm hay về với báo mình, qua đó tạo được thương hiệu của tờ báo. Uy tín của một tờ báo chính là có các tên tuổi nhà văn, nhà thơ in trên tờ báo đó. Còn các tờ không chuyên về văn hóa văn nghệ mà mở cuộc thi thì theo suy nghĩ của riêng tôi, họ cũng muốn tạo thương hiệu cho tờ báo. Nếu trông chờ vào những bài báo hay, những phóng sự tốt, những phát hiện mới… để tạo thương hiệu cho tờ báo thì vô cùng khó và cần lâu dài.
Còn với văn chương, một cuộc thi đôi khi chỉ có một năm, nhưng nếu may mắn, có được một tác giả, một tác phẩm hay thì có thể nói ngay lập tức tờ báo đó sẽ được thăng hạng trong làng báo. Nói thế không phải là hạ thấp văn chương, mà rõ ràng, văn chương nghệ thuật vẫn dễ nổi hơn là báo chí chính luận, vì hình như người Việt Nam ta duy tình, nên văn chương dù hay, dù dở vẫn có đất sống.
- Sau mỗi cuộc thi đã thu nhận những kết quả ra sao, thưa nhà văn?
+ Chúng ta đã làm phong phú hơn về đề tài, về đội ngũ những người viết văn, đời sống văn chương từ đó cũng nhộn nhịp hơn. Như trên đã nói, khi có diện rộng thì hiếm có đỉnh cao, rõ ràng rằng, thời gian vừa qua có nhiều cuộc thi, nhiều giải thưởng được trao, nhưng để nhắc đến một truyện ngắn hay, ấn tượng thực sự thì khó lắm thay.
Có nhiều lý do, như do ảnh hưởng của các phương tiện nghe nhìn, do văn hóa đọc xuống cấp, do Internet…thì chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, thời gian qua chưa có nhiều tác phẩm văn học hay, đáng chú ý, đáng đọc. Tài năng bao giờ cũng hiếm, tài năng trong lĩnh vực sáng tạo văn chương lại càng hiếm. Bây giờ để tìm được những tác phẩm như của Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp thật khó lắm thay…
- Những cây bút mới nào được phát hiện từ sau những cuộc thi sáng tác truyện ngắn? Theo nhận định của nhà văn thì họ có triển vọng theo nghiệp viết lâu dài không?
+ Điều này thật khó có một nhận định chuẩn xác, vì thú thực là tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều nhà văn trẻ và trong số họ không ít người chỉ xem văn chương như những cuộc chơi, chơi chán thì lại tìm một cuộc chơi mới, một sân chơi mới. Khi họ xác định văn chương là cuộc chơi thì sẽ đến lúc họ chơi chán họ có nhiều sự lựa chọn ở các cuộc chơi khác. Bởi vì xã hội bây giờ có nhiều sự lựa chọn, có nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng hấp dẫn không kém.
Nhà văn trẻ bây giờ ngoài khả năng viết lách, họ còn có thể vẽ tranh, viết báo. Khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta khó có thể tìm được một nhà văn “bề thế”. Hay phải cần đến độ lùi của thời gian? Chúng ta hãy chờ đợi vậy.
- Quan trọng nhất là từ những tác phẩm đạt giải thưởng cao từ các cuộc thi về văn chương, những cây bút mới đã đóng góp được gì trong dòng chảy văn học đương đại?
Về văn học sử sẽ nhắc đến tên họ và các tác phẩm của họ và đã gọi là dòng chảy thì nó giúp cho dòng chảy không bị ngắt đoạn. Đỉnh cao thì chắc vẫn đang còn ở phía trước. Tôi vẫn hi vọng những cây bút đạt giải thưởng từ các cuộc thi, họ sẽ giữ được ngọn lửa đam mê để cống hiến, sức viết luôn bền bỉ, có nhiều ý tưởng để bứt phá, luôn làm mới mình.
Trung tá - nhà văn Nguyễn Thế Hùng trong một chuyến công tác tại Trường Sa. |
- Nhà văn Nguyễn Thế Hùng mong muốn điều gì ở những cuộc thi truyện ngắn từ góc độ là người chuyên theo dõi mảng văn xuôi này?
+ Cách đây mấy năm, tôi đã có một bài viết về điều kiện cần và đủ để có một cuộc thi thành công. Về khách quan là đối với người dự thi và tác phẩm dự thi thì chúng ta không can thiệp sâu được, nhưng về chủ quan đó là khâu tổ chức thì ta có thể làm được. Điều đầu tiên là chọn Ban giám khảo. Giám khảo nào thì chất lượng đó.
Khi chọn được giám khảo, giám khảo chọn được tác phẩm hay rồi thì nên công khai trên báo và viết rằng: “Những tác phẩm này đã vào chung khảo, mong được độc giả đọc và cho ý kiến góp ý, cần thiết thì cho điểm”. Làm như thế điều đầu tiên là có thể phát hiện được các tác phẩm dính nghi án đạo văn, cầm nhầm tác phẩm dự thi, điều thứ đến làm một kênh tham khảo rất tốt để Ban tổ chức và Ban giám khảo tham khảo.
Tóm lại là minh bạch, mọi sự minh bạch đều sẽ tốt hơn là không minh bạch. Tôi tin rằng, với những yếu tố trên, nếu tiếp tục mở ra các cuộc thi truyện ngắn trong những năm tiếp theo thì có lẽ chúng ta sẽ tìm ra được những cây bút mới triển vọng. Chúng ta vẫn đang chờ đợi.
- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Thế Hùng. Hi vọng cuộc đối thoại cùng nhà văn Nguyễn Thế Hùng đã cho chúng ta có những nhận định khách quan về các cuộc thi truyện ngắn đã, đang và sẽ diễn ra trên các diễn đàn văn nghệ. Từ những kết quả mang lại từ các cuộc thi, hi vọng những cây viết đạt giải sẽ thúc đẩy sự phát triển mảng văn xuôi, có những đóng góp mới cho văn chương đương đại.