Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 6: Khép lại mùa khuấy đảo của sức trẻ

Thứ Bảy, 29/12/2018, 08:43
So với 5 mùa giải trước, cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần này sở hữu số thí sinh lọt vào chung khảo và đoạt giải có tuổi đời trung bình trẻ nhất: 24 tuổi! Nhìn lại các mùa giải, tuổi đời thí sinh ngày càng trẻ hóa. Và với sức trẻ, họ tung hoành ngòi bút đầy tính thể nghiệm, chất ngất cái tôi khác biệt.


Những gương mặt trẻ đầy nội lực

Kéo dài trong 3 năm (từ 2015 đến 2018), cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6 đã chính thức khép lại bằng lễ tổng kết và trao giải diễn ra vào ngày 23-12 tại hội trường NXB Trẻ. Xoay quanh chủ đề "Viết về cuộc sống của giới trẻ hiện nay, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động", đây là mùa giải mà cuộc thi “Văn học tuổi 20” nhận số bản thảo cao kỷ lục: gần 500 tác phẩm.

Trong đó, chiếm hơn 50% người viết là lứa tuổi 9X, đa số là sinh viên, còn lại là biên tập viên, nhà biên kịch, nhân viên văn phòng, người viết tự do… Rất nhiều người lần đầu tiên tham gia thử sức nhưng đã được đánh giá cao như Maik Cây, Mai Thảo Yên, Hiền Trang, Nguyễn Đình Khoa…

Những cây bút trẻ từng tạo ấn tượng cũng tiếp tục thử thách mình. Đoạt giải khuyến khích với tác phẩm đầu tay "Urem - Người đang mơ" ở “Văn học tuổi 20” lần 5, Phạm Bá Diệp tiếp tục với làm khó mình khi khai thác tín ngưỡng thờ Mẫu với tiểu thuyết kỳ ảo "Yagon - Những kẻ vô cảm".

Các tác giả trẻ đoạt giải tại cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 6.

Điều làm cho giới yêu văn chương ngạc nhiên là cuộc thi lần này không có giải nhất mà chỉ có giải nhì. Ngạc nhiên hơn nữa là giải nhì được trao cho cả hai tác phẩm "Wittgenstein của thiên đường đen" của Maik Cây và "Người lạ" của Mai Thảo Yên. Giải ba cũng khiến cả hội trường vỡ òa khi có đến 3 tác phẩm đoạt giải: "Sau những ngày mưa" của Phạm Thu Hà, "Yagon - Những kẻ vô cảm" của Phạm Bá Diệp, "Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa" của Hiền Trang. Riêng giải tư thuộc về  "Chuyến tàu nhật thực" - Đinh Phương, "Cửa sổ phía đông"  - Nguyễn Thị Kim Hòa, "Độc hành" - Nguyễn Đình Khoa, "Nhân gian nằm nghiêng" - Đặng Hằng.

Lý giải về những thay đổi bất ngờ trên, đại diện ban giám khảo là PGS.TS Nguyễn Thành Thi cho rằng, các tác phẩm năm nay chất lượng rất đồng đều. Cuộc thi đã chứng kiến một cuộc đua tranh ngang tài, ngang sức của 20 tác phẩm vào vòng chung khảo vốn vừa đa dạng về đề tài, vừa phong phú về thể loại, vừa khác biệt về nội dung thể hiện.

Khi bình chọn xét giải, có đến… 4 đề cử giải nhất, 4 đề cử giải nhì và 3 đề cử giải ba. Việc chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất vô cùng làm khó ban giám khảo. Mỗi thành viên ban giám khảo phải dành nhiều thời gian để bảo vệ lựa chọn của mình, để tranh luận về lựa chọn của người khác, và hết sức khó khăn để thuyết phục nhau trước khi đi đến kết quả cuối cùng.

Nói theo kiểu giám khảo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là "Vật vã giữa đôi bờ hư thực". Còn giám khảo, nhà văn Nguyễn Bình Phương thì phải thốt lên: "Đôi khi chúng ta có khoái cảm gọi là tự gây khó khăn cho chính mình".

Góc nhìn mạnh mẽ, táo bạo và đầy tính thể nghiệm

Ông Dương Thành Truyền, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá: "Điều khiến các tác phẩm “Văn học tuổi 20” lần 6 khác biệt và hấp dẫn là bởi những góc nhìn mạnh mẽ và thẳng thắn của người viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người và xã hội. Các bạn hầu hết đều thuộc lứa tuổi 20 nhưng có cái nhìn sâu rộng với vốn hiểu biết dày dặn bởi học thức và trải nghiệm. Họ đã đi để khám phá thế giới và khám phá bản thân. Họ khao khát trả lời những câu hỏi "vì sao", "tôi là ai", "thế giới này tại sao như vậy".

Với họ, viết không phải là cuộc chơi mà là cuộc đày ải đi tìm chính mình. Như Mai Thảo Yên tự vấn khi đặt bút viết "Người lạ": "Tôi chọn viết như một cách để soi chiếu những trải nghiệm đã qua. Tôi đã hiểu gì về thế giới này, về bản thể con người? Tôi còn bao nhiêu niềm tin vào tự do, vào lòng chính thiện? Và tôi phải làm gì để dưỡng nuôi trong mình lòng dũng cảm để nhìn thẳng vào cuộc sống, lẫn sự bình an để chấp nhận nó như nó vốn phải thế?

Trong những tháng ngày chênh vênh nhất của tuổi trẻ, việc viết câu chuyện này trở thành điểm tựa giúp tôi tìm lại thăng bằng và sự cứu rỗi". Như Maik Cây tâm sự: "Khi viết "Wittenstein của thiên đường đen", tôi tưởng tượng mình như một con cá mù bơi trong vùng biển tối - thứ bóng tối cưu mang cả sự suy đồi và khắc kỷ của đời sống, cả niềm hân hoan và nỗi nhục nhằn của việc được sống và phải sống.

Chiêm nghiệm bóng tối ấy trong giả tưởng về một thế giới khác là một nỗ lực khiêm tốn nhằm giải phóng những dòng suy tư riêng mang của tôi và diễn dịch những thế giới hằng vây ráp tôi". Như Đinh Phương mơ hồ và buồn bã kể về nỗi khát khao tìm lại bản ngã của chính mình trong "Chuyến tàu nhật thực".

Một số tác phẩm đoạt giải cao của cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6.

PGS.TS Nguyễn Thành Thi rất vui mừng khi qua cuộc thi lần này đã phát hiện được lớp người viết mới đầy nội lực và triển vọng, tin tưởng những thành quả đường dài của họ sẽ đóng góp cho nền văn học nước nhà.  Lớp người viết mới này có thể nhận diện qua những nét phác thảo như sau. Trước hết, đó là những người trẻ chọn xê dịch làm một phần tất yếu của cuộc sống.

Họ lựa chọn bước ra bên ngoài, ra khỏi những không gian quen cũ, sẵn sàng hòa nhập với xã hội khác, với thế giới khác. Họ khao khát sống có mục đích, có ý nghĩa. Họ muốn là một phần của sự thay đổi và chấp nhận đối diện với mọi đổi thay. Họ gánh lấy trên vai trách nhiệm kép khi vừa làm người kế thừa di sản quý báu của lịch sử vừa thể hiện cảm thức về thời đại phản ánh những nỗ lực vươn lên từ sai lầm đổ vỡ, sự tha hóa quyền lực, sự xuống cấp đạo đức, sự giằng xé xung đột giữa các khác biệt văn hóa, học thuyết, khuynh hướng.

Những người trẻ ấy chọn tri thức làm nền tảng của sức mạnh sáng tác và chọn phá cách làm cảm hứng sáng tạo. Họ tìm kiếm, truy vấn, nghiền ngẫm, đào sâu, khai phá và hệ thống hóa mọi thứ có liên quan đến đề tài mà mình ôm ấp với một sự đam mê cháy bỏng. Họ biến cái biết, cái hiểu thành cái cảm cái ngộ, biến những thứ "lý luận xám xịt" thành "cây đời xanh tươi". Họ tạo nên những điều thú vị, gây bất ngờ với cái nhìn đa chiều, hàm chứa lượng kiến thức vừa phong phú vừa tinh tế từ định luật vật lý đến quy luật tâm lý ("Người lạ" - Mai Thảo Yên, "Wittenstein của thiên đường đen" - Maik Cây), từ lịch sử dân tộc đến văn hóa dân gian ("Yagon - Những kẻ vô cảm" - Phạm Bá Diệp, "Nhân gian nằm nghiêng" - Đặng Hằng), từ câu chuyện kiến trúc, hội họa, thời trang (như tác phẩm "Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa" - Hiền Trang, "Độc hành" - Nguyễn Đình Khoa) đến lý lẽ của tôn giáo, thơ ca, âm nhạc…

Riêng về hình thức, nhà văn Phan Hồn Nhiên không khỏi thán phục: các tác giả đã "vượt qua các đường biên phong cách viết".  Bởi những cây bút trẻ không ngừng đào bới các yếu tố nghệ thuật, dũng cảm tìm kiếm để mang lại hình thức biểu đạt mới, độc đáo, táo bạo. Họ sẵn sàng thể nghiệm với cái tôi đầy cá tính, khác biệt. Họ xóa nhòa đường biên về thể loại, trộn lẫn mọi phương thức diễn đạt có thể có, khiến cho cái cũ cái quen thành cái mới cái lạ. Họ làm nên những trang viết cuốn hút, có phong cách riêng, hiện đại và mới mẻ bằng sức tưởng tượng mạnh mẽ và tái tạo không giới hạn: giữa thực và hư, giữa kỳ ảo và viễn tưởng, giả tưởng, giữa xuyên không và đảo thời…

Theo đuổi mục tiêu phát hiện và đồng hành với các cây bút mới, mùa giải 2021, Cuộc thi "Văn học tuổi 20" sẽ chính thức trở thành Giải thưởng "Văn học tuổi 20" chứ không còn nằm ở định dạng một cuộc thi. Với cách thức mới này, tất cả bản thảo phù hợp với tiêu chí do ban tổ chức đề ra sẽ được chọn in trong tủ sách "Văn học tuổi 20".

Định kỳ 3 năm một lần, hội đồng chung khảo sẽ chọn ra trong số các tác phẩm đã in để xét trao giải. Như vậy với Giải thưởng "Văn học tuổi 20" năm 2021 chủ đề "Tuổi 20 hôm nay: Cuộc sống và góc nhìn", ban tổ chức sẽ bắt đầu nhận bản thảo và chọn in từ ngày 1-1-2019 đến  30-5-2021. Thời gian xét trao giải là từ ngày 30-5 đến 1-10-2021. Ban giám khảo Giải thưởng "Văn học tuổi 20" năm 2021 gồm: PGS.TS Ngô Văn Giá, nhà văn Phan Hồn Nhiên, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo Thúy Nga. Sự thay đổi này là một động thái tích cực đưa cuộc thi ngày càng gần hơn với những người trẻ yêu viết lách, tạo cơ hội cho tác phẩm của họ đến gần hơn với độc giả.

Phan Thi Uyên
.
.