Cuộc hội ngộ 40 năm của hai nghệ sĩ từng ở hai đầu chiến tuyến

Thứ Tư, 30/05/2012, 08:00

Để có cuộc hội ngộ, Đoàn Công Tính đã thấp thỏm chờ đợi suốt nửa tháng. Nick Út thì hồ hởi cho biết anh phải từ chối hai lời mời tham dự triển lãm, một ở Bonn (CHLB Đức) và một ở Paris (Pháp) vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2012. "Đầu mùa hè, dân Tây đi chơi hết, mở triển lãm bên đó cũng chẳng có mấy người xem. Tôi tranh thủ về bàn lo dự án với anh Tính, có ý nghĩa hơn nhiều" - Nick Út bảo thế...

Báo chí Mỹ đã phải dùng tới những chữ "rung chuyển thế giới" để nói về Nick Út, phóng viên hãng Associated Press (AP).  Bức ảnh "Cô bé  Napan" (Vietnam Napalm Girl) anh chụp tại Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972 đạt giải thưởng ảnh báo chí thế giới và giải Pulitzer năm 1973. Sau này, bức ảnh còn được Đại học Columbia của Mỹ xếp thứ 41 trong số "100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX". Có mặt đúng thời điểm, bấm máy đúng khoảnh khắc, bức ảnh đã đem lại vinh quang cho Nick Út trọn đời, với cả trăm lần tham dự triển lãm ảnh quốc tế.

So với Nick Út, nghệ sĩ Đoàn Công Tính có một đời sống lặng lẽ hơn nhiều. Sau chiến tranh, anh giải ngũ, chuyển sang công tác tại một đơn vị ngành Văn hóa - Thông tin ở Tp HCM. Về hưu non ở tuổi 45, anh xoay sang đào ao nuôi cá, rồi chụp ảnh dạo ở công viên, đình chùa mỗi dịp lễ, Tết để kiếm sống. Thiếu kinh nghiệm kinh doanh, lại mang đậm phẩm chất người lính, không quen đua chen giành giật đời thường, làm gì cũng… lỗ, có khi cụt vốn, anh gần như tự quên bẵng đi mình từng là một tên tuổi lẫy lừng trong vai trò một phóng viên ảnh chiến trường. Đi qua chiến tranh, tác phẩm ảnh của anh đã giành được không ít vinh quang: giải thưởng Lớn, huy chương Vàng Tổ chức Quốc tế nhà báo - OIJ (tác phẩm "Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu"), giải thưởng A.C.C.U Nhật Bản (tác phẩm "Trên đường hành quân"), giải thưởng Ảnh châu Á Nhật Bản (2005), giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007)… Và chỉ với một bức "Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị" chụp vội giữa những loạt bom tại chiến trường Quảng Trị tháng 7 năm 1972, tên tuổi anh đã trở thành một phần trong huyền thoại của chiến dịch lịch sử 81 ngày đêm này.

Gần như trùng hợp, hai bức ảnh đều được chụp cách đây đúng 40 năm, chỉ chênh nhau khoảng một tháng. Nick Út bấm máy ngày 8-6-1972. Đoàn Công Tính ghi hình giữa tháng 7 cùng năm đó. Sau 40 năm, hai nhiếp ảnh gia, phóng viên chiến trường kỳ cựu đã có dịp hội ngộ tại quán cà phê yên tĩnh nằm ở số 62, đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh. Họ gặp nhau để ấp ủ một dự án thời bình: Cùng nhau mở một triển lãm ảnh và xuất bản chung một tập sách ảnh mang tên "Hội ngộ 40 năm", ghi lại những khoảnh khắc đủ mọi góc cạnh đời sống từ chiến tranh, hòa bình, xây dựng, đổi mới, phát triển…mà cả hai đã ghi nhận được trong suốt chặng thời gian già nửa một đời người.

Để có cuộc hội ngộ, Đoàn Công Tính đã thấp thỏm chờ đợi suốt nửa tháng. Nick Út thì hồ hởi cho biết anh phải từ chối hai lời mời tham dự triển lãm, một ở Bonn (CHLB Đức) và một ở Paris (Pháp) vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2012. "Đầu mùa hè, dân Tây đi chơi hết, mở triển lãm bên đó cũng chẳng có mấy người xem. Tôi tranh thủ về bàn lo dự án với anh Tính, có ý nghĩa hơn nhiều" - Nick Út bảo thế.

Theo kế hoạch, dự án của hai nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến dịch Thành cổ Quảng Trị. Có thể dự án sẽ mang tên "Chiến tranh và Hòa Bình". Tên gọi của dự án có thể còn thay đổi, thời điểm tổ chức chính xác cũng có thể còn xê xích, nhưng hai nghệ sĩ nhiếp ảnh đều tin chắc họ sẽ thành công. Bởi lẽ, đó là cái bắt tay của hai con người, hai nghệ sĩ từng ở hai đầu chiến tuyến, nhưng cùng chung nhau một giấc mơ hòa bình.

Bức ảnh "Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị" của Đoàn Công Tính (ảnh trái) và bức “Em bé Napan” của Nick Út.

Nick Út kể, anh sinh năm 1951, quê ở Long An, tên thật là Huỳnh Công Út. Đầu tháng 11/1963, còn nhỏ xíu, anh đã theo chân người anh ruột Huỳnh Thanh Mỹ sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn săn ảnh cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm cho hãng AP. Công việc của Út chỉ đơn giản là đeo giúp người anh mấy chiếc máy ảnh chưa dùng tới, nhưng cũng đủ đốt lên trong lòng những đam mê. Anh Mỹ khuyên Út nên gắng học, sau này xin làm phóng viên chiến trường, sẽ có cơ hội chứng kiến và ghi nhận được nhiều hình ảnh lịch sử.

Út chưa kịp lớn, người anh Huỳnh Thanh Mỹ đã thiệt mạng trong một chuyến săn tin với tư cách phóng viên hãng AP. Nằng nặc xin được nối tiếp vị trí và công việc còn dang dở của anh trai, Út đã khiến ban lãnh đạo phân xã AP tại Sài Gòn cảm động. Không muốn mang tiếng sử dụng trẻ con vào những công việc phức tạp và nguy hiểm, họ cho Út vào học việc trong bộ phận phòng tối. Út bảo: "Làm nhân viên kỹ thuật cho một hãng thông tấn lớn như AP, nếu chịu khó thì học được rất nhiều điều". Trung bình mỗi ngày, Út phải tự tay tráng khoảng 500 cuộn phim của phóng viên AP khắp nơi trong nước gửi về…

Từ đầu năm 1966, biến động Phật Giáo miền Trung, phong trào ly khai và âm mưu dấy loạn của Nguyễn Chánh Thi từ Đà Nẵng đã loang ra nhiều địa phương. Hãng AP không đủ phóng viên để rải đi săn tin khắp nơi. Thấy có cơ hội, Út xung phong được cầm máy ảnh. Có năng khiếu, những tác phẩm đầu tay của anh được hãng AP chấp nhận. Anh nghiễm nhiên trở thành phóng viên ảnh của hãng khi chưa đầy 16 tuổi.

Đầy xông xáo, Huỳnh Công Út thường xuyên có mặt ở những sự kiện nóng bỏng nhất: biểu tình, tự thiêu chống chiến tranh trên đường phố Sài Gòn; theo chân những cuộc hành quân của quân đội Sài Gòn lên Campuchia, tham gia ghi hình chiến dịch Hạ Lào (Lam Sơn 719), chiến dịch Khe Sanh… Riêng tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị, đã ba lần anh theo trực thăng của tiểu đoàn 11 nhảy dù tìm cách vào Thành cổ, cả ba lần quân đội Sài Gòn đều bị bộ đội giải phóng đánh bật trở ra, phóng viên chiến trường đi theo là Nick Út cũng không có cơ hội nào để bấm máy trên chiến trường tàn khốc này.

Với Đoàn Công Tính, mọi thứ thật ra cũng không dễ dàng gì. Sau chiến dịch Khe Sanh, anh đã từng kẹt lại bờ Bắc sông Thạch Hãn, đội bom pháo cả chục ngày mới thuyết phục được chỉ huy cho vào thành. Cuối cùng anh cũng được hai cô giao liên dẫn đường bơi qua sông Thạch Hãn trong đêm, dưới tiếng pháo rít, để trở thành nhà báo duy nhất có mặt tại chiến trường Thành cổ. Thêm một sự trùng hợp: Đoàn Công Tính sử dụng một chiếc máy ảnh Practika của Đông Đức, trong khi Nick Út chuẩn bị sẵn 4 máy ảnh, trong đó chủ lực là một chiếc Leika của Tây Đức nhưng không bao giờ có cơ hội sử dụng tại Thành cổ.

Khoảng 6h sáng, Đoàn công Tính đã bắt tay ngay vào việc. Dẫn đường cho anh là Lê Xuân Chinh, một chiến sĩ thông tin còn trẻ măng. Đó cũng chính là anh lính giải phóng - nhân vật chính trong bức ảnh "Nụ cười Thành cổ". Chỉ có một chút đổi khác. Theo yêu cầu của nhà nhiếp ảnh, Lê Xuân Chinh đã dựng khẩu AK ra nơi khác và nắm trong tay một khẩu B41 trước khi nở nụ cười nay đã thành huyền thoại. Tổng cộng, trong buổi sáng hôm ấy, Đoàn Công Tính đã chụp hết 8 cuộn phim đen trắng. Cũng chính nhờ bức ảnh "Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị" nên sau này, chiến sĩ Lê Xuân Chinh mới có cơ hội chứng minh được thành tích tham gia chiến trường để giải quyết chế độ.

Sau bức ảnh "Cô bé Napan", tên tuổi Nick Út trở nên lẫy lừng khắp thế giới. Vậy nhưng phải mãi đến tận năm 2000, anh mới có dịp được xem và sửng sốt xúc động trước những bức ảnh về chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, món nợ mà anh tự cột vào sự nghiệp của mình. Năm đó, Hiệp hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ mua của Đoàn Công Tính 40 bức ảnh, trong đó có những bức chụp tại chiến trường Quảng Trị với giá 1.000 USD. Ảnh của anh được in chung trong cuốn "Aanother Vietnamese" (Một Việt Nam khác). Nick Út quan tâm đến cuốn sách ảnh này, bởi trong đó có ghi nhận hình ảnh và hoạt động của một số nhà báo thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam, trong đó có người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ của anh. Bắt gặp ảnh Đoàn Công Tính, tay máy cự phách Nick Út đã choáng váng: quá đẹp, quá nhân văn, quá quý hiếm, máy quá đúng lúc…Chạm mặt món nợ nghề nhgiệp, anh nhận ra rằng, nếu truyền thông phương Tây sớm có được những bức ảnh ấy từ khi nó mới ra đời, hẳn tên tuổi người nghệ sĩ phía bên kia đã trở nên vang dội hơn nhiều chứ không chỉ là những giải thưởng cao nhất trong khối XHCN. Đúng như tên gọi của cuốn sách, Nick Út chợt nhận ra còn có "một Việt Nam khác" mà anh ngưỡng mộ, ao ước và luôn mong tìm kiếm.

Cầm theo vài bức ảnh, Nick Út về Việt Nam dò hỏi bạn bè về Đoàn Công Tính. Hóa ra, người nghệ sĩ đồng nghiệp cũng sinh sống tại Tp HCM, cũng từng nghe tên và ngưỡng mộ Nick Út. Chỉ sau vài cú điện thoại, họ đã ngồi cạnh nhau trong quán cà phê, hào hứng bàn luận về nghề chụp ảnh, săn tin trên chiến trường, ngỡ ngàng nhận ra suýt nữa từng chạm trán, đối đầu nhau trong chiến tranh. Nghệ thuật và hồi ức nhanh chóng biến họ thành tri kỷ.

Hơn 10 năm sau đó, họ thêm rất nhiều dịp gặp gỡ để chia sẻ với nhau những dự định về ảnh. Và cuối cùng, họ gặp nhau ở ý tưởng "40 năm hội ngộ".

Hiện tại, cả Đoàn Công Tính và Nick Út đều đề nghị chưa tiết lộ nhiều về dự án mà họ đang thực hiện...

Nguyễn Hồng Lam
.
.