Cuộc săn lùng “tư tưởng đỏ” ở Hollywood

Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:21
Nghịch lý thay, từ khi bắt đầu tồn tại cho đến ngày nay, Hollywood luôn được coi là... thiên tả. Tất nhiên, bây giờ ở đó "màu hồng" nhiều hơn "màu đỏ", nhưng trước kia thì ngược lại. Hàng ngàn người Cộng sản đã làm việc ở Hollywood trong những thập niên 30 và 40.


Chúng tôi đến từ Liên bang Xô viết

Năm 1930, một phái đoàn điện ảnh “nặng ký” từ Liên Xô, do đạo diễn Sergei Eisenstein (tác giả bộ phim “Chiến hạm Pochemkin” nổi tiếng) dẫn đầu, đã đến Los Angeles. Trong phái đoàn có mặt nhà làm phim Aleksandrov, tác giả những bộ phim hài của Liên Xô được đưa vào quỹ điện ảnh vàng thế giới. Những bộ phim hài của ông được dàn dựng theo mô hình Hollywood, chỉ có nội dung là khác nhau.

Đoàn đã đến vì một lý do: quá trình công nghiệp hóa và tập thể hóa đang diễn ra ở Liên Xô, và ngay cả trong ngành điện ảnh cũng cần phải chuyển từ sáng tạo cá nhân sang “sản xuất theo dây chuyền”. Và nơi nào khác ngoài Hollywood, bạn có thể tìm thấy công nghệ làm phim tiên tiến nhất?

Đoàn đã đến theo lời mời của Paramount Studio, và ngay tại Hollywood, Eisenstein sẽ thực hiện một bộ phim theo kịch bản của riêng ông về cơn sốt vàng California. Nhưng ban quản lý xưởng phim đã sợ hãi một điều gì đó và bộ phim này đã không được thực hiện. Sau khi được làm giàu với những kiến thức mới về công nghệ làm phim hiện đại, phái đoàn đã trở lại Liên Xô.

Ngày 20-10-1947, hàng chục nhân vật nghi là cộng sản bị trục xuất ra khỏi Hollywood.

Ủy ban “chống Cộng” của Hollywood

Vào thập niên 1930, Hollywood đã sản xuất nhiều tác phẩm điện ảnh mang tính xã hội sâu sắc, trong đó có bộ phim “Chùm nho nổi giận” (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của văn hào John Steinbeck). Các nhà điện ảnh thiên tả được bảo trợ bởi Eleanor Roosevelt, vợ của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Franklin Roosevelt. Những bộ phim đầy thiện cảm với Liên Xô được sản xuất trong thời gian Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi Roosevelt đột ngột qua đời và Harry Truman trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Việc trấn áp những người cộng sản ở Hoa Kỳ thường được coi là do Thượng nghị sĩ McCarthy chủ xướng và chỉ đạo thực hiện, nhưng thực ra ông ta chủ yếu tham gia vào việc làm sạch bộ máy nhà nước, hoàn toàn không quan tâm đến Hollywood. Bản thân Hollywood đã lập ra một ủy ban riêng để điều tra các hoạt động chống lại nước Mỹ. Ủy ban này bao gồm các diễn viên, nhà sản xuất, nhà phê bình và nhà báo. Một trong những người lãnh đạo của ủy ban là Ronald Reagan, về sau, trong thập niên 1980, sẽ trở thành Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ.

Ủy ban đã đàn áp quyết liệt những người mà họ coi là cộng sản. Trên thực tế, dưới vỏ bọc của những lời yêu nước hoa mỹ, những đồng nghiệp thành công hơn đã bị họ tìm mọi cách hất ra khỏi nghề.

Điều này được miêu tả một cách mỉa mai trong bộ phim “Caesar muôn năm!” (phát hành năm 2016) của anh em nhà Coen, trong đó nhân vật Chening Tatum, người đóng vai chính trong các bộ phim âm nhạc đã buộc phải chạy trốn khỏi đất nước do bị nghi ngờ có liên quan đến cộng sản. Đang đêm, Tatum bơi xuồng ra giữa đại dương rồi chuyển sang chiếc tàu ngầm đang nổi lên với một ngôi sao đỏ rõ ràng trên ụ tháp.

Nhưng trong thực tế, mọi chuyện không được vui như thế - rất nhiều người bị loại khỏi nghề, không  tìm được kế sinh nhai. Họ chỉ có thể duy trì vị trí của mình tại Hollywood bằng cách “ăn năn hối cải” và chỉ điểm những người được coi là cộng sản bí mật. Chẳng hạn, đạo diễn Dmitrik đã hành động như thế, khai ra 26 nhà làm phim “cộng sản”, bao gồm cả bản thân anh ta. Dmitrik được phép quay lại ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng bị các đồng nghiệp tẩy chay triệt để.

Walt Disney, ông trùm phim hoạt hình của Mỹ, cũng tích cực lên án “những hoạt động cộng sản” ở Hollywood. Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ Eric Johnston nói sẽ không có bất cứ người cộng sản nào tìm được công việc trong nghề làm phim: "Họ là một thế lực hủy diệt và tôi không muốn nhìn thấy họ xung quanh mình" - Eric Johnston tuyên bố.

Không chỉ ở Hollywood, các thủ tục tố tụng, điều tra còn diễn ra ở cấp cao nhất - tại Washington, từ năm 1947. Năm 1948, một "danh sách đen" được lập ra và được gọi là "10 cái tên đen của Hollywood" – bao gồm các nhà biên kịch và đạo diễn đã từ chối làm chứng, điều trần trước Ủy ban điều tra của quốc hội. Họ bị kết án một năm tù vì từ chối làm chứng về “các hoạt động cộng sản ở Hollywood”.

Trong những năm sau đó, "danh sách đen" được mở rộng, và ngay cả Charlie Chaplin vĩ đại (người Việt Nam ta thường gọi ông là vua hề Sác Lô) cũng đã buộc phải rời khỏi đất nước. Hàng chục nhà làm phim chuyển đến Mexico hoặc Canada để có thể kiếm sống qua ngày.

Cuộc chiến giành một chỗ đứng dưới ánh mặt trời

Một trong những người nổi tiếng hàng đầu của Hollywood là nhà biên kịch Dalton Trumbo, một chuyên gia kịch bản phim luôn được săn đón, mời chào. Sau khi bị cấm hoạt động trong nghề, ông đã tạo ra một mạng lưới các nhà biên kịch viết dưới bút danh khác cho các hãng phim hạng hai. Chủ các hãng phim này rất hài lòng - họ có cơ hội sử dụng các nhà viết kịch bản chuyên nghiệp tay nghề cao mà chỉ phải trả thù lao mức thấp, điều này mang lại lợi nhuận đáng kể. Không phải ngẫu nhiên mà nhà sản xuất phim nổi tiếng Samuel Goldwyn tuyên bố rằng, để có một bộ phim hay thì cần có ba thứ: kịch bản, kịch bản và kịch bản.

Nhà sử học Mikhail Trofimenkov, chuyên nghiên cứu chủ đề “Hollywood đỏ”, khẳng định rằng, những người cộng sản và cánh tả chiếm số lượng lớn nhất trong số các nhà biên kịch: Hollywood lớn mạnh hẳn lên trong những thập niên 1930 và 1940, rất cần nhân sự nên đã tuyển mộ người từ hệ thống nhà hát kịch Broadway, nơi có quan điểm cộng sản mạnh mẽ.

Điều đáng chú ý là trong cuộc đàn áp Cộng sản, Ủy ban điều tra các hoạt động chống Mỹ đã không phân biệt giữa những người theo phái Trotsky và người theo phái Stalin, vì thế trừng phạt cả hai phía. Cũng cần biết rằng những nghi ngờ của ủy ban không phải là vô cớ.

Đặc biệt, trong các khóa học, các diễn viên trẻ đã được dạy để tiếp cận với những vai diễn có quan điểm giai cấp, và nhiều nhà làm phim thực sự là thành viên của Đảng Cộng sản Mỹ, được Liên Xô hỗ trợ. Những người đào thoát KGB tuyên bố rằng, trong số những người được Liên Xô phân công hoặc cử sang Hoa Kỳ để hỗ trợ Đảng Cộng sản nước này, chỉ có 10% thực sự làm gián điệp hoặc tham gia các hoạt động phá hoại ngầm, phần còn lại dành cho việc tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật mang nội dung thân Liên Xô và ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Trở lại với nhà biên kịch Dalton Trumbo. Ông chỉ có thể viết kịch bản một cách công khai vào thập niên 1960, cụ thể là kịch bản “Spatacus” mà theo đó, đạo diễn Stanley Kubrick đã làm nên một bộ phim kinh điển. Kịch bản phim "Kỳ nghỉ La Mã" thuộc sở hữu của Trumbo, đã nhận được giải Oscar, nhưng bức tượng lại được trao cho một người hoàn toàn khác - người xuất hiện trên bảng giới thiệu ở đầu phim trong tư cách là nhà biên kịch.

Trên thực tế, cuộc đàn áp những người cộng sản ở Hollywood đã chấm dứt vào cuối thập niên 1960, với sự bùng nổ của các hoạt động xã hội quan trọng khác, chẳng hạn phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, vì thế chủ đề “tìm và diệt tư tưởng đỏ của các nhà làm phim ở Hollywood” nguội dần rồi cuối cùng tắt hẳn…

Phạm Bá Thủy
.
.