Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc”: Một mùa “mới” và “chất”

Thứ Hai, 11/07/2016, 08:00
Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2016” (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức) vừa khép lại đêm 2-7 tại Nhà hát Quân đội, TP Hồ Chí Minh. Ba đêm thi sôi nổi đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng là các tác phẩm đặc sắc, mới mẻ, pha trộn tuyệt vời giữa hơi thở truyền thống và tinh thần đương đại. 


Giới chuyên môn nhận định: chưa mùa nào số lượng thí sinh và tác phẩm tham gia nhiều như năm nay, cũng chưa mùa nào chất lượng tác phẩm lại đồng đều như lần này. Hơn 30 biên đạo trẻ chuyên và không chuyên mang đến 30 tiết mục với sắc màu đa dạng từ múa dân gian, truyền thống đến khai thác thể loại múa đương đại, ballet hiện đại, múa cổ điển phương Tây… 

Đề tài tác phẩm cũng vô cùng phong phú như ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa (tác phẩm “Tình lưới”, “Về nhà”, “Tình quê ví dặm”…); đề tài chiến tranh, hậu chiến, hòa hợp dân tộc (“Tình bạn”, “Góc khuất”, “Đời cát”…); khai thác thế giới tâm hồn, những rung động sâu kín của người phụ nữ Việt Nam, thế giới tâm lý con người thời hội nhập...

Yêu cầu giới hạn tối đa số chỉ 5 diễn viên trong mỗi vở múa, để nội dung, thông điệp của tác phẩm nổi rõ, hơn là tính hoành tráng sân khấu. Thí sinh tham dự đều có tuổi đời dưới 33 nhưng tác phẩm chứng tỏ họ không hề “xanh và non”. Thuyết “sắc sắc không không” của Phật giáo được gửi gắm đầy tính biểu tượng trong vở múa “Vô” . 

Chiếc ghế, cái áo tượng trưng cho quyền lực, danh vọng, người trọc đầu, người còn tóc… làm người xem lặng mình trong cõi vô thường có cũng như không, không mà lại có. Diễn viên của vở múa “Dạ cổ hoài lang” không múa trên nền cổ nhạc nguyên bản của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu mà biến tấu, có trường đoạn ngưng nghỉ với tiếng đàn mộc nghe như đứt ruột đứt gan giúp tác phẩm tăng hiệu ứng. Những chiêm nghiệm đời sống khá già dặn đã giúp họ có những tác phẩm thăng hoa, đầy hiện đại nhưng vẫn đậm bản sắc Việt.

Tác phẩm múa “Dạ cổ hoài lang”.

Ngoạn mục hơn cả là “Ru đêm” của Sùng A Lùng. Chính nghệ sĩ cũng không ngờ “Ru đêm” là một trong 4 tác phẩm đoạt Huy chương vàng, vì theo anh “các đối thủ năm nay rất nặng ký, họ được đào tạo bài bản nên chất lượng nghệ thuật và hình thức của vở múa rất cao”.  

Ba tác phẩm còn lại đoạt huy chương vàng là “Cầm giả ca” của Nguyễn Thị Thanh Hằng; “Dạ cổ hoài lang” của Lâm Thanh Thảo; “Góc khuất” của Nguyễn Thế Duy. Trước cuộc thi, Sùng A Lùng tâm sự anh rất hồi hộp khi lần đầu tiên đem tác phẩm tham dự một cuộc thi quy mô như thế này. Dễ hiểu bởi Sùng A Lùng là biên đạo múa chưa qua trường lớp đào tạo nào. Anh tự mày mò học múa từ bạn bè, anh chị đi trước.

Anh đem đến một tác phẩm tự biên tự diễn khiến cả khán phòng sửng sốt. Đó là câu chuyện về một chàng trai người Mông đồng tính, mong muốn một ngày được mặc chiếc váy của dân tộc mình. Anh nâng niu chiếc váy, ngân nga bài hát ru của người Mông. Nhưng đó chỉ là ước mơ vì thân xác anh vẫn là một người con trai. 

Anh thử mặc nó, thử sống hết mình với chiếc váy đó trong đêm để cuối cùng chiếc váy vẫn không thuộc về anh. “Tác phẩm kể chuyện đời tôi và khai thác chính tâm hồn tôi nên tôi không phải gồng khi diễn. Tôi thả mình, công khai hết và cũng rất khó khăn để được mọi người chấp nhận giới tính đó” – A Lùng nói. Bước nhảy trong đêm huyền hoặc làm người ta rùng mình cho số phận trót bị tạo hóa đánh tráo. Tràng vỗ tay vang lên không dứt cho vở múa thấm đẫm tinh thần Mông kết hợp với tư duy ngôn ngữ đương đại thật tiên tiến.

Năm nay, Ban tổ chức cũng mạnh dạn “trẻ hóa” dàn giám khảo. NSƯT Trần Ly Ly là một trong những gương mặt mới bên cạnh các tên tuổi gạo cuội của làng múa như NSND Nguyễn Công Nhạc, NSND Trần Kim Quy…  Giám khảo trẻ nên có suy nghĩ trẻ trung, cởi mở, gần gũi hơn với thí sinh, giúp những biên đạo trẻ có tính đột phá, sáng tạo cao không e dè như mọi năm. Họ bung hết mình để cống hiến, thử nghiệm. Họ dễ dàng chấp nhận cách thể hiện lạ để biên độ sáng tạo mở rộng, nhằm tìm tòi cái hay, cái mới.

Giới chuyên môn mừng vì múa “mới” và “chất” bao nhiêu thì lại buồn vì khán giả thờ ơ bấy nhiêu. Đêm trao giải, công diễn những vở xuất sắc, ghế trống còn rất nhiều, khán giả lèo tèo, chủ yếu là người nhà, bạn bè thí sinh và vài nhà báo. Thông tin về cuộc thi trên truyền thông ít ỏi. Hơn nữa, nhiều khán giả vốn mặc định múa khó hiểu nên ít người đến xem. Đó là nỗi buồn thường nhật của giới nghệ sĩ múa. Để cuộc thi lan tỏa, những tài năng thật sự tỏa sáng và tác phẩm đạt được hiệu ứng mạnh mẽ, phải tìm cách đưa múa đến gần công chúng, chứ không thể mãi theo kiểu “trong nhà đóng cửa múa cho nhau xem”.

NSƯT Trần Ly Ly, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh: Đã xuất hiện tác phẩm định hướng được nghệ thuật múa Việt Nam

Thú thật lúc đầu chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào tác giả trẻ, nhưng thực tế cho thấy đã xuất hiện một số tác phẩm có chất lượng khá cao. Thậm chí, không ngoa nếu cho rằng nó có thể định hướng được nghệ thuật múa nước nhà. 

Cụ thể, theo quan điểm của tôi, một số tác phẩm dự thi lần này định hướng được nền múa đương đại Việt Nam như “Ru đêm” của Sùng A Lùng. Để làm được điều này là vô cùng khó. 

Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên: tại sao cậu chàng biên đạo có thể biểu diễn được một tác phẩm solo với thủ pháp vô cùng dung dị nhưng lại chạm đến trái tim mọi người như thế? Sùng A Lùng định hướng được múa đương đại Việt Nam bởi vì múa đương đại Việt phải mang tâm hồn người Việt, mang cái gì đó đồng cảm với phương Đông nhưng lại không xa rời ngôn ngữ của thế giới. Phát hiện được tài năng này khiến chúng tôi rất vui mừng và cảm động.

“Cầm giả ca” cũng là một tác phẩm solo xuất sắc. Vì múa ít người rất khó. Phải tinh tế, chắt lọc và suy nghĩ thấu đáo bạn mới solo được. Đề tài gì không quan trọng, quan trọng là làm sao qua ngôn ngữ cơ thể của một, hai người kết hợp với đạo cụ, ánh sáng, âm thanh… để đưa đến khán giả hình tượng múa, gửi gắm thông điệp gì đó. 

Đạt được mốc đấy mới là nghệ thuật. Tuy nhiên các bạn còn trẻ nên cái gì cũng ôm đồm đưa vào tác phẩm nên nhiều vở chưa cô đọng. Ngôn ngữ thể hiện thay đổi nhiều cũng không tốt mà cần trung thành với một ngôn ngữ thể hiện vì càng như thế thì tác phẩm càng có chiều sâu.

NSND Nguyễn Công Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: Thế hệ biên đạo trẻ không hề non yếu

So với cuộc thi năm 2014 thì lần này các biên đạo trẻ đã có những bước tiến rõ rệt. Đề tài được lựa chọn rất phong phú đã cống hiến cho khán giả những tiết mục đa dạng, đầy màu sắc và cung bậc cảm xúc khác nhau. 

Việc quy định số lượng diễn viên trong mỗi tác phẩm không hề gây ra khó khăn, hạn chế sự sáng tạo cho các biên đạo trẻ như nhiều người lo lắng. Mà đây chính là thách thức đã được họ hóa giải một cách thông minh, phong phú về thủ pháp xử lý ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm, trang trí kết hợp với xử lý ánh sáng, đạo cụ sân khấu tạo nên hiệu quả không thể phủ nhận.

Các biên đạo trẻ đã tận dụng, nắm bắt thành công của anh chị những mùa thi trước, xây dựng tác phẩm dự thi của mình sáng tạo trong khuôn khổ quy định của cuộc thi. 

Ngôn ngữ dân gian các dân tộc Việt Nam, múa cổ điển châu Âu, tuồng truyền thống… được sử dụng nhuần nhuyễn trong các tác phẩm, mang lại rung động cho khán giả. Nhiều biên đạo đã xử lý âm nhạc một cách bất ngờ, không bị tiết tấu chi phối để thành bài múa minh họa âm nhạc mà tận dụng tốt tinh thần, hình tượng của âm nhạc để khắc họa hình tượng múa một cách bất ngờ.

Quả thật, năm nay mặt bằng tư duy kết cấu tác phẩm của thí sinh tương đối đồng đều và khá chắc tay, việc triển khai ý đồ nội dung, xử lý thủ pháp không hề có bóng dáng của sự ngại ngần. Điều này giúp chúng ta có thể vững tin vào thế hệ trẻ của làng múa.

Mai Quỳnh Nga
.
.