Cuộc “hồi hương” của những đạo sắc phong
- Độc đáo bộ sách “Tổng tập sắc phong Việt Nam”
- Phát hiện sắc phong cổ cách đây gần 400 năm
- Hành trình châu về hợp phố của 2 bản sắc phong Vua ban tại Thanh Hóa
- Một xã lưu giữ 28 đạo sắc phong cổ
Sắc phong là văn bản danh nghĩa triều đình Trung ương phong cho người hoặc thần một danh hiệu nào đó. Trải qua thời gian, ngoài giá trị lịch sử, sắc phong đã trở thành "vật thiêng" của nhiều làng quê, hay nói cách khác, đã trở thành di sản văn hóa tinh thần của người Việt.
Tuy nhiên, điều đáng buồn, có không ít sắc phong bị mục nát, thất lạc hoặc bị kẻ gian lấy cắp. Thời gian qua công chúng chứng kiến nhiều người, nhiều nhóm có thiện tâm mua lại sắc phong và dâng trả về cho các địa phương bị mất...
Nhóm nhân sĩ Hà Đông trong một lần dâng trả sắc phong cho địa phương |
Cuối tháng 2 vừa qua, 16 đạo sắc phong được thờ phụng trong đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã "không cánh mà bay". Kẻ gian đã đột nhập lấy cắp 16 sắc phong bản gốc. Tương tự, cũng trên địa bàn xã Tân Khánh, tại đình làng Nhị Thôn, mặc dù các cụ cao niên đã cất giữ sắc phong trong thùng với 3 lớp khóa, nhưng kẻ gian vẫn đột nhập, bẻ khóa, lấy đi 10 đạo sắc phong. Sự việc sau đó được báo ngay cho công an. Công an xã Tân Khánh và Công an huyện Vụ Bản đã lập biên bản hiện trường, thu thập thông tin, truy tìm kẻ trộm sắc phong.
Lấy trộm đạo sắc phong không phải là chuyện mới xảy ra. Ngược dòng thời gian, nhiều vụ trộm sắc phong đã diễn ra. Đơn cử vào cuối tháng 7-2018, kẻ gian đã đột nhập vào Di tích văn hóa cấp quốc gia đền Hậu (xã Đông Kết - Khoái Châu - Hưng Yên) lấy đi 5 đạo sắc phong từ thời Nguyễn và hai bát hương cổ bằng gỗ.
Rồi ngày 9-8-2018, kẻ gian đột nhập vào trong cung Cấm của đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu - huyện Cát Hải - Hải Phòng) lấy đi một kiệu thờ Mẫu có niên đại trên 100 năm, một bức tượng cổ thờ mẫu Liễu Hạnh và sắc phong từ thời nhà Nguyễn... Trước hiện trạng làng quê bị "chảy máu" sắc phong, khiến cho di sản làng Việt cứ dần dần mai một, thời gian qua đã có những cá nhân, những nhóm nhân sĩ đứng ra mua lại sắc phong rồi lần tìm các địa chỉ ghi trên sắc phong để dâng trả về các làng.
Có thể kể tới trường hợp bà Hồ Hải Hà ở Thanh Hóa cùng nhóm Tâm Phát đã thực hiện nhiều cuộc đưa sắc phong "hồi hương". Mới đây, hôm 29-3, bà Hải Hà đưa thông tin lên Facebook tìm kiếm địa chỉ để dâng sắc phong về đúng địa chỉ. Bà Hà viết: "Kính nhờ anh chị em ai biết địa danh: Hà Nam, Duy Tiên huyện, Ninh Lão xã, Tú thôn xưa nay là thôn, xã nào của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xin chỉ giùm hoặc thông tin cho địa phương để sắc phong sớm hồi hương".
Bà Hà vẫn thường dùng mạng xã hội để nhờ cộng đồng mạng xác định địa danh, bởi sau hàng trăm năm, các địa danh hành chính đã có sự thay đổi. Tìm được đúng địa chỉ ghi trên sắc phong đã khó, nhưng khi tìm ra thì công việc vẫn còn dài. Vì còn phải tới tận nơi xác minh lại xem có chính xác không, xem ở đó có thờ đúng ông thần đang ghi tên trên sắc phong không, xem có đúng sắc phong ở đó bị mất không… Thời gian nhanh thì cũng dăm tháng, có khi mất cả năm trời.
Tương tự như vậy, nhóm Nhân sĩ Hà Đông gần đây đã thực hiện các cuộc trao trả sắc phong về các ngôi làng. Nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm 8 người: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung và doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.
Theo ông Trịnh Hữu Sỹ, từ năm 2015 đến nay, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã thu thập được hơn 200 đạo sắc phong. Các bản sắc phong này chủ yếu thuộc triều Nguyễn, một số thuộc thời Lê, xuất xứ từ nhiều huyện, quận thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội (gồm Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai), Hà Nam (Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản, Kim Bảng, Duy Tiên), Nam Định (Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương), Hải Phòng (Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương), Ninh Bình (Kim Sơn, Yên Mô), Bắc Ninh (Thuận Thành, Yên Phong), Hải Dương (Thanh Miện), Hưng Yên (Văn Giang, Tiên Lữ), Vĩnh Phúc (Yên Lãng), Thanh Hóa (Hậu Lộc, Hoằng Hóa), Thừa Thiên - Huế (Hương Trà). Các sắc phong có nội dung phong tặng thêm danh hiệu cho các vị thần được tôn thờ tại các địa phương, đồng thời giao cho các vị thần trách nhiệm chăm lo, bảo vệ dân lành.
Nhóm vẫn tiếp tục kêu gọi những người đang giữ đạo sắc phong trả lại, thậm chí các nhân sĩ góp tiền từ chục triệu tới hàng trăm triệu đồng mua lại những đạo sắc phong từ những nhà sưu tầm cổ vật để dâng tặng lại cho các địa phương.
Một số bản sắc phong được bà Hồ Hải Hà và nhóm Tâm Phát Thanh Hóa sưu tầm, lưu giữ. |
Tìm được sắc phong đang nằm trong các bộ sưu tập của giới chơi cổ vật đã khó, việc dịch sắc phong và tìm kiếm đúng địa chỉ để dâng tặng sắc phong về đúng nơi bị thất lạc cũng là câu chuyện mất nhiều thời gian. Nhóm đã nhờ TS. Trương Đức Quả ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh.
Vấn đề mà nhóm gặp phải cũng tương tự như nhóm của bà Hải Hà ở Thanh Hóa. Đó là theo nội dung địa danh, di tích ghi trong sắc phong, mọi người phải tra cứu vì nhiều tên đất, tên làng, xã hiện nay đã thay đổi. Có những nơi, sau mấy trăm năm, do thay đổi tên gọi hành chính, nhóm đã phải rất mất công mới có thể xác định được đúng nơi để trao tặng sắc phong.
Thời gian qua, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã tự thực hiện một số chuyến đi tìm và dâng trả lại được sắc phong cho một số địa phương, theo tinh thần bất vụ lợi. Quá trình sưu tầm, dịch và trao trả sắc phong niềm vui nhiều hơn, song nhóm Nhân sĩ Hà Đông vẫn có niềm day dứt. Đó là, việc sắc phong bị đánh cắp, ngay cả ban quản lý di tích, lãnh đạo địa phương cũng thờ ơ, không bảo vệ đúng mức di sản quý giá này.
Trước việc làm tốt đẹp của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, có những người tự nguyện cung tiến đạo sắc phong mà họ sưu tầm được hoặc đã bỏ tiền mua từ lâu và đang lưu giữ. Một số họa sĩ, nhà sưu tầm cổ vật, nhà nghiên cứu đã tin tưởng trao cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông dịch và trao trả lại cho các địa phương mà không đòi hỏi công sức, tiền bạc.
Khi đi sâu tìm hiểu câu chuyện dâng sắc phong về làng, có một vấn đề được các nhóm thiện tâm băn khoăn, đó là sự "cô đơn" trong việc làm của họ. Nhiều nơi chính quyền địa phương chưa hiểu hết giá trị của sắc phong gắn với làng quê mình nên không "mặn mà", dù các nhóm hoàn toàn dâng tặng lại miễn phí. Nhiều nơi, do khi mất sắc phong đã không báo, không công khai với người dân nên nay nếu nhận lại cũng chỉ muốn "nhận trong âm thầm" không tổ chức bất cứ nghi lễ gì. Chưa kể, sau nhiều hoạt động dâng trả lại sắc phong về làng, công việc này vẫn chỉ dừng lại ở các cá nhân, các nhóm tự phát, chưa thấy sự vào cuộc của ngành văn hóa.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nếu ngành văn hóa ở các địa phương lưu tâm đến việc này, đặc biệt là sự quan tâm, đồng hành của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thì hiệu quả của việc đưa sắc phong về làng nói riêng, và việc gìn giữ di sản làng Việt nói chung, sẽ lớn hơn rất nhiều…